Các lý thuyết về mối quan hệ giữa con người và môi trường

Mục tiêu của bài viết này nhằm phân tích những cách thức mà xã hội học phát hiện ra các hiện thực mới về mối quan hệ tương tác giữa con người và môi trường.

Các lý thuyết về mối quan hệ giữa con người và môi trường

Tác giả: O.A. Ogunbameru – Khoa Xã hội học và Nhân học, Trường đại học Obafemi Awolow, Ile-Ife Nigeria.

Nguồn: Kamla-Raj 2004; . Hum. Ecol., 16(1): 63-68 (2004).

Biên dịch: Nguyễn Thị Mỹ Vân, nguyên là cán bộ giảng dạy tại Khoa Xã hội học, ĐHKH Huế.

I. Phần mở đầu

Phần lớn các nhà nghiên cứu và các chuyên gia thường quá chú trọng đến môi trường con người nói chung và mối quan hệ tương tác giữa con người và môi trường nói riêng. Chẳng hạn như các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị mà con người thiết lập nên nhằm để bảo vệ họ tránh khỏi môi trường bị ô nhiễm và những hậu quả của sự ô nhiễm về mặt kinh tế, chính trị, xã hội đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Các nhà dân số học nói riêng đã đo lường mức tăng dân số để xem xét về mối quan hệ giữa con người với môi trường. Các nhà dân số học đã xem xét tác động của mức tăng dân số lên môi trường tự nhiên, trong khi đó các nhà xã hội học lại quan tâm đến mối quan hệ giữa quy mô, tổ chức, môi trường và công nghệ (Hughes et al., 1989: 424-425).

Các chuyên gia về nông nghiệp và sinh thái thường quan tâm đến việc phục hồi các vùng đất bị biến đổi do hoạt động của con người gây nên. Chẳng hạn các nhà bảo tồn sinh thái thường chú tâm đến tầm quan trọng của việc bảo tồn sinh học, bảo vệ các khu vực sinh thái thông qua việc thiết lập các vườn quốc gia, các chương trình bảo vệ động vật hoang dã. Theo Dobson et al. (1997: 515-522) sự bảo tồn đó nhằm đảm bảo rằng các chủng loài được bảo tồn và để tái chiếm những khu vực được xác định dành riêng cho các dự án phục hồi.

Quản lý các loài cá là một ví dụ điển hình về yếu tố con người tác động đến sự suy thoái môi trường (Botsford et al., 1997). Mục đích chính của nghề cá là sự bền vững, vì nó hạn chế việc đánh bắt cạn kiệt. Ví dụ đánh bắt quá mức sẽ dẫn đến mất việc làm cho những người hành nghề đánh bắt cá và làm mất nguồn thực phẩm của quốc gia.

Hầu hết các tác giả và các nhà bình luận về mối quan hệ tương tác giữa con người và môi trường chỉ nhìn nhận những biểu hiện bên ngoài để đưa ra những nhận định về các cấp độ mới của hiện thực xã hội. Đây là những vấn đề then chốt mà các nhà xã hội học quan tâm nghiên cứu. Các quan điểm xã hội học đã chỉ ra cho chúng ta thấy những gì vượt ra khỏi cách nhìn nhận thông thường về thế giới và xem xét chúng theo một cách thức mới mẻ và sáng tạo hơn (Berger, 1963). Ví dụ như có nhiều thang bậc ý nghĩa trong kinh nghiệm sống của con người; mọi vật không phải luôn như những gì chúng được biểu hiện. Mạng lưới những quy tắc và thiết chế xã hội vô hình đã dẫn dắt, điều khiển hành vi của chúng ta. Những sự hiểu biết này nằm ngoài sự nhận thức thông thường của chúng ta (Randall and Makowsky, 1984).

Mục tiêu của bài viết này nhằm phân tích những cách thức mà xã hội học phát hiện ra các hiện thực mới về mối quan hệ tương tác giữa con người và môi trường. Đặc biệt bài báo sử dụng ba quan điểm lý thuyết xã hội học thuần túy gồm: thuyết chức năng, thuyết xung đột và thuyết tương tác để giải thích về mối quan hệ này. Các lý thuyết xã hội học cung cấp cho chúng ta những giả định, những khái niệm có liên quan và các nhận định về việc các hiện tượng xã hội có quan hệ với nhau như thế nào. Các quan điểm lý thuyết là những công cụ – những ý tưởng mang tính hàn lâm giúp cho chúng ta nhìn nhận các sự vật hiện tượng. Bài viết cũng đề xuất một số kiến nghị nhằm làm giảm thiểu vấn đề khủng hoảng môi trường ở Nigeria.

II. Thuyết Chức năng

Một nhận định khá phổ biến của các nhà chức năng luận là các phong tục tập quán, các thiết chế và tập hợp các hành vi của con người không phải tồn tại một cách riêng biệt mà chúng luôn được thể hiện trong mối quan hệ đan xen lẫn nhau giữa nhiều thành phần trong một hệ thống xã hội (bao gồm cả môi trường). Mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau không ngừng vận động và được tạo ra ở nhiều cấp độ khác nhau (Spencer, 1965: 13).

Thuyết cấu trúc – chức năng đã mô tả hệ thống xã hội trong mối tương quan với các cấu trúc, cơ chế, tiến trình và chức năng để giải thích tại sao cấu trúc này lại có sự đóng góp nhằm làm thỏa mãn một chức năng nào đó hơn các cấu trúc khác trong cùng một thời điểm. Các quan điểm của các nhà chức năng luận đưa ra phần lớn dựa trên ý tưởng của các nhà xã hội học tiền bối đó là Auguste Comte, Herbert Spencer và Emile Durkheim. Một trong những đặc tính của hệ thống được các nhà chức năng luận nhấn mạnh đó là xu hướng để đạt được sự bình quân, sự cân bằng giữa các thành phần của nó và giữa các thế lực vận hành ra nó.

Mối quan hệ tương tác giữa Con người và Môi trường: Theo quan điểm của Thuyết Chức năng:

Thuyết chức năng có những hạn chế như khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến lịch sử và quá trình thay đổi, có xu hướng phóng đại sự đồng thuận, sự tích hợp, và sự ổn định trong khi không quan tâm đến những xung đột, những bất đồng quan điểm và sự bất ổn. Mặc dù vậy nó vẫn là một công cụ hữu ích để mô tả xã hội, xác định các thành phần cấu trúc và các chức năng của các bộ phận. Chẳng hạn như Thuyết chức năng cung cấp một “bức tranh tổng thể” của toàn bộ đời sống xã hội, đặc biệt là khi nó chỉ ra các nhận định trong các hành vi được lặp đi lặp lại mang tính khuôn mẫu và các thiết chế xã hội.

Quan điểm chức năng luận thường được dùng để phân tích các khía cạnh khác nhau của mối quan hệ tương tác giữa con người và môi trường. Các lý thuyết gia thuộc trường phái chức năng luận thường tiếp cận các vấn đề sinh thái môi trường thông qua việc xem xét sự liên kết giữa các thành phần khác nhau cấu thành nên hệ sinh thái (Faia, 1989: 658-60). Các nhà chức năng luận nhìn hệ sinh thái được vận hành theo hướng bình quân mà ở đó mỗi một thành phần của nó đều có nhiệm vụ phải duy trì mối quan hệ cân bằng với các thành phần khác. Thuyết này nhấn mạnh rằng sự sinh tồn của chúng ta phụ thuộc vào khả năng chúng ta duy trì sự cân bằng mong manh giữa sự sống và cái chết trong sinh quyển. (Hughes et al., 1989: 425).

Sợi dây ràng buộc chính nối con người với môi trường tự nhiên ở vùng Hạ Sahara của Châu Phi là một ví dụ điển hình về sự tương tác giữa con người và môi trường. Khu vực này đang đối mặt với tình trạng sa mạc hóa nhanh gây nên nạn đói cho con người và cái chết hàng loạt của gia súc.

Phần lớn sự “sa mạc hóa” về cơ bản không phải là do biến đổi khí hậu gây ra, mà là do canh tác quá mức ở các vùng xung yếu để trồng trọt, chăn thả và lấy củi. Việc giới thiệu các kỹ thuật canh tác phương Tây như thủy lợi, cày sâu, và sử dụng phân bón hóa học, kết hợp lại đã gây nên nhiều vấn đề cho khu vực Châu Phi hạ (Tucker et al, 1991: 299-301). Đất được tưới tiêu trở nên bị úng, tích lũy quá nhiều muối và không thể sử dụng được. Các giếng được đào trong khu vực khô cằn, đã khiến cho người và gia súc tụ tập đến các vùng lân cận của các giếng, hàng đàn gia súc được chăn thả và móng của chúng chà đạp lên mặt đất đã khiến cho các đồng cỏ bị dập nát và quá tải.

Ngoài ra, tác động rõ nhất của quá trình sa mạc hoá đến tình trạng đói nghèo lan rộng đó là sự xuống cấp của nhiều vùng đất rộng lớn. Điều này ảnh hưởng đến không gian sống của người và gia súc; độ phì của đất cũng bị suy giảm. Sa mạc, bản thân nó được biết đến là một môi trường khắc nghiệt. Quá trình sa mạc hóa do con người gây ra có khả năng để chống lại bất kỳ tác động nhẹ của biến đổi khí hậu trên hầu hết các sa mạc, ngoại trừ những hành động quản lý thích hợp được thực hiện.

Niger Delta (khu vực sản xuất dầu) của Nigeria, là một ví dụ khác của sự tương tác giữa con người và môi trường. Hoạt động của các công ty dầu khí Shell, Chevron Texaco, Dầu khí Anh và một số những công ty khác trong khu vực đã gây ra nhiều mối nguy hại, đặc biệt là ô nhiễm. Sự ô nhiễm đã gây nên nhiều thiệt hại về môi trường và sức khỏe con người

Về mặt kinh tế, kiểm soát ô nhiễm và làm sạch khu vực này tốn kém rất nhiều kinh phí. Và bất cứ điều gì liên quan đến tiền luôn luôn bị ảnh hưởng bởi chính trị. Vai trò đan xen lẫn nhau giữa chính trị, kinh tế, sức khỏe con người và môi trường sẽ được phân tích theo quan điểm của các lý thuyết gia thuộc trường phái xung đột và tương tác.

Các hoạt động khai phá đất đai và mở rộng bờ biển của con người đã dẫn đến một vòng luẩn quẩn. Con người tăng cường khai thác đất để bù đắp lại cho vấn đề sa mạc hóa và ô nhiễm. Điều này có thể gây ra rất nhiều thiệt hại, dẫn đến hệ quả như những gì Merton thường gọi là rối loạn chức năng về đất đai. Để tránh thiệt hại cho hệ sinh thái, các lý thuyết gia thuộc trường phái chức năng luận nhấn mạnh rằng con người phải thận trọng hơn với các hậu quả biểu hiện (những hậu quả được những người tham gia trong một hệ thống dự định và công nhận), và hậu quả tiềm ẩn (những hậu quả không được dự định cũng không được công nhận bởi những người tham gia trong một hệ thống) của hành động của mình đối với môi trường. Sự thận trọng như vậy sẽ dẫn đến một trạng thái thăng bằng hoặc công bằng.

Bảng 1: Sự khác biệt giữa thuyết chức năng và thuyết xung đột

III. Thuyết Xung đột

Cũng giống như các nhà chức năng luận, các lý thuyết gia xung đột xem xã hội như một tổng thể và tập trung sự quan tâm của mình vào việc nghiên cứu các tổ chức và sự vận hành các cấu trúc. Bảng 1 trình bày các những điểm khác biệt chính giữa Thuyết Chức năng và Thuyết Xung đột. Theo quan điểm của các lý thuyết gia xung đột, nguồn gốc chính của sự xung đột trong xã hội loài người đó là sự khan hiếm các nguồn tài nguyên phục vụ cho nhu cầu của con người. Sự giàu có, uy tín và quyền lực luôn bị hạn chế về nguồn cung, do đó lợi ích cho một cá nhân hoặc một nhóm nào đó thường liên quan đến sự thiệt hại cho người khác (Hughes et al, 1999: 60). Quyền lực – khả năng để kiểm soát hành vi người khác, thậm chí chống lại cả ý chí của họ, sẽ quyết định ai được ai mất (Laswell, 1936). Các nhà lý thuyết xung đột thường quan tâm đến việc làm thế nào mà một số nhóm có được quyền lực, thống trị được các nhóm khác, và ảnh hưởng đến ý chí của họ trong các nỗ lực của con người.

Sự tương tác giữa con người và môi trường theo quan điểm xung đột:

Nói chung, thuyết Xung đột không đưa ra một quan điểm thống nhất cho mọi vấn đề. Những vấn đề liên quan đến môi trường cũng không ngoại lệ. Một số lý thuyết gia xung đột đã liên kết vấn đề môi trường với sự phân phối các nguồn tài nguyên của thế giới hơn là sự hạn chế các nguồn lực sẵn có. Vấn đề chính không phải là một người có bao nhiêu nguồn lực mà là một trong số các cá nhân và các nhóm sẽ được hưởng những phần lợi ích mà được phân bổ không công bằng .

Hậu quả là những quyết định quan trọng có ảnh hưởng đến môi trường được thực hiện không phải vì lợi ích của thế hệ hiện tại và tương lai, mà vì lợi ích của những nhóm người có thể áp đặt ý chí của mình lên những người khác (Hughes et al, 1999). Theo quan điểm xung đột, người ta thường chia làm hai nhóm quan điểm về các vấn đề môi trường. Nhóm những người ủng hộ phát triển và tăng trưởng kinh tế ngay cả khi nó có những kết quả gây thiệt hại về môi trường; và nhóm những người cho rằng bảo vệ môi trường quan trọng hơn các mục tiêu kinh tế. Mặc dù các nhà lý thuyết xung đột cũng cho thấy nhiều trường hợp tương tự đã được thảo luận trước đó ở châu Phi nói chung và Nigeria nói riêng, tuy nhiên, họ đi đến kết luận hoàn toàn khác nhau.

Chẳng hạn như, không thể đổ lỗi cho quá trình sa mạc hóa gây nên các vấn đề của châu Phi, mà là áp lực nợ ngày càng tăng đè lên vai các chính phủ châu Phi nhằm thúc đẩy phát triển cây công nghiệp để xuất khẩu chứ không phải là sản xuất cây lương thực cho người dân. Hiện tượng này được mô tả ngắn gọn trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào những năm 1980. Báo cáo giải thích tình hình theo năm cách: thứ nhất, từ năm 1980 đến 1987, sản lượng lương thực của người dân Châu Phi chỉ tăng 1,3%, ít hơn một nửa so với mức tăng dân số; thứ hai, giá cả hàng hóa đồng loạt giảm trên thị trường thế giới, điều này đã làm cho các quốc gia châu Phi không thể trả được nợ; thứ ba, phần lớn các nguồn tiền được cung cấp bởi các tổ chức cứu trợ từ các nước phương Tây đã được chuyển sang đầu tư vào các dự án có tính khả thi cao như đường giao thông, thiết bị cảng, sân bay, và các tòa nhà văn phòng, nhằm tái sử dụng tiền viện trợ cho các tập đoàn phương Tây và bỏ bê không quan tâm đến người nông dân châu Phi; thứ tư, thậm chí khi các quốc gia phương Tây cung cấp kinh phí cho các chính phủ châu Phi, họ đã tìm thấy một lối thoát cho thị trường thức ăn dư thừa mà người hưởng lợi chính là nông dân của Hoa Kỳ và châu Âu; cuối cùng, sự hỗ trợ thường làm cho chính phủ các nước châu Phi trở nên thân thiện đối với các quốc gia tài trợ, nhằm đảm bảo cho sự ổn định của ‘hợp tác’ quốc gia châu Phi (Farnsworth, 1990).

Khu vực đồng bằng Niger của Nigeria cũng thích ứng với sự tương tác của con người-môi trường. Các vùng đồng bằng ven biển Niger có môi trường sống đa dạng và các khoáng chất quan trọng cho các vùng tái định cư, phát triển và sinh hoạt địa phương.

Tài nguyên ven biển đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng địa phương và cư dân bản địa. Nhưng những gì tồn tại trong các khu vực đồng bằng sông Niger thì hoàn toàn trái ngược. Ngoài ô nhiễm do khí ga, suy thoái môi trường biển cũng là kết quả của hàng loạt các hoạt động về đất đai. Tái định cư, sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển, sản xuất nông nghiệp, đã làm ảnh hưởng đến môi trường biển. Vận chuyển và các hoạt động dựa trên biển cũng gây ô nhiễm môi trường biển. Ví dụ tại Nigeria, các hoạt động sản xuất dầu là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm biển.

Môi trường biển bao gồm các đại dương, tất cả các vùng biển và các khu vực ven biển liền kề tạo thành một tổng thể quan trọng cung cấp những thành phần thiết yếu hỗ trợ cho sự sống toàn cầu, và là một nguồn tài sản có giá trị cho sự phát triển bền vững (Earth Sumit, 1992:139). Ở Nigeria, ngoài vấn đề sa mạc hóa và các thảm họa của hoạt động sản xuất dầu, sự xói mòn đất, phá rừng và chăn thả quá mức cũng gây ảnh hưởng xấu đến năng suất nông nghiệp, lâm nghiệp và ngành chăn nuôi, từ đó làm kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Ngoài ra, có nhiều cuộc xung đột xảy ra, một mặt là giữa chính phủ liên bang Nigeria với các quốc gia sản xuất dầu, mặt khác là giữa các quốc gia không khai thác dầu với chính phủ liên bang về vấn đề kiểm soát nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên gần bờ và các nguồn tài nguyên ngoài khơi.

Cũng có sự xung đột giữa chính phủ liên bang Nigeria và các thanh niên của Bayelsa – một trong những tiểu bang sản xuất dầu hàng đầu ở Nigeria. Cụ thể, vào năm 1999, ngay khi chính phủ dân sự lên nắm chính quyền, một số thanh niên của thị trấn Odi ở Bayelsa đã bị kích động yêu cầu về vấn đề cải thiện cuộc sống, đã bắt cóc sau đó giết chết một số nhân viên của cơ quan thực thi pháp luật. Để trả đũa, chính phủ liên bang đã cử một đội quân đến để nắm bắt tình hình, nhưng sau những gì xảy ra là thị trấn Odi đã bị quân đội tàn phá. Kết quả là nhiều người đã bị giết chết, nhiều tài sản và nhà ở bị phá hủy hoàn toàn.

Theo các nhà lý thuyết xung đột, nhu cầu ngày càng gia tăng của con người và các hoạt động kinh tế đang gây áp lực lên tài nguyên đất, tạo ra sự cạnh tranh và xung đột, dẫn đến việc sử dụng các chọn lựa thay thế về tài nguyên đất, đồng thời làm mất đi sự sống và nhiếu tài sản như đã đề cập ở trên. Nếu muốn các yêu cầu của con người được đáp ứng một cách bền vững, thì điều quan trọng là phải giải quyết các xung đột và vận hành chúng theo hướng sử dụng đất đai và các tài nguyên thiên nhiên có hiệu quả hơn. Việc quản lý, quy hoạch sử dụng đất và các tài nguyên tổng hợp là một cách thức thực tiễn để đạt được điều này.

IV. Thuyết Tương tác

Trong khi quan điểm của các nhà Chức năng luận và Xung đột tập trung ở cấp vĩ mô hoặc cấu trúc xã hội ở quy mô lớn, thì quan điểm Tương tác về mặt truyền thống quan tâm nhiều hơn đến các khía cạnh vi mô hoặc quy mô nhỏ hơn của đời sống xã hội. Các lý thuyết gia Tương tác nhấn mạnh rằng con người là những sinh vật xã hội, sống tồn tại theo nhóm. Về cơ bản, lý thuyết Tương tác biểu trưng thường tập trung vào các cách thức mà ở đó các ý nghĩa xuất hiện thông qua quá trình tương tác. Mối quan tâm chính của họ là phân tích các ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày, các công việc có thể quan sát được, gần gũi và quen thuộc để từ đó phát triển sự hiểu biết từ các hình thức cơ bản của quá trình tương tác con người.

Thuyết Tương tác biểu trưng có bốn trọng tâm (Marshall, năm 1996: 524). Trọng tâm đầu tiên là nhấn mạnh đến những cách thức mà ở đó con người luôn được quan tâm nghiên cứu, những cách thức mà trong đó con người gán ý nghĩa cho cảm xúc, hành động của họ, và cho thế giới xã hội rộng lớn hơn mà họ đang tồn tại

Trọng tâm thứ hai nhấn mạnh đến tiến trình và sự xuất hiện các tình huống. Đối với các nhà Tương tác, thế giới xã hội là một mạng lưới năng động và có quan hệ biện chứng với nhau. Các tình huống xảy ra trong cuộc sống không phải lúc nào cũng đem lại những kết quả giống nhau. Cuộc sống luôn trong quá trình dịch chuyển và thay đổi, không bao giờ cố định, không theo một cấu trúc cứng nhắc nào mà chúng hòa theo dòng hoạt động và luôn điều chỉnh để phù hợp với kết quả của chúng.

Trọng tâm thứ ba nhấn mạnh rằng thế giới xã hội là một quá trình tương tác. Với quan điểm này thì xã hội không chỉ gồm những cá nhân đơn lẻ, mà con người luôn luôn kết nối với “người khác”. Đơn vị phân tích tương tác cơ bản nhất đó là cái tôi, trong đó nhấn mạnh đến những cách thức mà con người có thể đánh giá mình như là những khách thể, và đảm nhận vai trò của những người khác thông qua quá trình nhập vai. Điểm tập trung cuối cùng của các nhà tương tác là thông qua các biểu tượng, quá trình, và sự tương tác để xác định khuôn mẫu hoặc các hình thức cơ bản của đời sống xã hội.

Từ thuyết Tương tác, chúng ta thấy được hình ảnh của con người như là những tác nhân hoạt động trình diễn hành vi của họ, trái ngược với hình ảnh của các cá nhân chỉ đơn giản phản ứng một cách thụ động với những cách thức được quy định bởi quy tắc và thiết chế xã hội.

Tương tác giữa Con người và Môi trường theo quan điểm của các nhà Tương tác:

Quan điểm xã hội học mà các nhà tương tác biểu trưng chú trọng là “hành vi của con người”. Hai điểm chính được lưu ý ở đây là: sự khác biệt giữa thái độ và hành động của con người; sự khác biệt về quan điểm của các chuyên gia và của công chúng đối với các vấn đề rủi ro.

Có sự khác biệt giữa thái độ và hành động của con người. Cụ thể vấn đề xem xét ở đây là liệu con người đã sẵn sàng để hành động hay chưa. Mọi người thường được chia thành hai nhóm – những người tin rằng hành động cần được thực hiện để bảo vệ môi trường, đó là bảo vệ môi trường nên ưu tiên hơn tăng trưởng kinh tế, và những người khác tin rằng các lợi ích kinh tế nên được ưu tiên hơn là bảo vệ môi trường.

Có sự khác biệt về nhận thức giữa công chúng và của các chuyên gia về vấn đề rủi ro. Có một khoảng cách tồn tại giữa các nhận thức của công chúng và của chuyên gia về đánh giá rủi ro. Hai ví dụ được đưa ra ở đây để giải thích cho sự khác biệt này: hiện tượng tràn dầu, nổ khí ga và sự nóng lên toàn cầu. Tại Nigeria, các báo cáo từ các tạp chí và dư luận công chúng cho thấy hiện tượng dầu bị tràn ra ngoài không chỉ có chất thải gây nguy hại, mà còn có cả vật liệu phóng xạ. Cho đến nay, chính phủ Nigeria vẫn chưa tìm ra một giải pháp làm thế nào để tính toán lượng khí thải hàng ngày gây ô nhiễm không khí với lợi ích kinh tế. Điều này không chỉ nguy hại đến sức khỏe con người, mà còn là một sự lãng phí về kinh tế. Mặc dù trước đây Chính phủ Liên bang đã từng thành lập một Tổ chức bảo vệ Môi trường của Liên bang (FEPA) nhưng những bất đồng về quan điểm chính trị, việc tiến hành tách và sát nhập đã khiến cho tổ chức này bị đóng cửa. Điều này cho thấy chính phủ và/hoặc cơ quan đã không nhận thấy được tầm quan trọng của các rủi ro trong vấn đề này.

Trái lại, người Nigeria nói chung và người dân khu vực đồng bằng của Nigeria nói riêng, khi được hỏi về sự nóng lên toàn cầu và sự thay đổi môi trường sống tự nhiên trong mối quan tâm của công chúng, ý kiến chung của họ đều xếp hạng tương đối thấp. Nhưng đối với các nhà khoa học Nigeria, những người biết nhiều về bản chất nguy hại của sự nóng lên toàn cầu thì sẽ đặt nó trong số những nguy cơ hàng đầu do bởi những hậu quả tiềm năng dài hạn của nó gây nên. Ngoài ra tác động của chúng có thể lan rộng và rất khó để đảo ngược.

Không thể nói ngay rằng chính phủ Nigeria không nhận ra “những thảm họa nguy hiểm” của hiện tượng tràn dầu hoặc phát thải khí đốt, nhưng những lợi ích kinh tế thường được đặt nặng hơn so với những xem xét mang tính đạo đức. Ví dụ, Chính phủ liên bang thành lập Ủy ban Phát triển Khu vực sản xuất dầu và khoáng chất (OMPADEC) thông qua Nghị định số 23 ban hành tháng 12 năm 1992. Mục tiêu cơ bản của OMPADEC là phát triển nguồn lực con người và vật chất cho các cộng đồng sản xuất dầu. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Nwogu A. (1998), bà khẳng định rằng OMPADEC đã không đạt được các mục tiêu mà nó đề ra. Thậm chí các phát hiện của cô còn chỉ ra cho thấy việc thành lập đề án OMPADEC là một chiến lược sai lầm khác nữa mà chính phủ đã gây ra trong vấn đề quản lý, gây lãng phí vốn. Mặc dù OMPADEC là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng một trong những sai lầm của nó là những ưu tiên mà nó đưa ra đã không được tham khảo ý kiến của người dân sống ở quanh các khu vực sản xuất dầu trước khi thực hiện dự án phát triển. Thay vào đó, chính phủ đã tiến hành một chiến lược phát triển mang tính áp đặt. Một vấn đề khác nữa là thiếu cơ sở phát triển bền vững và thiếu đánh giá tác động môi trường (EIA) trước khi thực hiện dự án phát triển.

Từ quan điểm tương tác biểu trưng, người ta có thể đưa ra kết luận rằng các vấn đề môi trường hội đủ điều kiện cho lãnh vực “xã hội” vì hai lý do. Thứ nhât, nó liên quan đến yếu tố con người, các quyết định và sự lựa chọn. Thứ hai, nó bao gồm cả vấn đề thực thi quyền lực. Ví dụ, người nghèo và người dân tộc thiểu số của khu vực Niger Delta tiếp xúc với những nguy hiểm do thảm họa môi trường gây ra nhiều hơn so với các công dân Nigeria khác. Tuy nhiên, các cuộc đụng độ chính trị, “hội chứng định cư”, và sự phân biệt của người dân Niger Delta đã ngăn chặn các nỗ lực nhằm tìm ra các giải pháp cho vấn đề môi trường.

V. Khuyến nghị

Để giảm thiểu các rủi ro của vấn đề môi trường chẳng hạn như sa mạc hóa, sạt lỡ bờ biển, tràn dầu, phát thải khí đốt và nạn phá rừng, nên có sự tham gia cụ thể, kết hợp với những hành động kịp thời từ phía chính phủ Nigeria và các công ty dầu lửa quốc tế. Ví dụ, tài nguyên đất được sử dụng với nhiều mục đích, chúng có thể tương tác và cạnh tranh với nhau. Do vậy, người ta mong muốn chính quyền phải quy hoạch, quản lý và sử dụng theo hướng tích hợp. Việc lồng ghép nên thực hiện ở hai cấp độ: Lồng ghép tất cả các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế. Lồng ghép tất cả các thành phần môi trường và tài nguyên lại với nhau. Mục tiêu của sự lồng ghép như vậy để đạt được hai khía cạnh. Đầu tiên là để xem xét và phát triển các chính sách hỗ trợ tốt nhất có thể, để sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên đất. Thứ hai là tạo ra cơ chế hỗ trợ cho việc tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng và người dân địa phương trong việc hoạch định chính sách về sử dụng và quản lý đất.

Để chống lại nạn phá rừng, cần phải đảm bảo vai trò đa chức năng của rừng và đất lâm nghiệp bằng cách đề cao sự tăng cường các thể chế đầy đủ và phù hợp. Chính phủ cần xây dựng và duy trì hiệu quả hệ thống khuyến lâm và giáo dục công để đảm bảo nhận thức tốt hơn, đánh giá và quản lý rừng đối với nhiều vai trò và giá trị của cây cối, rừng và đất rừng.

Chính phủ nên vượt ra khỏi những ngôn từ chính trị của những người đứng đầu nhà nước hoặc thống đốc một tiểu bang với các hình thức “phô trương” trồng một cây xanh, là một cách thức để giải quyết vấn đề này. Chính phủ nên thành lập các tổ chức giáo dục và đào tạo về rừng, cũng như các ngành công nghiệp lâm nghiệp, nhằm xây dựng một đội ngũ nhân viên được đào tạo, có kỹ năng trình độ chuyên môn, kỹ thuật và tay nghề, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ. Chính phủ cũng nên thực hiện các chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc ở những vùng đất nông nghiệp bị suy thoái, các vùng đất khô hạn, bán khô hạn và các khu vực ven biển để chống tình trạng sa mạc hóa và xói mòn.

Để chống lại các vấn đề tràn dầu, phát thải khí đốt, ô nhiễm không khí và nước, nên yêu cầu tất cả các công ty dầu lửa phải bảo vệ lợi ích không chỉ của chủ sở hữu của họ, các bên liên quan, mà bao gồm cả lực lượng lao động, xã hội và môi trường. Bảo vệ môi trường phải là một khía cạnh đạo đức rất quan trọng của các công ty dầu. Ủy ban Phát triển Niger Delta (NDDC), thay thế cho tổ chức OMPADEC, nên được tài trợ và không nên để nó chết yểu như tổ chức tiền nhiệm của nó.

VI. Kết luận

Bài viết này đã chỉ ra cho thấy các nhà nghiên cứu và các học giả về sự tương tác giữa con người và môi trường có thể sử dụng ba quan điểm xã hội học lớn, bao gồm thuyết Chức năng, thuyết Xung đột và thuyết Tương tác để phân tích các nghiên cứu của mình. Bài viết cũng đưa ra một số các khuyến nghị nhằm làm xoa dịu sự căng thẳng cũng như khắc phục những hiểm họa của ô nhiễm môi trường trong khu vực đồng bằng sông Niger-Nigeria, đặc biệt là các vùng khô hạn và các khu rừng nói chung.

—————————-

Tài liệu tham khảo:

– Berger, P.L.:Invitation to Sociology. Anchor Books Garden City, New York (1963).
– Botsford, L.W., Castilla, J.C. and Peterson, C.H.: The management of fisheries and marine ecosystems. Science, 277:509-515 (1997).
– Dobson, A.P., Bradshaw, A.D. and Baker, A.J.M.: Hopes for the future: Restoration ecology and conservation biology’. Science, 277:515-522 (1997)/
– Faia, M.A.: Cultural materialism in the functionalist mode. American Sociological Review, 54: 658-660 (1989).
– Farnsworth, C.H.: Report of World Bank sees Poverty lessening by 2000 except in Africa, New York Time (July 16): As3
– Hughes, M., Kroechler, C.J. and Vander Zanden, J.W.: Sociology: The Core. 5th Edn. McGraw-Hill College, New York (1999).
– Laswell, H.: Politics Who Gets What, When and How? McGraw-Hill, New York (1936).
– Marshall, G.: The Oxford Dictrionary of Sociology. Oxford University Press, New York (1996).
– Nwogu, E.A.: Impact Assessment of OMPADEC Activities in Rivers State, Eleme, Okrika Tai Local Government Areas as Case Study. An unpublished B.Sc. thesis. Faculty of Social Sciences Department of Geography, Obafemi Awolowo University, Ile-Ife, Nigeria (1998).
– Randall, C. and Makowsky, M.: The Discovery of Society 3rd Edn. Random House, New York (1984).
– Spencer, R.F.: The Nature and Value of Functionalism in Anthropology. Functionalism in the Social Sciences: The strength and limits of functionalism in anthropology, Economics, Political Science, and Sociology. Monograph 5 in a Series Political and Social Science by Don Martindale (Ed.). Philadelphia; February, 13 (1965).
– Tucker, C.J., Dregue, H.E. and Newcomb, W.W.: Expansion and contraction of the Sahara Desert from 1980 to 1990. Science, 253: 299-301 (1991).

Theo SOCIOLOGYHUE.EDU.VN 

Tags: ,