Bàn về vòng lặp thời gian của chiếc thang bảy bậc

Trong cuốn “Những tuần đã qua: Lược sử nhịp điệu thời gian”, tác giả David Henkin tin rằng chính con người, bằng đức tin và tín ngưỡng, đã sáng tạo ra khái niệm tuần. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến bất cứ ai cũng phải thay đổi thói quen, rồi nhốt mình trong căn phòng kín, chúng ta mới thấu hiểu một tuần, hay “chiếc thang bảy bậc” quan trọng đến nhường nào.

Bàn về vòng lặp thời gian của chiếc thang bảy bậc

Chiếc thang bảy bậc

Chúng ta tạo ra tuần, đưa con số 7 trở thành một vòng lặp thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Tựa mỏ neo giữ chiếc thuyền ngoài khơi, khái niệm này được coi như hiện tượng lịch sử trong chu trình tiến hóa. Tuần khác với ngày, tháng hay năm – bộ ba quen thuộc là cơ sở để chúng ta theo dấu, ước đoán hay thậm chí mô phỏng lại một số quy trình tự nhiên. Suốt nhiều thập kỷ, chúng ta hoài nghi về số 7, rằng một đơn vị thời gian nhân tạo chỉ phục vụ mục đích duy nhất là vạch ranh giới rõ rệt giữa công việc và nghỉ ngơi, giữa linh thiêng thần thánh và thế tục, bụi trần.

Tỉ lệ 5/2 ra đời, là sự phân chia ngày đi làm, tách biệt với ngày cuối tuần. Rất lý thú, chúng ta tranh luận liệu có nên để 4/3 hay không, trong những vòng xoáy điên cuồng công việc đến mức não quá tải, tay chân mỏi mệt, còn đôi mắt nặng trĩu vì deadline. Nhưng David Henkin chẳng tin vào bất cứ tỉ lệ nào, vì suy cho cùng, tổng của các số hạng đều kết thúc bằng số 7. Việc phân chia tùy thuộc vào ý niệm cá nhân, tính chất công việc hay cảm xúc bất chợt, sau cuối đều đem lại ít nhiều hiệu ứng, cả lành lẫn xấu.

Có rất ít bằng chứng về thời điểm chính xác loài người biết đến khái niệm tuần. Những tài liệu học giả Ilaria Bultrighini và Sacha Stern thu thập được hé lộ chính đế chế La Mã cổ đại đã phát triển một hệ lịch chia theo tuần, bằng cách kết hợp hệ đếm ngày Sabbath cùng chu kỳ chuyển động của các hành tinh. Lịch tuần ra đời, cho phép chúng ta có những cách đếm thời gian “ngẫu hứng”, đậm chất cá nhân. Xã hội Mỹ chứng kiến những thú vị trong sự giao thoa lịch tuần đến từ những cư dân châu Âu và châu Phi, trải qua các làn sóng nhập cư nhiều thế kỷ trước.

Vào thế kỷ 19, khi tiền công lao động tăng lên, ở Mỹ hay nhiều nước châu Âu, “đêm thứ 7” không đơn thuần chỉ là điểm cuối của chuỗi ngày lao động. Theo David Henkin, sự ra đời của công đoàn liên hệ với chính sách Hai ngày cuối tuần, nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động, cũng như bắt đầu phân chia lại thời gian lao động theo tuần. Từ chủ nhật cô đơn, giờ đính kèm thêm thứ 7, đem lại làn gió mới so với trước kia khi cuối tuần đồng nghĩa với chủ nhật. Thứ 7 bỗng dưng trở thành một Mini-holiday (kì nghỉ ngắn), tất cả nhân viên, giáo viên, học sinh hay công nhân có thể tạm “đình công” hoặc làm ít giờ hơn so với ngày trong tuần để hưởng thụ cuộc sống.

Theo thời gian, chúng ta bắt đầu ứng dụng lịch tuần ở bất cứ nơi đâu nếu có thể, từ công sở cho đến trường học, thậm chí ngay tại nhà. Học sinh chạy theo guồng chuẩn mực, thi cử, học phụ đạo hay các kỳ nghỉ thường diễn ra vào trong tuần, còn hoạt động gia đình của giới trung lưu được phân chia lại tỉ mỉ theo lịch cố định bảy ngày, kiểu giặt là thứ 2 thứ 3, thì nướng bánh làm tiệc vào thứ 4. David Henkin miêu tả đây giống như một vòng lặp vừa đủ để con người làm mới não bộ sau chu kỳ đầu.

“Chiếc thang bảy bậc” thống trị lĩnh vực giải trí, và văn hóa thế giới. Nửa đầu thế kỷ 19, người dân tràn tới rạp chiếu phim, tham gia các tổ chức cải cách, đến nghe tọa đàm về vấn đề xã hội nhức nhối và đăng ký nhận báo tại nhà theo tuần. Điều đáng ngạc nhiên ở chỗ, nhiều người bắt đầu thói quen lui tới ngân hàng, nhận thư tín trong một số ngày nhất định theo từng tuần, thay vì hàng tháng như trước đây. Các hoạt động này đều đòi hỏi chúng ta phải lên trước một lịch trình cố định trong nhịp điệu bảy ngày, lý tưởng là năm ngày trong tuần vì cuối tuần thường là thời điểm nghỉ ngơi, tiệc tùng. Điều này tương tự các cuộc họp, hoạt động in ấn hay vận chuyển thư tín, khiến lịch tuần trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống.

Nhịp điệu của cuộc sống

Trên chiếc bảng trắng, cậu sinh viên Ryan Coisson chia một tuần làm hai phần. Quãng thời gian từ thứ 2 đến thứ 6 bao gồm “ngày công việc”, với deadline dày đặc trong một vòng tròn đồng hồ phải hoàn thiện. Còn thứ 7, lấy cảm hứng từ ngày Sabbath trong Do Thái giáo, sẽ là thời điểm vòng tròn ấy không một con chữ, để nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng. Riêng chủ nhật, kết thúc dãy bảy ngày, mở ra thời điểm vàng để giao lưu, kết nối xã hội, chăm lo gia đình nên vòng tròn đồng hồ hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại biểu tượng mặt cười kèm dòng chữ “tự do”.

Nghĩ về giai điệu cuộc sống, David Henkin ví von rằng mỗi ngày như một nốt nhạc trên thang âm Đô-Rê-Mi-Pha-Son-La-Si, đủ cung bậc thăng trầm, chứa đựng vô vàn cảm xúc của đời người. Còn người La Mã cổ đại lại không lãng mạn như thế, họ gắn mỗi ngày với một thiên thể, như thứ 2 là ngày mặt trăng còn thứ 4 là sao thủy, để tạo nên thứ ngôn ngữ đi sâu vào tiềm thức, đong đếm thời gian đến tận ngày nay. Với giới thương nhân, toan tính bảy ngày vừa đủ để buôn bán, tiêu thụ sản phẩm, cho phép họ lên những kế hoạch lâu dài với sai số thấp nhất.

Nhiều nghiên cứu tin rằng, số 7 và khái niệm tuần phản ánh tính chất sôi động của cuộc sống đô thị. Ở nhiều xã hội, dòng người nhập cư chung sống với dân bản địa tại các thành phố lớn đòi hỏi phải có một hệ thống phân chia thời gian phù hợp, làm quy chuẩn cho toàn xã hội. Thời gian biểu theo tuần biến chúng ta, từ kẻ ưa tự do ngoài khuôn khổ, trở nên kỷ luật, giúp tiên đoán việc phải làm tiếp theo dựa trên lịch trình sẵn có. Điều Ryan Coisson thích nhất ở số 7 chính là sự chuyên nghiệp trong quá trình làm việc – một nếp sống khoa học giúp giải quyết công việc trơn tru, với các phương án dự phòng hợp lý, giảm thiểu rủi ro.

Trong não bộ là một cỗ máy thời gian, Dean Buonomano miêu tả những thế giới lý tưởng và phản địa đàng (xã hội phát triển theo hướng tiêu cực hoặc đáng sợ) mà không tồn tại vòng lặp bảy ngày, hoặc tham vọng muốn thay đổi lịch tuần. Giới thương nhân Mỹ thế kỷ 19 từng đề xuất Cải cách bảy ngày, xóa bỏ những hạn chế của việc ghi sổ vì cần sự linh hoạt thay vì cố định, hay nhiều nhà kinh tế Liên Xô (cũ) phản đối tỉ lệ 5/2, cho rằng thời gian làm việc quá ngắn để muốn kéo dài. Nhưng tất cả đều gặp phải ít nhiều phản kháng, cuối cùng thất bại.

Nhìn theo góc độ xã hội, tuần mang theo nhu cầu cuộc sống, những ràng buộc có mục đích rõ ràng phải hoàn thiện. David Henkin tin vào lý thuyết: lịch tuần mở ra cơ sở phát triển nhận thức về mối quan hệ giữa người với người, giữa thói quen của hôm nay với hôm qua, đồng thời nhấn mạnh sự đa dạng và tính ngẫu nhiên trong hoạt động sống. Bảy ngày không thể như nhau, bảy ngày là bảy gam màu độc đáo do chính quyết định của chúng ta vẽ nên.

Thời nay, nhiều học giả tin vào “cái chết” của khái niệm tuần, nghi ngờ lịch tuần chỉ xuất hiện khi chúng ta ý thức rõ ràng về các hoạt động trong ngày. Như quãng thời gian “đóng băng” vì COVID-19, cả thế giới rơi vào trạng thái lửng lơ Blursday – lúc thời gian suy yếu đi trong mỗi chúng ta, khi nhiều ngày trời cứ như quyện dính lấy nhau. Ta không còn biết hôm nay là thứ mấy, việc nhà và việc công ty làm tại nhà dường như “tiệm cận nhau” đến độ không phân biệt nổi. Ranh giới giữa ngày làm việc, từ thứ 2 đến thứ 6, và ngày nghỉ ngơi, cặp đôi cuối tuần thứ 7 và chủ nhật, dần bị xóa mờ.

Nằm trên giường, Ryan Coisson vắt tay lên trán, nghĩ xem hôm nay là thứ mấy, và đã bao lâu anh phải làm việc tại nhà. Mất phương hướng thời gian làm chúng ta nhận ra khái niệm tuần mong manh đến nhường nào, rồi tư duy về nhịp điệu bảy ngày “chập chờn” giống bóng đèn sắp tắt. Chẳng còn thứ 7 hay chủ nhật, mọi ngày đều giống nhau. Dân mạng thậm chí còn chế tên các ngày trong tuần, đổi lần lượt thành “ngày này, ngày kia, ngày khác, ngày nào đó, ngày hôm qua, ngày hôm nay, và ngày mai”.

Tuy vậy, số 7 nhìn chung vẫn luôn được yêu thích nhờ vào tính chất độc đáo, khác lạ, tượng trưng cho vũ trụ kết nối giữa trời (số 3) và đất (số 4). 7 xuất hiện xuyên suốt trong lịch sử loài người, đặc biệt với Cơ Đốc giáo thì Đức Chúa trời hiện thân ở ngày thứ 7 trong chuỗi bảy ngày tạo dựng của Đức Chúa trời. Thế nên, chúng ta, dù ở thời đại nào, vẫn nhất quyết gắn cuộc sống với bảy ngày, lên danh sách những việc cần làm theo năm ngày trước khi được tạm nghỉ ngơi vào hai ngày cuối tuần và lặp lại vòng tròn đồng hồ ấy cho tuần tiếp theo…

Theo LÊ NAM / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , ,