Cái chết tức tưởi của 3 vị khai quốc công thần thời Hậu Lê

Hữu Tướng quốc Trần Nguyên Hãn, Huyện thượng hầu Lê Sát và Đại đô đốc Lê Ngân là những vị đại công thần phải chịu cái chết oan nghiệt dưới thời Hậu Lê.

Cái chết tức tưởi của 3 vị khai quốc công thần thời Hậu Lê

Tượng đài Trần Nguyên Hãn ở TP HCM.

Hữu Tướng quốc Trần Nguyên HãnTrần Nguyên Hãn người đất Sơn Đông huyện Lập Thạch, nay là huyện Lập Thạch, tinh Vĩnh Phúc. Ông sinh năm nào không rõ, chỉ biết là mất vào năm 1429.

Khi Lê Lợi xướng nghĩa ở Lam Sơn, ông cùng với Nguyễn Trãi đã sớm tìm đến và mau chóng trở thành chỗ dựa tin cậy của Lê Lợi. Cuộc đời và cái chết oan khuất của ông đã được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 25, tờ 20) chép lại tóm lược như sau :

“Hãn có học thức, giỏi binh pháp, từng giúp Lê Thái Tổ khởi nghĩa, được thương yêu và hậu đãi và dự bàn những chuyện bí mật. Trần Nguyên Hãn cùng Vua xông pha trận mạc, đến đâu cũng lập được chiến công.

Năm Mậu Thân, niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (1428), khi Lê Thái Tổ định công ban thưởng cho các bậc công thần, Trần Nguyên Hãn được gia phong chức Hữu Tướng quốc, cho mang quốc tính là họ Lê. Công lao và danh vọng của Trần Nguyên Hãn kể vào hàng cao nhất. Nhưng sau, Trần Nguyên Hãn có nói riêng với người thân tín rằng:

– Nhà vua có tướng giống như Việt Vương Câu Tiễn, cho nên, ta không thể cùng hưởng yên vui sung sướng được.

Nói rồi, Hãn xin về hưu, được Nhà vua ưng thuận. Nhưng, vì Trần Nguyên Hãn là dòng dõi họ Trần, nên bị nghi kị. Về đến Sơn Đông, sống trong cảnh quê nhà mà Trần Nguyên Hãn vẫn cho xây dựng phủ đệ, đóng thuyền bè, không chịu giữ gìn hình tích.

Những kẻ xấu muốn tâng công, bèn thêu dệt gièm pha với Nhà vua, rằng Trần Nguyên Hãn có mưu toan phản nghịch. Nhà vua tin lời, bèn ra lệnh cho bọn lực sĩ đến bắt. Khi thuyền chở Trần Nguyên Hãn đến bến Sơn Đông, ông nhảy xuống sông tự tử”.

Huyện thượng hầu Lê Sát

Lê Sát sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông người Lam Sơn, từng theo Lê Lợi nổi dậy đánh đuổi quân Minh ngay từ khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vừa mới bùng nổ.

Lê Sát là người lập công lớn trong trận Quan Du (Thanh Hóa) năm 1420, trận Khả Lưu (Nghệ An) năm 1424 và đặc biệt là trận Xương Giang (Bắc Giang) năm 1427.

Khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, ông được phong là Suy trung tán trị hiệp trung mưu quốc công thần, Nhập nội kiểm hiệu tư khấu, Bình chương quân quốc trọng sự. Đến năm 1429, khi triều đình cho khắc biển ghi tên 93 vị khai quốc công thần, tên ông được xếp ở hàng thứ hai, tước hiệu là Huyện thượng hầu.

Bình sinh, Lê Sát là tướng có tài, quyết đoán nhanh, nhưng là võ tướng ít chữ nghĩa, phép xử sự của ông thường thiếu tế nhị, cho nên, lắm kẻ ghen ghét ông.

Có lẽ đó chính là lí do sâu xa dẫn đến vụ án Lê Sát và cái chết thê thảm của ông vào năm Đinh Tị (1437). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11) đã có một vài đoạn chép về ông như sau :

“Bấy giờ, tuổi Vua đã tương đối lớn, đã có thể xét đoán mọi việc một cách sáng suốt, nhưng Lê Sát thì vẫn tham quyền cố vị, cho nên, Vua rất ghét Sát. Ngoài mặt, Vua vẫn tỏ ra điềm nhiên nên Sát không biết sự ghét bỏ này.

Đến đây, (tháng 6 năm Đinh Tị, 1437), Vua bàn với những người hầu cận, lập mưu khép Sát vào tội chuyên quyền.

Vua xuống chiếu rằng : “Lê Sát chuyên quyền, nắm giữ việc nước, ghét người tài, giết Nhân Chú để ra oai, truất Trịnh Khả để mong người phục, bãi chức của Ư Đài hòng bịt miệng bá quan, đuổi Cầm Hồ ra biên ải để ngăn lời Ngôn quan… Mọi việc hắn làm đều trái với đạo làm tôi. Nay ta muốn khép hắn vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng vì hắn là viên cố mệnh đại thần, từng có công với xã tắc nên được đặc cách khoan thứ, nhưng phải tước bỏ hết quan chức”.

Sau cùng, Lê Sát bị ép tự tử tại nhà. Vợ con và điền sản nhà Sát đều bị tịch thu. Vua sai đem đồ đạc của nhà Sát ban cho các quan”.

Đại đô đốc Lê Ngân

Lê Ngân người xã Đàm Di, thuộc Lam Sơn (Thanh Hóa), từng theo Lê Lợi đánh đuổi quân Minh ngay từ khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vừa bùng nổ. Bởi có nhiều công lao, năm 1429, khi Lê Lợi định công ban thưởng và khắc biển ghi tên các bậc công thần khai quốc, tên ông được xếp vào hàng thứ tư, tước Á thượng hầu.

Năm 1434, ông giữ chức Tư khấu và đến tháng 6 năm 1437, khi Lê Sát bị bãi chức, ông được phong là Đại đô đốc, Phiêu kị thượng tướng quân, Đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ti, Thượng trụ quốc Quốc thượng hầu.

Cùng được hưởng ân sủng đặc biệt này còn có con gái của ông là Chiêu nghi Lê Nhật Lệ. Nhật Lệ được sách phong làm Huệ phi của vua Lê Thái Tông.

Nhưng, vui chưa được nửa năm thì tai họa đã giáng xuống gia đình ông. Tháng 11 năm 1437, ông bị thất sủng và sau đó bị bức tử bởi lời cáo giác tai hại của những kẻ ghen ghét ông. Chuyện này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 49 a-b) ghi lại như sau:

“Có người cáo giác Đại đô đốc Lê Ngân thờ phật Quan Âm trong nhà để cầu cho con gái mình là Huệ phi được Nhà vua thương yêu hơn. Vua bèn ngự ra rửa Đông Thành, sai bọn thái giám là Đỗ Khuyến, dẫn 50 võ sĩ tới lục soát khắp nhà của Lê Ngân. Họ bắt được ở đấy tượng Phật và các thứ vàng bạc, tơ lụa. Hôm sau, Lê Ngân vào chầu, cởi mũ để xin tạ tội. Vua sai bắt bọn tôi tớ nhà Lê Ngân ra tra hỏi.

Lê Ngân lại cởi mũ tâu rằng: “Trước kia, thần theo nghĩa binh ở Lam Kinh (tức Lam Sơn), nay đã già yếu, thầy bói nói rằng, nguyên đất thần làm nhà ở bây giờ, xưa có bàn thờ Phật, vì để ô uế, tai họa khó tránh khỏi. Bởi thế, thần lập bàn thờ Phật để thờ cúng. Nhưng, bởi người vợ lẽ mà thần đã bỏ là Nguyễn Thị, lại thêm người vợ lẽ khác là Trần Thị, vốn là vợ lẽ của Lê Sát (được triều đình) ban cho thần, cùng với một đứa gia nô của thần, tính khí điêu ngoa, chúng cùng nhau thêu dệt, dựng chuyện báo hại thần đó thôi. Xưa, Tiên đế biết rõ lòng thần, thường vẫn có lòng bao dung, thương mến. Nay, gân sức của thần đã kiệt, xin cho thần được về quê để sống nốt chút tuổi tàn còn lại. Còn như nếu bệ hạ nghe lời kẻ gièm pha mà tra tấn người nhà của thần thì sợ khi bị đánh đau quá, chúng sẽ khai sai sự thật. Đến lúc đó, thân thần cũng không giữ nổi, xin bệ hạ nghĩ lại cho”.

Bất chấp mọi lời van xin, Nhà vua vẫn giao Lê Ngân cho hình quan xét xử.

Rốt cuộc, đến tháng 12/1437, Lê Ngân bị buộc phải uống thuốc độc mà tự tử ở nhà, con gái Lê Ngân là Huệ phi cũng bị giáng làm Tu dung (hàng thấp nhất của vợ vua), gia sản của ông bị tịch thu.

Mười sáu năm sau (1453), nhân kì đại xá, vua Lê Nhân Tông mới cấp trả cho con ông 100 mẫu ruộng, rồi đến năm 1484, vua Lê Thánh Tông mới truy tặng ông là Thái phó hoằng quốc công.

Theo VNTINNHANH

Tags: ,