Campuchia, Sri Lanka và bài học về ‘bẫy vay nợ’ của Trung Quốc với nước nhỏ

Mặc dù Campuchia và Sri Lanka khác biệt nhau về mặt vị trí địa lý, nhân khẩu học và mô thức quan hệ chiến lược với Trung Quốc, có những bài học cốt yếu mà Campuchia và các nước nhỏ khác có thể học để tránh rơi vào tình thế của Sri Lanka.

Nguồn: Veasna Var và Sovinda Po – “Cambodia, Sri-lanka and the China debt trap”, East Asia Forum, 18/03/2017

Biên dịch: Dương Huy Quang

Dòng tiền hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc vào các nước Sri Lanka và Campuchia cho đến nay đã làm dấy lên những câu hỏi về ý định đằng sau những khoản vay khổng lồ này. Trong khi Trung Quốc có thể vẫn được coi là một nước đang phát triển thì chiến lược hiện tại của nước này trong việc cung cấp các khoản vay quyền lực mềm và viện trợ cho các nước láng giềng trong khu vực gợi người ta nhớ đến chế độ triều cống mà nước này đã sử dụng trong thời kỳ đế quốc xa xưa.

Campuchia là một trong những đối tác quốc tế và đồng minh ngoại giao gần gũi nhất của Trung Quốc đồng thời là nước đang thực sự nằm gọn trong tầm ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của nước này. Thủ tướng Campuchia Hun Sen gần đây đã mô tả Trung Quốc là “người bạn đáng tin cậy nhất” của Campuchia. Tương tự, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mô tả Campuchia “như một người anh em” khi Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni thăm Bắc Kinh hồi tháng 6/2016. Trung Quốc hiện là nước viện trợ lớn nhất về mặt quân sự cho Campuchia đồng thời là nhà cung cấp viện trợ phát triển và đầu tư nước ngoài lớn nhất cho nước này. Từ năm 1992 trở lại đây, Trung Quốc đã cho vay với điều kiện ưu đãi và viện trợ cho Campuchia tổng cộng khoảng 3 tỷ USD.

Một báo cáo năm 2016 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết mức nợ công đa phương với nước ngoài của Campuchia hiện ở mức 1,6 tỷ USD trong khi nợ công song phương của nước này với Trung Quốc là 3,9 tỷ USD – 80% số nợ này là do Trung Quốc nắm giữ.

Nhìn rộng ra các nước khác, sự liên đới ngày càng gia tăng về mặt kinh tế của Sri Lanka với Trung Quốc cũng đã gây nên mối quan ngại trong giới học giả và hoạch định chính sách. Một mặt, lập luận này thừa nhận Trung Quốc đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Sri Lanka. Trong giai đoạn từ 1971 đến 2012, Trung Quốc đã cung cấp cho Sri Lanka trên 5 tỷ USD. Hầu hết số tiền này được rót vào phát triển hạ tầng, trong số đó có 1 tỷ USD được Trung Quốc đầu tư vào một cảng nước sâu tại Hambantota và hàng tỷ USD khác vào sân bay Mattala, một tuyến đường sắt mới và Dự án Thành phố Cảng Colombo.

Là một nước nhỏ đang thoát ra khỏi nội chiến, hạ tầng đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ cho sự phát triển của các khu vực thương mại và đầu tư nước ngoài của Sri Lanka. Ngân hàng Thế giới dự báo rằng tăng trưởng GDP của Sri Lanka có thể sẽ tăng từ mức 3,9% năm 2016 lên khoảng 5% năm 2017.

Tuy nhiên, những người phản đối nhận thấy những sai lầm trong quan hệ song phương Trung Quốc–Sri Lanka. Thứ nhất, Sri Lanka đã vay hàng tỷ USD từ Trung Quốc để xây dựng hạ tầng trong nước. Nợ công ước tính của Sri Lanka là 64,9 tỷ USD, trong đó 8 tỷ USD là nợ Trung Quốc. Hiện trạng này có thể được quy cho lãi suất cao của các khoản vay từ Trung Quốc. Với Dự án Cảng Hambantota, Sri Lanka đã vay 301 triệu USD từ Trung Quốc với lãi suất 6,3% (/năm), trong khi lãi suất của các khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chỉ từ 0,25–3%. Sri Lanka đang lún sâu trong cuộc khủng hoảng nợ hoặc, như mô tả của một số học giả, một ”bẫy vay nợ”.

Thứ hai, Sri Lanka hiện không có khả năng trả hết nợ cho Trung Quốc bởi nền kinh tế của nước này tăng trưởng chậm. Để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của mình, chính phủ Sri Lanka đã phải đồng ý chuyển đổi nợ thành cổ phần. Nhưng quyết định gần đây của Sri Lanka cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc nắm giữ 80% cổ phần cùng thời hạn thuê cảng Hambantota lên tới 99 năm đã gây ra làn sóng phẫn nộ của công chúng cùng các cuộc phản đối có tính chất bạo lực tại Sri Lanka. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc còn được trao quyền khai thác hành và quản lý sân bay Mattala – công trình được xây dựng bằng khoản vay trị giá từ 300–400 triệu USD từ Trung Quốc – bởi chính phủ Sri Lankan không thể kham nổi các khoản chi phí tổng cộng lên tới 100–200 triệu USD/năm.

Theo nghiên cứu viên khách mời Kadira Pethiyagoda tại Viện Brookings, việc tiếp cận được cảng Hambantota và sân bay Mattala đem lại cho Trung Quốc một vị trí chiến lược về quân sự trong tình huống xảy ra một cuộc xung đột trên Ấn Độ Dương, đồng thời là yếu tố chủ chốt cho sáng kiến “Vành đai và Con đường” của nước này. Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc cũng có thể buộc Sri Lanka phải hậu thuẫn quan điểm của Trung Quốc về tranh chấp tại Biển Đông cũng như chính sách “Một Trung Quốc”.

Mặc dù Campuchia và Sri Lanka khác biệt nhau về mặt vị trí địa lý, nhân khẩu học và mô thức quan hệ chiến lược với Trung Quốc, có những bài học cốt yếu mà Campuchia và các nước nhỏ khác có thể học để tránh rơi vào tình thế của Sri Lanka.

Campuchia cần đa dạng hóa các nguồn vay vốn của mình và cần nhanh chóng cân nhắc việc vay vốn từ những tổ chức tài trợ đa quốc gia như IMF, Ngân hàng Thế giới và ADB cũng như các nước lớn khác như Hoa Kỳ và Nhật Bản. Mặc dù quy trình phê duyệt (các khoản vay từ các tổ chức đa quốc gia và các nước lớn này) châm hơn, việc chờ đợi là có lợi bởi những khoản vay này đều gắn với những điều kiện nghiêm ngặt về trách nhiệm, tính minh bạch và sự thượng tôn pháp luật.

Campuchia phải ý thức được rằng ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước này sẽ tăng lên cùng với quy mô vay nợ. Điều này đã rõ, thể hiện qua việc Campuchia gần đây đã quyết định đơn phương trì hoãn cuộc tập trận Người gác đền Angkor với Mỹ trong 2 năm đồng thời cấm treo cờ Đài Loan trên lãnh thổ nước mình. Chính sách đối ngoại của Campuchia dường như chủ yếu để phục vụ lợi ích chính trị và ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực trong khi uy tín quốc tế và sức mạnh mềm của Campuchia thì đang bị xói mòn.

Khi vay tiền của Trung Quốc, Campuchia cần chủ động soạn thảo hợp đồng pháp lý và chi tiết hóa các điều khoản, điều kiện của khoản vay và viện trợ phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Campuchia cũng cần đa dạng hóa chính sách đối ngoại của mình để bao quát cả những nước và những sáng kiến khu vực khác như ASEAN và Chương trình Hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Tuy nhiên, sẽ không có bất cứ điều nào nêu trên đây là khả thi từ khi Campuchia giải quyết được những ưu tiên trong nước của mình. Điều này bao gồm việc diệt trừ nạn tham nhũng, tệ ưu ái bạn bè thân quen, nạn cưỡng chế di dời, cưỡng bức thu hồi đất đai và việc bảo vệ nhân quyền cũng như đảm bảo công bằng trong bầu cử. Làm được điều này sẽ giúp thúc đẩy sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế và tạo đối trọng với sự hiện diện chi phối của Trung Quốc tại Campuchia.

Theo KINH TẾ THẾ GIỚI

Tags: , , , ,