Càng đánh mắng trẻ con càng chống đối, hãy ‘cảm hóa’ chúng bằng những cách sau

Không cần phải cho roi cho vọt, phụ huynh vẫn có thể đưa chúng vào khuôn khổ bằng chính những câu nói khôn ngoan nhất của mình.

Càng đánh mắng trẻ con càng chống đối, hãy ‘cảm hóa’ chúng bằng những cách sau

Đừng nạt nộ, hãy trấn tĩnh trẻ trước đã.

Nếu trẻ nhỏ đang cáu kỉnh, bực bội mà bạn cứ khăng khăng bắt chúng phải làm theo hàng tá hiệu lệnh hay hướng dẫn của mình, chúng chắc chắn sẽ không muốn nghe bạn nói. Thay vào đó, hãy đợi cho đến khi chúng bớt hoặc ngừng khóc rồi mới “vào đề”.

Hãy nói “Mẹ/bố muốn…”

Thay vì ra lệnh cho trẻ nhỏ bằng những câu cụt lủn, khô khốc như “Đứng dậy!”, bạn hãy nói “Mẹ/bố muốn con đứng dậy ngay!”. Hãy nói “Mẹ/bố muốn con đừng giựt tóc chị nữa!” thay vì quát tháo “Đừng có giựt tóc chị nữa!”.

Bằng cách này, chúng ta đã thêm vào câu nói những sắc thái biểu cảm của bố mẹ – không hài lòng với hành động thiếu đúng đắn của con- một cách lịch sự và nhẹ nhàng hơn. Trẻ sẽ không có cảm giác bị ra lệnh và bị gây ức chế.

Muốn nói chuyện với trẻ, hãy kết nối trước đã.

Bạn muốn trẻ làm điều gì đó, đừng đứng từ dưới tầng một và gọi với lên tầng hai. Hãy tắt ti vi và mặt đối mặt để cho chúng thấy, mình đang thực sự nghiêm túc, ngoại trừ những lúc chơi đùa vui vẻ.

Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta vẫn nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Vì thế, hãy tập cho trẻ thói quen và phản xạ giao tiếp bằng mắt mỗi khi nói chuyện để chúng có thể học được cách phát hiện những sắc thái cảm xúc của người đối diện.

Hãy nêu cho trẻ nguyên nhân và kết quả

Những bài văn hay bởi từ ngữ được xắp xếp hợp lí, những phát minh vĩ đại hay những chân lí ngàn đời là kết quả của giả thuyết “nếu… thì”.

Muốn đặt nền móng cho con tư duy logic và sáng tạo, thậm chí cách giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, bạn hãy tạo cho chúng thói quen sử dụng những từ ngữ như “khi nào”, “sau đó”, “ nếu… thì”. Chúng sẽ có phản xạ tư duy về điều kiện, nguyên nhân và hậu quả của vấn đề.

Khi còn là một đứa trẻ, chắc chắn bạn cũng có những lúc vừa dọn phòng mà miệng lẩm bẩm bực bội khi bị mẹ la “Dọn phòng ngay!”. Tình thế sẽ nhẹ nhàng hơn nếu mẹ nói: “Khi nào dọn phòng xong, tất nhiên con có thể sang nhà bạn A chơi”.

Hãy cho trẻ nhiều sự lựa chọn

Nếu trẻ muốn một thứ gì đó mà bạn không đáp ứng được ngay. Đừng nói: “Mẹ/bố không có” và kết thúc bằng một lời hứa mà chẳng biết đến bao giờ mới thực hiện được như kiểu “khi nào có mẹ/bố sẽ cho con”.

Trẻ sẽ có ý nghĩ thụ động rằng chúng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc “mơ mộng đến một ngày bố mẹ có thứ đó để trao cho mình”.

Thay vì làm cho chúng cảm thấy bế tắc, hãy đưa thêm những sự lựa chọn khác ngoài thứ con bạn đang đòi hỏi “Hôm nay công viên không mở cửa thì chúng ta đi trượt tuyết hoặc đánh bóng rổ nhé!”.

Điều này rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ trong tương lai. Nhất là khi ở trong một tình huống mà chúng ta nghĩ không còn giải pháp nào nữa, thì thực tế lại có một vài hay nhiều cách giải quyết khác cho vấn đề của mình.

Thông điệp phải ngắn gọn

Nếu quan sát trẻ trò chuyện hay chơi đùa với bạn cùng lứa, bạn sẽ thấy chúng chỉ nói những câu rất đơn giản và ngắn gọn. Hãy cũng làm như thế khi bạn muốn rèn chúng vào khuôn khổ.

Nếu bạn tuôn một tràng dài dằng dặc đến nỗi trẻ muốn mờ mắt và khô hết cả miệng thì bạn vừa lạc mất chúng rồi. Và lúc đó, không những con trẻ chẳng buồn nghe vì không hiểu gì mà bạn còn chuốc lấy bực bội vì trở thành kẻ độc thoại với chính mình.

Hãy nhất quán

Kết thúc cuộc đối thoại, bạn quyết định nói “Không” , sau đó lại thay đổi cục diện bằng câu trả lời “Có” thì bạn đang làm cho việc đưa con trẻ vào khuôn khổ trở nên khó khăn hơn rất nhiều rồi. Tất nhiên cũng tùy từng trường hợp mà mỗi quyết định có thể khác nhau.

Sẽ không quá khó khăn để thực hiện những điều này khi chúng ta đang không phải đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống.

Nhưng là những bậc cha mẹ, chúng ta bị cuốn vào những cuộc đấu tranh với tiền bạc để nuôi nấng con cái, với những mối quan hệ xã hội khác mà chúng ta muốn vứt tất cả những quy tắc ra ngoài cửa sổ.

Tuy vậy, hãy cố gắng dùng từ ngữ một cách đúng đắn để dạy con tính kỷ luật từng chút một và đều đặn để chúng trở thành phản xạ như khi chúng ta pha nước mật ong mỗi buổi sáng vậy.

Có thể phiền phức, ngại ngần trong một ngày, một tuần thậm chí một tháng, nhưng lợi ích tốt đẹp thì sẽ kéo dài đến tương lai.

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Tags: ,