Câu chuyện lịch sử có thật về chuyến hành hương 16 năm của Đường Tăng

Một trong những nhà thám hiểm sớm nhất ghi chép về những chuyến đi của mình là một tu sĩ Phật giáo tên là Huyền Trang.

Câu chuyện lịch sử có thật về chuyến hành hương 16 năm của Đường Tăng

Nguồn: Nhà thám hiểm / Nellie Huang / NXB Dân Trí liên kết Đông A.

Ông lớn lên ở Trung Hoa, chịu ảnh hưởng từ người anh và bắt đầu bước chân vào Phật môn năm mới 13 tuổi. Đến năm 20 tuổi, ông thụ giới cụ túc và khát khao được học nhiều hơn.

Huyền Trang đi khắp Trung Hoa, truy lùng kinh văn Phật giáo để học hỏi. Thế nhưng ông lại phát hiện ra lỗi sai trong các kinh văn và quyết định đi tìm nguyên bản ở Ấn Độ, nơi phát xuất của Phật giáo.

Năm 629, ông bắt đầu chuyến hành trình của một đời – chuyến hành hương 16 năm đến Ấn Độ. Tại đây, ông học hỏi các cao tăng Phật giáo và thăm thú những nơi mà Đức Phật – người khai sinh ra các giáo pháp – đã sống từ 1.000 năm trước đó.

Trong hành trình của mình, Huyền Trang đã đi khoảng 16.000 km qua Trung Á và Ấn Độ. Trên đường đi, ông đã sống sót qua những trận bão tuyết, lốc xoáy và những cuộc tấn công của bọn cướp. Năm 645, ông trở về Trung Hoa với 520 hiệp kinh cùng vài tượng Phật.

Một ngôi chùa tên là chùa Đại Nhạn đã được xây dựng ở Tây An, Trung Hoa để lưu trữ những kinh thư của Huyền Trang.

Huyền Trang viết về những chuyến đi của mình trong một cuốn sách mang tên Đại Đường Tây Vực ký. Ông mô tả tất cả những nơi mình từng đi qua, bao gồm các phong tục, ngôn ngữ, chính trị và cả khí hậu địa phương.

Để rời Trung Hoa, Huyền Trang phải băng qua dãy núi Pamir rộng lớn, ngày nay thuộc Tajikistan. Ông viết về những mối hiểm nguy khi đi trong tuyết.

Trước khi tiến về phía tây tới Ấn Độ, Huyền Trang đến hồ Issyk-Kul, ngày nay thuộc Kyrgyzstan. Ông viết về các loài cá (và rồng!) sống trong hồ này. Các khách hành hương dâng lời cầu nguyện đến các loài này để xin may mắn.

Tại Ấn Độ, Huyền Trang thăm chùa Mahabodhi. Nơi đây đã và vẫn đang là nơi cư trú của một nhánh từ cây Bồ đề – gốc cây nơi Đức Phật tọa thiền nhập định.

Trên đường trở về, Huyền Trang băng qua sa mạc Taklamakan ở phía tây bắc Trung Hoa. Trong cuốn sách của mình, ông mô tả sa mạc này là hoang vu và u ám.

Rất lâu sau đó, vào thế kỷ 17, Tây du ký ra đời. Cuốn tiểu thuyết Trung Hoa này dựa trên chuyến đi của Huyền Trang. Tây du ký đã biến chuyến đi này thành một câu chuyện dân gian hấp dẫn với sự xuất hiện của một số nhân vật thần thoại, trong đó có Tôn Ngộ Không. Cuốn tiểu thuyết trở thành một tác phẩm kinh điển ở Trung Hoa.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: