Câu đố – một mảng lý thú trong văn hóa dân gian Việt Nam

Văn hóa dân gian là kho tàng đồ sộ, gồm những giá trị vật thể (kiến trúc, các công trình đình, đền, chùa, miếu…) và phi vật thể (phong tục, tập quán, văn chương). Tồn tại và phát triển trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ta; văn hóa dân gian đã đồng hành cùng dân tộc theo dòng thời gian, lịch sử từ rất xa xưa. Trong đó, văn chương bình dân là một trong những yếu tố cấu thành quan trọng. Giữa rất nhiều thể loại văn học dân gian, có một loại hình được đa số quần chúng yêu thích vì gây hào hứng và kích thích sự sáng tạo, trí tuệ. Đó là câu đố.

Câu đố trong văn hóa dân gian Việt Nam

Ảnh: Duy Khôi.

Trong văn hóa dân gian, đặc biệt là những câu chuyện kể, câu đố xuất hiện ở rất nhiều bối cảnh, được sử dụng bởi hầu hết các tầng lớp xã hội; từ các quan trạng – qua những câu chuyện kể tôn vinh tài học và sự thông minh của người xưa, đến những nông dân hát đố, hát thi, hò đối đáp, ngư dân với nghệ thuật hát bài chòi ở Nam Trung bộ… Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng: nếu vè thiên về “sự”, ca dao nặng về “tình”, tục ngữ nghiêng về “lý”, thì câu đố nhằm vào “trí”. Bởi câu đố thử thách sự thông minh, nhạy bén của những người tham gia.

Trước đây, tác giả của câu đố đa phần là quần chúng nông thôn, nên chủ đề những câu đố của họ gắn liền với đời sống, sự vật, cảnh quan, môi trường, vật dụng trong đời sống hằng ngày. Ví dụ như:

Con kia con cái nhà ai                                                                         
Thắt lưng nhiễu trắng, lỗ tai đeo trằm.                                       
Đứng bên nghe tiếng rầm rầm,                                                              
Ru đi ru lại ầm ầm bên tai 
(Cối xay)

Hay:

Xưa kia em trắng như ngà  
Bởi chưng ngủ lắm nên đà em thâm
Lúc bẩn, chàng đánh, chàng đâm
Đến khi rửa sạch, chàng nằm lên trên 
(Chiếc chiếu)

Hầu như những gì hằng ngày người ta thấy, tiếp xúc, sử dụng đều có thể thành câu đố như gia cụ, nhà cửa, công cụ và các hình thức lao động sản xuất, nếp sinh hoạt thường ngày, cây cỏ, động vật… Câu đố có đặc tính và đối tượng là những sự vật, sinh vật cụ thể, tồn tại khách quan, “mắt thấy, tai nghe”, do đó hầu như không thấy khái niệm triết lý, luân lý, tôn giáo và những khái niệm trừu tượng phi vật chất.

Một đặc điểm “sống còn” làm nên câu đố là lối mô tả gián tiếp sự vật qua những câu nói, lời thơ, lời văn mang hàm ý khá bí hiểm nhưng sau khi “giải mã” thì rất hợp lý, mọi người đều công nhận, vui vẻ và ít khi phản bác, phản biện. Một đặc tính nổi bật khác nữa của câu đố đó là tính hình tượng. Chỉ cần người nghe có sự nhanh nhạy và trí tưởng tượng vừa phải cũng có thể dễ dàng đoán và nghiệm ra lời giải. Ví dụ:

Xương sườn xương sống, nuốt trộng người ta
Đi ra, đi vô, người ta không chết
 (Cái nhà)

Hay:

Tính tình đáo để
Phá phách rất ghê
Chỉ chuyên một nghề
Truyền mang dịch hạch
(Con chuột)

Để không quá khó khăn cho ngươi bị “đố”, người ta còn cho thêm “xuất” để dễ đoán, giải đáp câu đố. Đơn cử như xuất “mộc” chỉ những vật dụng mà thành phần chủ yếu có nguồn gốc từ cây gỗ như: cây cối, ghe thuyền, tủ, giường, bàn ghế…:

Có chân mà chẳng biết đi
Quanh năm suốt tháng đứng ì một nơi 
(Cái giường)

Xuất “nhân” chỉ người:
Vua nào mặt sắt đen sì? 
Vua nào trong thuở hàn vi ở chùa?  
(Mai Hắc Đế – Mai Thúc Loan)

Xuất “vật” chỉ đồ gia dụng, công cụ sản suất như: thau, nồi, bát, ấm, cày, cuốc, nôm, lưới…:

Một đàn cò trắng phau phau,
Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm. 
(Bát, chén).

Xuất “thú” chỉ các loại động vật: voi, hổ, trâu bò, dê, heo, ngựa, gà vịt, ngỗng, chim muông…:

Bốn người giẫm đất, một người phất cờ,
Hai người lẳng lơ, hai người quạt mát 
(Con voi)

Xuất “cảnh” chỉ cảnh quan, môi trường: biển, sông, núi, đảo, ao, hồ…:

Hạt gieo tới tấp
Rải đều khắp ruộng đồng
Nhưng hạt gieo chẳng nảy mầm
Để bao hạt khác mừng thầm mọc xanh 
(Hạt mưa)

Về hình thức, đa phần câu đố được thể hiện qua lối văn vần, thơ, câu cú ngắn gọn, ý nghĩa tinh lọc trong từng chữ, không thừa, không thiếu, rất dễ nhớ.

Theo thời gian, văn hóa đọc phát triển, lịch sử được ghi chép lại tương đối mạch lạc, có hệ thống. Trong chốn khoa trường, trong dân gian đã xuất hiện một loại hình câu đố bậc cao hơn. Đó là câu đố về các nhân vật lịch sử đã để lại nhiều dấu ấn.

Đố ai trên Bạch Đằng giang
Làm cho cọc nhọn dọc ngang sáng ngời
Phá quân Nam Hán tơi bời
Gươm thần độc lập giữa trời vang lên? 
(Ngô Quyền)

Có một hình thức câu đố khác rất thú vị là “đố mẹo”. Có khá nhiều truyền thuyết, giai thoại lịch sử của dân tộc ta kể lại chuyện đối đáp, đố mẹo, đố khó của sứ nước ngoài với các vị sứ, trạng thông minh, tài giỏi, của nước ta. Kết quả thường là ta thắng và khiến đối thủ “tâm phục khẩu phục” vì sự thông minh, cơ trí của người Việt. Ngày nay, đố mẹo thường thấy trong các chương trình tạp kỹ và truyền hình thực tế, trong các buổi sinh hoạt vui chơi của sinh viên, học sinh, trong các đám tiệc, liên hoan. Câu đố thường rất đơn giản nhưng người giải thường bị “hố” bởi do bị “nhiễu” tư duy. “Một ký sắt và một ký bông. Ký nào nặng hơn?” (bằng nhau vì cả hai cùng có trọng lượng một ký) hay “Lịch nào dài nhất?” (Lịch sử).

Cách đây chừng trên dưới nửa thế kỷ, trên các báo, tạp chí thường hay có mục “Đố ô chữ”. Các ô chữ được bố trí ngang và dọc nằm cắt vuông góc với nhau trong một hình thể nào đó và thi thoảng cách nhau ở vài ô đen. Người ta sẽ cho những câu gợi ý theo thứ tự A, B, C…(ngang); 1, 2, 3, 4…(dọc). Người chơi phải điền vào chỗ trống những chữ, sao cho, khi điền xong phải phù hợp ý nghĩa với những câu đố đã gợi ý, và phải đọc được hai chiều. Những ai gửi về tòa soạn sớm nhất sẽ có thưởng. Trò chơi này hiện nay được áp dụng khá rộng rãi trong các trường học, các trò chơi điện tử. Các nhà khoa học đã chứng minh, các trò chơi đố ô chữ có tác dụng kích thích não bộ và tư duy của người thường chơi. Đó là một trong những hình thức, cách luyện trí thông minh, ứng xử nhạy bén.

Ngày nay, các trò chơi, chương trình “Đố vui có thưởng”, “Đường lên đỉnh Olympia”… xét cho cùng cũng là những hình thức “đố”, dù những câu hỏi đố ấy không còn theo kiểu văn vần, có nhịp điệu như ngày xưa nữa. Những trò chơi này nhằm mục đích nâng cao kiến thức và kích thích người tham gia vận động tư duy trí tuệ có tốc độ. Phải chăng, những câu đố thời xa xưa đã được phát triển lên những tầm cao mới, phù hợp với thực tế, trào lưu xã hội, dòng chảy lịch sử.

Theo ĐẶNG HOÀNG THÁM / BÁO CẦN THƠ

Tags: ,