Chùm ảnh: Khương Ninh các – ngôi chùa trong Tử Cấm Thành Huế

Vô hình chung, Khương Ninh các đã trở thành nơi dung hòa, kết hợp giữa Phật giáo và Thiên Tiên Thánh giáo, hai tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của hoàng gia triều Nguyễn và đại bộ phận người dân xứ Huế đương thời

Nằm trong khuôn viên Cung Diên Thọ ở phía Tây Tử Cấm Thành Huế, Khương Ninh các (có tên khác là Phước Thọ Am) là một ngôi chùa được vua Minh Mạng hạ lệnh xây dựng năm 1830 để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng trong hậu cung.

Công trình này là một tòa lầu hai tầng bằng gỗ, kiến trúc cân đối và xinh xắn, nằm trong một khuôn viên độc lập, được ngăn cách với bên ngoài bằng vòng tường khép kín.

Tầng dưới của Khương Ninh Các được dùng làm nơi ăn ở, sinh hoạt của các bà phi tần lớn tuổi đã quy y hoặc xuất gia tu Phật. Tầng trên chia làm hai phần làm nơi thờ từ, gồm phần trước và phần sau.

Phía trước được trần thiết lộng lẫy, có đầy đủ cờ phướn, khám thờ, tranh tượng, bài vị… với năm gian thờ.

Gian giữa thờ ba pho tượng Phật Tam Thế: Phật A Di Đà, Phật Thích Ca và Phật Di Lặc cùng các vị Bồ tát: Dược Sư, Văn Thù, Phổ Hiền… phía trên treo bức hoành phi “Khương Ninh các”.

Phía sau cũng có 5 gian thờ, gian giữa thờ tranh và bài vị của Thành mẫu Thiên Y A Na, phía trên treo bức hoành phi “Phước Thọ am”. Ðặc biệt, ở đây còn thờ hai tượng tổ sư của nghề hát bội

Sân trước Khương Ninh Các lát gạch Bát Tràng, xây bể cạn, đắp non bộ và trồng cây cảnh.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chức năng của Khương Ninh Các khá đặc biệt: vừa là nơi thờ cúng (tầng trên), vừa là nơi sinh sống (tầng dưới); vừa là nơi thờ Phật (Phật giáo), vừa là nơi thờ Thánh (Thiên Tiên Thánh giáo), thờ cả vong linh người trong hoàng tộc triều Nguyễn hay tổ sư nghề hát bội.

Vô hình chung, công trình này đã trở thành nơi dung hòa, kết hợp giữa Phật giáo và Thiên Tiên Thánh giáo, hai tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của hoàng gia triều Nguyễn và đại bộ phận người dân xứ Huế đương thời

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , , ,