Bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam: Cơn bão hoàn hảo

“Cơn bão hoàn hảo” là thuật ngữ mô tả một hiện tượng hiếm xảy ra. Hiện tượng này chỉ xuất hiện khi hội đủ những yếu tố cần thiết và một khi xuất hiện sẽ có những tác động (thường là tiêu cực) vô cùng lớn lên đối tượng chịu ảnh hưởng.

Bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam: Cơn bão hoàn hảo

Bài viết của ông Jake Brunner – Điều phối viên Mekong (Việt Nam, Campuchia và Myanmar)

Trong những năm gần đây, hàng loạt báo cáo đã ghi nhận sự biến mất của các loài động, thực vật bị đe dọa toàn cầu ở Việt Nam và phản ứng thiếu hiệu quả của cơ quan chức năng. Mặc dù môi trường sống nếu bị phá hủy còn có cơ hội phục hồi, nguồn gen còn có thể được lưu giữ, nhưng khi các loài động, thực vật biến mất khỏi tự nhiên, đó là sự ra đi vĩnh viễn. Đa dạng sinh học nói chung và động vật hoang dã (động vật hoang dã) nói riêng của Việt Nam đang phải đối mặt với một “cơn bão hoàn hảo”.

Ba yếu tố làm nên “cơn bão hoàn hảo”

Yếu tố thứ nhất, chính là chủ trương ưu tiên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam kéo dài trong hai thập kỷ qua. Việc giao nhiều quyền hạn cho chính quyền cấp tỉnh, ban hành phần lớn các quyết định liên quan đến sử dụng đất đai, có một mối liên hệ nhất định với các chỉ tiêu kinh tế. Vì vậy, mặc dù nhiều cán bộ quản lý nhà nước nhìn nhận được thách thức cũng như nhu cầu bảo tồn, song không có nghĩa rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của họ. Trên thực tế, họ phải đối mặt với mâu thuẫn về lợi ích rất rõ ràng giữa đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế (bù đắp thâm hụt ngân sách địa phương) và bảo tồn đa dạng sinh học.

Thứ hai, Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu nông sản. Hệ quả là việc chuyển đổi ồ ạt, diễn ra trên quy mô lớn, thiếu kiểm soát các hệ sinh thái tự nhiên thành ruộng đồng, ao tôm, đồn điền cao su…, chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long – nơi mật độ dân cư không cao, song dồi dào tài nguyên. Sự dễ dãi trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất nêu trên đã làm mất đi động lực khuyến khích đầu tư vào các hình thức mang lại giá trị gia tăng như thương hiệu, chứng chỉ…Cùng với đó, ngành công nghiệp cũng góp phần tàn phá không nhỏ. Điều này có thể nhìn thấy phần nào qua sự bùng phát của ngành sản xuất xi măng giữa thập niên vừa qua với sự gia tăng chóng mặt số lượng doanh nghiệp nhà nước nhập khẩu công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc. Hệ lụy kéo theo không chỉ là một ngành công nghiệp kém sức cạnh tranh mà còn là môi trường bị tàn phá mạnh mẽ mà không hề được bồi hoàn. Ô nhiễm công nghiệp đã trở thành nhân tố chính phá hủy đa dạng sinh học các hệ sinh thái nước ngọt.

Thứ ba, yếu tố văn hóa đã góp phần khuyến khích tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp. Trong giới thượng lưu, nhu cầu này ăn sâu bén rễ tới mức họ sẵn sàng chấp nhận bất cứ mức giá nào để có được các món như sừng tê giác, cao hổ cốt… Hàng loạt chiến dịch nâng cao nhận thức đã được triển khai với nguồn tài trợ quốc tế, song gần như không có sự thay đổi rõ ràng nào trong tâm lý tiêu dùng này. Ngay cả giả thuyết cho rằng tầng lớp trung lưu có chút ảnh hưởng bởi tư duy phương Tây đang ngày càng mở rộng sẽ góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã cũng đã sụp đổ (điều này cũng xảy ra tương tự ở Trung Quốc). “Dấu chân” đa dạng sinh học của Việt Nam ngày càng phình to trên trường quốc tế với những chỉ trích do có sự liên đới với tình trạng suy giảm của quần thể tê giác ở khu vực Nam Phi hay nạn săn bắt quy mô lớn các loài rùa biển ở vùng biển Đông.

Ba yếu tố này hội tụ cùng với thực trạng thu hẹp quần thể loài trong tự nhiên đã đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng, và thậm chí một số đã tuyệt chủng, như kết cục với tê giác Java (Rhinoceros sondaicus) được bố cáo vào tháng 10/2011.

Quần thể của hàng loạt các loài có giá trị thương mại từng có phân bố rộng cũng đã sụt giảm mạnh trong thời gian qua. Một nghiên cứu nhằm xác định các vấn đề ưu tiên bảo tồn hổ của Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) năm 2010 cho biết, trong 6 khu bảo tồn thiên nhiên dành cho bảo tồn hổ, chỉ có một nơi cho hy vọng bảo tồn. Một nghiên cứu khác cũng được thực hiện năm 2010 đã cảnh báo nguy cơ tuyệt chủng cao của loài bò rừng (Bos javanicus) tại Việt Nam, khi quần thể loài này đã giảm ít nhất 50% kể từ giữa thập niên 1990 và hiện còn chưa đầy 100 cá thể ngoài tự nhiên.

Việt Nam nhìn chung có một hệ thống văn bản pháp luật về môi trường khá tốt, tuy nhiên yếu kém nằm ở khâu thực thi. Nhìn lại vụ cháy lớn ở rừng tràm U Minh Thượng năm 2002, dư luận đã mạnh mẽ chỉ trích các nhà quản lý địa phương, và lập tức phòng chống cháy rừng trở thành ưu tiên hàng đầu trong công tác quản lý. Người ta đã chấp nhận cả phương án giữ rừng ngập nước quanh năm, cho dù đối với tính đặc trưng của rừng tràm, đây không phải là giải pháp tốt để bảo vệ đa dạng sinh học. Một giám đốc khu bảo tồn sẽ bị kỷ luật nếu để xảy ra cháy rừng, nhưng nếu để xảy ra săn bắn động vật hoang dã thì không. Ngày nay, nếu ai đó đặt chân đến các khu bảo tồn của Việt Nam, biển hiệu đầu tiên mà họ bắt gặp chính là cảnh báo cháy rừng.

Khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn lý giải vì sao các chương trình tập huấn cho lực lượng kiểm lâm cho dù được hỗ trợ từ nguồn trong nước hay quốc tế đều không duy trì được lâu dài. Một nghiên cứu hợp tác giữa Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2011 đã kết luận rằng mặc dù đầu tư cho tập huấn khá tốt, song mức độ tự tin và năng lực của cán bộ sau tập huấn vẫn còn rất thấp, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý khu bảo tồn.

Làm gì để “chống bão”?

Vậy, Việt Nam cần làm gì để đối phó với những thách thức lớn nêu trên? Trước hết cần phân định vấn đề một cách rõ ràng. Các loài hoang dã đang bị đe dọa trên toàn cầu có mặt tại Việt Nam có thể chia thành hai nhóm: (1) Nhóm loài được IUCN đánh giá là Cực kỳ Nguy cấp (CR) và loài đặc hữu hoặc gần như đặc hữu ở Việt Nam; (2) Nhóm loài được IUCN đánh giá là Nguy cấp (EN), phân bố ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có ý nghĩa quan trọng về văn hóa.

Dưới góc độ bảo tồn quốc tế, rõ ràng các loài thuộc Nhóm 1 cần được ưu tiên bảo vệ bởi nếu chúng bị tuyệt chủng ở Việt Nam cũng có nghĩa tuyệt chủng trên toàn cầu. 10 loài được đề nghị xếp vào nhóm này, gồm: Vượn cao vít (Normacus nasutus), voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus), voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus), voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri), vượn đen tuyền Tây Bắc (Nomacus concolor), chà vá chân xám (Pygathix cinerea), rùa Trung bộ (Mauremys annamensis), giải Sin-hoe (Rafetus Swinhoei), gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi) và sao la (Pseudoryx nghetinhensis).

Một số loài trong Nhóm 1 có vùng phân bố hạn chế tới mức chỉ cần một thợ săn với một khẩu súng hoặc một dịch bệnh tràn qua cũng có thể xóa sổ phân nửa số lượng ít ỏi của chúng còn lại trên quy mô toàn cầu. Điều này cũng có nghĩa cần có chương trình quản lý và giám sát rất chặt chẽ, sâu sát và các biện pháp bảo vệ liên tục không gián đoạn, thậm chí trong một số trường hợp cần tích cực hỗ trợ quá trình sinh sản của chúng. Dĩ nhiên cần tính đến những khó khăn về kỹ thuật. Với những loài như sao la hay gà lôi lam mào trắng, việc xác định vùng bảo vệ chúng không khó. Còn đối với trường hợp của giải Sin-hoe, để bảo tồn được loài này ít nhất sẽ phải để cá thể đực ở Đồng Mô phối giống với cá thể cái còn lại hiện đang được chăm sóc tại Vườn thú Tô Châu của Trung Quốc.

Tất cả những loài trên đều nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật cũng như nguồn tài trợ quốc tế. Song, cho dù nhu cầu đặt ra cực kỳ cấp thiết, các dự án vẫn còn mang tính nhỏ lẻ và không vững chắc vì một số nguyên nhân sau:

1. Trách nhiệm đối với các dự án bảo tồn loài này thường chỉ rơi vào một hoặc hai cá nhân. Vì vậy, năng lực kỹ thuật bị hạn chế trong rất nhiều lĩnh vực đòi hỏi phương thức tiếp cận bảo tồn toàn diện và hiệu quả.

2. Thay đổi về nhân sự cũng có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong năng lực chuyên môn, thay đổi về trọng tâm và mất đi tính liên tục trong nội bộ tổ chức.

3. Việc thay đổi chương trình ưu tiên của một tổ chức sẽ liên quan đến cắt giảm hoặc thậm chí chấm dứt các khoản tài trợ. Chẳng hạn như đối với trường hợp của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), khi họ điều chỉnh ưu tiên bảo tồn và vùng địa lý, điều này được nhìn nhận là yếu tố dẫn đến việc cắt giảm hỗ trợ của WWF đối với quần thể tê giác Java cuối cùng trong lục địa, kết cục là sự biến mất của chúng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên của Việt Nam vào năm 2010. Và tiếp tục, kết cục đó có thể dẫn đến một hệ lụy khác là xem xét lại ưu tiên đầu tư của các nhà tài trợ về BĐKH, REDD, PES…

4. Thiếu hụt về nguồn tài trợ có thể làm hỏng các nỗ lực đầu tư hàng năm trời chỉ trong một thời gian ngắn. Chỉ vì thiếu nguồn hỗ trợ cho nhóm tuần rừng ở Mường La, quần thể vượn đen Tây Bắc đã giảm đáng kể do bị cắt nguồn tài trợ giai đoạn 2007 – 2010.

Để khắc phục những thất bại trong các dự án bảo vệ động vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng trước đây (do cả các tổ chức phi chính phủ (NGO) lẫn cơ quan nhà nước quản lý), một nhóm NGO đang tiến tới thiết lập một liên minh với trọng trách bảo tồn lâu dài các loài đặc hữu của Việt Nam. Nhóm này cần duy trì tính độc lập phi chính trị, không bị chi phối bởi bất kỳ bộ, ngành nào và phải thu hút được một tập hợp đa dạng các thành viên, tổ chức, các luồng ý kiến khác nhau. Nhóm cần có khả năng cung cấp các hỗ trợ về kỹ thuật hoặc thông tin khi cần thiết.

Đối với các loài thuộc Nhóm 2, vì chúng có phân bố rộng và gắn với giá trị kinh tế cao nên công tác bảo vệ có những khó khăn riêng. Vấn đề mấu chốt là phải gắn công tác bảo vệ loài với việc bảo vệ sinh cảnh của chúng, cả trong và ngoài khu bảo tồn. Công tác quản lý khu bảo tồn của Việt Nam bị hạn chế do thiếu một cơ quan điều phối chung, có đủ thẩm quyền và năng lực để hỗ trợ và can thiệp ngay khi cần thiết.

Đáng nói, có đến 158 trong tổng số 164 khu bảo tồn (theo quy hoạch) của Việt Nam đều đặt dưới sự quản lý của các tỉnh. Việt Nam không có một hệ thống khu bảo tồn quốc gia mà thay vào đó hình thành một hệ thống phân tán, rải rác các khu bảo tồn được phân cấp mạnh mẽ. Khó khăn sẽ tiếp tục nếu không có những nỗ lực thúc đẩy thực thi và trách nhiệm. Hiện nay, người ta bàn thảo nhiều về các mô hình tiêu biểu liên quan đến xác định ranh giới khu bảo tồn hay chia sẻ lợi ích, song có một vấn đề cực kỳ quan trọng đã bị quên lãng, đó là việc các khu bảo tồn đang không được quản lý vì mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.

Cái khó để kêu gọi thúc đẩy quản lý đối với các khu bảo tồn ở chỗ, trong vùng lõi khu bảo tồn ngày nay không còn mấy động vật hoang dã để có thể thuyết phục Chính phủ cần quan tâm hơn. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến Chính phủ từ chối việc di chuyển một bản ra khỏi vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên. Quả đúng là một vòng luẩn quẩn không lối thoát: bảo tồn yếu kém dẫn tới suy giảm các loài hoang dã, từ đó làm giảm bớt cam kết từ chính quyền và sau cùng càng làm cho công tác bảo tồn trở nên yếu kém hơn.

Bên cạnh đó cũng cần tính đến một thực tế là Việt Nam đang có một số lượng lớn động vật hoang dã được nuôi nhốt trong các sở thú, trang trại thương mại và các trung tâm nhân giống bảo tồn. Liệu số động vật nuôi nhốt này có góp phần khôi phục lại nguồn tài nguyên đang vắng bóng trong các khu rừng hay không, điều đó còn phụ thuộc vào việc liệu hoạt động này sẽ được cải cách ra sao. Một số vườn thú và trang trại có dính líu đến hoạt động mua bán trái phép hay trục lợi bất chính từ động vật hoang dã. Một số trung tâm nhân giống bảo tồn thì đang chăm sóc một số lượng động vật hoang dã theo chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức công chúng và là nơi trú ẩn an toàn cho các loài đang bị đe dọa, mặc dù vậy, không một đơn vị nào có thể chứng minh mối liên hệ rõ ràng giữa công việc của họ với khả năng sống sót của một loài đang bị đe dọa trên toàn cầu. Việc cố gắng tìm ra mối liên hệ đó rất có thể dẫn tới một hệ quả khác là sẽ phải cấm tuyệt đối các trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã thương mại, lập danh sách những loài nào đáp ứng được yêu cầu về bảo tồn chuyển vị và được phép nhân giống, hay phải đảm bảo rằng các trung tâm nhân giống sẽ đóng góp trực tiếp cho công tác bảo tồn động vật hoang dã ngoài tự nhiên.

Về điểm này, có lẽ nên xem xét việc tái thả động vật hoang dã về môi trường sống của chúng. Chẳng hạn như với 100 cá thể đang được nuôi nhốt trong các trang trại hiện nay, nếu như điều kiện nuôi nhốt chúng đáp ứng được yêu cầu theo quy định của pháp luật, có thể tính đến phương án thả chúng trở lại các khu bảo tồn, như vùng rừng khộp giáp Campuchia, với hàng rào bảo vệ hỗ trợ. Một số tổ chức khẳng định rằng hổ nuôi nhốt không đủ điều kiện để thả về tự nhiên. Song, trên thực tế, người ta đã thực hiện điều này đối với phân loài hổ Nam Hoa ở châu Phi, và điều này hoàn toàn là có thể đối với Việt Nam. Nếu hổ và con mồi của chúng được bảo vệ nghiêm ngặt, người ta có thể mở ra dịch vụ tham quan cho du khách. Về dài hạn, lợi ích kinh tế sẽ từ nguồn khai thác du lịch thay vì buôn bán động vật hoang dã. Đồng thời, ngành dịch vụ này cũng sẽ góp phần thúc đẩy Chính phủ đẩy mạnh thực thi pháp luật.

Một nghiên cứu về bảo tồn chuyển vị gần đây đã kết luận: Khoảng cách phân biệt bảo tồn chuyển vị hay bảo tồn nguyên vị sẽ thu nhỏ lại nếu được thực hiện lồng ghép. Hơn thế, việc thiên nhiên bị tàn phá một cách tàn bạo sẽ khiến người ta xóa bỏ suy nghĩ phân biệt rạch ròi hai phương thức bảo tồn này, hoặc chăng suy nghĩ ấy sẽ trở nên lạc hậu.

Việc tái thả động vật hoang dã, nhất là các loài ăn thịt, cần phải được tiến hành trong những điều kiện chặt chẽ nhất và dưới sự giám sát quốc tế. Những điều kiện ấy liệu có được đáp ứng đầy đủ hay không hiện vẫn là một dấu hỏi lớn. Song, có một điều chắc chắn là một chiến lược như vậy sẽ mở ra triển vọng bảo tồn được phần nào tài nguyên hoang dã bị suy giảm do nạn săn bắn và mất môi trường sống.

Bất chấp thách thức phía trước, những người làm bảo tồn và quan tâm đến thiên nhiên ở Việt Nam vẫn có cơ sở để lạc quan. Nó cũng tương tự như khi những tập đoàn nhà nước sụp đổ, người ta phải nghĩ đến một chiến lược tăng trưởng mới không còn lệ thuộc vào “bao cấp”, hay khi phải đối đầu với thị trường xuất khẩu với đầy rẫy những tiêu chuẩn, quy định, các nhà sản xuất sẽ phải tạo ra những sản phẩm tôm, cá và hàng hóa thân thiện hơn với môi trường… Theo thời gian, những xu hướng này có lẽ sẽ giúp giảm sức ép lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, cũng cần ghi nhận một triển vọng đang mở ra, đó là sự đóng góp ngày càng nhiều của các tổ chức ngoài nhà nước. Họ có thế mạnh về sự nhiệt tình cống hiến, hoạt động vì lợi ích cộng đồng, không vì lợi nhuận. Tiếng nói của họ có thể sẽ là những góp ý tốt để hoàn thiện chính sách và thúc đẩy việc thực thi pháp luật về bảo tồn.

Việt Nam hiện đang trải qua cuộc cải cách kinh tế lần thứ hai sau công cuộc đổi mới giữa những năm 80 của thế kỷ trước. Trong tương lai, việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng sản xuất các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, thay thế xu hướng sản xuất gây suy giảm nhanh chóng đa dạng sinh học tồn tại suốt 2 thập niên qua, được mong đợi có thể giúp Việt Nam tạo dựng hình ảnh “xanh” trong mắt bạn bè quốc tế. Trong đó, Chiến lược Đa dạng Sinh học Quốc gia và Kế hoạch Hành động (NBSAP) tầm nhìn đến năm 2020 dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm nay sẽ là đòn bẩy thúc đẩy những khuynh hướng kinh tế, chính trị hiện đang tồn tại nhằm đề xuất ra những mục tiêu và phương pháp hành động mới.

Từ những phân tích nêu trên, tác giả Jake Brunner khuyến nghị rằng chiến lược bảo tồn các loài động, thực vật bị đe dọa toàn cầu đang cư trú tại Việt Nam nên cân nhắc một số đề xuất sau:

Đối với các loài thuộc Nhóm 1:

  1. Thiết lập một liên minh các tổ chức phi chính phủ và tổ chức chuyên môn để chắc chắn các loài thuộc nhóm này nhận được sự quản lý và bảo tồn liên tục trong 10 năm tới.
  2. Huy động hỗ trợ về chính sách và tài chính từ phía Chính phủ cho liên minh, bao gồm việc ban hành luật pháp cho phép các cơ quan Việt Nam hủy bỏ các hợp đồng thuê bảo tồn dài hạn (như đang làm với rùa nước ngọt).
  3. Thúc đẩy sự phê duyệt, đồng tình từ phía Chính phủ đối với hoạt động có sự phối hợp quản lý quốc tế nhằm đưa giải Sin-hoe ở Đồng Mô về nhân giống tại Vườn thú Tô Châu.
  4. Tập trung hỗ trợ cao độ từ Chính phủ, bao gồm cả vấn đề hợp tác xuyên biên giới, để nhận diện, xác định số lượng quần thể sao la và gà lôi lam mào trắng còn sót lại, đồng thời áp đặt các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt nếu tìm thấy các loài này.

Đối với các loài thuộc Nhóm 2:

  1. Lập ra một cơ quan chuyên trách có đầy đủ thẩm quyền, năng lực và quyền lợi để giám sát hoạt động quản lý tất cả các khu bảo tồn ở Việt Nam cũng như giúp củng cố chính sách và kiểm soát tài chính trong các khu bảo tồn.
  2. Thực hiện giám sát chặt chẽ hệ thống trang trại động vật hoang dã hiện có tại Việt Nam và kiên quyết đóng cửa bất cứ trường hợp nào không hoạt động đúng chức năng hoặc có nguy cơ đe dọa sự sống của các loài hoang dã.
  3. Kêu gọi Chính phủ tham gia vào nghiên cứu đánh giá tính khả thi của hoạt động tái thả các loài hổ đã nhân giống theo hình thức nuôi nhốt về những nơi cư trú tự nhiên được bảo vệ hiệu quả.
  4. Tạo điều kiện cho Chính phủ phối hợp với quốc tế trong các nỗ lực nhằm xóa bỏ nạn săn trộm tê giác, rùa biển cùng nhiều loài bị đe dọa khác vốn đang diễn ra rầm rộ trên quy mô toàn cầu.

Theo UICN (2018)

Tags: ,