Chùm ảnh: Các loài vật ‘Sách Đỏ’ xuất hiện trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn

Quá một nửa các loài vật được khắc hình trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn ngày nay là loài đã Tuyệt chủng, Nguy cấp, hoặc Sẽ nguy cấp… đối chiếu theo Sách Đỏ Việt Nam. Đây là lời cảnh tỉnh hậu thế về trách nhiệm bảo tồn di sản thiên nhiên mà cha ông để lại.

Trên Cao đỉnh, chiếc đỉnh đầu tiên của Cửu Đỉnh nhà Nguyễn có hình tượng “Trĩ”, nghĩa là chim trĩ, các loài chim họ hàng với gà. Trong Sách Đỏ Việt Nam, nhiều loài chim trĩ được xếp vào hạng Nguy cấp, như trĩ đỏ, gà lôi lam đuôi trắng, gà lôi lam mào trắng…

Một loài vật “Sách Đỏ” khác xuất hiện trên Cao đỉnh là hổ, loài lớn nhất họ Mèo. Trong sách đó Việt Nam, chúng được xếp vào hạng Rất nguy cấp. Ngày nay loài hổ gần như đã biến mất trong môi trường hoang dã ở Việt Nam.

Trên Cao đỉnh cón có hình tượng “Miết”, nghĩa là con ba ba, một nhóm loài rùa mai mềm cỡ nhỏ và vừa. Trong Sách Đỏ Việt Nam, hai loài ba ba Nam Bộ và ba ba gai được xếp vào hạng Sẽ nguy cấp. Ngoài thiên nhiên, các loài ba ba là đối tượng khai thác để làm thực phẩm.

Nhân đỉnh, chiếc đỉnh thứ hai trong Cửu Đỉnh có hình tượng “Khổng tước”, nghĩa là chim công. Trong Sách Đỏ Việt Nam, chim công nằm trong diện Nguy cấp. Số lượng của chúng đã giảm mạnh trong thiên nhiên do bị săn bắn bừa bãi và mất môi trường sống.

Hình tượng “Nhân ngư” trên Nhân đỉnh chỉ các loài “cá ông” như cá voi, cá heo… được coi loài vật thiêng phù trợ người đi biển theo quan niệm dân gian. Trong Sách Đỏ, một số loài cá ông được xếp vào nhóm Nguy cấp hoặc Sẽ nguy cấp như cá nhám voi, cá heo mõm dài, cá heo bụng trắng…

Nếu Cao đỉnh có hổ thì Nhân đỉnh có báo. Trong Sách Đỏ Việt Nam, loài báo hoa mai được xếp vào diện Rất nguy cấp. Do bị săn bắt quá mức và mất rừng nên số lượng của chúng còn rất ít, có nguy cơ tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo vệ tích cực.

Con vật cuối cùng trên Nhân đỉnh là “Đại mạo” nghĩa là con đồi mồi, một loài rùa biển. Trong Sách Đỏ Việt Nam, loạt vật này thuộc diện Nguy cấp. Những năm 1990, đồi mồi đã gần như bị tận diệt do nghề thủ công sử dụng mai, vảy của chúng làm đồ mỹ nghệ bán cho khách du lịch.

Chương đỉnh là chiếc đỉnh thứ ba của Cửu đỉnh. Trên chiếc đỉnh này có hình tượng “Ngạc ngư”, là con cá sấu. Trong Sách Đỏ Việt Nam, cá sấu hoa cà thuộc diện Tuyệt chủng ngoài thiên nhiên, cá sấu Xiêm thuộc diện Rất nguy cấp.

Loài vật Sách Đỏ tiếp theo trên Chương đỉnh là “Tê”, nghĩa là con tê giác. Trong Sách Đỏ Việt Nam, cả hai loài tê giác một sừng và hai sừng đều thuộc diện Tuyệt chủng, trong đó sự tuyệt chủng của tê giác một sừng mới được xác nhận vào năm 2010.

Anh đỉnh, chiếc đỉnh thứ tư của Cửu Đỉnh nhà Nguyễn, có hình tượng “Khôi hạc” nghĩa là chim hạc. Trong Sách Đỏ Việt Nam, loài hạc cổ trắng được xếp vào hạng Sẽ nguy cấp, hạc cổ đen thuộc diện Thiếu dẫn liệu.

Đại diện của bò sát xuất hiện trên Anh đỉnh là “Nhiêm xà” – con trăn. Trong Sách Đỏ Việt Nam, các loài trăm đất và trăn gấm được xếp vào diện Rất nguy cấp. Các loài này bị săn bắt với cường độ cao trong tự nhiên để lấy thịt và da.

Nghị đỉnh, chiếc đỉnh thứ 5 trong Cửu Đỉnh có hình tượng “Tượng” – con voi. Trong Sách Đỏ Việt Nam, voi là loài Rất nguy cấp. Theo số liệu năm 2020 của TT Con người và Thiên nhiên (PanNature), số lượng voi hoang dã ở Việt Nam chỉ còn 124 đến 148 con, nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Thuần đỉnh, chiếc đỉnh thứ 6 trong Cửu Đỉnh có hình tượng “Ly ngưu”, nghĩa là con bò tót. Trong Sách Đỏ Việt Nam, bò tót là loài Nguy cấp. Số lượng bò tót ở Việt Nam còn khoảng vài trăm con. Chúng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như săn trộm, xung đột với con người, dịch bệnh…

Tuyên đỉnh, chiếc đỉnh số 7 trong Cửu đỉnh có hình tượng “Hậu ngư”, tức là con sam, loài giáp xác sống ở ven biển. trong Sách Đỏ Việt Nam, loài sam đuôi tam giác được xếp vào hạng Sẽ nguy cấp. Trong tự nhiên, chúng bị đánh bắt như một loại hải sản giá trị.

Trên Tuyên đỉnh còn có hình tượng “Ngoan” – tức con vích, loài rùa biển cỡ nhỏ. Trong Sách Đỏ Việt Nam, loài vích được xếp vào diện Nguy cấp. Số lượng của chúng giảm mạnh trong những năm gần đây do nạn đánh bắt bừa bãi và môi trường ô nhiễm.

Huyền đỉnh là chiếc đình cuối cùng trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn. Chiếc đỉnh này có hình tượng “Thốc thu”, nghĩa là chim già đẫy. Trong Sách Đỏ Việt Nam, loài già đẫy Java được xếp vào diện Sẽ nguy cấp.

Hình tượng động vật tiếp theo trên Huyền đỉnh là “Quế đố” – con cà cuống, loài côn trùng lớn sống dưới nước. Trong Sách Đỏ Việt Nam, cà cuống là loài Sẽ nguy cấp. Nguy cơ lớn nhất với loài này là tình trạng sử dụng hoá chất không kiểm soát trong sản xuất nông nghiệp.

Hình tượng “Mãng xà” trên Huyền đỉnh thể hiện loài rắn lớn nhất, vua của các loài rắn theo quan niệm dân gian. Trên góc nhìn khoa học thì đây chính là loài rắn hổ mang chúa. Trong Sách Đỏ Việt Nam, hổ mang chúa đã rơi vào tình trạng Rất nguy cấp.

Con vật cuối cùng trên Huyền đỉnh là “Sơn mã”, nghĩa là con mang, loài vật giống hươu nhưng nhỏ hơn. Trong Sách Đỏ Việt Nam, loài mang lớn thuộc diện Rất nguy cấp, mang Trường Sơn là loài Thiếu dẫn liệu. Trong hai loài này, mang lớn có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , , ,