Chủ nghĩa dân tộc và vấn đề quan hệ giữa các dân tộc thời hiện đại

Ở một góc độ nào đó, chủ nghĩa dân tộc trước hết là một hiện tượng văn hóa – xã hội, mà trong nhiều trường hợp, nó được thể hiện với tư cách vỏ bọc đặc biệt để che đậy những lợi ích và động cơ.

Chủ nghĩa dân tộc và vấn đề quan hệ giữa các dân tộc trong thế giới hiện đại

Tác giả: Trịnh Minh Thái, Thạc sĩ, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia hà Nội.

Tạp chí Triết học, số 8 (219), tháng 8/2009.

Thế kỷ 20 không chỉ được gọi là thế kỷ của hệ tư tưởng, mà còn là thế kỷ của chủ nghĩa dân tộc. Trên thực tế, ngay sau khi ra đời ở thế kỷ 19, chủ nghĩa dân tộc đã trở thành ngọn cờ của các lực lượng, các phong trào chính trị – xã hội, đóng vai trò không nhỏ đến định hướng phát triển cơ bản của đa số các quốc gia, các dân tộc trên thế giới trong thế kỷ 20. Như chúng ta đều biết, những sự kiện và quá trình dẫn đến chiến tranh thế giới thứ nhất chủ yếu diễn ra dưới chiêu bài của chủ nghĩa dân tộc. Và, kết quả của nó là, các “nhà nước dân tộc” (hay chính xác phải gọi là “nhà nước sắc tộc”) mới đã hình thành. Thực tế đó đã khẳng định tính thời sự và sự tác động mạnh mẽ của tư tưởng và nguyên tắc dân tộc tự quyết ở một chừng mực nhất định.

Về “chủ nghĩa dân tộc,” có thể nói, cho đến nay đã có khá nhiều cách hiểu khác nhau. Theo Từ điển Bách khoa của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam (2005), chủ nghĩa dân tộc là “hệ tư tưởng chính trị và biểu hiện tâm lý đòi hỏi quyền lợi độc lập, tự chủ và phát triển của cộng đồng quốc gia dân tộc”. Chủ nghĩa dân tộc hình thành và phát triển gắn liền với quá trình đấu tranh để xây dựng và bảo vệ cộng đồng quốc gia dân tộc. Tuỳ tình hình, đặc điểm dân tộc, giai cấp và lịch sử của từng dân tộc, Chủ nghĩa dân tộc mang dấu ấn dân tộc và giai cấp khác nhau. Có Chủ nghĩa dân tộc truyền thống thể hiện lòng yêu nước lâu đời của một dân tộc, có Chủ nghĩa dân tộc tư sản, có Chủ nghĩa dân tộc Xô Viết, có Chủ nghĩa dân tộc sôvanh nước lớn, có Chủ nghĩa dân tộc cách mạng, v.v..

Theo GS. Phan Huy Lê, ở phương Tây, chủ nghĩa dân tộc là sản phẩm tinh thần của quá trình hình thành và phát triển của dân tộc tư sản. Chủ nghĩa dân tộc đã từng giữ vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến, thống nhất quốc gia, dân tộc, giải phóng con người khỏi những quan hệ lệ thuộc phong kiến, xây dựng xã hội dân sự và phát triển văn hoá dân tộc. Tại các nước thuộc địa và lệ thuộc ở châu Á, châu Phi, châu Mĩ Latinh, trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc, chủ nghĩa dân tộc cũng nẩy sinh và phát triển, giữ vai trò động lực trong phong trào giải phóng dân tộc. Tại Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc cũng từng phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Nội dung cơ bản của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước truyền thống được nâng cao trên cơ sở kết hợp với những nhân tố mới của thời đại, trong bối cảnh và yêu cầu chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã từng nêu cao chủ nghĩa dân tộc như một “động lực lớn của đất nước”(1).

Các học giả phương Tây cũng đã đưa ra khá nhiều cách hiểu về chủ nghĩa dân tộc. Có người cho rằng, nói đến chủ nghĩa dân tộc là nói đến một hệ tư tưởng, một tình cảm, một hình thức văn hóa, hoặc một phong trào tập trung vàò quốc gia hay dân tộc(2). Nhà nghiên cứu hiện đại nổi tiếng người Anh – E.Hobsbaum, người đã có đóng góp quan trọng trong việc vạch ra bản chất, vai trò tích cực cũng như tiêu cực của hiện tượng này, cũng đã khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc đòi hỏi phải có một niềm tin rất vững chắc vào cái rõ ràng không phù hợp với hiện thực”(3). Nhà nghiên cứu người Anh – W.Bagehot ở thế kỷ 19 đã từng nhận xét: “Chúng ta biết chủ nghĩa dân tộc là gì khi người ta chưa hỏi chúng ta về nó, nhưng chúng ta không thể giải thích hay xác định rõ nó là cái gì”(4).

Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, khoảng cuối thế kỷ 20 – đầu thế kỷ 21, sự hình thành các tư tưởng “dân tộc tự quyết” và nhiều “nhà nước dân tộc mới” đã đánh dấu sự bùng nổ mới của chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc đã và đang tiếp tục được sử dụng để luận chứng cho nhà nước dân tộc về mặt tư tưởng chính trị, ít nhất là trong vòng 200 năm gần đây. Chính vì thế, nhiều người đã coi chủ nghĩa dân tộc là một hệ tư tưởng. Vấn đề đặt ra là, liệu có sự đồng nhất hay không giữa chủ nghĩa dân tộc và hệ tư tưởng? Trên thực tế, chủ nghĩa dân tộc và hệ tư tưởng có liên hệ mật thiết với nhau, bổ sung và kích thích lẫn nhau. Không phải ngẫu nhiên mà chúng dường như đã đồng thời xuất hiện và được sử dụng để luận chứng cho lợi ích và khát vọng của đẳng cấp thứ ba (hay còn gọi là giai cấp tư sản đang vươn lên) và thể hiện ra là những cái có cùng một bản chất, xét từ góc độ “nhà nước sắc tộc” đang hình thành, hay ít nhất là ở giai đoạn ban đầu của nó.

Ở một góc độ nào đó, chủ nghĩa dân tộc trước hết là một hiện tượng văn hóa – xã hội, mà trong nhiều trường hợp, nó được thể hiện với tư cách vỏ bọc đặc biệt để che đậy những lợi ích và động cơ (thí dụ như khát vọng tham gia vào việc phân chia các nguồn của cải vật chất, tranh giành quyền lực và quyền uy, khắc phục mặc cảm về tâm lý, tư tưởng, v.v.). Chủ nghĩa dân tộc, một mặt, tích hợp trong mình những thần thoại và biểu tượng truyền thống ; mặt khác, lại lạm dụng chúng để bảo vệ và luận chứng cho những hiện tượng mới thông qua “nhà nước sắc tộc”. Sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thể hiện ở chỗ, nó hợp nhất một cách hữu cơ những ràng buộc về mặt văn hóa – xã hội của cá nhân con người với nhà nước có khả năng hành động nhằm bảo vệ và duy trì tính nhất thể văn hóa tộc người của nhân dân.

Một vấn đề khác là, cả chủ nghĩa dân tộc lẫn hệ tư tưởng đều mang tính phổ biến và bắt đầu được sử dụng để biểu thị những hiện tượng đa dạng ở thế kỷ 20. Xuất hiện ở thế kỷ 20, các khái niệm “chủ nghĩa dân tộc tư sản”, “chủ nghĩa dân tộc tự do”, “chủ nghĩa dân tộc tiểu tư sản”, “chủ nghĩa dân tộc sôvanh”, “chủ nghĩa quốc xã”, v.v. đã được sử dụng với tư cách các kết cấu tư tưởng hệ để biện minh và tạo cơ sở cho cương lĩnh chính trị của các lực lượng chính trị – xã hội khác nhau.

Chính vì lẽ đó, các cuộc tranh luận về chủ nghĩa dân tộc và hệ tư tưởng không những không chấm dứt, mà còn ngày càng trở nên gay gắt. Các cuộc tranh luận đó tập trung chủ yếu vào các vấn đề, như chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng dân tộc là gì? Chúng xuất hiện khi nào? Chúng đóng vai trò tích cực hay tiêu cực trong tiến trình lịch sử xã hội? Vai trò của chúng trong thế giới hiện đại và thế giới tương lai là gì? Cái gì – dân tộc hay nhà nước – mang tính thứ nhất? Chúng có quan hệ với nhau như thế nào? Vệc trả lời những câu hỏi đó đã cho thấy những khác biệt trong quan niệm về vai trò và chức năng của chủ nghĩa dân tộc trong thế giới hiện đại. Có lẽ vì thế mà hiện nay, vẫn chưa có một ý kiến thống nhất về chủ nghĩa dân tộc. Thậm chí, một số tác giả còn hoài nghi sự tồn tại của chủ nghĩa dân tộc với tư cách một hiện tượng thực tại. Định hướng này đã từng xuất hiện trong việc lý giải mang hình thức cực đoan trong dân tộc học xôviết ở những năm 80 của thế kỷ 20, khi mà người ta đưa ra tư tưởng, khả năng và ý muốn chối bỏ bản thân khái niệm “dân tộc”. Chẳng hạn, V.A.Tishkov coi khái niệm “dân tộc” không phải là cái gì khác ngoài “khẩu hiệu và phương tiện huy động chính trị chứ hoàn toàn không phải là một khái niệm khoa học”. Theo ông, khi “được tạo thành dường như hoàn toàn từ những ngoại lệ, những điều kiện và mâu thuẫn, khái niệm này không có quyền tồn tại và cần bị loại ra khỏi ngôn ngữ khoa học. Xét theo nghĩa văn hóa dân tộc, khái niệm “dân tộc” đã hoàn toàn đánh mất ý nghĩa trong thế giới hiện đại và thực sự trở thành cái đồng nghĩa với nhóm tộc người”(5). Với quan niệm này, ông cho rằng, nếu tộc người là một thực tại tuyệt đối, thì “dân tộc” chỉ là khẩu hiệu được người ta tạo ra và là phương tiện huy động chính trị. Trên thực tế, nếu định hướng của con người với tư cách công dân của nhà nước dừng lại ở thái độ trung thành với nhà nước, thì đương nhiên, không nên làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn bằng cách đưa ra những bổ sung khiên cưỡng khác nhau, hoàn toàn vô nghĩa như tư tưởng “dân tộc”… Rõ ràng là, ở đây khái niệm “dân tộc” chưa được định nghĩa một cách chặt chẽ.

Trên thực tế, đã có những bất đồng cơ bản trong việc lý giải nội dung của khái niệm “dân tộc”. Do vậy, không thể thừa nhận bất kỳ một định nghĩa nào về dân tộc mà chưa được trình bày một cách rõ ràng và xác đáng. Thực tế là, thuật ngữ “dân tộc” vốn được coi như xuất phát điểm để hình thành chủ nghĩa dân tộc lại thường bị không ít người lẫn lộn với thuật ngữ “tộc người”.

Ở nước ta hiện nay, khái niệm dân tộc được dùng phổ biến nhất là của Xtalin: “Dân tộc là một hình thức cộng đồng người ổn định, bền vững, hình thành trong quá trình phát triển lâu dài của lịch sử trên một lãnh thổ nhất định, có chung các mối quan hệ về kinh tế, có chung một ngôn ngữ, một nền văn hoá”. Đây có thể được coi là định nghĩa tương đối hoàn chỉnh về dân tộc.

Dân tộc được hiểu theo hai nghĩa: cộng đồng tộc người và quốc gia dân tộc.

– Theo nghĩa cộng đồng tộc người, dân tộc là khái niệm dùng để chỉ một cộng đồng tộc người (ethnic, ethnie) có chung ngôn ngữ, lịch sử-nguồn gốc, đời sống văn hoá và ý thức tự giác dân tộc. Như vậy, dân tộc là khái niệm dùng để chỉ hầu như tất cả các hình thức cộng đồng người (bộ lạc, bộ tộc, dân tộc), không phân biệt trình độ phát triển, đa số hay thiểu số, sống ở phạm vi quốc gia nào, bao gồm các điểm chung lớn: chung một ngôn ngữ, chung một lịch sử- nguồn gốc, chung một đời sống văn hoá, cùng tự nhận mình là dân tộc đó (ý thức tự giác chung về dân tộc).

– Dân tộc theo nghĩa quốc gia dân tộc là hình thức cộng đồng người cao hơn các hình thức cộng đồng người trước đó, kể cả bộ tộc. Dân tộc có thể từ một bộ tộc phát triển lên, nhưng đa số trường hợp được hình thành trên cơ sở nhiều bộ tộc và tộc người hợp nhất lại. Theo nghĩa này dân tộc được hiểu là quốc gia dân tộc (nation), là cư dân của một quốc gia nhất định bao gồm nhiều sắc tộc, nhiều tộc người. Có quốc gia chỉ gồm một tộc người, song phần lớn là những quốc gia nhiều tộc người.

– Dân tộc hiểu theo nghĩa đầy đủ, hiện đại là cộng đồng người ổn định, bền vững gồm 4 đặc trưng chủ yếu: cộng đồng về lãnh thổ, cộng đồng về kinh tế, cộng đồng về ngôn ngữ và cộng đồng về văn hóa, tâm lý, tính cách. Với những đặc trưng này, một cộng đồng dân tộc cần có nhà nước để quản lý và bảo vệ lãnh thổ của mình. Và, bản thân nhà nước, đến lượt nó, lại có tác động trở lại củng cố sự đoàn kết dân tộc, sự thống nhất nhiều dân tộc trong biên giới lãnh thổ của mình.

Có dân tộc sẽ có ý thức dân tộc (ý thức về cội nguồn dân tộc, bản sắc văn hóa, quyền dân tộc, mà trước hết là chủ quyền lãnh thổ, quyền độc lập, tự do, quyền làm chủ cuộc sống của mình trên lãnh thổ của dân tộc mình…) và ý thức dân tộc đến mức độ nào đó sẽ phát triển thành chủ nghĩa dân tộc.

Trong xã hội có giai cấp, chủ nghĩa dân tộc cũng có tính giai cấp. Có chủ nghĩa dân tộc tiến bộ, cách mạng, cũng có chủ nghĩa dân tộc lỗi thời, phản động. Chủ nghĩa dân tộc của các giai cấp lớp trên thay đổi tính chính trị của nó tuỳ theo từng thời kỳ lịch sử, khi giai cấp đó còn vai trò tiến bộ hay đã lỗi thời. Chỉ có chủ nghĩa dân tộc của nhân dân lao động là trước sau như một, đó là chủ nghĩa dân tộc chân chính.

Không chỉ dân tộc mà cả tộc người cũng cần được hiểu là một cộng đồng người ổn định, đã hình thành trong lịch sử, dựa trên cơ sở thống nhất về nguồn gốc (huyết thống), về văn hóa, về nơi cư trú và giao tiếp cùng nhau. Cơ cấu của chủ nghĩa dân tộc được hình thành trên cơ sở hợp nhất các yếu tố sắc tộc (cội nguồn, ngôn ngữ, văn hóa) và xã hội (đời sống kinh tế chung, giao tiếp phát triển và tính nhất thể nhóm). Thêm vào đó, “dân tộc” hình thành chỉ từ tộc người, khi hội tụ đủ các thành tố xã hội của nó, trong đó, cái có ý nghĩa quan trọng nhất là các quan hệ thống nhất kinh tế, về chính trị, văn hóa, quan hệ (giao tiếp) giữa các cá nhân với nhau.

Trong khoa học, đặc biệt là trong ý thức đại chúng, hiện đang rất phổ biến ý kiến về “dân tộc” như đại diện chính của chế độ nhà nước và của chủ quyền, ước muốn thành lập “nhà nước dân tộc” như giai đoạn tối cao trong quá trình phát triển của tộc người. Càng không hiếm ý kiến về khát vọng tự nhiên của tộc người là nắm giữ chủ quyền quốc gia. Điều này được phản ánh trong khái niệm “nhà nước dân tộc” – khái niệm nhấn mạnh sự thống nhất của các cơ cấu như vậy. Trên thực tế, đa số nhà nước trên thế giới đều được hình thành trên cơ sở tộc người. Sự thống nhất về ngôn ngữ, truyền thống và văn hóa với tư cách cơ sở của tộc người đã thúc đẩy phát triển giao tiếp, tạo ra một thị trường và nhà nước thống nhất. Tuy nhiên, tộc người và nhà nước là các hiện tượng hoàn toàn độc lập, thường không trùng hợp với nhau.Tại một số quốc gia, chẳng hạn như Thụy Sĩ (hay Mỹ), cư dân có những tính nhất thể sắc tộc và nhà nước khác nhau, tự coi mình là đại diện của tộc người Đức, Pháp, Italia và đồng thời là đại diện của nhân dân Thụy Sĩ với tư cách một cộng đồng công dân và của nhà nước Thụy Sĩ, chứ không phải là đại diện của một cộng đồng sắc tộc.

Khi nhận thấy không nhất thiết phải hợp thức hóa tộc người về mặt nhà nước, một số tác giả đã phân biệt “tộc người văn hóa” không có nhà nước độc lập và không cố gắng để thành lập nó với “tộc người nhà nước” do một nhà nước riêng biệt đại diện. Xét về mặt lịch sử, ý định của tộc người thành lập nhà nước độc lập thường do các đại diện của nó có nguyện vọng được giải phóng khỏi sự thống trị và áp bức của các tộc người khác, hoặc có nguyên nhân là một nhóm tộc người có khát vọng thiết lập ách thống trị của mình đối với các tộc người khác.

Trong điều kiện chế độ nhà nước dân chủ hiện đại, lợi ích đặc thù của các nhóm tộc người và của các khu vực riêng biệt hoàn toàn có thể được đảm bảo nhờ nhà nước tự trị hay nhà nước liên bang. Kết thúc ở việc thành lập một nhà nước độc lập, các ý đồ ly khai chủ nghĩa thường gây thiệt hại về kinh tế và các thiệt hại khác cho công dân của nhà nước mới được thành lập. Kinh nghiệm thành lập một liên minh nhà nước mới chứng tỏ nhiều tộc người tự nguyện từ bỏ các yếu tố quan trọng về chủ quyền của mình một cách có lợi cho việc thành lập một liên minh nhà nước rộng lớn hơn, đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của xã hội và của từng công dân.

Tuy nhiên, đa số người không quan tâm đến những định nghĩa lý thuyết. Một điều cũng xác đáng là, thuật ngữ “dân tộc” thường được sử dụng theo nghĩa “nhà nước dân tộc” trong vốn từ vựng chính trị. Theo quan niệm hiện đại, chủ nghĩa dân tộc đòi hỏi bản nguyên chính trị, hay chính xác hơn – bản nguyên nhà nước. Song, cũng cần phải nhận thấy rằng sắc tộc, ý thức về cội nguồn tộc người, tự ý thức tộc người và bản thân tộc người không thể được quy về một bình diện duy nhất – bình diện chính trị hay một bình diện nào đó.

Với mọi điều kiện có thể, thành tố tộc người cần được dành cho vị trí thỏa đáng. Nếu không, sẽ không thể lý giải được sự tồn tại của các nhóm tộc người bản địa, các tộc người thiểu số, v.v. trong một nhà nước. Như đã rõ, đa số các tộc người thường hình thành xung quanh một tộc người nào đó. S.Mith có lý khi nói đến hai phương diện của chủ nghĩa dân tộc: nhà nước và tộc người. Tương tự như vậy, thái độ trung thành của công dân đối với nhà nước và tộc người của mình cũng hoàn toàn không được quy về các cơ sở vật chất và lý luận. Trong tự ý thức sắc tộc, lòng tự hào sắc tộc, chủ nghĩa yêu nước và các bộ phận cấu thành khác của các khái niệm “tộc người” và “chủ nghĩa dân tộc”, bên cạnh các thành tố lý luận, khoa học,… còn có giai tầng truyền thống, giá trị, tình cảm, biểu tượng, thần thoại,…

“Dân tộc” tồn tại ở nơi mà mọi người đều tin tưởng rằng, họ cấu thành “dân tộc” như vậy. Thực tế cho thấy, đa số người trong thế giới hiện đại đều tự xem mình là thành viên của cộng đồng được gọi là “dân tộc”. Do vậy, B.Andecson đã có lý khi gọi “dân tộc” là “các cộng đồng tưởng tượng”. Việc chối bỏ khái niệm “dân tộc” đòi hỏi phải chối bỏ các khái niệm sinh ra từ nó – “tự ý thức dân tộc”, “nhà nước dân tộc”, “tự quyết dân tộc”, “quyền dân tộc tự quyết”, v.v..

Không nên phủ định rằng, các đại diện của một tộc người cụ thể cũng tự ý thức mình là đại diện của một cộng đồng cụ thể, khác với các cộng đồng khác không những về lãnh thổ xác định – biên giới quốc gia, mà còn về hàng loạt phương diện quan trọng khác. Một điều quan trọng là đại diện của các cộng đồng – tộc người khác cũng thừa nhận cộng đồng ấy. Chúng ta là người Việt vì có người Lào, người Hoa, người Nhật, v.v. và vì chúng ta không phải là người Lào, người Hoa, người Nhật, v.v..

Đồng thời, cũng có tác giả tin tưởng vào tính thực tại và sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc, kiên quyết đòi hỏi dành cho mọi tộc người khả năng thành lập “nhà nước dân tộc”. Theo quan điểm này, có bao nhiêu tộc người thì cũng cần phải có bấy nhiều “nhà nước dân tộc”. Mỗi một tộc người đều cần phải có chế độ nhà nước riêng của mình, mỗi nhà nước đều cần phải được xây dựng trên cơ sở tộc người tương ứng.

Rõ ràng là, khi lý giải quyền “dân tộc tự quyết” (thực ra phải nói là quyền tộc người tự quyết) rất khó bác bỏ luận điểm nêu trên. Và, trên thực tế, tại sao một số tộc người có quyền tự quyết và thực hiện thành công nó để thành lập nhà nước có chủ quyền, độc lập riêng của mình, còn các tộc người khác thì lại không có quyền đó? Nghịch lý là ở chỗ, các nhà nước đồng nhất về mặt tộc người dường như biến mất khỏi thế giới hiện đại do có sự bùng nổ của chủ nghĩa dân tộc.

“Nhà nước dân tộc” đích thực, nếu hiểu nó là nhà nước cùng với dân cư cấu thành từ một tộc người, thực ra là ngoại lệ, chứ không phải là thông lệ. Điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là, không phải tất cả mọi tộc người đều có khả năng thành lập và duy trì các cơ cấu nhà nước có sức sống. Thêm vào đó, trong thế giới hiện đại, không có và không thể có một nhà nước nào hoàn toàn không phụ thuộc vào thế giới bên ngoài.

Nếu tất cả mọi tộc người đều có kỳ vọng thành lập nhà nước độc lập riêng của mình và cố gắng thực hiện kỳ vọng ấy, thì tính bất ổn của trật tự thế giới sẽ tăng lên gấp bội và bản thân sự tồn tại của nhiều nhà nước cũng bị đe dọa. Như đã rõ, quyền tự quyết được hiểu là quyền tự do của mỗi tộc người sống theo luật riêng của mình, dưới sự quản lý của các cơ cấu quyền lực do bản thân họ bầu ra, định đoạt số phận của mình theo sở thích của mình, mà hoàn toàn không làm phương hại tới tự do và lợi ích hợp pháp của các tộc người khác. Mất bản sắc tộc người, một đất nước có thể cũng mất luôn địa vị của mình trong lịch sử thế giới. Đòi hỏi quyền tự quyết cho mình, các tộc người đạt được quyền định đoạt số phận của mình ở trên lãnh thổ của mình.

Nhưng, như kinh nghiệm của những năm 90 của thế kỷ 20 đã cho thấy, sự tan rã của nhà nước đa sắc tộc có thể dẫn đến việc làm tan rã các cơ cấu quyền lực, phá vỡ cán cân quyền lực và lợi ích đã hình thành; đến lượt mình, điều này lại làm tăng tính bất ổn. Những sự kiện diễn ra trên lãnh thổ Liên Xô và Nam Tư trước kia cho thấy sự tan rã như vậy kéo theo những hệ quả không thể lường trước được, trong đó thiệt hại của đa số các bên tham gia rõ ràng là vượt trội tất cả mọi thành quả khác trong một tương lai lâu dài.

Cũng cần nhận thấy rằng, các phong trào dân tộc chủ nghĩa đã nhanh chóng tận dụng hết tiềm năng huy động của mình. Hơn nữa, chúng tạo ra điều kiện thuận lợi để thành lập các chế độ quyền uy và cực quyền. Việc xuất khẩu và ủng hộ các tư tưởng và phong trào ly khai trong những điều kiện nhất định có thể có những hệ quả rất tai hại, vì chúng có thể trở thành một trong những nguồn gốc và động cơ cơ bản của chủ nghĩa khủng bố và của các cuộc nội chiến.

Thực tế cho phép chúng ta có thể rút ra một số kết luận về chủ nghĩa dân tộc như sau:

– Chủ nghĩa dân tộc là học thuyết và thực tiễn chính trị dựa trên việc đối lập giữa các tộc người, trên việc thừa nhận địa vị đặc biệt và ưu thế của tộc người mình đối với các tộc người khác và trên khát vọng đảm bảo cho tộc người mình những đặc quyền nhờ sống “ký sinh” trên các nhóm tộc người khác. Chủ nghĩa dân tộc là một biến thể của thói ích kỷ nhóm, không thừa nhận quyền bình đẳng của các tộc người. Điểm này phân biệt chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa yêu nước – chủ nghĩa kết hợp tình yêu tộc người mình với việc thừa nhận quyền bình đẳng của tộc người khác.

– Chủ nghĩa dân tộc hình thành trên cơ sở các cộng đồng tộc người hiện thực, mặc dù nó thổi phồng vai trò của những khác biệt sắc tộc và những ưu thế của tộc người mình. Lạm dụng tự ý thức sắc tộc, tình cảm yêu tổ quốc, sự giống nhau về ngôn ngữ, văn hóa sắc tộc, v.v., chủ nghĩa dân tộc chuyển hóa chúng thành lập trường thù địch, hiếu chiến đối với các tộc người khác. Xét về bản chất, chủ nghĩa dân tộc mang tính xung đột, vì nó chia mọi người thành “quân ta” và “quân nó”, “chúng ta” và “chúng nó”, “người của ta” và “người của nó”, “bạn” và “kẻ thù”, đem đối lập mọi người với nhau theo dấu hiệu sắc tộc.

Song, chúng ta không được phép quên một thực tế là, “chủ nghĩa dân tộc” theo quan niệm hiện đại đã ra đời với tư cách một hình thức chống lại áp bức sắc tộc và tình trạng mất quyền của tộc người. Tiền đề để chủ nghĩa dân tộc xuất hiện là sự phát triển giao tiếp giữa đại diện các tộc người và sự hình thành tính nhất thể chung về sắc tộc ở họ. Vốn được định hướng chống lại áp bức tộc người, lệ thuộc, thuộc địa và các hình thức kỳ thị chủng tộc khác, chủ nghĩa dân tộc đã đóng vai trò tiến bộ, góp phần cố kết và giải phóng các tộc người, thành lập các nhà nước sắc tộc, phát triển văn hóa sắc tộc và bảo vệ lợi ích sắc tộc.

Chủ nghĩa dân tộc thể hiện dưới các hình thức khác nhau: từ chủ nghĩa dân tộc giả danh dân chủ, xâm phạm các quyền công dân của các tộc người khác dưới chiêu bài “trong sáng sắc tộc”, “phục hồi chính nghĩa lịch sử”, “giải thoát nền văn hóa tộc người”, v.v. cho đến chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã trắng trợn, hủy diệt một cách dã man nhân dân các tộc người khác, làm như họ không có giá trị đầy đủ. Biểu hiện đặc thù của chủ nghĩa dân tộc cũng có thể là chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa biệt lập, những thứ chủ nghĩa này cắt đứt các mối liên hệ tự nhiên giữa các tộc người và làm phương hại đến công dân của mọi tộc người.

Các tư tưởng và các giá trị dân tộc chủ nghĩa thường được giới tinh hoa chính trị và những người cầm quyền tuyên truyền để thực hiện các mục đích vị kỷ của mình là: biện minh cho mưu đồ cầm quyền của mình, kiện toàn tính hợp thức cho sự thống trị của mình, làm cho nhân dân sao nhãng những thất bại trong chính sách của mình bằng cách tìm kiếm kẻ thù là tộc người khác, xâm chiếm của cải của người khác, thực hiện các kế hoạch háo danh của bản thân nhằm tạo dựng một “đại cường quốc”, v.v.. Chủ nghĩa dân tộc có khả năng huy động lớn. Lạm dụng tình cảm yêu tổ quốc, yêu sắc tộc, yêu các truyền thống và văn hóa sắc tộc một cách tự nhiên, lạm dụng sự thống nhất về ngôn ngữ, tôn giáo, lợi ích tộc người, v.v., cũng như lạm dụng sự không hiểu biết của các tộc người khác, lạm dụng thái độ không tin tưởng đối với họ và đối với mọi cái “không phải của mình”, chủ nghĩa dân tộc có khả năng reo rắc sự thù địch sâu sắc giữa các tộc người, làm mê muội nhiều người trong suốt một thời gian dài.

Xét về bản chất, chủ nghĩa dân tộc mang tính phi duy lý. Để luận chứng cho ưu thế của tộc người mình, nó sử dụng các loại huyền thoại, thiên kiến và các khuôn mẫu khác nhau, các phương pháp sử dụng mánh khóe đối với ý thức con người. Chủ nghĩa dân tộc không dung hợp được với những giá trị chung nhân loại và với thái độ tôn trọng đối với các quyền con người. Minh họa điển hình cho những hậu quả phản nhân văn, đầy tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc hiện đại là các cuộc chiến tranh đẫm máu, là dòng người tị nạn gồm hàng triệu người, là tình trạng xâm phạm phổ biến các quyền con người, là các cuộc xung đột giữa các tộc người diễn ra liên miên trên nhiều khu vực thế giới, v.v..

