Cha con Võ Tánh – Võ Khánh: Cha hổ không sinh được con hổ

Võ Tánh là một trong những khai quốc công thần bậc nhất của triều Nguyễn, ông hy sinh oanh liệt để giúp chúa Nguyễn Ánh lập đại cục nên con cháu cũng được hưởng ân sủng rất hậu. Tuy nhiên, con ông là Võ Khánh lại không được như cha, dù được cữ giữ những vị trí quân cơ quan trọng lại không hết lòng vì công việc, sai phạm nhiều nên nhiều lần bị phạt.

Cha con Võ Tánh – Võ Khánh: Cha hổ không sinh được con hổ

Mộ tướng Võ Tánh ở thành Hoàng Đế, Bình Định.

Người cha có quân công bậc nhất

Võ Tánh sinh năm 1768 tại ở huyện Phước An, tỉnh Biên Hòa, nay là Đồng Nai, nhưng lại hoạt động ở vùng Hóc Môn, Sài Gòn. Năm 20 tuổi, ông gia nhập quân của Nguyễn Ánh để chống lại nhà Tây Sơn, được phong chức Khâm sai Chưởng cơ Tiên phong doanh và được Nguyễn Ánh gả em gái là Ngọc Du cho.

Sử nhà Nguyễn viết rằng, quân Tây Sơn thường nói với nhau: “Gia Định có ba anh hùng, Tánh là một (hai người kia là Châu Văn Tiếp và Đỗ Thanh Nhân), chớ nên xâm phạm”.

Tên tuổi của Võ Tánh nổi bật cùng với trận thủy chiến Thị Nại nổi tiếng, tiêu diệt toàn bộ lực lượng chiến thuyền của tướng Tây Sơn Võ Văn Dũng, mà triều nhà Nguyễn xưng tụng là “võ công bậc nhất”. Tiếp sau đó, cái chết của ông cùng Ngô Tòng Châu khi tuẫn tiết trên lầu bát giác ở thành Bình Định vào ngày 27 tháng 5 (âm lịch) năm 1801 để giữ gìn sinh mạng cho quân sĩ và nhân dân trong thành cũng khiến đời sau mãi kính phục.

Kính nể tấm gương trung liệt đó, sau khi Trần Quang Diệu đem quân vào thành, dùng lễ chôn cất hai ông rất chu đáo và tha cho toàn bộ tướng sĩ trong thành. Nền cũ lầu bát giác ở trong thành, sau này khi nhà Nguyễn chiếm lại Bình Định đã lập đền thờ ở đó.

Chúa Nguyễn Ánh khi nghe tin Võ Tánh và Ngô Tòng Châu chết, đau buồn thương tiếc, khóc mãi không thôi, bảo bầy tôi rằng: “Bọn Tánh chết như thế là vẹn tiết, tuy bậc trung liệt đời xưa như Trương Tuần, Hứa Viễn (hai người làm quan đời Huyền Tông và Túc Tông nhà Đường) cũng không bằng”.

Nhờ Võ Tánh cầm chân được quân tinh nhuệ của nhà Tây Sơn ở Bình Định mà Nguyễn Ánh dẫn đại quân kéo thẳng ra Phú Xuân, đánh bại vua Quang Toản. Sau khi Nguyễn Ánh lấy được nước và lên ngôi hoàng đế, năm Gia Long thứ 5 (1806), cho Võ Tánh được tòng tự ở Thái miếu, năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) đổi tòng tự ở Thế miếu; năm thứ 12 (1831) truy phong ông là Hoài quốc công.

Khi triều Nguyễn xét danh sách những bề tôi có công thì bậc Công thần khai quốc (giúp các chúa Nguyễn) có 4 người, bậc Công thần trung tiết là 114 người, bậc Công thần Trung hưng (giúp các chúa Nguyễn trong chiến tranh với nhà Tây Sơn) có 258 người, trong đó đứng đầu là Tôn Thất Mân, thứ nhì là Võ Tánh.

Vua Gia Long cho con của Võ Tánh là Võ Khánh được ấm thụ làm Khinh xa Đô úy. Sau đó, lại được cất nhắc lên chức Chưởng cơ.

Người con hèn nhát, lười biếng

Bộ sử triều Nguyễn “Đại Nam thực lục” (chính biên, đệ nhị kỷ, Quốc sử quán biên soạn), ghi rằng: “Tháng 7 năm Minh Mạng thứ 6 (1826), Chưởng cơ lĩnh Vệ uý Hậu vệ dinh Hổ oai là Vũ Khánh có tội bị miễn chức”.

Khánh đi thú ở Thanh Hoa, thường báo là có tật để tránh việc. Vua nghe, sắc cho bộ Binh tư hỏi. Trấn thần tâu rằng: “Khánh từ khi đến thú đến giờ nói là có tật ở chân, nên chưa từng sai khiến việc gì”.

Vua dụ rằng: “Kẻ hèn nhát Võ Khánh kia là con của người dũng cảm tài năng kiệt trung tận tiết là quốc công Võ Tánh. Tánh ở thành Bình Định, biết giặc vẫn sợ mình nên cam lòng cố chết giữ thành, cho nên đại binh thẳng tiến lấy được Thần kinh, khôi phục nghiệp cũ. Tánh đem thân chết theo thành, quân giặc vì thế mà mỏi mệt phải vỡ. Xem như thế thì Trương Tuần, Hứa Viễn cũng không sánh được. Bởi vậy Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta luận công cho tập ấm, Khánh mới được dự vào bậc trên, đáng lẽ phải cảm kích phát động lương tâm để mong không hổ đến cha, không ngờ Khánh quen thói ăn ngon mặc tốt, khó bảo làm gì”.

Mặc dù vậy, vua vẫn vì tình với cha Khánh nên ưu ái ông ta: “Nhưng trẫm còn nghĩ đến công người trước mà yêu thương, năm ngoái đã cất làm Chưởng cơ, cho lĩnh binh đi thú, để được kịp thời gắng sức làm việc. Nay cứ lời tâu của Trấn thần thì cũng than thở thực. Nó đã cam chịu thấp hèn, khó bề thúc đẩy, vậy cách chức Chưởng cơ lĩnh Vệ uý Hổ oai hậu vệ, vẫn để nguyên hàm tập ấm Khinh xa Đô uý”. Sau đó, vua hạ lệnh cho triệt chức về để chuyên tâm phụng thờ Võ Tánh.

Khánh ở đồn lính thú lại mắc một tội nữa là sai riêng vệ binh đi Nghệ An, bị giặc giết chết. Việc này tiếp tục được giao cho bộ Binh nghị xử, tội đáng xử sung quân, nhưng các quan bộ Binh thấy Khánh là con công thần, nên xin cách hàm tập ấm Khinh xa Đô uý tạm, miễn tội sung quân để toàn di thể của công thần mà còn người thờ, đợi sau này có người nào nên cho tập ấm sẽ xin định đoạt.

Vua Minh Mạng nói rằng: “Lời bàn của bộ, lời nghiêm nghĩa chính, rất hợp ý người; nhưng nghĩ đến công lao trung liệt của cha Khánh, lòng trẫm không nỡ. Vậy gia ơn đổi giáng làm Kiêu kỵ Đô uý”.

Nhưng Võ Khánh ở chức mới chưa được bao lâu lại tiếp tục mắc lỗi. Năm Minh Mạng thứ 7 (1827), Đại Nam thực lục đã chép tiếp rằng: “Tháng 7, giáng Kiêu kỵ đô uý Võ Khánh làm Đội trưởng. Khánh từ sau khi có tội được lấy ấm chức để trông coi việc thờ cha là Quốc công Võ Tánh, lại sách nhiễu tự dân ở xã Văn Quỹ (thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị), bị kiện, bộ Hình bàn cách chức”.

Về vụ này, vua Minh Mạng nói rằng: “Võ Tánh đối với nước có công lao to lớn, lại liều chết với thành, thực là trung thần, nay gặp đứa con bất hiếu làm điếm nhục gia phong, trẫm rất thương”. Bèn sai bộ Hình và vệ Cẩm y đem Khánh ra đánh trượng ở trước đền Quốc công, giáng làm Đội trưởng, vẫn cho trông coi việc thờ, và gia ơn hằng tháng cấp cho tiền gạo theo lương Chánh tứ phẩm.

Bỏ con, dùng cháu

Khi con Võ Khánh là Võ Mỹ đã trưởng thành, vua ấm thụ cho Võ Mỹ làm Kiêu kỵ Đô uý, coi giữ việc thờ cúng Quốc công Võ Tánh.

Vua dụ bộ Lễ rằng: “Võ Tánh khi đầu Trung hưng hết trung giữ tiết, có công lao lớn; con là Võ Khánh đã từng đội ơn tập ấm, sau vì ngu tối mắc lỗi, không kham được việc thừa tự. Nhớ người huân cựu thật lấy làm thương. Nay con Khánh là Mỹ tuổi đã trưởng thành, há nên cứ đình ân điển mãi ư! Nên trao cho Mỹ hàm Tòng tam phẩm. Chiếu phẩm chi lương”. Lại ban cho Mỹ mũ áo đại triều.

Lúc Võ Mỹ vào bái yết, vua dụ trước mặt rằng: “Tổ ngươi đối với nhà nước thật có công to, cha ngươi không biết nối được nghiệp trước. Nay ngươi nên cố gắng làm cho tiếng tăm của ông ngươi được rạng rỡ ở đời, thì có thể không phụ ân điển của trẫm đối với công thần”.

Cuối năm Minh Mạng thứ 12 (1831), lúc Võ Khánh ốm qua đời, vua thương xót lại cho Khánh được truy khai phục hàm tập ấm Khinh xa đô uý. Vua bảo bộ Binh rằng: “Hoài Quốc công Võ Tánh, hết lòng trung đền ơn nước, công nghiệp rực rỡ, con là Võ Khánh đã từng được tập ấm chức hàm Khinh xa đô uý Tòng nhị phẩm. Ta để ý xây dựng, khiến cho nối được nghiệp nhà, không thẹn với cha nhưng Khánh tính vốn tầm thường, năm trước đã tự ý làm càn, can vào phép nước, theo lý không thể bỏ luật pháp mà gia ơn được, bèn ra lệnh giáng truất, rồi cho con là Võ Mỹ nối tập ấm làm Kiêu kỵ đô uý, tưởng triều đình đền đáp công lao, đã hết lòng lắm. Nay Khánh vừa mắc bệnh nặng, đã vội qua đời, rất đáng thương xót. Vậy gia ơn cho truy khai phục hàm tập ấm trước, rồi theo ngay hàm ấy cấp tiền tuất cho”.

Sau đó, vua cho Võ Mỹ được hưởng tước bá, dụ rằng: “Tên Khánh là con dẫu hư hỏng nhưng đã ốm chết rồi, cũng truy tặng quan chức rồi. Nay còn người cháu của Võ Tánh là Kiêu kỵ Đô úy Võ Mỹ chắc có thể giữ được nghiệp nhà, nối chức thế tập. Vậy đổi phong làm Hoài bá, để nối hưởng đất ăn lộc của ông”. Sau đó, lại cho Võ Mỹ lấy công chúa thứ ba là Uyển Diễm.

Dù Mỹ không có công lao gì, nhưng vẫn được nhà vua quan tâm. Cuối năm Minh Mạng thứ 15 (1834), vua lại ban tiền cho, dụ rằng: “Mỹ là cháu Võ Tánh, tuy không có tài năng gì, nhưng vì là dòng dõi công thần, nên đổi phong tước là Hoài bá và lại gả công chúa cho. Nay nghe nói gia tư thanh bạch, thực rất đáng thương. Chạnh nghĩ đến Hoài quốc công có lòng trung thành, công lao và nghĩa liệt được ghi vào cờ cân, thường, rất đáng nên ban ơn cho con cháu để tỏ lòng yêu thương. Vậy nay thưởng cho 2.000 quan tiền, sai ngay đường quan bộ Hộ đến tận nhà thờ Quốc công tuyên đọc lời chỉ mà ban cho, để cho mọi người biết rằng việc ban ơn này là do ta không quên công lao của quốc công, chứ không phải vì tên Mỹ”.

Theo LÊ TIÊN LONG / LAO ĐỘNG ONLINE

Tags: