Chùm ảnh: Đình Ngự Triều Di Quy và ‘thi hài’ không đầu của nàng Mỵ Châu

Đình Ngự Triều Di Quy được xây dựng năm 1907 trên nền điện thiết triều cũ của kinh thành Cổ Loa xưa. Chung khuôn viên với đình có một ngôi chùa và một ngôi đền, đó là chùa bảo Sơn và đền thờ Mỵ Châu.

Nằm ở trung tâm quần thể di tích thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), đình Ngự Triều Di Quy (còn gọi là đình Cổ Loa) là ngôi đình cổ mang những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc đặc sắc của Việt Nam.

Đình được xây vào năm 1907, dưới thời nhà Nguyễn, tại vị trí được cho là nền điện thiết triều cũ của kinh thành Cổ Loa xưa. Vì vậy mà ngôi đình mang tên gọi Ngự Triều Di Quy.

Đình có bố cục mặt bằng nền hình chữ “Đinh”, gồm đại đình và hậu cung, nằm trong một khuôn viên rộng rãi.

Đại đình gồm năm gian, hai chái, mái lợp ngói mũi hài, với bốn góc đao cong vút.

Công trình có kết cấu khung gỗ theo kiểu đình chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam.

Tòa đình được chống đỡ bằng 6 hàng chân cột, các bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu “giá chiêng, chồng rường” với quy mô bề thế.

Hình tượng rồng được chạm khắc tinh xảo trên bộ vì nóc, tuổi đời đã hơn 100 năm.

Hậu cung nối liền với đại đình qua bộ cửa bức bàn.

Trung tâm của hậu cung là ban thờ vua An Dương Vương và tướng Cao Lỗ.

Ngày nay, trong đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu.

Nổi bật trong đó là bức đại hoành phi được chạm khắc tinh xảo, thiếp vàng rực rỡ, chính giữa có bốn chữ Ngự Triều Di Quy.

Cận cảnh hình tượng rồng trên bức đại hoành phi của đình Ngự Triều Di Quy.

Nằm ở phía bên phải đình Ngự Triều Di Quy có am Mỵ Châu (còn gọi là am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu) tọa lạc trên khu vực rộng gần 1.000m2.

Am có mặt bằng kiến trúc được bố cục theo dạng “tiền Nhất, hậu Đinh”, gồm các tòa tiền tế, trung đường và hậu cung.

Hậu cung là nơi đặt một phiến đá tự nhiên có hình người không đầu, theo truyền thuyết là di thể của nàng Mỵ Châu sau khi bị vua cha chém đầu.

Phía sau đình Ngự Triều Di Quy có chùa Bảo Sơn, còn gọi là chùa Cổ Loa. Chùa được khởi dựng vào khoảng đầu thế kỷ 17, bố cục mặt bằng nền theo dạng “nội Công, ngoại Quốc”. Các hàng mục chính gồm: Tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hậu cung, gác chuông, tháp mộ, nhà Tổ…

Trong chùa Bảo Sơn còn lưu giữ được 132 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc.

Hàng tượng La Hán trong dãy hành lang chùa Bảo Sơn.

Ngày nay, đình Ngự Triều Di Quy, am Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn là những công trình có giá trị nổi bật trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , ,