Các khía cạnh của vấn đề toàn cầu hóa nền kinh tế

Thuật ngữ “Toàn cầu hóa” mới xuất hiện vào những thập niên gần đây. Trước hết và chủ yếu là toàn cầu hóa kinh tế. Nhưng đời sống vật chất lại tác động đến đời sống tinh thần, nên toàn cầu hóa kinh tế đã quyết định xu thế phát triển của các lĩnh vực khác, như văn hoá, chính trị v.v…

Các khía cạnh của vấn đề toàn cầu hóa nền kinh tế

Hiện nay còn nhiều định nghĩa về toàn cầu hóa kinh tế. Nhưng, theo nhận thức của chúng tôi, về thực chất, toàn cầu hóa kinh tế là xu hướng tất yếu biểu hiện sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất do phân công lao động quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu dưới tác động của cách mạng khoa học – công nghệ và tích tụ, tập trung sản xuất, dẫn tới hình thành nền kinh tế toàn thế giới.

Mầm mống của xu thế toàn cầu hóa kinh tế có từ khi đại công nghiệp cơ khí tư bản chủ nghĩa được hình thành, nhưng nó chỉ thực sự bắt đầu trong bước chuyển từ CNTB tự do cạnh tranh sang CNTB độc quyền. Khi nghiên cứu về chủ nghĩa đế quốc, V.I. Lenin đã nhận định: “… mạng lưới dày đặc những mạch máu ngân hàng lan rộng nhanh chóng như thế nào, nó bao phủ các nước, tập trung hết thảy tư bản và các khoản thu nhập bằng tiền, biến hàng nghìn hàng vạn doanh nghiệp tản mạn thành một đơn vị kinh tế tư bản chủ nghĩa thống nhất toàn quốc, rồi sau đó thành một đơn vị kinh tế tư bản chủ nghĩa thế giới” .

Toàn cầu hóa kinh tế là trình độ phát triển cao của quốc tế hóa đời sống kinh tế. Ban đầu là quốc tế hóa về thương phẩm và dịch vụ, mở rộng mậu dịch quốc tế, hình thành thị trường toàn thế giới thống nhất. Tiếp theo là quốc tế hóa về tư bản; việc xuất, nhập khẩu tư bản tăng lên, trước hết từ chính quốc sang thuộc địa, rồi dần dần di chuyển trên phạm vi toàn cầu. Sau cùng là quốc tế hóa về sản xuất; cách mạng khoa học – công nghệ cùng với sự bành trướng của các công ty xuyên quốc gia đã tái hiện hình thức phân công kiểu công trường thủ công trên phạm vi toàn cầu, khiến cho các nền kinh tế dân tộc tuỳ thuộc vào nhau và hình thành toàn cầu hóa kinh tế. Toàn cầu hóa kinh tế phát triển tác động đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Toàn cầu hóa kinh tế bắt nguồn từ những nhân tố chủ yếu sau đây.

– Cách mạng khoa học và kỹ thuật trước đây và cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay (nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa…) đã thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển vượt bậc, tạo ra những phương tiện giao thông vận tải và thông tin liên lạc hiện đại, mở rộng phân công lao động quốc tế trên phạm vi toàn cầu, làm tăng sự tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế dân tộc.

– Sự bành trướng của các công ty xuyên quốc gia (TNCs). Ngày nay, số lượng TNCs trên thế giới có khoảng 60.000 công ty mẹ, chiếm 25% giá trị của sản xuất toàn cầu, 65% kim ngạch mậu dịch thế giới,70% đầu tư nước ngoài, 90% công nghệ cao với một hệ thống chi nhánh (công ty con) khoảng trên 500.000, như những vòi của con bạch tuộc khổng lồ bao trùm khắp thế giới. Mặt khác, trao đổi giữa các chi nhánh trong nội bộ TNCs ở các nước ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị thương mại của nhiều nước. Hầu hết các hoạt động đầu tư nước ngoài được thực hiện qua kênh TNCs. Với lợi thế về quy mô vốn lớn, kỹ thuật hiện đại, quản lý tiên tiến và mạng lưới thị trường rộng lớn TNCs tích cực đầu tư ra ngoài nhằm tối đa hoá lợi nhuận trên phạm vi toàn cầu. TNCs ngày càng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy dòng FDI vào các nước đang phát triển.

Tóm lại, cách mạng khoa học và công nghệ cùng với sự bành trướng của TNCs đã thúc đẩy phân công lao động quốc tế, nhất là phân công trong nội bộ ngành ngày càng sâu rộng, thúc đẩy mậu dịch và đầu tư quốc tế tăng nhanh, làm tăng sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế dân tộc, phát triển mạnh mẽ hơn xu thế toàn cầu hóa kinh tế và các lĩnh vực khác của xã hội.

Toàn cầu hóa kinh tế là biểu hiện sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất, nhưng không tách rời quan hệ sản xuất. Toàn cầu hóa kinh tế hiện nay diễn ra dưới sự chỉ đạo và chi phối của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa; ưu thế về kinh tế, khoa học và công nghệ nằm trong tay một số nước tư bản chủ nghĩa phát triển và TNCs tư bản chủ nghĩa. Các chính phủ của các nước ấy thao túng các quyết sách đa biên và hoạt động của các tổ chức kinh tế quốc tế, như IMF, WB, WTO…

TNCs tư bản chủ nghĩa là lực lượng đóng vai trò quyết định trong việc vận hành nền kinh tế thế giới đương đại, thì tất nhiên lợi ích của toàn cầu hóa được phân phối không công bằng, mang lại phần lớn cho các nước tư bản chủ nghĩa, nhất là các tập đoàn độc quyền tư bản chủ nghĩa.

Với ý nghĩa đó, có thể nói toàn cầu hóa kinh tế hiện nay mang tính chất tư bản chủ nghĩa. Nhưng không thể coi tính chất tư bản chủ nghĩa là một thuộc tính bất biến của toàn cầu hóa kinh tế, mà tính chất đó sẽ thay đổi theo sự thay đổi của quan hệ sản xuất chi phối nó.

Mặt khác, hiện nay trên thế giới vẫn đang diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển, giữa các lực lượng tiến bộ và các lực lượng đế quốc nên các nước đang phát triển vẫn có thể đoàn kết đấu tranh nhằm hạn chế những tác động tiêu cực và phát huy mặt tích cực của toàn cầu hóa, tiến tới lập một trật tự kinh tế quốc tế công bằng, tôn trọng quyền lợi chính đáng của mọi quốc gia, nhất là các nước nghèo.

Khi toàn cầu hóa kinh tế còn chịu sự chi phối của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, thì nó đặt ra cho các nước kém phát triển về kinh tế nhiều thách thức hơn là thời cơ. Nhưng đây là một xu thế khách quan của sự phát triển lực lượng sản xuất. Bởi vậy, mỗi nước phải chủ động tìm cách ứng xử tốt nhất để giành nhiều cái lợi, hạn chế tác hại, giảm thiểu rủi ro. Việc chủ động hội nhập vào toàn cầu hóa kinh tế đòi hỏi phải vừa hợp tác vừa đấu tranh để đảm bảo nguyên tắc cùng có lợi, chứ không phải là chống lại toàn cầu hóa.

Nhìn một cách khái quát toàn cầu hóa kinh tế có những đặc điểm cơ bản sau đây:

Toàn cầu hóa kinh tế mang tính chất hai mặt: vừa có tác động tích cực vừa có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội của mỗi nước.

Về tác động tích cực toàn cầu hóa kinh tế là kết quả của sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất, nhưng nó lại tác động trở lại, thúc đẩy tốc độ phát triển và trình độ xã hội hóa lực lượng sản xuất; mở rộng thị trường; giao lưu hàng hoá, dịch vụ, sức lao động thông thoáng hơn do giảm bớt hàng rào thuế quan. Dòng đầu tư và chuyển giao công nghệ dưới nhiều hình thức giúp các nước tiếp cận nguồn vốn, công nghệ mới từ nước ngoài, làm sâu sắc thêm phân công lao động quốc tế, có lợi cho cả bên đầu tư và bên tiếp nhận đầu tư.

Nhưng toàn cầu hóa kinh tế cũng có mặt trái, đặt ra nhiều thách thức cho những nước đang phát triển. Do toàn cầu hóa kinh tế chịu sự thao túng của các nước tư bản chủ nghĩa phát triển nên sự phân cực giàu nghèo giữa các nước, cũng như trong từng nước, ngày càng xa. Toàn cầu hóa kinh tế đặt các nước đang phát triển vào một cuộc cạnh tranh không cân sức, nước nào vượt qua được thì sẽ tiến nhanh, nước nào ứng phó thất bại thì sẽ bị mất mát lớn, thậm chí thụt lùi. Nền kinh tế dân tộc của các nước đang phát triển rất dễ bị tổn thương, nhất là về phương diện bảo đảm an toàn về tài chính. Toàn cầu hóa cũng kéo theo cả những tội phạm xuyên quốc gia, những tệ nạn xã hội mang tính toàn cầu và truyền bá những “văn hoá phẩm” phi nhân bản, xâm hại bản sắc văn hoá dân tộc… Trong từng nước cũng có tầng lớp dân cư được hưởng lợi từ toàn cầu hóa có tầng lớp bị thua thiệt hay thất nghiệp, phá sản vì toàn cầu hóa.

Bởi vậy, mỗi nước phải có một chiến lược tổng thể phù hợp với thực lực và bối cảnh lịch sử cụ thể của nước mình để xử lý linh hoạt, nhằm tranh thủ cái lợi, giảm bớt tác hại của toàn cầu hóa.

Toàn cầu hóa kinh tế là xuất hiện tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược, nhưng không thuận buồm xuôi gió mà đầy mâu thuẫn. Toàn cầu hóa kinh tế mở rộng biên giới kinh tế vượt biên giới lãnh thổ quốc gia, mỗi nước tham gia toàn cầu hóa kinh tế, một mặt, phải thích nghi với những quy tắc chung, phải từ bỏ một số quyền lợi dân tộc nào đó, mặt khác vẫn phải bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của dân tộc. Toàn cầu hóa kinh tế thúc đẩy nền kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh nhưng phân phối lợi ích lại ngày càng chênh lệch. Các nước phát triển muốn dựa vào ưu thế về nhiều mặt để duy trì trật tự kinh tế thế giới hiện tồn trong khi các nước đang phát triển lại muốn đòi lập một trật tự kinh tế quốc tế mới công bằng, cùng có lợi. Toàn cầu hóa kinh tế đi cùng với khu vực hóa; tự do hóa xen lẫn với xu hướng bảo hộ, nên cạnh tranh toàn cầu lại diễn ra cùng với cạnh tranh giữa các tổ chức kinh tế khu vực, giữa tổ chức khu vực với quốc gia ngoài khu vực.

Các chủ thể cùng hợp tác và đấu tranh, cùng tham gia hoạch định các thể chế về toàn cầu hóa kinh tế. Đó là các quốc gia có chủ quyền, các tổ chức kinh tế khu vực, các tổ chức kinh tế quốc tế (IMF, WB, WTO) và TNCs. Mặc dù ưu thế thuộc về các nước phát triển nhất và TNCs lớn nhất, họ chi phối quyết sách của các tổ chức quốc tế, nhưng không phải họ có thể mặc sức làm mưa làm gió theo ý chí chủ quan của họ. Trên vũ đài quốc tế và trong từng tổ chức quốc tế luôn diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa các nước công nghiệp phát triển với các nước đang phát triển, giữa lực lượng tiến bộ với lực lượng đế quốc và không ít những thoả thuận phản ánh sự đấu tranh và thoả hiệp giữa các lực lượng đó.

Kinh tế phi vật thể ngày càng thoát ly kinh tế hiện vật và tồn tại độc lập, khiến cho toàn cầu hóa kinh tế rất dễ bị xáo động bởi các cuộc khủng hoảng. Hiện chỉ có khoảng 2% giao dịch tài chính, tiền tệ có quan hệ với hàng hoá và dịch vụ. Cái gọi là “kinh tế bong bóng” tăng lên, trở thành một nhân tố quan trọng làm cho hệ thống tài chính – tiền tệ toàn cầu dễ bị xáo động. Tình trạng đó diễn ra trong bối cảnh chuyên môn hóa và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng; TNCs cắm nhánh ở nhiều nước và biến phân công quốc tế thành phân công trong nội bộ công ty, lôi cuốn các quốc gia vào cùng một “dàn hợp xướng”, nên chỉ một xáo động nhỏ cũng có thể làm rung chuyển cả hệ thống; gây ra những cuộc khủng hoảng lan rộng.

Xu thế khu vực hóa tiếp tục diễn ra cùng với xu thế toàn cầu hóa. Liên kết kinh tế khu vực diễn ra từ thấp đến cao, từ khu vực ưu đãi thuế quan, khu vực mậu dịch tự do, đồng minh thuế quan, thị trường chung hay cộng đồng kinh tế, và liên minh kinh tế. Giữa khu vực hoá và toàn cầu hóa kinh tế vừa có sự thống nhất vừa có mâu thuẫn. Các tổ chức kinh tế khu vực tự do hoá bên trong nhưng bảo hộ nghiêm ngặt với bên ngoài. Tuy nhiên, xu hướng của khu vực hoá là từng bước phá vỡ tính hạn hẹp để vươn rộng ra không gian toàn cầu (thí dụ ASEAN cộng 1, ASEAN cộng 3; EU cũng đang mở rộng về phía Đông,…). Sự mở rộng này sẽ từng bước tiệm cận toàn cầu hóa. Với ý nghĩa này khu vực hoá thúc đẩy toàn cầu hóa. Nhưng khu vực hoá tạm thời dẫn đến chia cắt thị trường thế giới thành “từng mảnh”; cạnh tranh toàn cầu do đó thành cạnh tranh giữa các tổ chức kinh tế khu vực và cạnh tranh giữa tổ chức kinh tế khu vực với những quốc gia ngoài khu vực, nảy sinh những cuộc chiến tranh mậu dịch.

Xu thế đa cực hoá kinh tế thế giới. Toàn cầu hóa do các nước lớn chi phối, dẫn đến sự giành giật lợi ích giữa các trung tâm kinh tế lớn và hình thành xu hướng đa cực hoá kinh tế thế giới. Toàn cầu hóa làm tăng thêm sự biến động thực lực và thay đổi so sánh lực lượng giữa các nước lớn. Hiện nay Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về những ngành công nghệ cao, tiêu biểu là công nghệ thông tin; về tổng giá trị sản lượng kinh tế; về thị trường. Nhưng Mỹ cũng có những mặt hạn chế, như nợ của nhà nước tăng, mức tích luỹ thấp, nhập siêu lớn, giá cả sức lao động cao,… Người ta dự đoán Mỹ vẫn tiếp tục duy trì được địa vị đứng đầu trong tương lai, nhưng không thể độc quyền thành một cực duy nhất với địa vị bá chủ thế giới.

Phân cực giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển vẫn sâu sắc nhưng thế và lực của các nước đang phát triển ngày càng tăng lên. Xét về các mặt: mức độ tham gia toàn cầu hóa kinh tế, mức chiếm giữ thị trường thế giới, sức cạnh tranh và khả năng chế ngự những nguy cơ của thị trường… các nước đang phát triển đều kém xa các nước phát triển, nên những nguồn lợi thu được từ toàn cầu hóa kinh tế của các nước đang phát triển cũng kém xa các nước phát triển. Vì thế, dù toàn cầu hóa kinh tế tạo điều kiện cho các nước đang phát triển có cơ hội đẩy mạnh và rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế quốc dân, nhưng một khi trật tự kinh tế thế giới hiện nay chưa được thay đổi căn bản thì sự phân hoá hai cực Bắc – Nam vẫn tiếp diễn, thậm chí có thể tăng thêm khi toàn cầu hóa kinh tế phát triển mạnh.

Sự phân hoá giữa các nước đang phát triển vẫn tiếp diễn. Những năm qua các giao dịch kinh tế giữa các nước đang phát triển với nhau không ngừng tăng lên, góp phần giảm bớt sự lệ thuộc vào các nước phát triển, nhưng sự phân hoá các nước đang phát triển thành vẫn tiếp diễn.

Cách mạng khoa học – công nghệ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, kinh tế tri thức xuất hiện ở những nước tư bản chủ nghĩa phát triển cao sẽ thúc đẩy nhanh hơn toàn cầu hóa kinh tế và tác động mạnh các lĩnh vực xã hội, văn hoá, chính trị. Những thành tựu khoa học, công nghệ mới càng thúc đẩy nhanh sự phát triển và nâng cao trình độ quốc tế lực lượng sản xuất đồng thời tác động mạnh xu thế phát triển trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, tăng sự tuỳ thuộc giữa các nước và tăng xu thế toàn cầu hóa, nhưng cũng đặt những nước không tiếp thu kịp các thành tựu của cách mạng khoa học – công nghệ và kinh tế tri thức trước nguy cơ tụt hậu xa hơn.

Nói tóm lại, toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu và nó có tính hai mặt. Do đó, tham gia hội nhập nền kinh tế thế giới, đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải biết phát huy được những lợi thế, hạn chế những thách thức, đảm bảo được lợi ích và chủ quyền dân tộc là chìa khóa cho sự phát triển.

Theo TRƯỜNG CHÍNH TRỊ NGHỆ AN

Tags: , ,