Bức tranh toàn cảnh về hệ thống phúc lợi y tế ở Việt Nam

Các quốc gia trên thế giới hiện nay đều quan tâm xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội nói chung và hệ thống phúc lợi y tế nói riêng. Đó là một hình thức phân phối lại thu nhập từ ngân sách nhà nước để giảm bớt sự chênh lệch giàu nghèo.

Bức tranh toàn cảnh về hệ thống phúc lợi y tế ở Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7, năm 2018.

Phúc lợi xã hội thường được hiểu là mộtbộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội. Hệ thống phúc lợi xã hội bao gồm: chăm sóc y tế, trợ cấp bệnh tật, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp hưu trí, trợ cấp tai nạn, trợ cấp nghề nghiệp, trợ cấp gia đình, trợ cấp thai sản, trợ cấp tàn tật, học bổng cho học sinh và những chi phí an sinh xã hội khác.

Trong các yếu tố cấu thành của phúc lợi xã hội có phúc lợi y tế. Phúc lợi y tế là việc cung cấp các dịch vụ y tế mà người dân khi sử dụng chỉ phải chi trả một phần hoặc miễn phí, để cho mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe ở một chuẩn mực nhất định.

Bài viết này phân tích thực trạng của hệ thống phúc lợi y tế ở Việt Nam, đồng thời kiến nghị một số giải pháp để phát triển hơn nữa hệ thống phúc lợi y tế.

2. Thực trạng hệ thống phúc lợi y tế ở Việt Nam

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm phát triển hệ thống phúc lợi xã hội, đặc biệt là phúc lợi y tế. Đảng chủ trương “Kết hợp các mục tiêu kinh tế với mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, thực hiện tốt các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế” [2]; “Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển” [3]. Đây là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Vì thế, tuy kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng ngân sách dành cho phúc lợi xã hội vẫn chiếm một phần đáng kể. Với nguồn ngân sách đó, Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng về văn hóa và xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

Trước năm 1986, Việt Nam có nền kinh tế kế hoạch tập trung mang nặng tính bao cấp. Lúc đó, ngân sách dành cho hệ thống phúc lợi y tế rất lớn. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, ngân sách tuy có giảm hơn về quy mô nhưng vẫn chiếm lượng kinh phí lớn. Điều đó thể hiện ở chỗ, hầu hết bệnh viện ở Việt Nam là bệnh viện công hoạt động từ ngân sách nhà nước. Tỷ lệ ngân sách chi cho y tế so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2008 là 2,91%, năm 2009 là 3,64%, năm 2010 là 3,64%.

Theo nhận xét của ActionAid Việt Nam và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: “Hai luồng tài chính công lớn để cung cấp tài chính cho y tế ở Việt Nam là vốn ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) xã hội. Do hoạt động đầu tư tư nhân thường hướng tới lợi nhuận, Chính phủ vẫn khẳng định sẽ tiếp tục tăng ngân sách cho y tế nhằm mục tiêu công bằng và hiệu quả của ngành y tế. Tổng chi cho y tế /GDP của Việt Nam có xu hướng tăng.

Tỷ trọng của chi công cho y tế trong tổng chi cho y tế cũng tăng từ 31% năm 2000 lên 54,1% năm 2014. Chi cho y tế trong tổng chi công của cả nước cũng tăng nhanh (tăng trung bình 10,2% giai đoạn 2011 – 2015, đạt mức 14,2% năm 2014 so với chỉ 7,2% năm 2000). Như vậy, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch y tế 2011 – 2015 về chi tiêu công cho y tế. So với một số quốc gia khác, tỷ lệ chi cho y tế /GDP của Việt Nam hiện tượng đối cao” [7].

Phúc lợi y tế được thực hiện ở tất cả các nội dung, bao gồm: phúc lợi y tế dành cho nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt và phúc lợi y tế toàn dân (dịch vụ y tế dự phòng, y tế cộng đồng). Nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt (người có công, người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật, người già cô đơn, người nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, trẻ em dưới 6 tuổi…) được đặc biệt quan tâm. Những nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt khi đi khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã đều được thanh toán 100%, khi khám ở bệnh viện công lập được thanh toán 95%, nếu chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại khi nằm điều trị, được hỗ trợ chi trả 5% bảo hiểm y tế và hỗ trợ khi mắc bệnh nặng có chi phí cao (như ung thư, mổ tim, chạy thận nhân tạo…), trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được thanh toán 100% [5]. Mạng lưới y tế dự phòng bao phủ cả nước, ở tuyến tỉnh và các địa phương đã ổn định.

Tất cả các tỉnh đều có trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, trong đó có 15/63 trung tâm đạt chuẩn quốc gia [1]. Tại tuyến xã năm 2012, 100% số xã và 96,6% số thôn, bản, ấp thuộc xã và thị trấn có nhân viên y tế hoạt động; 76% số xã có bác sĩ hoạt động; 93,4% trạm y tế có y sĩ sản nhi hoặc hộ sinh; 78,8 % trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế [1].

Nhờ có nguồn ngân sách lớn đầu tư cho phúc lợi y tế, nên Việt Nam có mạng lưới y tế với chất lượng khám chữa bệnh tương đối tốt. Theo điều tra nhân khẩu và y tế năm 2012, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm xuống còn 15,4/1000 ca so với năm 2002 (18/1000 ca). Tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi đã giảm từ 58/1000 trẻ vào năm 1990 xuống còn 23,2/1000 trẻ vào năm 2012. Việt Nam là một trong những quốc gia đạt thành tựu đáng kể trong lĩnh vực chống suy dinh dưỡng trẻ em và chống các bệnh truyền nhiễm.

Nhà nước hỗ trợ chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội. Năm 2005, có trên 9 triệu trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí. Còn đối với những gia đình thuộc diện nghèo, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách phúc lợi y tế, bao gồm toàn bộ người nghèo có mức sống dưới chuẩn nghèo, người dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên và 6 tỉnh khó khăn của miền núi phía Bắc [6]. Hiện nay, số người được hưởng phúc lợi y tế, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí hoặc hỗ trợ một phần phí đóng ngày càng tăng lên.

Năm 2012, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chiếm 66,8% dân số [1]. Năm 2011, các bệnh viện đã khám và điều trị ngoại trú cho hơn 68,59 triệu lượt người bệnh có bảo hiểm y tế, chiếm 54,3% so với năm 2010. Điều này chứng tỏ rằng, người được hưởng phúc lợi y tế đã được tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế. Nhờ có hệ thống phúc lợi y tế nên nhiều dịch bệnh đã được kiểm soát và đẩy lùi, người dân được chăm sóc sức khỏe mà hầu như không phải mất tiền.

Mặc dù đạt được thành tựu, hệ thống phúc lợi y tế ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là nhu cầu của những người có thu nhập thấp. Hệ thống phúc lợi y tế rất quan trọng đối với người nghèo. Người có thu nhập cao có thể tìm đến các dịch vụ y tế tư nhân trong nước hoặc nước ngoài, còn người có thu nhập thấp chỉ có thể trông đợi ở hệ thống y tế công, hệ thống phúc lợi y tế.

Nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân rất lớn trong khi hệ thống y tế chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của mọi người. Điều đó gây nên tình trạng quá tải ở các bệnh viện công. Tại một số bệnh viện lớn, có khi 3 người chung một giường bệnh. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2013, tổng chi ngân sách nhà nước cho y tế so với GDP ở Việt Nam không nhiều, năm 2009 là 6,6% và tăng nhẹ năm 2010 là 6,9%. Con số trên không phải là thấp nhưng thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển (ví dụ như Nhật Bản, trung bình 8,5%/năm).

Bên cạnh việc còn nhiều người chưa có bảo hiểm y tế, thì việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi vẫn còn bất cập. Năm 2011, có khoảng 19,7% trẻ dưới 6 tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế, nhất là nhóm trẻ dân tộc thiểu số (vì trẻ sinh tại nhà, không làm giấy khai sinh, không có thông tin để làm thẻ) [1]. Ngoài ra, do công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, nên khoảng 1/3 bố mẹ có con dưới 6 tuổi không biết về bảo hiểm y tế cho con mình.

Chất lượng khám chữa bệnh vẫn còn bất cập (như quá tải bệnh viện nhi tuyến trên, thời gian chờ đợi lâu, bất bình đẳng trong sử dụng dịch vụ…) Đặc biệt, sự chênh lệch giữa tuyến trên và tuyến dưới cũng gây khó khăn cho những người được hưởng phúc lợi y tế ở tuyến dưới, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Cụ thể, năm 2011, ở tuyến tỉnh có 5.028.741 lượt người điều trị nội trú (chiếm 45,2%) và thực hiện 1.314.291 ca phẫu thuật (chiếm 53,6%), ở tuyến huyện có 4.097.911 lượt người điều trị (chiếm 36,8%), số ca phẫu thuật có 472,301 (chiếm 19,3%).

Theo kết quả khảo sát của đề tài cấp nhà nước KX02/13/11-15 (về Phát triển xã hội và tâm lý phát triển xã hội ở các nước Đông Nam Á-kinh nghiệm cho Việt Nam trong tham gia xây dựng cộng đồng), mức độ hài lòng của người dân khi tiếp cận với chính sách phúc lợi y tế không cao. Trong số người được hỏi, 57,7% cho rằng chất lượng khám chữa bệnh bình thường, 30% cho rằng chất lượng kém; 61,5% người dân cho rằng chất lượng về cơ sở hạ tầng ở mức bình thường, 20,4% cho rằng chất lượng cơ sở hạ tầng ở mức kém, và chỉ có 12,6% cho rằng chất lượng cơ sở hạ tầng ở mức tốt. Điều này cho thấy người dân vẫn chưa hài lòng về dịch vụ phúc lợi y tế. Như vậy cần có những sự thay đổi rất nhiều về cơ sở vật chất, trình độ quản lý, nguồn nhân lực để hệ thống phúc lợi y tế được tốt hơn.

Nhu cầu khám chữa bệnh của những người có thu nhập thấp ở Việt Nam hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, do thu nhập, nên họ còn chịu nhiều thiệt thòi trong việc khám chữa bệnh. Nếu không có sự trợ giúp từ hệ thống phúc lợi y tế của Nhà nước thì người có thu nhập thấp sẽ không được thụ hưởng lợi ích chính đáng trong việc chăm sóc sức khỏe. Chính vì vậy, Nhà nước vẫn cần phát triển hơn nữa hệ thống phúc lợi y tế.

Giải pháp nâng cao hiệu quả của hệ thống phúc lợi y tế ở Việt Nam

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò của hệ thống phúc lợi y tế đối với sự phát triển xã hội. Hệ thống phúc lợi y tế có phát triển hay không, điều đó phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước. Nhưng để gia tăng nguồn ngân sách, những người làm chính sách cần nhận thức sâu sắc về vai trò của hệ thống phúc lợi y tế đối với sự phát triển xã hội. Một số người coi việc đầu tư ngân sách cho hệ thống phúc lợi y tế như là khoản chi cho hoạt động từ thiện. Nhận thức này là sai lầm, vì hệ thống phúc lợi y tế là một hình thức phân phối lại, góp phần khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường. Đầu tư cho phúc lợi y tế mang lại lợi ích sức khỏe nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội; từ đó về lâu dài sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phúc lợi y tế tốt sẽ đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng. Khi ấy, người dân khắc phục khó khăn về tài chính khi ốm đau, bệnh tật, được tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh, ngăn ngừa sớm và hiệu quả bệnh tật, tăng cường sức khỏe, tăng tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong. Đó là cơ sở để xây dựng nguồn nhân lực tốt cho xã hội, và là điều kiện cần thiết giúp cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững.

Ngoài ra, kinh phí của phúc lợi y tế là ngân sách nhà nước trợ cấp, ngân sách đó lấy từ nguồn thuế của nhân dân. Một phần khoản đóng góp này sẽ được dùng để chi trả kinh phí khám chữa bệnh cho người nghèo. Vì thế, phúc lợi y tế là biện pháp để giảm bớt sự bất công giữa người giàu và người nghèo. Chăm sóc sức khỏe là việc làm quan trọng của xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, nếu vì không có tiền mà không được hưởng dịch vụ y tế thì đó là bất công xã hội. Nếu không có bệnh viện công của nhà nước, những người nghèo sẽ không được khám chữa bệnh. Điều đó thể hiện vai trò điều tiết xã hội của nhà nước, cũng là trách nhiệm của nhà nước đối với an sinh xã hội.

Một trong những việc thể hiện vai trò của nhà nước trong việc chăm sóc sức khỏe là ở chỗ, nhà nước dùng ngân sách đầu tư tới những vùng khó khăn (như vùng sâu, vùng xa, hải đảo, miền núi) để người dân nơi này cũng được tiếp cận với dịch vụ y tế và ngăn chặn các đại dịch trong nước và quốc tế. Như vậy, hệ thống phúc lợi y tế có vai trò quan trọng đối với sự phát triển xã hội. Chỉ có nhận thức đúng đắn về vai trò của phúc lợi y tế thì chúng ta mới xây dựng được một hệ thống y tế công đủ khả năng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân mà hệ thống y tế tư không làm được.

Thứ hai, đổi mới tổ chức hoạt động của hệ thống phúc lợi y tế. Trước tiên, cần chú ý đến việc phân bổ nguồn nhân lực y tế, đây là yếu tố ảnh hưởng đến tính hiệu quả của toàn bộ hệ thống y tế. Thực tế ở nước ta hiện nay có sự mất cân đối trong cơ cấu lao động y tế giữa các ngành và các vùng. Trong một số chuyên ngành y tế (lao, tâm thần, phong, HIV…) có sự thiếu hụt về tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng vì làm việc ở những chuyên ngành này thường có rủi ro cao hơn so với các ngành khác. Trình độ cán bộ y tế chưa đồng đều.

Ở vùng sâu, vùng xa, hầu hết cán bộ y tế còn chưa cập nhật thông tin, phương pháp điều trị mới, không đủ khả năng vận dụng máy móc hiện đại. Các cán bộ y tế giỏi thường thích làm ở tuyến tỉnh hơn, vì ở đó có cơ sở hạ tầng tốt, có trang thiết bị hiện đại, có môi trường văn minh, sạch đẹp. Rất ít người gắn bó hoặc làm việc chuyên tâm ở những cơ sở y tế tuyến dưới. Chính vì thế, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về chế độ lương và phụ cấp, đồng thời cần đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ giữa tuyến tỉnh, tuyến huyện, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, việc đầu tư trang thiết bị máy móc cho các cơ sở y tế công, đặc biệt tại các tuyến cơ sở, chưa hiệu quả, sâu sát.

Ở nhiều cơ sở y tế, trang thiết bị đắt tiền do Nhà nước đầu tư đã không được sử dụng hoặc chỉ được sử dụng hạn chế; điều đó gây ra sự lãng phí lớn. Để giải quyết vấn đề này, cần tiến hành rà soát lại hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương. Do nền kinh tế đất nước còn chưa thực sự phát triển, không thể xây nhiều bệnh viện khang trang, sắm sửa thiết bị y tế ngoại nhập đắt tiền, nên càng cần phải nâng cao hiệu quả sử dụng các trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế; thúc đẩy sản xuất trang thiết bị y tế trong nước; đầu tư các dây chuyền công nghệ tiên tiến cho sản xuất trang thiết bị y tế; ưu tiên mua sắm trang thiết bị y tế có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam; nâng cao trình độ của nhân viên vận hành và sử dụng trang thiết bị y tế; củng cố mạng lưới kiểm tra, kiểm định trang thiết bị.

Một nhân tố cũng góp phần quan trọng vào việc đổi mới tổ chức hoạt động phúc lợi y tế là thông tin hỗ trợ phúc lợi y tế. Thông tin y tế giúp người dân biết cách phòng chống những dịch bệnh nguy hiểm, bệnh lây lan để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, việc triển khai thông tin ở nước ta vẫn còn bất cập, có những chính sách mà dân không được hưởng về phúc lợi y tế vì họ không biết thông tin. Chính vì thế, Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện các chính sách về hệ thống thông tin, có nguồn kinh phí cung cấp cho hoạt động này; đảm bảo chất lượng thông tin y tế; thu thập và xử lý thông tin kịp thời, nhanh gọn, hiệu quả; và thường xuyên cập nhật thông tin y tế.

Kết luận

Y tế là một lĩnh vực cần được Đảng và Nhà nước quan tâm hàng đầu. Trong lĩnh vực y tế, Nhà nước xây dựng hệ thống quản lý, đầu tư ngân sách cho phúc lợi, xây dựng hệ thống y tế công. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng hệ thống phúc lợi y tế. Nhờ có hệ thống phúc lợi y tế tương đối tốt, cho nên nhân dân ta được hưởng những dịch vụ y tế cơ bản không mất tiền; đây là một nhân tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

———————-

Tài liệu tham khảo:

[1] Bộ Y tế Việt Nam (2013), Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2013: Hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, Hà Nội.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[4] Đinh Quốc Thắng (2015), Phúc lợi y tế, Luận án tiến sĩ kinh tế chính trị, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
[5] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2008), Luật Bảo hiểm y tế, Hà Nội.
[6] Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo, Hà Nội.
[7] ActionAid Việt Nam (2016), Chi tiêu công cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng ở một số tỉnh tại Việt Nam: một số quan sát và kiến nghị,
http://www.actionaid.org/sites/files/actionaid/ bao_cao_a5_tv.pdf, Truy cập ngày 2/5/2018.

Theo VASS.GOV.VN

Tags: ,