Chỉ tồn tại 7 năm, Thủy quân nhà Hồ vẫn mạnh vượt thời đại

Đời nhà Hồ, chiến truyền được đóng mới to lớn hơn, có nhiều tầng lát ván sàn tiện cho việc đi lại, chiến đấu; còn vũ khí thì ra đời nhiều loại mới và hiện đại hơn.

Chỉ tồn tại 7 năm, Thủy quân nhà Hồ vẫn mạnh vượt thời đại

Trước họa đe dọa xâm lược nghiêm trọng của nhà Minh ở phía Bắc, Hồ Quý Ly càng dốc sức tập trung xây dựng lực lượng quân đội, đặc biệt là quân thủy.

Vũ khí tiến bộ vượt bậc

Sử sách chép rằng, Hồ Quý Ly đã ra lệnh mở xưởng đúc vũ khí, phát hành tiền giấy, thu hồi tiền đồng để đúc súng, tuyển thợ giỏi vào làm việc trong các công xưởng quân sự. Vì thế, vũ khí, thiết bị quân sự vào thời kỳ này đã có những bước tiến quan trọng về mặt kỹ thuật và tính năng quân sự. Thủy binh đã được trang bị thuyền chiến lớn hơn trước và có khả năng thủy chiến khá tốt.

Cụ thể, bên cạnh kế thừa các chiến thuyền của các triều đại trước, như: Mông Đồng (hai đáy), Lưỡng Phúc (hai lòng), Ngự (thuyền chỉ huy), Lâu thuyền (thuyền lầu), Trường Quang, Châu Kiều và Đinh Sắt… Năm 1404, Hồ Hán Thương cho đóng Trung tàu tải lương, Cổ lâu thuyền tải lương – một loại thuyền chiến lớn đóng đinh sắt, có hai tầng boong với hàng chục tay chéo và hai người điều khiển một mái chèo, để chở lương nhưng cũng sẵn sàng chiến đấu.

Theo mô tả, nếu thuyền bình thường có một đáy, thì thuyền loại này làm thêm một “đáy” nữa, tức một tầng sàn ở trên, chia bụng thuyền làm hai phần: phần dưới để lính chèo thuyền, phần trên giấu lính chiến đấu. Hiện, tài liệu về những con thuyền Cổ Lâu còn lại rất hiếm hoi, nhưng nó luôn được coi là chiến thuyền tiêu biểu cho quân thủy Đại Việt.

Chưa dừng ở đó, với tài năng kiệt suất của Hồ Nguyên Trừng (con trai Hồ Quý Ly), nhà Hồ đã chế ra súng thần cơ – có sức công phá mạnh mẽ, hơn hẳn các loại khí giới đương thời, và các hạm đội, chiến thuyền cũng được trang bị thần cơ pháo khiến thủy binh của giặc Minh lắm phen khiếp đảm kinh hồn, tổn thất đáng kể.

Công trình phòng ngự quy mô lớn

Năm 1405, nhà Hồ lệnh cho những nơi đầu nguồn ở các trấn nộp gỗ làm cọc. Châu Vũ Ninh thì cho lấy gỗ ô mễ ở lăng Cổ Pháp đưa đến cho quân đóng cọc ở các cửa biển và những nơi xung yếu trên sông Cái (sông Hồng) để phòng giặc phương Bắc. Tháng 6, đặt bốn kho quân khí. Không kể là quân hay dân, hễ khéo nghề đều sung vào làm việc.

Vào tháng 7 cùng năm, Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đi tuần tra xem xét núi sông và các cửa biển, ở kinh lộ, để kiểm tra xem xét thế hiểm yếu của các nơi. Tháng 9 tổ chức lại quân đội. Định quân Nam ban và Bắc ban chia thành 12 vệ; quân Điện hậu đông và tây chia thành 8 vệ; mỗi vệ 18 đội, mỗi đội 18 người; đại quân thì 30 đội, trung quân thì 20 đội, mỗi doanh là 15 đội, mỗi đoàn là 10 đội; cấm vệ đô thì 5 đội. Đại tướng quân thống lĩnh cả.

Tiếp sau đó, Hồ Quý Ly sai Hoàng Hối Khanh đốc quân vệ Đông Đô đóng cọc chặn cửa sông Bạch Hạc (ngã ba sông Hồng chảy qua thành phố Việt Trì ngày nay) để chống thủy quân giặc từ Tuyên Quang xuống.

Tháng 7 năm 1406, Hồ Hán Thương ra lệnh cho các lộ tiếp tục đóng cọc gỗ ở bờ phía nam sông Cái, từ thành Đa Bang (Sơn Tây – Hà Tây ngày nay), và dựng cả một hệ thống công trình phòng thủ có quy mô lớn, dài gần 400km kéo dài từ núi Tản Viên, men theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến cửa sông Thái Bình. Đó là một hệ thống chướng ngại vật gồm những bãi cọc, những xích sắt cùng các đồn quân chốt chặn khắp các cửa sông, cửa nguồn, quan ải…

Có thể khẳng định, đối với lịch sử quân sự, đây là thời kỳ mà nước ta đã xây dựng được một công trình phòng ngự có quy mô lớn nhất, trên một chính diện rộng, chiều sâu lớn và đồ sộ gấp nhiều lần phòng tuyến Như Nguyệt thời Lý chống giặc Tống. Thế nhưng, do yểu mệnh, nhà Hồ chỉ tồn tại được 7 năm.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: ,