‘Chọn cá hay chọn thép’ và chuyện về sự sụp đổ của các nền văn minh

Liệu lợi nhuận kinh doanh và bảo vệ môi trường có luôn trong thế đối lập nhau? Liệu có thật là chúng phải bắt buộc phải có lựa chọn một mất một còn “Chọn cá hay chọn thép”?

‘Chọn cá hay chọn thép’ và chuyện về sự sụp đổ của các nền văn minh

Bắt đầu chương 15 của cuốn ‘Sụp đổ”, Jared Diamond, một trong những trí thức vĩ đại nhất hiện nay, đã đặt ra một vấn nạn “Các ngành kinh doanh cũng lên án các nhà môi trường thường xuyên lờ đi và không quan tâm tới các thực tiễn kinh doanh, không quan tâm tới nguyện vọng của cư dân địa phương và chính phủ các nước về vấn đề việc làm và phát triển, đặt vấn đề bảo vệ chim chóc lên trên bảo vệ con người, và không khen ngợi các ngành kinh doanh….”Diamond, bằng trí tuệ bác học và tinh thần dấn thân, đã đi xuyên suốt qua nhiều lục địa, đã đọc hàng nghìn tài liệu về các xã hội cổ đại lẫn ngày nay, để khẳng định rằng tổn hại môi trường là nguyên nhân then chốt nhất trong tất cả các sự sụp đổmà các nền văn minh phải hứng chịu.

Liệu lợi nhuận kinh doanh và bảo vệ môi trường có luôn trong thế đối lập nhau? Liệu có thật là chúng phải bắt buộc phải có lựa chọn một mất một còn “Chọn cá hay chọn thép”?

Quan trọng hơn, không có cái gì là sự lựa chọn “cá hay thép”, chỉ có việc chúng ta học lấy những bài học sụp đổ của các nền văn minh xưa để tiếp tục sinh tồn trên “hòn đảo” trái đất biệt lập này.Bởi “Sự tương đồng giữa đảo Phục Sinh và thế giới hiện đại rõ ràng đến rợn người” ông viết. Nếu hàng ngàn người sống trên đảo Phục Sinh với các công cụ chỉ là đá và sức mạnh cơ bắp của mình đã đủ để phá hủy môi trường của họ và do đó phá hủy xã hội của họ, làm thế nào hàng tỷ người với các công cụ kim loại và điện máylại không thể làm tồi tệ hơn?”.

Có lẽ hình ảnh về sự hoang phế của đảo Phục Sinh trong cuốn sách sẽ gợi chúng ta đến sự kiện cá chết hàng loạt dọc bờ biển bốn tỉnh miền Trung. Và không bài học nào là cũ.

Tại Đảo Phục sinh thuộc phía Nam Thái Bình Dương của Chile, có những bức tượng đá khổng lồ nổi tiếng thế giới, gọi là Moai, được những người khai hoang Polynesia dựng lên từ khoảng 1000-1100 sau công nguyên. Ở đây có tới “397 tượng đá được tạc đẽo cách điệu hóa hình những thân mình đàn ông không chân, tai dài, đa số có chiều cao từ 4,5 – 6 mét nhưng bức lớn nhất có chiều cao tới 21 mét (cao hơn cả một tòa nhà năm tầng trung bình) và nặng từ 10-270 tấn.”

Khi nhà thám hiểm Jacob Reggeveen đặt chân lên hòn đảo này lần đầu tiên năm 1772, ông viết: “Ban đầu từ xa chúng tôi thấy đảo Phục Sinh như một đảo cát, lý do bởi chúng tôi tin rằng cát đã phủ lên những thảo nguyên, khiến cỏ bị tàn lụi, làm khô héo hay đốt cháy các loài thực vật khác, bởi bề ngoài khô cằn của hòn đảo khiến người ta có ấn tượng rằng đó là một vùng đất đặc biệt cằn cỗi và nghèo nàn”.

Tuy nhiên tất cả những gì nhà thám hiểm nhìn thấy được chỉ là vết tích của một xã hội sụp đổ. Nguyên nhân của sự sụp đổ này là gì?Trớ trêu thay, những tương đá khổng lồ làm đảo phục sinh nổi tiếng lại chính là lý do làm nó suy tàn. Để di chuyển và dựng được những bước tượng kì vĩ như thế, các bộ tộc, do tranh đua xem ai dựng được những bức tượng to nhất nhằm chứng tỏ sức mạnh của mình, đã chặt đến những cái cây cuối cùng trên đảo, để có thể dùng chúng làm bàn di chuyển.

Một sự sụp đổ, không phải do núi lửa phun trào, khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh chết người… mà do chính sự ngu xuẩn của con người tạo ra.

Jared Diamond, tác giả cuốn sách nổi tiếng toàn cầu “Súng, vi trùng và thép” đưa ra những lý giải về lý do tại sao một số nền văn minh lại thất bại trong cuốn sách Sụp đổ. Diamond liệt kê 5 yếu tố dẫn đến sự diệt vong của một số xã hội lịch sử, trong đó phải kế đến như Maya cổ xưa và người Yacatan, người dân đảo Phục Sinh, người Anasazi, vùng Lưỡi Liềm Trù Phú, Angor Wat, Đại Zimbabwe …bao gồm:

(1) Tổn hại môi trường.
(2) Thay đổi khí hậu
(3) Liên hệ giữa xã hội và các lân bang thù địch.
(4) Liên hệ với những láng giềng thân thiện.
(5) Cách đối phó của tập thể về mặt chính trị, kinh tế, xã hội trước những khó khăn xảy ra.

Trong đó, 4 nhân tố đầu có thể quan trọng hoặc không, đối với từng trường hợp nhưng yếu tố thứ 5, cách phản ứng của xã hội tới các vấn đề môi trường, luôn luôn đóng vai trò cực kì then chốt, qua những bằng chứng mạnh mẽ không chỉ trong quá khứ, mà còn ở các xã hội hiện đại. Trong chương gần cuối của cuốn sách dày gần 800 trang này, Jared Diamond đưa ra một số lý giải tại sao một xã hội lại đưa ra những quyết định để tự tiêu diệt chính sự tồn tại của họ?Hay áp dụng cho trường hợp đang nóng hiện nay, tại sao đến khi cá chết hàng loạt người dân Việt Nam mới bắt đầu suy nghĩ đến lựa chọn “Chọn thép hay chọn tôm cá”.

Tác giả cho rằng có 4 nguyên nhân lớncủa việc tự sát tập thể này. Đầu tiên, là các xã hội không thể tiên liệu được vấn đề trước khi nó xuất hiện. Có nhiều lý do cho việc này. Thứ nhất, vì họ chưa từng trải qua vấn đề này, nên họ hoàn toàn không có kinh nghiệm.Lấy ví dụ như việc nhập cư cáo và thỏ của người Anh vào nước Úc những năm 1800, 1 trong những minh chứng tiêu biểu của sự tác động từ các sinh viên ngoại lại lên môi trường bản địa. “Lũ cáo đuổi bắt và tiêu diệt nhiều loài động vật có vú bản địa của Australia trước kia chưa từng biết tới loài cáo, trong khi thỏ ngốn rất nhiều loài thực vật lẽ ra dành để chăn nuôi cừu và gia súc, lấn át những loài thú ăn cỏ bản địa và tàn phá đất đai bằng những chiếc hang của chúng.”Đây cũng là lý do mà tại sao khi tới Úc, bạn sẽ bị các nhân viên nhập cư hỏi xem mình có theo bất kì giống cây, động vật lạ nào đề phòng chúng trở thành địch hại khi sinh sôi nảy nở ở môi trường bản địa. Nền văn minh vĩ đại Maya ở Copan cũng không tiên liệu được rằng “phá rừng trên những sườn đồi sẽ khiến đất trên những sườn đồi bị xói mòn xuống đáy thung lũng”.

Kể cả nhiều khi tiên liệu được, thảm họa vẫn xảy ra, vì chúng ta có xu hướng lãng quên nhiều điều. Ví dụ như “những năm 1950, thành phố Tucson tại Arizona trải qua một đợt hạn hán khắc nghiệt khiến những công dân của thành phố lo ngại và thề sẽ quản lý nguồn nước của mình tốt hơn, nhưng rồi họ cũng sớm quay trở lại cách sống phung phí nước như xây dựng các sân golf và lấy nước tưới cho những khu vườn.” Trong trường hợp cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh, liệu những người có trách nhiệm có tiên liệu được trước nạn cá chết mà “có thể” do những chất cực độc được ra biển của nhà máy gang thép kia không? Hay họ cũng lại “quên” mất những thảm họa sinh thái biển có thể đi kèm khi xây dựng những nhà máy có tác động lớn tới môi trường như Nhà máy luyện gang thép Formosa?

Nguyên nhân lớn thứ hai góp phần tạo ra thất bại của quyết định tập thể là mặc dù vấn đề xuất hiện, mọi người lại không nhận thức được nó.Có 3 tác nhân chính phổ biến mà Diamond vạch ra. Thứ nhất, nguồn gốc của vấn đề rất khó nhận thấy. Ví dụ, việc xác định nguyên nhân các chết ở đại dương rất phức tạp. Đến bây giờ, chúng ta mới chỉ loại bỏ nguyên nhân động đất, tràn dầu, dịch bệnh, môi trường nước gây cá chết hàng loạt, còn theo ông Ông Vũ Tuấn Nhân, thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, vẫn chưa xác định được tác nhân gây ra cá chết hàng loạt nhưng không loại trừ do độc chất được thải ra từ đất liền. Nếu chưa xác định vấn đề, thì rất khó để giải quyết nó

Tác nhân thứ 2 có thể là những người quản lý sống ở những nơi xa xôi, không sâu sát với thực tế.Lý do mà người dân cao nguyên New Guinea có thể phát triển đến tận bây giờ là bởi tất cả người dân trong thung lũng đều sinh sống trực tiếp tại đây, nên khi có bất gì sự thay đổi nào xảy ra, khả năng cảm nhận vấn đề của họ tốt hơn rất nhiều. Tác nhân thứ 3 và phổ biến nhất là do vấn đề diễn ra rất chậm và tích lũy dần theo thời gian, nên rất khó để nhận biết được khi nào nó thực sự hiện hữu. Ví dụ như trong trường hợp xả thải ra biển bắt đầu từ năm 2015, các hoát chất không tiêu diệt các loài cá ngay tức khắc, mà dần dần tích tụ lại theo năm tháng đến một ngày bùng phát, và “có thể” chúng là nguyên nhân gây ra nạn cá chết hàng loạt hiện nay.

Nguyên nhân lớn thứ ba của sự sụp đổ là dù tiên liệu được, dù nhận thức được, nhưng các xã hội lại không nỗ lực để tìm cách giải quyết vấn đề đó.Việc này xảy ra do sự xung đột lợi ích giữa các bên, nghĩa là hành động này có thể “tốt cho tôi, xấu cho anh và tất cả những người khác”, và hậu quả thì cả xã hội phải gánh chịu.

Ví dụ các công dân bang Montana, Mỹ đã phải chịu những hậu quả nặng nề vì chính sách của bang đã tạo động lực để các công ty thu lợi cho mình và quên đi lợi ích của xã hội. Tác giả viết: “Năm 1971, tiểu bang Montana thực tế đã thông qua một đạo luật quy định việc này, nhưng các công ty mỏ phát hiện ra rằng họ có thể khai thác các loại quặng có giá trị và sau đó tuyên bố phá sản thì sẽ không phải trả khoản chi phí làm sạch.Hậu quả là các công dân Montana phải gánh chịu khoản chi phí 500 triệu đô-la làm sạch môi trường và ban lãnh đạo của công ty Khai thác mỏ Mỹ ý thức được rằng pháp luật cho phép họ tiết kiệm tiền cho công ty, và tăng cường lợi ích cá nhân của mình thông qua các khoản tiền lương và thưởng cao, bằng cách gây ra tình trạng hỗn độn rồi để lại gánh nặng cho xã hội giải quyết. “

Biển là một của chung, và mọi người sẽ cố gắng thu nhận nhiều lợi ích cá nhân nhiều nhất có thể từ nó. Bởi vì, nếu họ có không làm, thì vì quyền lợi và nghĩa vụ không được phân chia rõ ràng, người khác sẽ tranh mất để giành tư lợi. Do “cha chung không ai khóc”, tất cả đều cố gắng gặt hái hết mức đến khi không còn gì còn xót lại, và kết quả sự sụp đổ cả môi trường sinh thái và kéo theo sự sụp đổ của xã hội sống phụ thuộc vào nó. Đó là thông điệp xuất hiện liên tục trong bản trường thiên lịch sử này.

Có một xung đột lợi ích khác xảy ra là giữa những người có quyền quyết định với lợi ích của những người còn lại trong xã hội. Nhìn lại suốt lịch sử thế giới, Diamond viết “việc hành động hay không hành động của những vị vua, những thủ lĩnh và những chính trị gia ích kỷ, chỉ biết quan tâm tới lợi ích của bản thân thường là nguyên nhân khiến xã hội sụp đổ,trong đó có những vị vua Maya, những thủ lĩnh của người Norse ở Greenland và những chính trị gia Rwanda hiện đại đã được thảo luận trong cuốn sách này. Chính do thèm khát quyền lực nên các thủ lĩnh trên đảo Phục Sinh và các vị vua Maya có những hành động khiến hoạt động phá rừng càng thêm trầm trọng chứ không ngăn chặn nó, bởi địa vị và uy tín của họ phụ thuộc vào việc dựng những bức tượng và những đền đài ngày càng lớn hơn so với các đối thủ của mình.”

Bài học thành công ở những xã hội sống sót là làm sao nhóm thiểu số lãnh đạo không thể tách mình ra khỏi những hậu quả do hành động của họ gây ra.Ví dụ trong trường hợp Hà Lan, hành động quyết liệt của chính phủ trong việc bảo vệ môi trường là “do phần lớn dân chúng, cả những chính trị gia và những thường dân, đều sống trên vùng đất nằm dưới mực nước biển,nơi chỉ có những con đê chắn ngang giữa họ và nguy cơ ngập lụt, nên những quy hoạch đất đai ngớ ngẩn của các chính trị gia có thể cũng gây nguy hiểm cho chính bản thân họ. Ở các tỉnh miền Trung, liệu cá chết thì “bữa ăn” của các nhà lãnh đạo có khác đi chút nào không?

Ngoài ra, tâm lý phủ nhận cũng tồn tại khi mọi người không cố gắng chịu bắt tay vào giải quyết vấn đề mà vẫn cố tranh bua rằng mình không sai. Diamond có kể một ví dụ rất hay như sau: “Hãy xem xét ví dụ về một lưu vực sông nhỏ nằm dưới một con đập cao, nếu con đập đó vỡ, nước lụt sẽ nhấn chìm và cuốn trôi tất cả người dân trong thung lũng xuống vùng hạ lưu xa xôi. Khi các nhà điều tra xã hội hỏi những người sống dưới chân đập rằng họ có lo lắng con đập sẽ vỡ không, thì sẽ là bình thường khi những người sống càng xa đập thì càng ít lo lắng so với những người sống gần đập. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là, những người dân sống cách đập tới vài kilômét thì lại sợ vỡ đập nhiều nhất, những người càng sống gần đập, càng ít sợ nguy cơ vỡ đập!Có nghĩa là, những người sống ngay dưới đập, và có nhiều nguy cơ bị nhấn chìm nhất nếu vỡ đập lại tỏ ra chẳng hề lo sợ. Đó chính là hiện tượng tâm lý phủ nhận: cách duy nhất để bảo vệ sự tỉnh táo của con người khi hằng ngày phải nhìn vào đập là phủ nhận khả năng nó có thể bị vỡ. Mặc dù tâm lý phủ nhận là một hiện tượng tâm lý cá nhân rõ ràng nhưng dường như nó cũng áp dụng với tâm lý tập thể.”

Ví dụ như trong trường hợp này, sau 11 ngày xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, ông Hoàng Dương Tùng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thuộc bộ Tài nguyên Môi trường, mới xuất hiện và phán: “Cá chết là có nguyên nhân, chứ không phải tự nhiên mà chết. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân cá chết trên biển là rất phức tạp… Ở đại dương, cá chết có thể là do sức ép của âm thanh, sóng, động đất…”

Hay như tại “tại Thiên Tân (Trung Quốc) hồi tháng 8/2015, sau thảm họa nổ nhà kho chứa hóa chất khiến 114 người thiệt mạng, người dân phát hiện hàng ngàn con cá chết trắng cả bờ sông Hải Hà chảy qua TP Thiên Tân.” Cựu lãnh đạo Trung tâm Giám sát môi trường Thiên Tân, cho biết rằng: “cho biết nước sông Hải Hà không có nồng độ xyanua ở mức độc hại. Ông thay vào đó khẳng định cá chết là do sông… ô nhiễm từ trước đến nay, cộng với nhiệt độ cao mùa hè khiến mức ôxy giảm mạnh.”

Thật khó để nhận lỗi khi mình sẽ phải là người chịu trách nhiệm chính thức!

Nguyên nhân lớn thứ 4 của sự thất bại về chuyện các xã hội tự đào hố chôn mình do là họ đã cố gắng giải quyết, nhưng lại không thành công.Rừng đã chặt hết, đất đã bạc màu, đê đỡ vỡ, nước đã nhiễm độc quá nặng, cá đã chết hàng loạt, mọi vấn đề đã nằm ngoài khả năng giải quyết, và xã hội chỉ chờ đến ngày sụp đổ.

Điển hình như trường hợp ở Nhật Bản với cơn ác mộng mang tên “hội chứng Minamata.” Bất chấp những cảnh báo từ người dân và các nhà bảo vệ môi trường, chính phủ đã để mặc “nhà máy sản xuất acetaldehyde của Tập đoàn Chisso tại thị trấn này đã đổ thải trái phép gần 27 tấn chất metyl thủy ngân không qua xử lý vào vịnh Minamata. Lượng hóa chất khổng lồ này đã tích tụ trong sò và cá của vùng vịnh, đầu độc người dân Nhật Bản. Năm 2001, có khoảng 1.700 trong số 2.200 người bị chết vì bị ảnh hưởng bởi độc chất từ nhà máy hóa chất ở miền Nam Nhật Bản, là do bị ngộ độc vì ăn cá ở địa phương. Sau hơn 50 năm dai dẳng, tòa án Nhật Bản vẫn còn đang phải thụ lý nhiều vụ kiện bồi thường liên quan đến bệnh Minamata, theo Japan Times.”

Tựu chung, Diamond đã xác định ra bốn lý do chính mà xã hội có thể đưa ra những quyết định tại hại.

Thứ nhất, họ không tiên liệu trước được vấn đề.
Thứ hai, đến khi vấn đề xuất hiện, họ cũng không biết.
Thứ ba, đến khi biết được vấn đề, họ cũng không cố gắng giải quyết vì mâu thuẫn lợi ích.
Và thứ tư, khi mọi chuyện đã quá muộn, họ muốn cũng không thể hoặc việc giải quyết sẽ quá tốn kém.

Kết thúc chương 14 của cuốn sách Sụp đổ, Diamond vẫn đặt hi vọng vào những nhà lãnh đạo tài ba,bên cạnh những nhà lãnh đạo ấu trĩ đã đưa xã hội của mình đến sụp đổ.

Ông viết: “Những lãnh đạo như vậy thường phải đối mặt với những lời chỉ trích hay nhạo báng bởi họ hành động trước khi mọi người nhận thấy sự cần thiết của những hành động đó.Nhưng cũng còn nhiều nhà lãnh đạo can đảm, sáng suốt và mạnh mẽ như vậy xứng đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Họ là những tướng quân của Tokugawađã chặn đứng tình trạng phá rừng từ rất lâu trước khi chúng trở thành thảm họa như đảo Phục Sinh; Joaquín Balaguer, (cho dù vì bất kỳ động cơ nào) đã ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp bảo vệ môi trường ở phía đông bán đảo Hispaniola, phần cộng hòa Dominica, trong khi những đồng nhiệm ở phía tây Haiti không làm được như vậy; những thủ lĩnh người Tikopiachịu trách nhiệm trước quyết định diệt trừ loài lợn gây hại cho môi trường trên đảo, mặc dù lợn là loài vật được yêu quý tại Melenesia; và giới lãnh đạo Trung Quốc áp dụng chính sách kế hoạch gia đình trước khi dân số Trung Quốc trở nên quá đông và có thể trở thành thảm họa dân số như ở Rwanda. Những nhà lãnh đạo đáng khâm phục đó còn bao gồm Thủ tướng Đức Konrad Adenauervà những lãnh đạo Tây âu khác quyết định hy sinh lợi ích của đất nước để thống nhất châu âu thành một Cộng đồng Kinh tế châu âu, với mục tiêu chính là giảm khả năng gây ra những cuộc chiến tranh khác ở châu Âu. “

Từ những bài học đó, với Việt Nam, giải pháp khả dĩ nhất, có lẽ như Diamond nói về các xã hội cổ xưa: “người lãnh đạo phải dũng cảm nhận biết được đâu là vấn đề đang phát sinh hay chỉ là một vấn đề tiềm tàng, và áp dụng những biện pháp mạnh mẽ để giải quyết vấn đề trước khi nó trở thành một cuộc khủng hoảng dễ bùng nổ.”

Theo TRẠM ĐỌC

Tags: