Biến đổi khí hậu và sự sụp đổ của các triều đại Trung Hoa

Các sử gia thường cho rằng sự thay đổi triều đại thời xưa là kết quả của những cuộc xung đột giai cấp và sự yếu kém của vua chúa. Tuy nhiên, biến động của khí hậu cũng là một nhân tố quan trọng đối với xã hội.

Biến đổi khí hậu và sự sụp đổ của các triều đại Trung Hoa

Trong gần hai thiên niên kỷ trước, thời tiết lạnh giá gây nên nhiều cuộc xâm lược, nội chiến tại Trung Hoa và dẫn tới sự diệt vong của các triều đại như nhà Đường, nhà Minh.

AFP cho biết, những cuộc khủng hoảng lương thực gây bạo loạn trong lãnh thổ Trung Hoa hoặc buộc người Mông Cổ xâm lược nước này thường xảy ra vào những giai đoạn mà khí hậu trở nên giá lạnh. Ngược lại, tình trạng ổn định và thịnh vượng của các triều đại tập quyền luôn diễn ra trong những giai đoạn khí hậu ấm áp.

Zhibin Zhang, một chuyên gia thuộc Viện Khoa học tại Bắc Kinh, đã chỉ đạo một nhóm gồm các nhà khoa học Trung Hoa và châu Âu xem lại toàn bộ tài liệu liên quan tới giai đoạn kéo dài hơn 1.900 năm trong lịch sử Trung Hoa. Họ chú ý tới mức độ thường xuyên của các cuộc chiến, giá gạo, sự hoành hành của châu chấu, hạn hán và lũ lụt. Đối với xung đột vũ trang, nhóm nghiên cứu chia thành hai loại: nội chiến và ngoại xâm.

“Sự sụp đổ của nhà Hán (25-220), Đường (618-907), Nam Tống, (960-1125), Bắc Tống (1127-1279) và Minh (1368-1644) xảy ra vào thời kỳ nhiệt độ rất thấp và tốc độ giảm nhiệt diễn ra nhanh”, nhóm nghiên cứu tuyên bố.

Nạn đói do mất mùa có thể làm suy yếu các triều đại trên. Ngoài ra nạn đói còn buộc những bộ tộc ở phía bắc – nơi dễ hứng chịu tác động tiêu cực của tình trạng giảm nhiệt độ hơn so với Trung Hoa – phải xâm lược nước này.

Các chuyên gia cho biết, nếu nhiệt độ trung bình trong năm giảm 2 độ C, mùa sinh trưởng của các loài cỏ trên thảo nguyên ở Mông Cổ sẽ bị rút ngắn tới 40 ngày. Do cỏ là thức ăn quan trọng của gia súc nên nhiệt độ giảm khiến chúng đói hoặc chết hàng loạt. Những bộ tộc Mông Cổ vốn sống bằng nghề chăn nuôi du mục buộc phải tràn vào Trung Hoa để tránh nạn đói.

Một điều kỳ lạ là số lượng những đợt lũ lụt và hạn hán trong những giai đoạn lạnh lại cao hơn so với các thời kỳ nóng. Tuy nhiên, các nhân tố dễ gây nên chiến tranh và sự sụp đổ của triều đại là sự leo thang của giá gạo và sự tàn phá mùa màng của châu chấu. Đế chế La Mã và nền văn minh Maya cũng suy vong trong những thời kỳ mà nhiệt độ xuống thấp.

Cứ sau 160 hoặc 320 năm thì Trung Hoa lại trải qua thời kỳ lạnh giá một lần. Zhan và các đồng nghiệp cho rằng chu kỳ này liên quan tới hiện tượng biến đổi khí hậu. Nhưng sự biến đổi đó hoàn toàn do tự nhiên gây nên, chứ không phải con người. Thủ phạm khiến nhiệt độ xuống thấp trong những thời kỳ ấy là hoạt động của mặt trời, quỹ đạo và độ nghiêng của trái đất.

Nhóm nghiên cứu tuyên bố phát hiện của họ cho thấy biến đổi khí hậu có thể dẫn tới bất ổn xã hội và chiến tranh.

“Các sử gia thường cho rằng sự thay đổi triều đại thời xưa là kết quả của những cuộc xung đột giai cấp và sự yếu kém của vua chúa. Tuy nhiên, biến động của khí hậu cũng là một nhân tố quan trọng đối với xã hội. Nó có thể làm sụp đổ các triều đại hoặc nền văn hóa, đồng thời dẫn tới sự ra đời của thể chế mới”, nhóm nghiên cứu viết trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B của Anh.

Theo VNEXPRESS 

Tags: ,