Chùm ảnh: Khám phá lầu Tứ Phương Vô Sự của Hoàng thành Huế

Mang giá trị cao về lịch sử và văn hóa nghệ thuật của Cố đô Huế, lầu Tứ Phương Vô Sự đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp trong lịch sử kiến trúc Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

Nằm trên đài Bắc Khuyết của Hoàng thành Huế, lầu Tứ Phương Vô Sự là một công trình kiến trúc độc đáo của Cố đô Huế.

Tiền thân của lầu là một ngôi đình mang tên Tứ Thông, dựng vào năm 1804 đời vua Gia Long, được dùng làm điếm canh của cấm quân ứng trực, bảo vệ Hoàng thành. Ngôi đình này bị triệt giải đời vua Đồng Khánh vì xuống cấp.

Trên nền đình Từ Thông, vào năm 1923, vua Khải Định cho xây lầu Tứ Phương Vô Sự để chuẩn bị cho lễ mừng thọ “Tứ tuần đại khánh tiết” của mình vào năm 1924. Cái tên Tứ Phương Vô Sự nghĩa là bốn phương yên ổn, thể hiện khát vọng hòa bình, dù chủ quyền triều đại khi đó không còn.

Sau đó, lầu Tứ Phương Vô Sự trở thành nơi cho nhà vua và hoàng tộc hóng mát, cũng là nơi học tập hàng ngày của các vị hoàng tử và công chúa giai đoạn cuối triều Nguyễn.

Hai lối lên lầu Tứ Phương Vô Sự nằm hai bên Đài Bắc Khuyết, sát mặt trong tường thành.

Tòa lầu này được xây hoàn toàn bằng gạch và xi măng, kĩ thuật xây dựng đều mang phong cách châu Âu, khác với lối xây dựng truyền thống của các công trình xây trước đó trong Hoàng thành Huế.

Lầu có hai tầng với diện tích 182m², mang phong cách kiến trúc thuộc địa, giao thoa kiến trúc Á – Âu. Mặt bằng công trình gần như hình vuông, kích thước 14m x 13m.

Bốn mặt của hai tầng lầu Tứ Phương Vô Sự đều mở hai cửa sổ và một cửa đi.

Tầng dưới tòa lầu có hàng hiên xung quanh.

Tầng trên được bao quanh bởi ban công với lan can bằng gỗ.

Mái và họa tiết lầu Tứ Phương Vô Sự được trang trí những họa tiết đậm nét kiến trúc thời Nguyễn với hình mặt trời và hai con rồng chầu hai bên theo kiểu hồi long.

Bốn bờ quyết đắp nổi hình rồng.

Hai bên Đông và Tây của lầu đều có sân vườn rộng rãi, trồng nhiều cây cối.

Mang giá trị cao về lịch sử và văn hóa nghệ thuật của Cố đô Huế, lầu Tứ Phương Vô Sự là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp trong lịch sử kiến trúc Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

Sau khi nhà Nguyễn kết thúc năm 1945, lầu bị hư hỏng nặng nề và xuống cấp nghiêm trọng.do chịu tác động khắc nghiệt của thiên nhiên và hai cuộc chiến tranh tàn phá ác liệt, đặc biệt là sự kiện Tết Mậu Thân 1968.

Tháng 12/2008, dự án trùng tu lầu Tứ Phương Vô Sự được khởi công và khánh thành vào tháng 10/2010. Đến tháng 5/2011, tòa lầu trở thành quán cà phê, theo một hình thức bảo tồn di tích thích nghi mà Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chủ trương,

Đến tháng 7/2014, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đưa “Không gian diễn xướng Tứ Phương Vô Sự – Đại Nội Huế” vào hoạt động, với một sân khẩu nhỏ được dựng trên tầng hai lầu Tứ Phương Vô Sự.

Khung cảnh nhìn từ trên lầu Tứ Phương Vô Sự vào trong Hoàng thành.

Từ lầu Tứ Phương Vô Sự nhìn ra bên ngoài thành.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , ,