Biểu tượng biển trong truyện thơ Vượt biển của người Tày

Vượt biển là truyện thơ phổ biến của dân tộc Tày ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Văn bản Vượt biển do Hoàng Hạc sưu tầm, dịch thành 249 câu thơ, in trong tuyển tập Truyện thơ Tày – Nùng, tập 2, Nxb Văn học, 1964 đã kết hợp nhuần nhuyễn được cả hai yếu tố tự sự của truyện cổ dân gian và trữ tình của thơ ca dân gian. Hơn nữa, trong bối cảnh phải đối diện với sự bành trướng, sức ảnh hưởng của các cường quốc trên biển Đông, các quốc gia Đông Nam Á lại cùng chung mối quan tâm và để giải quyết những vấn đề quốc tế liên quan đến chủ quyền biển đảo, đòi hỏi sự cần thiết thấu hiểu về nguồn gốc lịch sử, ảnh hưởng của văn hóa biển đến đời sống tinh thần, vật chất của các cộng đồng. Từ đó nhận thức được nguồn mạch tinh thần mạnh mẽ, ý thức lịch sử sâu sắc, lối tư duy bền vững từ trong truyền thống dân gian.

Tác giả: Cù Thị Ánh Ngọc.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 401, tháng 11/2017.

Trong kho tàng văn học dân gian Tày, Vượt biển là lời ca hay nhất trong 35 chương hát then. Lời ca trong truyện cũng nói lên mục đích của câu chuyện nhằm mô tả đoàn quân then, quân âm mang lễ lên cung tiến Ngọc Hoàng (Pựt Luông). Để hiểu rõ hơn biển trong quan niệm của người Tày, cần phải căn cứ vào nội dung, hình thức diễn xướng Vượt biển giữa đời sống dân gian. Có thể đưa ra một giả thiết: ban đầu, Vượt biển chỉ có nội dung hiện thực huyền ảo trong hình thức một bài ca nghi lễ, gắn với điệu múa thiêng mô phỏng động tác chèo thuyền. Đến thời kỳ cuộc sống lao động miền núi phát triển cao hơn, ảo ảnh về một con thuyền điêu linh xa xôi trên sông nước miền núi chuyển hóa thành hình ảnh cả một đoàn thuyền (có khúc ca diễn tả tới ba trăm con thuyền). Do đó, có thể khẳng định biển trong truyện thơ này chính là biển trên trời chứ không phải biển hạ giới, biển của then (âm đọc chệch của chữ thiên, nghĩa là trời), biển của giới ma quỷ chứ không phải biển của người. Vượt biển chính là mơ ước, lòng mong mỏi của người Tày có một thế lực siêu nhiên nào đó che chở cho số phận, giúp họ giải thoát mọi nỗi khổ đau. Đây cũng là lý do khiến cốt truyện của Vượt biển được các then lấy làm khúc hát lễ cầu giải hạn đầu năm. Họ mong ước một năm mới hạnh phúc, những linh hồn chốn mường ma không còn phải chịu kiếp phu thuyền mà được bình yên, được thoát tục về cõi cực lạc.

1. Biển biểu tượng của sự sống, sự sáng tạo thế giới của người Tày

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong số những quốc gia có đường bờ biển kéo dài. Bên cạnh đó, văn hóa biển đã trở thành một trong ba yếu tố nền tảng của văn hóa Việt Nam. Với cư dân Tày, biển được hình tượng hóa thành một vị thần, hơn nữa là một vị thần sáng thế, gắn với sự hình thành vũ trụ, với ý nghĩa biển là một biểu tượng của động thái sự sống. Tất cả từ biển mà ra, tất cả cũng sẽ trở về với biển.

Trong Vượt biển, có đủ các loại màu sắc xuất hiện qua “mười hai rán nước”. Bảy sắc màu đặc trưng trong tư duy của người Việt được nhắc đến trong Vượt biển, đó là: đỏ, đen, chàm, vàng, hồng, xám, bạc. Độ đậm, nhạt của các gam màu trong biển cũng góp phần khẳng định đây là biển của cõi âm, biển chốn mường ma, biển trong trí tưởng tượng. Người Tày sống chủ yếu ở các đỉnh núi cao gần con sông, con suối lớn, với thác nước chảy xiết để thuận lợi cho việc sinh hoạt hàng ngày. Nhưng đến mùa mưa lũ, những con suối hiền hòa trở nên hung dữ, có thể cuốn trôi nhà cửa, hoa màu. Bởi vậy trong trí tưởng tượng của họ, dòng sông lưng trời trở thành biển rộng. Ở đây có sự ảo giác hóa dòng sông kia thành miền biển kỳ vĩ.

Trên thực tế, ở miền núi không hề có biển nên các thế hệ làm then chưa bao giờ bước chân xuống đến bờ biển, chưa hề nhìn thấy nước biển hoặc họ cố ý xa lạ với biển thật để giữ trong lòng sự kỳ vĩ, linh thiêng của biển. Họ coi trọng, tôn sùng biển như một vị thần linh. Thông qua hình ảnh các Sa dạ, Sa dồng đang cố gắng chèo thuyền vượt qua mười hai rán nước trong đó chứa đựng rất nhiều sự phi lý về sự xuất hiện, tồn tại của các sinh vật quái gở trong lòng biển và quanh bở biển. Ở biển mà lại có sự xuất hiện của các loài vật như: thuồng luồng, rắn rết, thủy quái và có cả cá sống ở nước ngọt như: cá tất, cá mjang… còn có cả các loài ác quỷ như: mụ Dạ Dìn bẩn thỉu, giữ gậy đầu sinh đầu tử. Chi tiết về màu sắc nước biển và các loài vật biển cho thấy các nghệ nhân dân gian Tày đã sáng tạo, vẽ nên một bức tranh nghệ thuật đầy màu sắc vừa hiện thực, vừa huyền bí.

Trong Vượt biển, các nghệ nhân dân gian đã triệt để sử dụng thủ pháp hư cấu kỳ ảo có chủ tâm, vốn là thủ pháp đặc trưng của truyện cổ tích. Họ đã thành công trong việc đánh tráo đối tượng: mường ma với mường người, cõi âm với cõi dương trong trí tưởng tượng kỳ thú, mượn tên gọi bề ngoài là biển để diễn tả cảnh tượng suối thác ở miền núi. Rán cũng là những cái thác không tạo thành bậc nước rơi. Các nghệ nhân dân gian Tày đã triệt để sử dụng thủ pháp ẩn dụ theo lối bắc cầu. Ví dụ con số mười hai rán nước (cũng như thế giới ba tầng, cầu thang 9 bậc lên sàn, thang lên trời 27 đốt, trường đoạn hát then 36 chương) đều là các số thiêng trong tín ngưỡng Tày cổ.

2. Biển biểu tượng cội nguồn sinh thành của người Tày

Ý nghĩa tái sinh của biển được nhắc đến mang tính nhân loại nhưng ở các dân tộc Đông Nam Á, những biểu hiện của lớp nghĩa này rất phong phú, mang sắc thái riêng. Trước hết, biển là biểu tượng cho sự sinh thành dân tộc, con người, tổ tiên loài người. Bằng cái nhìn địa – văn hóa, địa – lịch sử, nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng đã khái quát về tính chất bán đảo nổi bật của Việt Nam, biểu hiện qua việc kiến tạo nên các hằng số văn hóa bền vững, trở thành mẫu   số chung trong việc diễn giải về cội nguồn dân tộc (1). Điều đó đã khẳng định sự có mặt của yếu tố biển từ rất sớm trong việc hình thành ý thức về cộng đồng, về sự thống nhất, hòa hợp dân tộc.

Vượt biển xuất phát ban đầu là một chương trong hát then. Nhưng vì giá trị của nó nên được các nhà văn đã sáng tác thành một tác phẩm văn học hoàn chỉnh. Đó là sự ghép nối hai giai đoạn của một thân phận sống liên tiếp, là đời người và đời ma. Trong cõi đời người ngắn ngủi, thân phận Sa dạ, Sa dồng không có tâm trạng. Tâm trạng trống rỗng, ngột ngạt, không lời được cấu trúc bằng vài ba hành động kiểu cổ tích. Trong cõi đời ma lại được kết cấu bằng những mảng tâm trạng. Mỗi mảng tâm trạng của nhân vật Sa dạ, Sa dồng được dệt thêu bằng hình thức giống nhau về cấu tạo. Đó là sự đan xen giữa những chi tiết về các cảnh tượng trên không gian gọi là biển, được ghi nhận đầy tính ước lệ, rùng rợn trong mắt nhìn của người ma. Mạch chính của cốt truyện chính là sự kết nối những mảng tâm trạng như thế. Ở kiểu kết cấu này, khoảng cách giữa đời người và đời ma, giữa mường người, mường trời với mường ma mới thật mong manh. Thực chất đời ma ở đây cũng chỉ là cách kết thúc bi kịch của cổ tích xã hội chuyển hóa vào thơ. Với kết cấu theo mô hình: anh em sống hòa thuận – anh lấy vợ (hoàn cảnh thay đổi) bộc lộ lòng tham lam, ghen tuông, ích kỷ – chết vẫn rơi vào bế tắc. Đây chính là mạch kết cấu tự sự, trữ tình. Với Vượt biển, tác giả dân gian đã diễn tả một cảnh chèo thuyền vượt biển ở cõi âm của các linh hồn cực nhọc, sầu thảm, để hầu hạ các quan âm phủ trên đường lên trời cống nạp bề trên. Thực chất, đó là phiên bản về một xã hội thực đầy oan khổ đã từng diễn ra trong đời sống cộng đồng Tày miền núi.

Cảnh biển trong trí tưởng tượng độc đáo của người Tày được quan niệm từ cõi dưới (âm phủ), cõi giữa (trần gian) lên cõi trên (thượng giới) chỉ cách nhau một bể lớn. Hình ảnh bể lớn này rất đặc biệt. Đó là bể sinh ra trong trí tưởng tượng của những người miền núi. Có thể do ý đồ nghệ thuật mà họ cố tình không diễn tả dựa trên hình ảnh biển thật ở “cõi người”. Đây là điều kiện để Vượt biển có một hình ảnh biển độc đáo đến kỳ lạ – biển mường ma. Biển mường ma càng độc đáo kì lạ thì càng chứng tỏ trí tưởng tượng của các nghệ sĩ dân gian càng phóng khoáng, bay bổng theo chiều sâu tình cảm thẩm mỹ của họ. Phải chăng, nước và biển đã được nhân hóa một cách ngây thơ, hồn nhiên, có sức mạnh siêu phàm. Nước dựng chính là biểu tượng của một tình thế không bình thường, có lẽ chỉ có ở mường ma. Nước sôi gầm réo cũng là hiện tượng bất thường, tính quái đản, ma quỷ của biển cõi âm, ở mường ma đã gia tăng đến tột cùng. Nước biển là nước vàng, nước bạc cười à à, cười tuế tóa đến độ vừa réo rắt, vừa ầm vang. Ấn tượng về sự quý giá của biển, của nước lại vụt tan biến. Thay vào đó ấn tượng về nước biển dữ dội, ma quái lại hiện lên thật đáng sợ. Biển ầm vang mà không đem lại cảm giác vui tươi, sống động. Biển réo rắt mà không tha thiết du dương. Cách hư cấu kỳ ảo có chủ tâm trong trong tác phẩm về biển rõ ràng phản ánh một vấn đề gay gắt, khủng khiếp mang tính xã hội.

Cảnh biển ma quái, rùng rợn trong vượt biển được nhìn, được vẽ lên thông qua cảm nghĩ của các Sa dạ Sa dồng – những nô lệ chèo thuyền cho các quan cõi âm. Dưới bức màn hư ảo, các nghệ sĩ dân gian Tày đã hóa thân làm người trong cuộc để lên tiếng phê phán gay gắt xã hội đầy áp bức, bất công, một xã hội mà nước mắt, máu, mồ hôi của những người dưới đáy đã ngưng thành bể khổ. Biển mường ma trong tưởng tượng chính là biển khổ đau của con người. Giữa biển khổ đau, người nô lệ chèo thuyền cất lên lời kêu cứu. Trong cảnh nước trời băng băng và sóng đuổi sóng xô đi, hình ảnh người chèo thuyền càng trở nên bé nhỏ, thân phận người chèo thuyền càng trở nên mong manh. Con người ra sức chèo đi giữa dòng nước có tốc độ ma quái. Cái chết rình rập có thể đến với họ bất kỳ lúc nào và từ mọi phía. Mê trường đầy hiểm họa này đã làm nổi bật cảnh tượng lao động nô dịch nặng nhọc, trong một điều kiện nguy hiểm. Người lao động bị đọa đầy từ thể xác đến tinh thần. Họ chỉ còn biết cầu nguyện và động viên nhau trong niềm mong mỏi. Chèo đến rán mười hai, trong tâm trạng của người chèo thuyền đột ngột trào lên một nỗi vui thật sự: “A! Bờ biển kia rồi”. Đây là tiếng reo vui của nô lệ hồn ma chèo thuyền hay là tiếng reo vui của con người thật giữa đời thường lam lũ khi họ vừa “bừng tỉnh”, nhận ra một lần kết thúc chuỗi ngày lao dịch.

Sự thật, niềm vui qua mau. Đối lập với nỗi vui mừng có thật của đám quân quan bề trên với tay xách, nách mang gánh gánh, gồng gồng, rộn ràng, tấp nập, ôm cầm đủ mọi của quý đi lễ người để được thỏa sức chơi bời xa hoa… là cảnh tủi hận đơn côi của người chèo thuyền. Phần đầu tác phẩm, người chèo thuyền hiện ra trong hình ảnh đám đông, nhưng kết thúc tác phẩm, họ lại nhập vào hình ảnh một người mang tên Sa dạ Sa dồng. Có thể nói Sa dạ Sa dồng là một và là tất cả những người bị cưỡng bức lao dịch nặng nề. Nỗi vui sướng quá lớn của số đông những người quyền uy giàu có đã đè lên thân phận nhỏ nhoi của một kẻ khó, khiến sức phê phán của bức tranh Vượt biển trở nên cực kỳ mạnh mẽ, gay gắt. Vượt biển nói về mường ma chính là nói về mường người. Mường người nhiều khi còn đáng sợ, đáng kinh hãi hơn cả mường ma. Mười hai rán nước khủng khiếp và hãi hùng chính là mười hai lớp, mười hai tầng tội ác ở trần gian dội xuống đầu dân đen. Mười hai rán nước ma quỷ là một cách hình tượng hóa những tầng bậc áp bức, bóc lột bằng sức mạnh cái ác ở trần gian.

3. Biển biểu tượng cho sự sáng tạo các giá trị văn hóa của người Tày

Thần thoại Đông Nam Á mang tính phức hợp về biểu tượng, về cách lý giải. Đó hẳn là sản phẩm của một lối tư duy mang tính tổng hợp của cư dân nơi đây. Biểu tượng biển đã dần dần xâm chiếm, tạo sức ảnh hưởng to lớn đến tư duy của các dân tộc Đông Nam Á, khiến nó có mặt trong rất nhiều các huyền thoại về sự sáng tạo các giá trị văn hóa.

Trong Vượt biển, từ bức tranh nói về cảnh các Sa dạ sa dồng phải chịu án oan, tác giả dân gian còn dựng lại được một bức tranh hiện thực về xã hội lúc bấy giờ. Điều này đúng như Phan Đăng Nhật nhận xét: “Truyện thơ Vượt biển đã không dừng lại ở góc độ đó (bi kịch thứ nhất) mà phát triển xa hơn và phản ảnh những mâu thuẫn lớn của giai đoạn lịch sử này, lúc mà truyện thơ ra đời đến độ hoàn thiện: mâu thuẫn của xã hội có giai cấp. Đến đây bi kịch của người em út chuyển thành bi kịch của người nghèo khổ bị áp bức bóc lột và là vấn đề trung tâm” (2).  Vì vậy, nó được các tác giả dân gian đưa vào hát then trước sự chứng giám của các vị thần linh. Do đó, khi tách Vượt biển ra khỏi hát then, người đọc cảm nhận được đây chính là một truyện thơ có nội dung truyền tải thông điệp, là một bức tranh hiện thực phê phán xã hội tàn ác, chà đạp lên những thân phận nghèo hèn. Nhận định trên đã tô đậm thêm hiện thực mà các phu tải đang trải qua. Điều này khiến cho nhà nghiên cứu Nông Minh Châu và Vi Hồng ước đoán rằng đây là tiếng nói của những người dưới chế độ không có tiền phải “phu tải”, là mồ hôi nước mắt của những người nhỏ xuống cái đòn khổ viết thành. Vì vậy, khi nghe truyện thơ này, người ta thường liên hệ đến văn tế Thập loại chúng sinh của Nguyễn Du. Đoàn người trên những con thuyền vượt biển cũng đủ mọi hạng người phải trải qua kiếp khổ ải.

Chủ thể của bức tranh là nhân vật mang tên Sa dạ Sa dồng chèo thuyền mang lễ vật cung tiến Ngọc Hoàng. Những nỗi thống khổ này được thể hiện qua các nghịch cảnh oái oăm khác nhau. Đó là sự cưỡng bức của bề trên thông qua tờ trát quan như có lửa, có máu. Điều này trái ngược hẳn với sự bịn rịn chia lìa đang diễn ra trong từng gia đình có người bị gọi đi. Họ là những trụ cột trong gia đình nhưng nếu chống đối quan trên thì “Không đi đốt cả bịch cả nhà / Không đi đốt cả vợ cả con nên các phu thuyền đành từ biệt vợ con lên đường với tâm trạng chao ôi, đất hỡi, trời ơi!/ Hôm nay đi có còn trở lại không?”. Cốt truyện được tạo nên bởi hai tuyến nhân vật trái ngược nhau. Một bên, hình ảnh các Sa dạ Sa dồng đang bị ép buộc phải chèo qua những thử thách rùng rợn, bí hiểm. Một bên, các quan đang bày trò thưởng rượu cùng khăn áo để ra sức bóc lột các phu thuyền. Câu chuyện ở đây được kể theo lối kết cấu vòng tròn xoay quanh cuộc đời của nhân vật “người em trai” sống cõi mường người khi chết hóa thành Sa dạ Sa dồng cõi mường ma. Dù ở kiếp sống nào thì người lao động nghèo khổ vẫn không thoát khỏi cuộc sống cơ cực.

Việt Nam nằm trong cái nôi có bề dày lịch sử, văn hóa, có vị trí chiến lược về kinh tế, quân sự. Với tư cách là một tộc người có dân số đông thứ ba trong 54 dân tộc, người Tày cũng rất tự hào có một nguồn mạch văn hóa Tày hòa trong nguồn mạch văn hóa Kinh. Có một sợi dây liên hệ về phương diện tinh thần giữa các dân tộc trong quốc gia về cách nhận thức, tư duy và biểu hiện về biểu tượng biển. Thần thoại và truyền thuyết các dân tộc đã tạo dựng biểu tượng biển trong nghệ thuật ngôn từ dân gian, kết tinh, cô đọng những giá trị về tư tưởng, nhận thức, lịch sử, văn hóa của cư dân Việt nói chung và dân tộc Tày nói riêng. Cần thiết phải có những kết quả nghiên cứu đa ngành, sâu sắc, toàn diện về biển để tổng kết, khái quát nên những truyền thống văn hóa ứng xử với biển trong lịch sử hình thành phát triển các cộng đồng dân tộc.

Hướng nghiên cứu biểu tượng biển trong truyện thơ Vượt biển của người Tày từ trong sâu thẳm văn hóa, văn học dân gian của người Tày đã gợi mở những tri thức nền tảng, một lối tư duy truyền thống, một hằng số văn hóa mang bản sắc riêng biệt, độc đáo của dân tộc Tày nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Nghiên cứu tiến trình lịch sử phát triển văn học dân gian Việt Nam không thể tách rời vấn đề nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc anh em, trong đó có văn hóa, văn học dân gian của người Tày.

———————————-

Chú thích:

1. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam – tìm tòi và suy ngẫm, Hà Nội, 2000, tr.21., Nxb Văn hóa dân tộc
2. Phan Đăng Nhật, Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (trước CMT8/1945), Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1981, tr.202.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tags: , , ,