Cá dưới sông cũng cần được bảo vệ như chim trên trời, thú trong rừng

Tôi hay câu cá tại sông, mỗi lần kích điện đi qua lại thấy xót xa. Xót vì họ bắt được một con nhưng hại chết hàng trăm con nhỏ khác. Xót vì mình sống ở một đất nước có hệ thống pháp luật tương đối tốt, nhưng hệ thống thi hành pháp luật vẫn còn yếu nên để những hành vi vi phạm pháp luật công khai diễn ra hàng ngày mà không bị xử lý.

Cá dưới sông hồ cũng cần được bảo vệ như chim trời, thú rừng

Kích điện lộng hành, tận diệt thủy sản

Con sông nhỏ nơi tôi sinh sống, dù là nơi cung cấp nước sạch chính cho thành phố, nhưng kích điện vẫn diễn ra công khai, cả ngày lẫn đêm.

Việc đánh bắt cá bằng xung điện từ lâu đã bị nghiêm cấm vì khai thác mang tính tận diệt, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Khi sử dụng xung điện, các loài cá, tôm, thủy sinh, kể cả toàn bộ cá con, trứng cá hay sinh vật phù du trong bán kính hai mét đều bị tiêu diệt.

Thế nhưng hiện nay, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng kích điện đang diễn ra tràn lan ở nhiều nơi, từ những ao, hồ, sông nhỏ cho đến sông lớn hay ngoài biển. Trên các trang mạng xã hội, không khó để tìm rất nhiều địa chỉ rao bán kích điện công khai, được quảng cáo rầm rộ, với giá rất rẻ. Hậu quả là những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng. Một số loài cá ngày trước rất nhiều ngoài tự nhiên, nhưng bây giờ gần như tuyệt chủng.

Trong khi đó, theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản có hiệu lực thi hành từ ngày 5-7, quy định xử phạt hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá. Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

Đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản: phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét; phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét; phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên. Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài phạt tiền, người có hành vi dùng điện để đánh bắt thủy sản còn bị tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ.

Thế nhưng, thực tế, vì sự giám sát lỏng lẻo của các cơ quan chức năng dẫn đến việc một số người bất chấp hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hại, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên, đồng thời cũng gây ra nguy hiểm cho người sử dụng, để khai thác thủy sản bằng xung điện.

Ngay ở con sông nhỏ gần nơi tôi sinh sống, mặc dù là nơi cung cấp nước sạch chính cho thành phố nhưng kích điện vẫn diễn ra công khai, cả ngày lẫn đêm. Người ta còn lắp cả mô tơ vào thuyền để di chuyển cho nhanh, bắt được nhiều cá, mà chẳng thấy cơ quan chức năng có động thái gì. Trước đây, nguồn lợi thủy sản tại sông rất dồi dào, môi trường nước rất sạch. Tuy nhiên, những năm gần đây, thủy sản cạn kiệt, chất lượng nước rất kém, một phần do chất thải dân sinh và công nghiệp, một phần do thiếu đi những loài cá có nhiệm vụ xử lý chất thải hữu cơ tại dòng sông.

Tôi hay câu cá tại sông, mỗi lần kích điện đi qua lại thấy xót xa. Xót vì họ bắt được một con nhưng hại chết hàng trăm con nhỏ khác. Xót vì mình sống ở một đất nước có hệ thống pháp luật tương đối tốt, nhưng hệ thống thi hành pháp luật vẫn còn yếu nên để những hành vi vi phạm pháp luật công khai diễn ra hàng ngày mà không bị xử lý.

Chính vì vậy, tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, dẹp bỏ tình trạng vi phạm pháp luật một cách công khai này, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và để bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật.

Đỗ Đức Trung

Sông ngòi Việt ngày càng ít cá

Tôi là người thích đi câu, nhưng ngày càng câu được ít cá.

Tôi có sở thích hay đi phượt bụi, câu cá sông những lúc rảnh rỗi, hoặc sau những ngày làm việc mệt mỏi để xả stress. Mỗi lần đi như vậy, đa phần tôi đều câu được rất ít cá, có khi cả ngày chẳng được con nào. Tôi tự đặt câu hỏi: Sông ngòi của nước ta vốn dày đặc, là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các sinh vật dưới nước phát triển, nhưng tại sao lại ít thủy sản như vậy? Đây rõ ràng là một điều quá vô lý. Tôi còn nhớ, ngày xưa cá sông rất nhiều chứ không ít như bay giờ.

Có lần, tôi câu ở gần cầu Hóa An, Đồng Nai, thấy người ta đi thuyền ra giữa sông để thả cá phóng sinh. Mỗi lần như vậy, tôi đếm thấy có hơn mười thuyền nhỏ khác chạy theo phía sau, dùng chích điện để bắt lại ngay khi cá vừa được thả xuống. Hành động chướng mắt là vậy nhưng hầu như không ai nói được gì họ. Để ngăn chặn những hành vi dùng chích điện tận diệt cá sông, cần những cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, chứ người dân bình thường khó lòng ra tay.

Tôi hay xem Youtube và biết được một phóng sự có tên “Giữ cá cho sông”, nói về một bác nông dân ở An Giang nuôi được một đàn cá sông rất lớn. Tôi nghĩ bụng, tại sao chúng ta không nhân rộng mô hình này ra hàng trăm ngàn địa phương khác để tăng chỗ trú ngụ cho cá sông, góp phần bảo vệ và phát triển nguồn thủy sản của đất nước. Từ đó, chúng ta sẽ có kế hoạch đánh bắt có khoa học thay vì tận diệt chúng như hiện nay.

Khi ý thức của con người được nâng cao, sẽ kéo theo hàng loạt sự phát triển bền vững. Đặc biệt, chúng ta có thể dạy cho thế hệ sau biết bảo vệ thiên nhiên, môi trường một cách bài bản. Vừa rồi, tôi có dịp xuống chơi ở xã Mỹ Hiệp, Đồng Tháp. Ở các nhánh sông, người dân trồng rất nhiều bèo để làm đồ mỹ nghệ. Tôi thấy mô hình này cũng khá hay, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thủy sản phát triển. Đó là những sáng tạo vô cùng cần thiết để cứu lại nguồn thủy sản đang dần cạn kiệt theo từng ngày.

So Nguyen

Theo VNEXPRESS

Tags: ,