Bàn về triết học và thiên nhiên

Nhà triết học nhất định không tránh né những câu hỏi thật lớn, không trả lời được, hoặc có câu trả lời phụ thuộc góc nhìn của người trả lời. Hôm nay tôi sẽ đặt những câu hỏi kiểu này, có liên quan đến môi trường, nói đúng hơn là thiên nhiên.

Bài viết của tác giả Cameron Shingleton, Tiến sĩ triết học người Australia đang sống ở Việt Nam. Nguyên tác tiếng Việt.  

Thiên nhiên là gì? Vai trò của loài người đối với thiên nhiên là gì? Vai trò của thiên nhiên với nội quan con người là gì? Và trên hết – thiên nhiên có ý nghĩa rộng lớn thế nào trong cuộc đời con người?

Môi trường thiên nhiên, cái thuộc “ngoại giới”, có ý nghĩa đặc biệt, đấy là điều mà con người ngày càng ý thức. Nó là lý do nhiều người ngày càng muốn thoát khỏi môi trường quen thuộc ở thành thị, để được đối diện và đắm mình vào tự nhiên bao la, vắng vẻ, ở “giữa nơi hoang dại”, như tựa đề một bộ phim Mỹ (Into the Wild, phim năm 2007 của đạo diễn Sean Penn).

Vấn đề ở chỗ, trở về từ đỉnh núi hay miền rừng, ta lại tiếp tục mua và tiêu thụ đủ thứ, từ đồ lặt vặt và mỗi ngày ba bữa cơm tới nhà cửa, xe cộ, xăng dầu – hàng loạt sản phẩm và dịch vụ mà khi sản xuất chúng để hàng trăm triệu người cũng mua và xài như ta, dẫn đến việc phá hủy môi trường. Những quang cảnh hoang vu ta tưởng là hùng vĩ khi đi du lịch chính là di sản tự nhiên bị tận diệt để ta có thể sống sót và tiêu thụ tiếp khi về nhà.

Giải quyết mâu thuẫn như thế nào? Đề xuất thực tế không hề thiếu, và nhiều đề xuất đã được khoa học tự nhiên chứng minh là đúng. Triết học thiên nhiên nỗ lực để góp phần bằng cách mở rộng vấn đề, suy nghĩ lại những khái niệm trừu tượng, cùng với thái độ thực tế, mà hình như tạo ra vấn đề ngay từ đầu.

Và (tất nhiên rồi) bằng cách… đặt lại một số câu lớn và khó xử.

Để tôi thêm vài ba câu hỏi vào danh sách.

Phải chăng thiên nhiên là một thứ gì thấp kém hơn cần bị con người “chinh phục” và “làm chủ” để thỏa mãn nhu cầu của con người? (Nhiều khi có vẻ đúng vậy, đặc biệt là từ khi con người có thể bay từ đầu này đến đầu kia địa cầu trong vòng một ngày, có thể nắn dòng những con sông, hay thậm chí là can thiệp vào gen di truyền tùy ý).

Hay phải chăng thiên nhiên là đấng toàn năng mà con người chỉ là một phần nhỏ của nó, là một mạng lưới kết nối chằng chịt mà con người phụ thuộc một cách sâu sắc? (Cũng có lúc tưởng như thế, khi ta nhìn Trái đất từ góc nhìn vũ trụ, hay đơn giản hơn, chứng kiến con người bất lực trước một cơn bão).

Hay thiên nhiên chỉ là “nguồn lực” của chúng ta, như kinh tế học vẫn tâm niệm, một kiểu kho tài nguyên mênh mông mà ta có quyền sử dụng, khai thác thoải mái? Góc nhìn thực dụng này hình như đang dẫn đến một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ. Ta có cần đổi ý không, có nên bắt đầu xem thiên nhiên là một kiểu tài nguyên khác, có hạn mà ta phải quản lý chu đáo hơn, chừng mực hơn, để có lợi dài hạn hơn?

Việc không mấy người có đủ quyết tâm đổi ý thật rõ ràng, có thể nói là rõ ràng đến đau khổ. Giới khoa học cung cấp cho loài người những công cụ để làm chủ của thiên nhiên, nhưng đồng thời, từ 30-40 năm trước, các nhà khoa học cũng đã trao cho chúng ta đủ thông tin về hậu quả của cách chúng ta nhìn nhận và đối xử với thiên nhiên.

Nói chung, chúng ta đang đối mặt một cuộc tuyệt chủng hàng loạt đủ loài động thực vật với mức độ khí thải carbon hiện tại, đến mức chỉ trong khoảng vài thế hệ nữa, những điều kiện về mặt khí hậu để nền văn minh toàn cầu tồn tại sẽ biến mất.

Nói riêng về Việt Nam thì khi Trái đất nóng lên 3 độ, một phần đáng kể miền Tây sẽ chìm dưới mặt nước, chưa kể chuyện miền Trung, miền Bắc phải hứng chịu bão và lũ lụt mạnh hơn, thường xuyên hơn gấp mấy lần.

*

Dưới đây là ba khái niệm, đúng hơn là ba luồng suy nghĩ, liên quan đến thiên nhiên có thể giúp ta có định hướng về một số vấn đề nghiêm trọng nhất.

Cách thứ nhất để định nghĩa lại, cũng như mở rộng, khái niệm “thiên nhiên” là phải nhận ra rằng thiên nhiên là một phần của ta, chứ không chỉ ta là một phần của thiên nhiên. Như nhà triết học Đức Gernot Böhme lý giải, “thiên nhiên là bản thân ta”: những điều ta không lựa chọn được, vì tự nhiên đã quyết định những điều đó đóng một vai trò rất quan trọng trong đời ta.

Cái “thiên nhiên là bản thân ta” này bao gồm những gì? Trước hết là cơ thể và thể chất của từng cá nhân: bạn là nam hay nữ, cao hay thấp, khỏe mạnh hay ốm yếu, sinh ra với một số bệnh bẩm sinh, khả năng duy trì nòi giống…

Thứ đến, “thiên nhiên là bản thân ta” còn ở tầm mức sâu xa hơn, thể hiện qua tính khí, bản năng nói chung, bản năng tình dục nói riêng, rồi tiềm thức, vô thức… – những điều mà từ thế kỷ 20 ta biết là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ di truyền và một số chất hóa học trong cơ thể.

Trong suốt chiều dài lịch sử, ta cứ coi cái “thiên nhiên là bản thân ta” như số phận, phải vừa chấp nhận vừa đấu tranh với nó, cả về mặt trí tuệ và tình cảm. Thậm chí có thể nói ý thức về bản thân chính là nguồn sức mạnh lớn nhất của ta, bắt đầu trước hết từ việc ta phải đương đầu với cơ thể mình; cái gọi là tính cách xuất phát trong quá trình “sống chung” với cơ thể đó, với bản năng và tính khí đó, từ nỗ lực kiềm chế chúng hay làm chủ chúng.

Nói như thế này thì nhận ra ngay trong thế kỷ vừa rồi đã có một sự thay đổi cực kỳ lớn trong cách suy nghĩ về thiên nhiên. Cái “thiên nhiên là bản thân ta” mà hàng ngàn năm ta cứ mặc nhiên thừa nhận ngày nay nằm trong tầm kiểm soát của ta nhiều hơn nhờ một số phát kiến khoa học – kỹ thuật.

*

Một cách nhìn về thiên nhiên ta phải nhận thức và suy nghĩ lại nữa, trước tiên ở phương Tây và ở khắp thế giới nữa, là qua khoa học tự nhiên và qua bức tranh trừu tượng làm nền tảng cho nó.

Trên bức tranh trừu tượng này có hai thực thể ban sơ: tâm trí và vật thể (bao gồm cả cơ thể con người). Tâm trí là năng lực tư duy, còn vật thể có đặc điểm là có ba chiều và một vị trí trong không gian.

Nhà triết học Descartes, người vì tạo ra bức tranh này mà vẫn được coi là một ông tổ của khoa học tự nhiên hiện đại, thường gán cho nó một sắc thái tôn giáo: con người là loài rất đặc biệt vì tâm trí nó là tâm hồn, một đặc trưng mà những động vật khác, và nhất định là thế giới tự nhiên còn lại, hoàn toàn thiếu.

Có hai điều cần lưu ý về nhân sinh quan Descartes. Một là bức tranh này có ảnh hưởng rất lớn, bởi nó được vẽ ra dựa trên một lý thuyết và phương pháp khoa học. Việc tách con người ra từ ngoại giới, sau đó coi ngoại giới là một cỗ máy khổng lồ (không tâm trí, không mục đích cuối cùng, có thể chia ra và phân tích bài bản) đã giúp giới khoa học manh nha hiểu tự nhiên rõ hơn, và từ đó tạo ra những công cụ giúp con người làm chủ cả thế giới.

Nhưng từ góc nhìn hiện tại, bức tranh này có khía cạnh rất đáng ngờ. Nó dành cho con người một vị trí vinh dự vì coi con người là tổng hợp duy nhất của cả tâm trí lẫn vật thể, còn giới tự nhiên, cả động thực vật và môi trường, là đồ vô tri vô giác, thành thử ta có quyền tự do khai thác. Có thể nói con người bị ám ảnh bởi những hậu quả của cách nhìn này đến tận bây giờ.

Mặc dù trong khoa học tự nhiên, bức tranh của Descartes  cũng đã được vượt qua, trong một ý nghĩa nào đó, triết lý của nó vẫn được thực hiện một cách triệt để. Từ thời cách mạng công nghiệp, xã hội loài người có xu hướng coi thiên nhiên chỉ như nguồn nguyên liệu để đưa vào hệ thống sản xuất.

Nền kinh tế con người gần như được quy định là đối xử với thiên nhiên như đối tượng của một quá trình tính toán và kiểm soát bằng kỹ thuật. Thiên nhiên không là gì khác ngoài một phương tiện dẫn đến những mục đích của loài người, không có gì về bản thân là tốt, đáng tôn trọng.

Cứ tư duy như thế, nghịch lý trong bức tranh về tự nhiên thật rõ ràng: phát triển kinh tế và trách nhiệm môi trường trở thành hai giá trị không hòa hợp với nhau được. Như giới kinh tế học thường nhắc nhở chúng ta, khoa học và kỹ thuật đã giúp đưa hàng trăm triệu người thoát cảnh nghèo đói chỉ trong vòng vài thập niên vừa qua.

Tuy nhiên, nhiều người đã lựa chọn quên mất rằng chúng ta đang phụ thuộc vào thiên nhiên một cách triệt để, cũng như muốn che giấu hình ảnh của thiên nhiên “mang tính người” hơn: điều mà ta cần đồng cảm, bởi ta nhận ra rằng bản thân tự nhiên có một giá trị to lớn, ngay cả nếu nó không phục vụ gì cho mục đích của con người.

Bức tranh triết học làm đảo lộn nhân sinh quan vừa mới nói: Góc nhìn thiên nhiên như một toàn thể (bao gồm cả loài người), liên kết chặt chẽ với nhau, không chỉ tồn tại trong không gian và nhất định không phải “vô tri vô giác”, mà trong một ý nghĩa nào đó, có một tâm trí riêng, là góc nhìn hợp lý hơn. Trong hình ảnh vũ trụ của nhà triết học Spinoza, thiên nhiên vừa năng động vừa sáng tạo một cách khác hẳn con người.

Ai từng xem phim tài liệu về thiên nhiên (những tác phẩm của David Attenborough có thể coi là tinh hoa) hẳn không khỏi có lúc ngộ ra: cái phong phú độc nhất vô nhị ở thế giới tự nhiên, nhất là cách động thực vật thích nghi với môi trường và tiến hóa theo thời gian, có thể định nghĩa không gì khác là năng lực tư duy, thậm chí là tư duy cực kỳ sáng tạo.

Ngay cả khoa học tự nhiên, từng có nền tảng là cách hiểu thiên nhiên như máy móc, cũng đã chấp nhận bức tranh và tầm nhìn mới này. Đấy là cách nhìn thiên nhiên cũng có thể áp dụng với loài người: Ta không phải một dạng sống có thể tách rời thiên nhiên; tương tự, ta không thể tách phần thiên nhiên ra khỏi bản thân mình, tất cả phụ thuộc lẫn nhau, tạo thành một chỉnh thể.

Nói cách khác (cách mà giới khoa học tự nhiên thường ngại ngùng không nói): Ta chỉ là một phần nhỏ, mong manh, có thể mắc sai lầm của thiên nhiên, là một dạng sống có khả năng trật đường ray, không đạt mục đích, nếu ta cứ coi thiên nhiên như phương tiện, và coi bản thân cùng mục tiêu trước mắt của mình là tất cả những gì có ý nghĩa.

Sự lầm lạc đó dẫn ta đến một chủ đề u ám: sự chấm dứt của thiên nhiên. Theo tôi thì có hai câu hỏi chính ở đây: Môi trường tự nhiên trên hành tinh này đã nuôi dưỡng cuộc sống của loài người hàng ngàn năm, dù ta có công nhận điều đó hay không; vậy thì ta có thực sự muốn khiến cho tự nhiên mà ta đang sống không còn tồn tại nữa?

Thứ hai là ta sẵn sàng đi xa đến đâu trên hành trình thay đổi, điều chỉnh và cải thiện – và trong một ý nghĩa nào đó thậm chí tạm biệt – cái “thiên nhiên trong bản thân ta”?

Ta đã phát hiện ra từ tứ phía rằng ta là một phần của tự nhiên, và trong ta có một phần (rất lớn) thuộc về tự nhiên. Khoa học hiện đại đã chứng minh những điều này. Ta cũng có thể nhận thức những điều đó khi ta đứng giữa thiên nhiên, trải nghiệm sự bao la và hùng vĩ của nó, cùng sự thờ ơ hoàn toàn của nó với ta.

Nhưng mấu chốt ở đây vẫn là: những gì chúng ta làm, cách xã hội chúng ta hoạt động, vẫn đang đi ngược những điều chúng ta đã tìm hiểu được, vừa bằng khoa học vừa bằng trực giác.

Vậy ta phải làm sao?

Từ góc nhìn triết học, nhiệm vụ dường như có hai phần đầy khó khăn, để không dẫn đến tình trạng diệt vong trước mắt.

Thứ nhất là chấm dứt việc “làm chủ thiên nhiên”, không còn đối diện với thiên nhiên như một thứ đối tượng tùy ta sai khiến. Chúng ta phải bắt đầu coi thế giới như một toàn thể, tự coi mình là một thành phần có liên hệ mật thiết với thiên nhiên. Khẩu hiệu “Tư duy toàn cầu, hành động địa phương” (“think globally, act locally”) đã phổ biến từ mấy thế hệ rồi.

Thực hiện nó nghĩa là suy nghĩ lại rất nhiều điều ta làm hằng ngày từ góc nhìn môi trường cả hành tinh. Cụ thể ra, điều này có nghĩa là kim chỉ nam cho cuộc sống chỉ có một: làm điều có ích cho môi trường, nhưng nếu ở Úc, đó là sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng, thì ở Việt Nam, đó có thể là phân loại rác tại nguồn.

Quan trọng không kém, điều ta thật sự cần làm chủ là cái phần “thiên nhiên trong bản thân ta”, tức bắt đầu giới hạn lại một số bản năng “tự nhiên” (và cả xã hội) của con người, chẳng hạn như ham của vô bổ, ham vui ở việc tiêu thụ vô hạn có mặt xấu là thái độ vô tâm với thiên nhiên ngoại giới… Phần này của nhiệm vụ đồng nghĩa với việc sử dụng đạo đức, hệ thống xã hội, chế độ chính trị, và cả mạng lưới cộng đồng địa phương – những điều khác hẳn thiên nhiên, nhưng tương tác với thiên nhiên – để điều chỉnh những rối loạn trong mối quan hệ giữa hai bên, con người và tự nhiên.

Cuối cùng là vấn đề khoa học – công nghệ. Điều trớ trêu là công nghệ – kỹ thuật ngày càng phát triển, thì mức độ tàn phá thiên nhiên của con người cũng ngày càng tăng, nhưng cũng chính ở các tiến bộ công nghệ mà chúng ta gửi gắm nhiều nhất hi vọng cứu vãn được tình hình.

Cũng có thể ta cần đến cái mà bài này lấy một ví dụ nhỏ: sự quả quyết trong việc đặt câu hỏi lớn, nhìn lại toàn bộ, nghi ngờ khái niệm và cả hành động thông thường của ta. Cái tôi gọi tạm thời là triết học.

Theo TUỔI TRẺ ONLINE 

Tags: ,