Chúng ta cần nhận thấy mối nguy hiểm ẩn chứa trong chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt là khi nó bị các thế lực phản động lạm dụng để chia rẽ tình đoàn kết giữa các tộc người anh em sinh sống trên mảnh đất của nhà nước Việt Nam. Từ đó, chúng ta cần đưa ra và thực hiện những biện pháp thích hợp nhằm ngăn chặn những hệ quả khôn lường của chủ nghĩa dân tộc dưới mọi biến tướng của nó để xây dựng một nhà nước thực sự mạnh, dân giàu, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Điều cốt lõi ở đây chính là chính sách bình đẳng dân tộc. Việc thực hiện chính sách bình đẳng dân tộc là mục tiêu có tính chiến lược, có ý nghĩa chính trị, quốc phòng, đối ngoại sâu sắc; nó đòi hỏi đổi mới nhận thức để có quan niệm đúng về vấn đề sắc tộc và bình đẳng sắc tộc. Trong đổi mới nhận thức về vấn đề sắc tộc, cần chống các biểu hiện kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ sắc tộc và có thể dẫn đến tư tưởng cực đoan, ly khai. Để chống các biểu hiện đó, cần phải đánh bại chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và những tư tưởng tiêu cực, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và mối quan hệ tốt đẹp giữa đồng bào các sắc tộc, không phân biệt đa số hay thiểu số.

Ở đây, giáo dục đóng một vai trò rất quan trọng. Phải đầu tư phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ mọi sắc tộc. Giáo dục luôn là vấn đề quan trọng đối với mỗi quốc gia. Việc quan tâm thích hợp và đúng đắn đến hoạt động giáo dục sẽ giúp các tộc người có điều kiện vươn lên hòa nhập và thực hiện quyền bình đẳng sắc tộc của mình trong khuôn khổ một nhà nước đa sắc tộc và góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Tôn trọng, bảo lưu, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các tộc người trong quá trình xây dựng nền văn hóa chung của quốc gia cũng là giải pháp cần thiết để giải quyết vấn đề sắc tộc, thực hiện bình đẳng dân tộc. Văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi và sâu xa nhất của vấn đề sắc tộc. Xây dựng một nền văn hóa có nội dung nhân văn sâu sắc và đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp hài hòa các giá trị văn hóa của các tộc người trong một nền văn hóa chung của một quốc gia đa sắc tộc, tạo điều kiện để các tộc người phát triển nền văn hóa riêng của tộc người mình – đó là một nội dung quan trọng hàng đầu của vấn đề thực hiện bình đẳng sắc tộc về văn hóa. Văn hóa gắn liền với sự tồn tại và phát triển của các tộc người. Văn hóa là một trong các biểu hiện quyền bình đẳng của các tộc người. Phát triển văn hóa các tộc người sẽ đem lại một nền văn hóa tích hợp phong phú, đa dạng và thống nhất. Đây cũng là định hướng của chủ nghĩa đa (liên, tích hợp) văn hóa như một giải pháp có triển vọng nhất để giải quyết vấn đề quan hệ liên tộc người trong thế giới toàn cầu đang hình thành.

———————————–

Chú thích:

(1) Xem: Báo cáo tóm tắt của GS. Phan Huy Lê tại toạ đàm “Vấn đề dân tộc và Chủ nghĩa dân tộc ở VIệt Nam cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX” tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, 10/9/2008.
(2) Smith, Anthony D.. National Identity, Reno: University of Nevada Press, 1993. ISBN 0874172047.
(2) E. Hobsbaum: Dân tộc và chủ nghĩa dân tộc sau năm 1780, Moscow, 1998, t
(3) E. Hobsbaum. Dân tộc và chủ nghĩa dân tộc sau năm 1780, Mátxcơva, 1998, tr.24.
(4) W. Bagehot. Physics and politics. London, 1887, p.20-21
(5) V.A.Tishkov. Lược khảo về lý luận và chính sách dân tộc ở Nga, Mátxcơva, 1997, tr.85.

Theo PHILOSOPHY.VASS.GOV.VN

Tags: ,