Căn cứ Ngọc Lâm – lưỡi dao nguy hiểm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam

Nhờ sự kết hợp giữa các tàu mặt nước, các pháo phòng không cùng tàu ngầm tấn công thông thường và tàu ngầm hạt nhân, giá trị chiến lược của căn cứ quân sự Ngọc Lâm ở cực Nam của đảo Hải Nam ngày càng gia tăng.

Căn cứ Ngọc Lâm – lưỡi dao nguy hiểm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam

Bài viết của tác giả Damen Cook, nhà nghiên cứu chiến lược quốc phòng Mỹ, thuộc Strategic Sentinel. Bài viết đăng trên Tạp chí “The Diplomat”, 2017.

Gần thành phố Tam Á về phía cực Nam của đảo Hải Nam, lực lượng Hải quân Trung Quốc đang chuẩn bị cho giai đoạn bành trướng sức mạnh tiếp theo trên Biển Đông. Khu vực được đề cập đến chính là căn cứ hải quân Ngọc Lâm, được mệnh danh là căn cứ quân sự chiến lược quan trọng nhất ở Biển Đông. Trên thực tế, danh hiệu này có được là nhờ vào lưu lượng tàu ngầm hạt nhân hiện tại ra vào cơ sở ngầm của căn cứ này. Các thiết bị quốc phòng đã được triển khai, các trang thiết bị bảo vệ dường như cũng đã sẵn sàng hoạt động – bao gồm các tòa nhà hành chính, hệ thống vận chuyển bom, và các công trình bảo vệ mặt đất – và hầu hết lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Biển Đông đã ẩn mình sâu trong các dãy núi. Nhờ sự kết hợp giữa các tàu mặt nước, các pháo phòng không và vũ khí chống tàu chiến, cùng tàu ngầm tấn công thông thường và tàu ngầm răn đe hạt nhân, giá trị chiến lược của căn cứ quân sự Ngọc Lâm ngày càng gia tăng. Cùng với đó, Trung Quốc cũng ngày càng phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông và các tuyến đường biển xung quanh.

Các nguồn tin tình báo đã cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về đảo Hải Nam, căn cứ quân sự đang được củng cố và ngày càng trở nên quan trọng. Phía Đông căn cứ Ngọc Lâm nằm trong một bến cảng nhân tạo được bảo vệ cẩn mật với cơ sở hạ tầng quân sự hơn 25 km2. Căn cứ này có thể chứa các tàu ngầm và tàu mặt nước (và hầu hết các trang thiết bị cần thiết), các hệ thống vũ khí phòng thủ, các phương tiện vận chuyển và kho bãi, cùng các công trình hành chính cho các nhà chỉ huy quân sự. Việc xây dựng căn cứ này đã được bắt đầu vào năm 2000 và đến nay vẫn chưa hoàn thành. Khu phức hợp quân sự kéo dài này cho thấy 17 năm nỗ lực của Trung Quốc. Khu bảo vệ tự nhiên của vịnh Á Long gồm một ngọn núi hùng vĩ. Trung Quốc đã không bỏ qua lợi thế này khi tận dụng ngọn núi thành nơi ẩn giấu của các vũ khí răn đe hạt nhân. Tuy nhiên, Trung Quốc hiểu rằng những lợi thế về địa chất không thể đảm bảo chiến thắng nên nước này đã xây dựng một bức tường khổng lồ trên biển bao quanh căn cứ này. Các bức ảnh vệ tinh chụp trong vòng 15 năm qua đã nói lên những nỗ lực và chi tiêu khổng lồ của Trung Quốc dành cho căn cứ hải quân này. Liệu “pháo đài khổng lồ” này có thể chống lại một làn sóng tấn công kết hợp từ những kẻ thù của Trung Quốc hay không vẫn còn là một câu hỏi ngỏ.

