Chùm ảnh: Cửu vị thần công – biểu tượng sức mạnh của triều Nguyễn

Dù là súng nhưng Cửu vị thần công chưa bao giờ được dùng trong trận mạc mà chỉ mang ý nghĩa tượng trưng như những vị thần bảo vệ kinh thành. Tất cả chín khẩu đều được phong “Thần Oai vô địch thượng tướng quân”.

Cửu vị thần công (9 khẩu thần công) ở Huế là một trong những hiện vật lịch sử quý giá và độc đáo nhất của nhà Nguyễn còn được lưu giữ đến ngày nay.

Các khẩu thần công này được xếp thành hai nhóm, nhóm thứ nhất gồm 4 khẩu Xuân – Hạ – Thu – Đông, đặt sau cửa Thể Nhơn của Kinh thành, nhóm thứ hai gồm 5 khẩu Kim – Mộc – Thuỷ – Hỏa – Thổ, đặt sau cửa Quảng Đức. Xưa kia các cỗ súng này được đặt trước cửa Ngọ Môn, đến đời vua Khải Định thì được dời ra tại vị trí như ngày nay.

Tương truyền, sau khi lên ngôi, vua Gia Long cho các nghệ nhân tập trung tất cả các binh khí và vật dụng bằng đồng để đúc thành 9 khẩu thần công làm vật chứng cho chiến thắng trước quân Tây Sơn. Việc đúc súng bắt đầu từ năm 1803 và hoàn thành vào năm 1804.

Mỗi khẩu trong Cửu vị thần công dài 5,1 m và nặng khoảng 17.000 cân (10 tấn).

Thân súng được chạm trổ hoa văn cực kỳ công phu và tỉ mỉ.

Ngoài hoa văn, trên súng còn khắc danh hiệu, vị thứ, trọng lượng, cách dùng súng, bài ký về việc tranh chấp với Tây Sơn cùng việc thu đồng đúc súng.

Tất cả chín khẩu đều được phong “Thần Oai vô địch thượng tướng quân”. Phong vị và nội dung bài sắc phong đều được khắc trực tiếp trên thân thần công.

Tên từng khẩu thần công được khắc ở phần đuôi. Trong ảnh là khẩu thần công tên “Thổ” trong cụm 5 khẩu Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Bệ súng bằng gỗ quý cũng được chạm trổ hình rồng rất kỳ công.

Dù được gọi là súng nhưng Cửu vị thần công chưa bao giờ được dùng trong trận mạc mà chỉ mang ý nghĩa tượng trưng như những vị thần linh bảo vệ kinh thành.

Dưới triều Nguyễn, thường có quan quân canh gác 9 khẩu thần công này thường xuyên và vua thường tổ chức các lễ cúng tế rất lớn. Kể từ năm 1886, việc cúng tế bị bãi bỏ, nhưng lính bảo vệ vẫn thường tự mình cúng tế Cửu vị thần công.

Bên cạnh giá trị lịch sử, ngày nay Cửu vị thần công còn được đánh giá là một kiệt tác của nghệ thuật chế tác đồ đồng thời nhà Nguyễn. Năm 2012, Cửu vị thần công được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam.

Có một câu chuyện đặc sắc về Cửu Vị Thần Công được sử nhà Nguyễn ghi lại như sau: Vua Tự Đức một hôm định đưa Cửu Vị Thần Công ra chiến trường. Quan quân đã cột ngựa rất mạnh để kéo, nhưng súng không hề nhúc nhích. Vua nổi giận viết bức thư với lời lẽ kiên quyết, cho quan triều đem đọc trước súng Thần Công: “Nếu Ngài không chịu tham chiến thì đích thân Trẫm sẽ đến phạt trượng và Ngài sẽ mất hết chức tước”.

Kỳ lạ thay, sau khi tuyên đọc thư Hoàng Thượng, tự nhiên ngựa kéo súng rất nhẹ nhàng. Người ta đồn rằng những lời lẽ của vua đã chạm được đến Thần súng, khiến Ngài chấp thuận yêu cầu phục vụ cho đất nước.

Có ý kiến cho rằng đây chỉ là một giai thoại mà các sử gia thời Tự Đức dựng lên để tô vẽ cho ông vua cùa mình, vì trên thực tế Cửu Vị Thần Công chưa một lần tham chiến mà chỉ ở Kinh thành Huế từ khi được đúc cho đến bây giờ.

Có lẽ giai thoại trên bắt nguồn từ một thực tế là dưới triều Tự Đức cũng có đúc 9 khẩu súng thần công khác giống với Cửu Vị Thần Công nhưng nhỏ hơn chút ít, đặt ở bên phải Ngọ Môn, đối xứng với Cửu Vị Thần Công ở bên trái từ thời Gia Long.

9 khẩu thần công của vua Tự Đức đã được điều vào tham chiến ở Gia Định (Sài Gòn), Sơn Trà (Đà Nẵng), Thuận An (Huế). Sau những thăng trầm của lịch sử, không còn ai biết số phận của 9 khẩu súng lớn này ra sao…

.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , ,