Chủ nghĩa trọng thương trong kinh tế chính trị quốc tế

Ngày nay, bất chấp làn sóng toàn cầu hóa và sự mở rộng tự do thương mại trên phạm vi toàn cầu, chủ nghĩa trọng thương vẫn không hề biến mất.

Chủ nghĩa trọng thương trong kinh tế chính trị quốc tế

Tác giả: Nguyễn Thị Tâm

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

Chủ nghĩa trọng thương (mercantilism) thường được xem như là một trong ba cách tiếp cận lý thuyết chính của chuyên ngành kinh tế chính trị quốc tế.

Cách tiếp cận đầu tiên là chủ nghĩa tự do, vốn là cách tiếp cận ủng hộ cho tự do thương mại và việc nhà nước hạn chế can thiệp đến mức tối đa vào nền kinh tế quốc nội và quốc tế. Cách tiếp cận thứ hai cố gắng tìm hiểu hoạt động của hệ thống tư bản toàn cầu nhằm chứng minh bản chất mang tính bóc lột tự nhiên của hệ thống này. Cách tiếp cận này thể hiện dưới những tên gọi lý thuyết khác nhau, tuy nhiên tất cả đều kế thừa từ chủ nghĩa Marx. Tiêu biểu trong số đó là lý thuyết hệ thống thế giới (world system theory), với đại diện nổi bật nhất là Immanuel Wallerstein.

Cách tiếp cận thứ ba là chủ nghĩa trọng thương, đôi khi được nhắc đến bằng tên gọi chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Chủ nghĩa trọng thương ra đời sớm nhất trong ba loại tiếp cận trên và là học thuyết kinh tế thống trị ở các nước Châu Âu từ thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 17, khi hệ thống các quốc gia-dân tộc hiện đại bắt đầu hình thành ở đây. Kể từ đó, lý thuyết trọng thương đã trải qua nhiều loại hình thể hiện khác nhau và tiếp tục là một học thuyết kinh tế quan trọng trong kinh tế chính trị quốc tế và có tác động lớn đến việc hoạch định chính sách của nhiều quốc gia.

Suy cho cùng, chủ nghĩa trọng thương tin rằng nhà nước cần phải quản lý điều hành nền kinh tế nhằm đạt được lợi ích quốc gia, được thể hiện qua sự giàu có, quyền lực, và danh tiếng. Chủ nghĩa trọng thương không quan tâm đến việc cải thiện cuộc sống của con người hay thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong hệ thống thế giới. Mục tiêu hàng đầu của cách tiếp cận này là tối đa hóa an ninh quốc gia và quyền lực, đồng thời xem hoạt động kinh tế như là một phương tiện để đạt được những mục đích này.

Nhằm tăng cường quyền lực và nầng cao sức mạnh quốc gia thông qua hoạt động kinh tế, các quốc gia theo chủ nghĩa trọng thương thường theo đuổi hai chính sách chủ chốt. Thứ nhất, các quốc gia này định hướng nền kinh tế nội địa để tạo ra thặng dư thương mại. Nói cách khác, mục tiêu của họ là tăng cường xuất khẩu trong khi hạn chế nhập khẩu. Điều này dẫn tới các chính sách mang tính chất bảo hộ nền kinh tế trong nước chủ yếu thông qua hàng rào thuế quan. Khoản thặng dư thương mại thu được có thể giúp các quốc gia này nâng cao sức mạnh bằng cách xây dựng quân đội, mua sắm vũ khí…, qua đó củng cố an ninh quốc gia và nâng cao vị thế quốc tế.

Thứ hai, họ sẽ định hướng các nghành công nghiệp theo hướng sản xuất các hàng hóa có giá trị thặng dư cao từ những nguyên liệu thô được nhập khẩu với giá rẻ. Vì vậy, các nước theo chính sách trọng thương thường có xu hướng không khuyến khích sản xuất nông nghiệp mà quan tâm hơn đến sản xuất công nghiệp, áp đặt những khoản thuế cao đối với những hàng hóa được nhập khẩu, và cung cấp những khoản trợ cấp cho các ngành công nghiệp trong nước. Các nước này cũng thường theo đuổi những chính sách làm lợi cho quốc gia mình nhưng lại gây hại cho quốc gia khác. Vì vậy, có thể nói các quốc gia theo chủ nghĩa trọng thương nhìn chung là những quốc gia có mức độ can thiệp sâu vào nền kinh tế.

Trên lý thuyết, cũng gần như trong thực tế, chủ nghĩa trọng thương bắt đầu bị giảm vai trò từ cuối thế kỷ thứ 18. Một lý do là sự xuất bản tác phẩm kinh điển Sự giàu có của Quốc gia (Wealth of Nations) của Adam Smith (1776). Tư tưởng tự do kinh tế mà Adam Smith ủng hộ đã dẫn tới những lập luận cho rằng chủ nghĩa trọng thương là sai lầm. Trong những chỉ trích đối với chủ nghĩa trọng thương, Smith cho rằng việc một quốc gia cố gắng sản xuất một sản phẩm vốn có thể được sản xuất một cách rẻ hơn ở các nước khác là một hành vi không năng suất. Lập luận này trở thành cơ sở cho lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo, nền tảng về lý thuyết cho chính sách tự do thương mại.

Ngày nay, bất chấp làn sóng toàn cầu hóavà sự mở rộng tự do thương mại trên phạm vi toàn cầu, chủ nghĩa trọng thương vẫn không hề biến mất. Khi các quy định về tự do thương mại buộc các quốc gia phải hạ bớt hoặc phá bỏ hàng rào thuế quan, những biện pháp bảo hộ của chủ nghĩa trọng thương cổ điển, các quốc gia quay sang áp dụng các chính sách được gọi là “chủ nghĩa trọng thương mới”. Theo đó, nhằm hạn chế nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu, thay vì áp dụng các biện pháp thuế quan, các quốc gia áp dụng các biện pháp mới như hạn ngạch nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu, hay hàng rào kỹ thuật. Chính vì vậy, có thể nói những chính sách mang tính bảo hộ của chủ nghĩa trọng thương vẫn tiếp tục tồn tại và là một phần không thể thiếu trong chính sách kinh tế của nhiều quốc gia ngày nay.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: ,