Tài sản có giá trị cao nhất của căn cứ Ngọc Lâm là tàu ngầm (và các hạ tầng liên quan). Căn cứ hải quân này có 4 cầu tàu có khả năng nối với bất cứ tàu ngầm nào của Hải quân Trung Quốc – bao gồm tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Shang. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy trên các cầu tàu đã xuất hiện hoạt động vận chuyển vũ khí, nhưng vẫn còn nhiều suy đoán rằng liệu việc “tải” vũ khí có xảy ra bên trong các hạ tầng dưới lòng đất hay không. Căn cứ này không phải là một địa điểm lý tưởng, vì một vụ nổ xảy ra bất ngờ sẽ làm tăng nguy hiểm trong không gian kín như vậy. Tuy nhiên, trong chiến tranh hoặc trong nỗ lực bảo vệ bí mật quan trọng, Trung Quốc có thể chấp nhận nguy cơ này và thiết lập các vũ khí nổ bên trong cơ sở ngầm dưới mặt đất. Hiện tại, chưa có tài liệu đầy đủ về việc có tồn tại nguồn vũ khí của tàu ngầm ở Ngọc Lâm hay không, nên câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thực hiện các hoạt động này trong cơ sở dưới lòng đất ngay bên trong lòng núi hay không?

Ngọc Lâm có vai trò bổ sung hoàn hảo cho các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông. Các hòn đảo nhân tạo đều được trang bị công nghệ A2/AD để ngăn cản hoặc kìm chân Mỹ xâm chiếm phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh. Các loại tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa lớp Jin ở Ngọc Lâm có thể ngăn cản Mỹ tấn công Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân và ngăn cản bất cứ cuộc xung đột nào. Cuối cùng, các thiết bị quân sự trên mặt đất của Ngọc Lâm là tàu sân bay và tàu ngầm tấn công buộc lực lượng hải quân khu vực phải tuân thủ các hành động hung hăng của Trung Quốc và tuân theo các tuyên bố của Trung Quốc. Nhiệm vụ kép của Ngọc Lâm – ngăn chặn phương Tây và cưỡng chế các nước còn lại – càng làm tăng giá trị chiến lược của căn cứ này.

Tàu ngầm tấn công và các nhóm tàu sân bay tấn công được tập hợp tại Ngọc Lâm sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc thực hiện bành trướng sức mạnh, đặc biệt phù hợp với các đối tượng là các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu ngầm làm tàu chiến chống tàu ngầm, đây là chiến thuật lý tưởng cho kế hoạch kiểm soát trên biển. (Trên thực tế, gần 2/3 lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc được trang bị đặc biệt để đánh chìm tàu của đối phương thay vì tấn công các mục tiêu trên mặt đất hoặc săn đuổi các tàu ngầm khác). Trong tương lai, khi triển khai các nhóm tàu sân bay tấn công từ Ngọc Lâm, Trung Quốc muốn nhắc nhở các đối thủ rằng Bắc Kinh có thể tấn công các thành phố và bắn hạ các máy bay của họ. Bắc Kinh sẽ gây áp lực cưỡng chế lên các lực lượng hải quân ở Đông Nam Á trên Biển Đông. Các tàu ngầm tấn công và tàu chiến gây áp lực lên các lực lượng hải quân khu vực, còn tàu ngầm lớp Jin ở Ngọc Lâm sẽ đảm bảo khả năng tấn công thứ hai của Trung Quốc.

Do đó, căn cứ Ngọc Lâm – khu liên hiệp hải quân đang phát triển mạnh mẽ trên Biển Đông, trở thành một trong những căn cứ quân sự quan trọng nhất của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Căn cứ này đặc biệt quan trọng cho nhiệm vụ: bành trướng sức mạnh trong khu vực và chiến lược răn đe hạt nhân toàn cầu. Các tàu trên mặt nước và các tàu ngầm tấn công của Ngọc Lâm sẽ tăng cường vị thế của Trung Quốc trên các tuyến thương mại quan trọng trong khu vực và ép buộc các nước láng giềng phải chấp nhận “Đường 9 đoạn”. Tàu ngầm lớp Jin – yếu tố đảm bảo khả năng tấn công thứ hai của Trung Quốc, sẽ là tài sản giá trị nhất ở căn cứ hải quân này, ít nhất là đến thời điểm hiện tại.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , ,