Bàn về tính tương đối của tự do

Tự do là một thuộc tính đặc biệt chỉ có ở con người có ý thức. Người tự do có khả năng tự lựa chọn để làm hay không làm một việc nào đó theo ý thích của mình mà không bị ép buộc bởi người khác; người không tự do (hay người nô lệ) không có khả năng như vậy. Tự do là một giá trị cao quý, là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, tự do có tính tương đối. Con người càng nhận thức được nhiều tính tất yếu của tự nhiên, và càng ít bị sự cưỡng bức bởi người khác, thì càng có nhiều tự do. Khi còn nhà nước và pháp luật, một số người không có tự do vì bắt buộc phải thực hiện pháp luật một cách không tự nguyện. Khi nhà nước và pháp luật mất đi thì tự do của mỗi người mới là điều kiện cho tự do của tất cả mọi người. Nhưng ngay cả khi nhà nước và pháp luật mất đi, mỗi người vẫn không có tự do hoàn toàn vì vẫn phải từ bỏ tự nguyện một phần ý thích riêng để tuân theo các quy tắc đạo đức của xã hội. Con người không bao giờ có tự do tuyệt đối.

Bàn về tính tương đối của tự do

Nguồn: Khoa học xã hội Việt Nam, số 3 – 2018.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Hà, Trần Thị Bích Huệ.

1. Mở đầu

Tự do là một khái niệm quan trọng của triết học và chính trị học; khái niệm này có nội dung khoa học sâu sắc và ý nghĩa thực tiễn to lớn. Theo cách hiểu thông thường, tự do là một thuộc tính đặc biệt chỉ có ở con người có ý thức; đồ vật, con vật, người máy, người bệnh tâm thần, người mất trí, trẻ sơ sinh vì không có ý thức nên không có tự do; người tự do là người có khả năng tự lựa chọn để làm hay không làm một việc nào đó theo ý thích (ý chí, ý muốn, ý nguyện, nguyện vọng) của mình mà không bị ép buộc bởi người khác; người không tự do (hay người nô lệ) là người không có khả năng như vậy; tự do là nhu cầu tinh thần quan trọng của mỗi người4. Tự do là giá trị nhưng đó là giá trị tương đối. Điều này tuy không mới đối với những người theo quan điểm biện chứng nhưng không được chỉ ra một cách cụ thể và rõ ràng trong nhiều công trình nghiên cứu hiện có về tự do.

2. Tính tương đối của tự do trong quan hệ của con người đối với tự nhiên

Tự do của con người thể hiện trước hết trong quan hệ của con người đối với tự nhiên. Nếu tạm thời không xét đến quan hệ của con người với con người mà chỉ xét quan hệ của con người đối với tự nhiên, thì mỗi người đều có tự do vì không bị người khác ép buộc phải làm hoặc không được làm bất cứ việc gì. Trong quan hệ với tự nhiên, con người tuy được tự do lựa chọn hành động theo ý thích của mình, nhưng không phải bao giờ cũng đều có ý thích phù hợp với quy luật tự nhiên. Ý thích của con người thuộc về ý thức. Ý thích nói riêng và ý thức nói chung là thuộc tính chỉ của bộ não con người; phụ thuộc vào bộ não con người và vào điều kiện khách quan bên ngoài; có tính chủ quan; xuất hiện không hoàn toàn ngẫu nhiên.

Theo quan niệm duy tâm chủ quan, ý thích của con người không liên quan với điều kiện khách quan bên ngoài; con người có thể và cần được hành động theo ý thích chủ quan của mình dù cho ý thích đó như thế nào. Theo quan niệm siêu hình (thể hiện trong thuyết định mệnh), sự xuất hiện và mất của mọi sự vật (trong đó có con người) tại một không gian và một thời gian cụ thể là kết quả tất nhiên do một loạt nguyên nhân có từ trước; trong thế giới chỉ có cái tất nhiên, không có cái ngẫu nhiên; mọi hành động (cử chỉ, hành vi) của con người dù theo ý thích hay không theo ý thích cũng đều có nguyên nhân khách quan từ trước, đều phải diễn ra như đã diễn ra; ý thích của con người là sản phẩm tất nhiên của hoàn cảnh bên ngoài; nếu biết được mọi nguyên nhân của các sự kiện, thì người ta sẽ dự đoán được chính xác mọi sự kiện sẽ diễn ra trong tương lai; do không biết được nguyên nhân của một sự kiện nào đó, nên người ta mới cho rằng sự kiện ấy xuất hiện ngẫu nhiên. Với quan niệm này thì con người không có tự do.

Hai quan niệm về tự do như trên là cực đoan và sai lầm. Con người khác với các sự vật còn lại trong thế giới vì chỉ con người mới có ý thức. Tự do là sản phẩm của ý thức, đó là thuộc tính chỉ có ở con người. Con người có ý thích; còn con vật không có ý thích; con vật do không có ý thích nên hoạt động theo “sơ đồ lập trình” có sẵn từ trước đó của tự nhiên; con người có thể hành động theo ý thích của mình, chứ không hoạt động theo sơ đồ lập trình có sẵn từ trước đó của tự nhiên. Giả sử có một chủ thể với trí tuệ siêu nhiên thì chủ thể ấy chỉ có thể dự đoán được chính xác sự xuất hiện và mất đi trong tương lai của các sự kiện vô ý thức (các sự kiện vô ý thức diễn ra theo các quy luật cơ học, lý học, hóa học, sinh học và các quy luật khác do các khoa học tự nhiên nghiên cứu), chứ không thể dự đoán được chính xác sự xuất hiện và mất đi trong tương lai của các sự kiện có ý thức (ví dụ như sự xuất hiện và mất đi của một người cụ thể trong một không gian và thời gian cụ thể). Ý thức của con người và hành vi có ý thức của con người xuất hiện và mất đi không chỉ theo các quy luật cơ học, lý học, hóa học, sinh học, mà còn theo các quy luật của ý thức. Sự xuất hiện và mất đi của một người cụ thể trong một không gian và thời gian cụ thể có tính bất định. Đó là sự khác biệt cơ bản giữa con người có ý thức với phần còn lại của thế giới. Những người theo thuyết định mệnh do phủ nhận sự khác nhau đó nên không thừa nhận sự tự do của con người. Quan hệ của con người đối với tự nhiên khác với quan hệ của con vật với tự nhiên. Trong quan hệ với tự nhiên, con người là chủ thể có tự do; có thể tự quyết định làm hay không làm một việc gì đó theo ý thích của mình; còn con vật là chủ thể không có tự do, không thể tự quyết định làm hay không làm một việc gì đó. Con vật do chỉ nhận thức được hiện tượng bề ngoài của tự nhiên, mà không nhận thức được được tính tất yếu (quy luật khách quan, bản chất) của tự nhiên, nên không có mục đích khi hoạt động, không có khả năng cải tạo tự nhiên, không có khả năng làm chủ tự nhiên, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, nô lệ cho tự nhiên. Con người do nhận thức được cả hiện tượng bề ngoài và tính tất yếu của tự nhiên, nên có mục đích khi hoạt động, có khả năng cải tạo tự nhiên, có khả năng làm chủ tự nhiên, không phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, không bị nô lệ cho tự nhiên. Từ khi có con người, tự nhiên được phân đôi thành hai mặt đối lập, mặt thứ nhất là con người và mặt thứ hai là phần tự nhiên còn lại. Phần tự nhiên còn lại đó không thống trị được con người, trái lại bị con người thống trị. Trong quan hệ đối với tự nhiên, con người là chủ thể có tự do, còn con vật là chủ thể không có tự do. Khi phải giải quyết một vấn đề nào đó, mỗi người đều có tự do lựa chọn tùy theo ý thích của mình một trong nhiều cách giải quyết. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối hóa tính bất định của ý thích của con người, từ đó tuyệt đối hóa sự tự do của con người, thì sẽ là sai lầm. Ý thích của con người là sản phẩm của những điều kiện khách quan bên ngoài, có thể phù hợp hoặc không phù hợp với quy luật khách quan (hợp lý hoặc không hợp lý). Người nhận thức được quy luật khách quan thì có ý thích hợp lý; người không nhận thức được quy luật khách quan thì có ý thích phi lý. Những người hành động theo ý thích phi lý thì không đạt được mục đích đề ra. Những người hành động theo ý thích hợp lý thì đạt được mục đích đề ra. Ví dụ, người nhận thức được quy luật của thời tiết thì lựa chọn phương án hành động phù hợp với quy luật của thời tiết; người không nhận thức được quy luật của thời tiết thì lựa chọn phương án hành động không phù hợp với quy luật của thời tiết. Người nhận thức được tính tất yếu của tự nhiên thì có tự do. Người tự do thì hành động một cách không lúng túng, không mù quáng, không do dự; có quyết định hợp lý khi giải quyết vấn đề; làm chủ được tự nhiên; cải tạo được tự nhiên. Người không tự do thì hành động một cách lúng túng, mù quáng, do dự; có quyết định phi lý khi giải quyết vấn đề; không làm chủ được tự nhiên; không cải tạo được tự nhiên. Quan niệm như thế về tự do là quan niệm duy vật biện chứng. F. Engels đã chỉ ra nội dung cơ bản của quan điểm duy vật biện chứng về tự do khi viết: “Hê-ghen là người đầu tiên đã trình bày đúng đắn mối quan hệ giữa tự do và tất yếu. Đối với ông, tự do là nhận thức được cái tất yếu. “Cái tất yếu chỉ mù quáng chừng nào người ta chưa hiểu được nó”. Tự do không phải là ở sự độc lập tưởng tượng đối với các quy luật của tự nhiên, mà là ở sự nhận thức được những quy luật đó và ở cái khả năng – có được nhờ sự nhận thức này – buộc những quy luật đó tác động một cách có kế hoạch nhằm những mục đích nhất định. Điều đó là đúng đối với những quy luật của tự nhiên bên ngoài, cũng như đối với những quy luật chi phối tồn tại vật chất và tinh thần của bản thân con người, hai loại quy luật mà chúng ta nhiều lắm cũng chỉ có thể tách cái nọ ra khỏi cái kia trong quan niệm chứ không thể tách ra trong thực tế được. Như vậy, tự do của ý chí chẳng qua chỉ là cái năng lực quyết định một cách có hiểu biết. Do đó, sự phán đoán của một người về một vấn đề nhất định, càng tự do bao nhiêu thì nội dung của sự phán đoán đó sẽ được quyết định với một tính tất yếu càng lớn bấy nhiêu; còn sự không quả quyết, do không hiểu biết mà ra, thì có vẻ là sự chọn lựa một cách tùy tiện trong nhiều khả năng quyết định khác nhau và trái ngược nhau, song chính do đó mà chứng tỏ rằng nó không có tự do, nó bị chi phối bởi một đối tượng mà lẽ ra nó phải chi phối. Vì vậy, tự do là ở sự chi phối được chính bản thân và tự nhiên bên ngoài, một sự chi phối dựa trên sự nhận thức được những tất yếu của tự nhiên; do đó, nó tất yếu là một sản phẩm của lịch sử” [6, tr.163-164].

Ở luận điểm nói trên, F. Engels không những cho rằng chỉ con người mới có tự do, mà còn cho rằng con người không bao giờ có tự do tuyệt đối, bởi vì nhận thức của con người về những quy luật của tự nhiên là quá trình không có giới hạn cuối cùng5. Quan điểm biện chứng về tính tương đối của nhận thức tất nhiên dẫn đến thừa nhận tính tương đối của tự do. Tự do của con người đối với tự nhiên chỉ là tương đối vì phụ thuộc vào trình độ nhận thức của con người về những quy luật của tự nhiên. Con người càng nhận thức được nhiều tính tất yếu của tự nhiên thì càng cải tạo được tự nhiên, càng thống trị được tự nhiên, càng làm chủ được tự nhiên, càng bắt được tự nhiên diễn ra theo ý muốn của mình, và do đó, càng có tự do nhiều hơn. Khi mới sinh ra, mỗi người chưa có ngay năng lực làm chủ tự nhiên, chưa có tự do đối với tự nhiên. Trong quá trình phát triển sau đó, do ngày càng nhận thức được nhiều tính tất yếu của tự nhiên (thông qua con đường học tập từ người khác và tự nhận thức từ kinh nghiệm thực tế), nên mỗi người ngày càng phát triển năng lực làm chủ tự nhiên, ngày càng trở nên tự do hơn đối với tự nhiên. Ở con người, sự hiểu biết, năng lực làm chủ, sự tự do gắn liền với nhau, ngày càng phát triển và không có giới hạn cuối cùng. Trong quan hệ với tự nhiên, mỗi người đều có thể hành động theo ý thích của mình, tức là đều có tự do đối với tự nhiên; nhưng tự do của con người đối với tự nhiên ngày càng phát triển hơn và không có giới hạn cuối cùng. Đó là biểu hiện của tính tương đối của tự do của con người đối với tự nhiên.

3. Tính tương đối của tự do trong quan hệ của con người đối với con người

Trong quan hệ của con người đối với con người, khi quyết định làm hay không làm một việc gì đó, mỗi người có thể không được hoàn toàn tự do hành động theo ý thích của mình, mà buộc phải hành động theo ý thích của người khác. Vì sao?

T.Hobbes (1588-1679) cho rằng, trong xã hội ở trạng thái chưa có pháp luật, con người luôn xâu xé lẫn nhau; không được an toàn; luôn bị đe dọa bởi những người khác; có thể làm bất kỳ điều gì, kể cả xâm phạm người khác; để đảm bảo sự an toàn cho mọi người và chấm dứt tình trạng chiến tranh, con người phải hạn chế tự do, phải chuyển nhượng quyền tự do của mình cho nhà nước, phải sống theo pháp luật. J.Locke (1632-1704) cho rằng, ai cũng có quyền ước muốn bất kỳ điều gì; nhưng con người cần phải từ bỏ tự do của mình để sống theo pháp luật; chính quyền cần phải bảo vệ những quyền cơ bản của con người, phải đảm bảo an toàn cho tự do của mọi người; pháp luật là cái cần thiết để đảm bảo tự do cho con người; trong pháp luật và dưới sự bảo vệ của pháp luật, các cá nhân trở nên an toàn hơn, đồng thời cũng bị hạn chế một phần tự do; nhưng tất cả mọi người đều tự nguyện chấp nhận điều đó; pháp luật được hình thành từ nhu cầu của chính con người nhằm bảo đảm cho họ các quyền con người một cách chắc chắn nhất. Montesquieu (1689-1755) cho rằng, tự do của mỗi công dân có quan hệ chặt chẽ với việc chính quyền áp dụng pháp luật; khi quyền lực nằm trong tay một người và được áp chế một chiều từ trên xuống thì không thể có tự do; pháp luật không được can thiệp vào đời sống riêng tư, phải bảo vệ cho người dân khỏi bị hại trong khi vẫn cho người dân tự do làm những gì có thể; khi con người tuân theo pháp luật thì một phần tự do của họ bị mất đi, nhưng họ được bảo vệ bằng sức mạnh của cả cộng đồng. J.J.Rousseau (1717-1778) cho rằng, trong trạng thái văn minh, con người có tự do, là người chủ thật sự của chính mình; người làm theo kích thích của dục vọng là người nô lệ; người tuân theo quy tắc do tự mình đặt ra là người tự do. Friedrich Hayek (1899-1992) cho rằng, tự do là quyền con người không thể chuyển nhượng; tự do không phải là quyền làm những gì mình muốn; pháp luật tạo ra tự do; các cá nhân cần biết trước cái gì được phép làm và cái gì không được phép làm; tự do khác với tình trạng vô chính phủ; sự cưỡng bức ở mức tối thiểu là cần thiết; tự do chân chính nhất quán với pháp luật và phụ thuộc vào pháp luật; pháp luật đích thực là hiện thân của tự do; pháp luật là nhân tố cốt lõi của tự do; nếu không có pháp luật thì không thể có tự do; có pháp luật đúng đắn là có tự do; pháp luật sản sinh ra tự do; mục đích của pháp luật không phải là bãi bỏ hay kiềm chế tự do, mà là giữ gìn và mở rộng tự do; ở đâu không có pháp luật thì ở đấy không có tự do; trong xã hội có tự do, sự cưỡng bức bị giảm thiểu tới mức có thể; khi pháp luật thống trị, mọi cá nhân đều sống trong khuôn khổ của pháp luật, đều bình đẳng trước pháp luật, đều phải tuân thủ pháp luật; nhưng đó không phải là tuân thủ một cách miễn cưỡng, hoặc là tuân thủ vì bị ép buộc, mà là tuân thủ một cách tự nguyện; các cá nhân được tự do làm những gì mình muốn, miễn không trái với pháp luật; pháp luật luôn đứng đằng sau để bảo vệ cho những hành vi không trái với pháp luật; nếu không có pháp luật cưỡng bức thì không thể có xã hội [12, tr.36-42].

K. Marx, F. Engels và V. I. Lenin cho rằng, trong các xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa, pháp luật do giai cấp thống trị về kinh tế (giai cấp chủ nô, giai cấp địa chủ, giai cấp tư sản) đặt ra vì điều đó có lợi cho họ và nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của họ; giai cấp bị thống trị về kinh tế (giai cấp nô lệ, giai cấp nông nô, giai cấp vô sản) không có quyền đặt ra pháp luật. Trong các xã hội ấy chỉ giai cấp thống trị mới có tự do; còn giai cấp bị thống trị không có tự do. Trong xã hội cộng sản sẽ không còn giai cấp, không còn nhà nước, không còn pháp luật, không còn cưỡng bức; ở đó lần đầu tiên mọi người đều có tự do, tự do của mỗi người là điều kiện cho tự do của mọi người. Về điều này, K. Marx và F. Engels viết: “Thay cho xã hội tư bản cũ với những giai cấp và những sự đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của tất cả mọi người” [7, tr.447]. V. I. Lenin cũng viết: “Chỉ trong xã hội cộng sản chủ nghĩa, khi sự phản kháng của bọn tư bản đã hoàn toàn bị đập tan, khi bọn tư bản đã tiêu tan đi rồi và không còn có giai cấp nữa (nghĩa là giữa những thành viên trong xã hội không còn có sự phân biệt nào nữa về những quan hệ của họ đối với những tư liệu sản xuất xã hội), chỉ lúc đó “nhà nước mới không còn nữa và mới có thể nói đến tự do”” [5, tr.109-110]; “Cho nên, bất kỳ nhà nước nào cũng đều không tự do, đều không có tính chất nhân dân. Điều đó K. Marx và F. Engels đã giải thích nhiều lần cho các đồng chí trong đảng vào những năm 70” [5, tr.25]; “Chừng nào còn nhà nước, thì chừng đó không có tự do. Đến khi có tự do thì không còn nhà nước nữa” [5, tr.117]; “Mà chuyên chính vô sản, nghĩa là việc tổ chức đội tiền phong của những người bị áp bức thành giai cấp thống trị để trấn áp bọn áp bức, thì không thể giản đơn đóng khung trong việc mở rộng chế độ dân chủ được. Đồng thời với việc mở rộng rất nhiều chế độ dân chủ – lần đầu tiên biến thành chế độ dân chủ cho người nghèo, chế độ dân chủ cho nhân dân chứ không phải cho bọn nhà giàu – chuyên chính vô sản còn thực hành một loạt biện pháp hạn chế quyền tự do đối với bọn áp bức, bọn bóc lột, bọn tư bản. Chúng ta phải trấn áp bọn đó để giải phóng nhân loại khỏỉ chế độ nô lệ làm thuê, phải dùng bạo lực để đập tan sự phản kháng của chúng, và chỗ nào có trấn áp, có bạo lực, thì đương nhiên là chỗ đó không có tự do mà cũng không có dân chủ” [5, tr.109].

Như vậy, về vấn đề tự do trong quan hệ của con người đối với con người, quan niệm của K. Marx, F. Engels, V. I. Lenin khác với quan niệm của T.Hobbes, J.Locke, Montesquieu, J.J.Rousseau, F.Hayek. Sự khác nhau đó thể hiện ở chỗ, theo K. Marx và F. Engels, V. I. Lenin khi còn nhà nước và pháp luật thì còn cưỡng bức, còn cưỡng bức thì không có tự do cho mọi người; còn theo T.Hobbes, J.Locke, Montesquieu, J.J.Rousseau, F.Hayek, khi còn nhà nước và pháp luật (dù với giả định pháp luật là đúng đắn) thì không có sự cưỡng bức, từ đó có tự do cho mọi người.

Còn nhà nước và pháp luật thì không có tự do. Quan niệm đó của K. Marx và F. Engels, V. I. Lenin là đúng đắn. Vì sao? Nếu như trên thế giới chỉ có một người thì người đó có thể làm bất cứ việc gì tùy thích. Nhưng khi có hai người trở lên thì xã hội hình thành. Lúc này, mỗi người không thể làm bất cứ việc gì tùy thích (tức là không thể có tự do hoàn toàn). Việc làm của mỗi người ít nhiều đều ảnh hưởng đến người khác theo hướng đồng thuận (đồng ý) hoặc hướng không đồng thuận (không đồng ý). Nếu việc làm của người này không đồng thuận với người khác thì sự tự do hành động theo ý thích của người này ít nhiều sẽ chà đạp lên sự tự do hành động theo ý thích của người khác. Để tránh tình trạng như vậy, mỗi người đều phải hành động theo quy tắc chung. Khi thỏa thuận đề ra quy tắc chung, mỗi người đều phải từ bỏ một phần ý thích của mình. Ngay trong một gia đình chỉ có hai người thì hai người đó cũng phải xây dựng quy tắc chung và cam kết thực hiện quy tắc chung đó (hay phải “khắc kỷ phục lễ” như cách nói của các nhà nho). Các quy tắc chung mà mọi người cam kết thực hiện có thể là quy tắc mà mọi người cam kết thực hiện tự nguyện, hoặc là quy tắc mà mọi người cam kết thực hiện không tự nguyện. Không tự nguyện là cưỡng bức (ép buộc). Tự nguyện là không cưỡng bức. Trong xã hội chưa có nhà nước, các quy tắc chung (để điều chỉnh hành vi của con người) đều là quy tắc mà mọi người cam kết thực hiện tự nguyện, đó là các quy tắc đạo đức. Người nào vi phạm các quy tắc đạo đức thì không bị trấn áp bằng bạo lực (tức là không bị trấn áp bằng các biện pháp hành chính và hình sự), mà chỉ bị dư luận chê trách. Từ xưa đến nay xã hội nào và ở nơi nào cũng đều có các quy tắc đạo đức như vậy. Khi cam kết thực hiện tự nguyện các quy tắc đạo đức, mỗi người đều tự nguyện từ bỏ một phần ý thích riêng. Từ bỏ một phần ý thích riêng là tự nguyện từ bỏ một phần tự do. Trong xã hội chưa có nhà nước (và do đó chưa có pháp luật), mọi người tuy đều có tự do nhưng phải từ bỏ tự nguyện một phần tự do của mình. Đó là biểu hiện của tính tương đối của tự do trong xã hội chưa có nhà nước.

Trong xã hội có nhà nước, không chỉ có các quy tắc được mọi người cam kết thực hiện tự nguyện, mà còn có các quy tắc mà một số người phải cam kết thực hiện không tự nguyện. Quy tắc mà một số người phải cam kết thực hiện không tự nguyện là quy tắc pháp luật. Người nào vi phạm các quy tắc pháp luật thì bị người khác trấn áp bằng bạo lực (bằng các biện pháp hành chính và hình sự). Đối với quy tắc pháp luật, một số người này thì cam kết thực hiện tự nguyện vì điều đó có lợi cho họ, nhưng một số người khác thì cam kết thực hiện không tự nguyện vì điều đó không có lợi cho họ. Một số người tuy không tự nguyện (không thích) thực hiện pháp luật nhưng vẫn cam kết thực hiện pháp luật vì họ lo sợ bị người khác trấn áp bằng bạo lực. Đối với họ, thực hiện pháp luật dù không tự nguyện vẫn còn hơn bị trấn áp bằng bạo lực. Người nào tuân theo pháp luật một cách tự nguyện thì người đó có tự do. Người nào tuân theo pháp luật một cách không tự nguyện thì người đó không có tự do. Khi còn nhà nước thì không có chuyện mọi người đều được tự do. Trong xã hội có nhà nước, một số người không có tự do vì phải tuân theo pháp luật một cách không tự nguyện. Đó là một biểu hiện của tính tương đối của tự do trong xã hội có nhà nước.

Trong xã hội có nhà nước dân chủ, những người nắm giữ chính quyền do nhân dân bầu ra theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số (giả định bầu cử là công bằng, phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri6). Những người nắm giữ chính quyền đại diện cho lợi ích của nhóm đa số, pháp luật mà họ đặt ra nhằm đem lại lợi ích cho nhóm đa số. Những người nắm giữ chính quyền do không được sự ủng hộ của nhóm thiểu số, nên không phải bao giờ cũng đại diện cho lợi ích của nhóm thiểu số (mặc dù trên danh nghĩa họ đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân, cho cả nhóm đa số lẫn nhóm thiểu số); pháp luật mà họ đặt ra không phải bao giờ cũng đem lại lợi ích của nhóm thiểu số. Ví dụ, chính sách tăng thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao không có lợi cho người có thu nhập cao (những người này là nhóm thiểu số), nhưng có lợi cho người có thu nhập thấp (những người này là nhóm đa số); người có thu nhập cao thì phản đối chính sách đó; người có thu nhập thấp lại ủng hộ chính sách đó. Nhóm đa số vì có lợi nên tuân theo pháp luật một cách tự nguyện; còn nhóm thiểu số vì không có lợi nên tuân theo pháp luật một cách không tự nguyện. Trong trường hợp cảm thấy có sự bất lợi lớn, nhóm thiểu số có thể tiến hành biểu tình hòa bình phản đối pháp luật (thậm chí họ có thể không tuân theo pháp luật, nhưng trong trường hợp này thì xã hội rơi vào tình trạng bạo loạn). Nhóm thiểu số vì tuân theo pháp luật một cách không tự nguyện nên không có tự do.

Trong xã hội có nhà nước không dân chủ, những người nắm giữ chính quyền không được nhân dân bầu ra, mà tự phong hoặc được cử bởi một cá nhân hoặc một nhóm người nào đó; pháp luật mà họ đặt ra vì lợi ích của nhóm thiểu số, chứ không vì lợi ích của nhóm đa số. Nhóm thiểu số vì có lợi nên tuân theo pháp luật một cách tự nguyện; còn nhóm đa số vì không có lợi nên tuân theo pháp luật này một cách không tự nguyện. Nhóm đa số vì tuân theo pháp luật một cách không tự nguyện nên không có tự do.

Tóm lại, trong xã hội có nhà nước (kể cả nhà nước dân chủ và nhà nước không dân chủ), một số người không có tự do; bởi vì vẫn có một số quy định pháp luật bất lợi cho họ, đối với quy định pháp luật này họ không tự nguyện thực hiện. Đó là biểu hiện của tính tương đối của tự do trong xã hội có nhà nước.

4. Kết luận

Trên thế giới hiện nay, không phải mọi người đều đã được hưởng quyền tự do; ở nhiều nơi nhà cầm quyền tuy tuyên bố thừa nhận và bảo đảm quyền tự do cho mọi người, nhưng không bảo đảm được hoặc không muốn bảo đảm như tuyên bố; cuộc đấu tranh vì tự do ở nhiều nơi trên thế giới vẫn đang diễn ra gay gắt. Nhân loại đã suy tư về khái niệm tự do từ hàng ngàn năm nay. Khi xã hội càng mất tự do thì người ta càng suy tư nhiều về tự do. Tình trạng mất tự do vẫn đang diễn ra trầm trọng. Vì thế, khái niệm tự do đang được sử dụng và bàn luận rộng rãi trong sách báo hàng ngày không chỉ từ các nhà chính trị, nhà khoa học, mà còn từ những người bình thường. Tuy nhiên, khi sử dụng và bàn luận về tự do, không phải ai cũng có quan niệm đúng đắn. Trong quan niệm của hầu hết mọi người, tự do là nhu cầu tinh thần quan trọng và cơ bản; là một giá trị; thậm chí là giá trị cao quý nhất; là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Một số người trong thực tế có thể khước từ tự do (“chạy trốn tự do”, không muốn có tự do), nhưng điều đó không có nghĩa rằng đối với họ tự do không phải là giá trị; bởi vì tình trạng tự do mà họ khước từ là thứ tự do còn tồi tệ hơn tình trạng nô lệ mà họ đang chịu đựng. Ai cũng muốn có tự do, vì tự do là giá trị. Nhưng tự do có tính tương đối. Trong quan hệ giữa con người với tự nhiên, con người không có tự do tuyệt đối vì con người không thể nhận thức hết được hoàn toàn tính tất yếu của tự nhiên. Trong quan hệ giữa con người với con người, con người cũng không có tự do tuyệt đối. Sự tự do trong xã hội có nhà nước (kể cả trong xã hội có nhà nước dân chủ nhất) hạn chế hơn so với sự tự do trong xã hội không có nhà nước. Trong xã hội dù có nhà nước hay không có nhà nước, dù có nhà nước dân chủ hay không có nhà nước dân chủ, thì mỗi người vẫn buộc phải hy sinh một phần tự do của mình. Tự do mà con người đã đạt được và sẽ đạt được đều là tương đối. Có loại tự do mà mọi người cần phải được hưởng ngay; nhưng cũng có loại tự do mà mọi người chưa thể được hưởng ngay. Có quan niệm cho rằng, nhu cầu tự do của mọi người cần phải được nhà nước và xã hội đáp ứng một cách đầy đủ và vô điều kiện. Quan niệm này là sai lầm vì không thừa nhận tính tương đối của tự do. Nếu không thừa nhận tính tương đối của tự do, thì chúng ta sẽ là người không thực tế.

———————————

Chú thích:

3. Bài viết là một phần trong kết quả nghiên cứu đề tài cấp bộ “Quan niệm của các nhà kinh điển Marxist về tự do và sự vận dụng quan niệm đó ở Việt Nam hiện nay”. (Cơ quan chủ trì đề tài: Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
4. Trong một số từ điển, tự do được giải thích là: “một khái niệm dùng trong triết học chính trị mô tả tình trạng khi một cá nhân không bị sự ép buộc, có cơ hội để lựa chọn và hành động theo đúng với ý chí nguyện vọng của chính mình” [15]; “phạm trù triết học chỉ khả năng biểu hiện ý chí, làm theo ý muốn con người, trên cơ sở nhận thức được quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội”, “trạng thái một dân tộc, một xã hội và các thành viên không bị cấm đoán, hạn chế vô lí trong các hoạt động xã hội – chính trị như dưới các chế độ thực dân, chuyên chế, độc tài: đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc, các quyền tự do dân chủ” [13, tr.716]; “phạm trù triết học chỉ khả năng biểu hiện ý chí, làm theo mong muốn của mình trên cơ sở nhận thức được quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội”, “trạng thái một dân tộc, một xã hội và các thành viên không bị cấm đoán, hạn chế vô lí trong các hoạt động xã hội – chính trị”, “trạng thái không bị giam cầm hoặc không bị là nô lệ”, “trạng thái không bị cấm đoán, hạn chế vô lý trong việc làm nào đó” [9, tr.1039]. Các cách giải thích này tuy khác nhau về hình thức diễn đạt nhưng thực ra không khác nhau về nội dung. Theo đó, tự do gồm có tự do của cá nhân và tự do của nhà nước dân tộc; một người (cá nhân) có tự do hoặc một nhà nước dân tộc có tự do thì phải có khả năng (năng lực) tự quyết định (tự quản, tự trị, tự lựa chọn) làm hay không làm một việc gì đó theo ý thích của mình. Bài viết này sử dụng khái niệm tự do với nghĩa là người tự do, chứ không với nghĩa là nhà nước dân tộc tự do.
5. Theo M.M.Rodentan: “Việc giải thích tự do và tất yếu một cách khoa học dựa trên sự thừa nhận mối quan hệ qua lại hữu cơ giữa chúng. Người tiến hành mưu toan đầu tiên định luận chứng cho quan điểm đó là Spinoza; ông định nghĩa tự do là tất yếu đã được nhận thức. Hê-ghen đã đưa ra một quan niệm đầy đủ về sự thống nhất biện chứng giữa tự do và tất yếu theo quan điểm duy tâm. Việc giải quyết vấn đề tự do và tất yếu một cách thật sự khoa học và duy vật biện chứng xuất phát từ chỗ thừa nhận tất yếu khách quan là cái thứ nhất theo nghĩa nhận thức luận, còn ý chí và ý thức con người là cái thứ hai, cái phái sinh. Tất yếu tồn tại trong tự nhiên và xã hội dưới hình thức các quy luật khách quan. Các quy luật chưa nhận thức được biểu hiện ra là tất yếu “mù quáng”. Vào buổi đầu lịch sử của mình, con người không có khả năng đi sâu vào những điều bí hiểm của tự nhiên, cho nên là nô lệ của tất yếu chưa nhận thức được, là không được tự do. Con người nhận thức các quy luật khách quan càng sâu sắc thì hoạt động của nó càng trở nên tự giác và tự do”[10, tr.638]. Nhận định trên đây của M.M.Rodentan về người đầu tiên có quan điểm biện chứng về tự do có sự khác biệt với nhận định của F. Engels.
6. Theo quan điểm Maxist, trong các nước có quan hệ lao động làm thuê và thuê lao động (những nước như vậy đều có hoặc sớm muộn đều sẽ có giai cấp tư sản và giai cấp vô sản), tuy có nhà nước dân chủ nhưng sự dân chủ đó là giả tạo; sự bầu cử tuy được thực hiện theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, nhưng kết quả bầu cử không phản ánh đúng nguyện vọng của đa số nhân dân; tuy nhân dân lao động (giai cấp vô sản) chiếm đa số và bầu ra chính quyền, nhưng chính quyền lại không đại diện cho lợi ích của họ, thậm chí lại thống trị họ; trong các nước có quan hệ lao động làm thuê và thuê lao động, người thuê lao động tuân theo pháp luật một cách tự nguyện và có tự do; còn người lao động làm thuê tuân theo pháp luật một cách không tự nguyện và không có tự do. Về điều này, V. I. Lenin viết: “Cứ mấy năm lại một lần quyết định xem người nào trong giai cấp thống trị sẽ chà đạp và đè nén nhân dân trong nghị viện, đó là thực chất của chế độ đại nghị tư sản, không những chỉ trong các nước quân chủ lập hiến – đại nghị, mà cả trong những nước cộng hoà dân chủ nhất nữa” [5, tr.56-57]. Nếu theo quan điểm đó thì phải thừa nhận rằng, ở các nước có nền kinh tế thị trường hiện nay, kể cả ở Trung Quốc và Việt Nam, chỉ người thuê lao động (nhà tư bản, nhà tư sản, nhà đầu tư, người giàu) mới có tự do; còn người lao động làm thuê (người vô sản, người nghèo) thì không có tự do. Nhưng trong thực tế ở Trung Quốc, Việt Nam và các nước dân chủ trên thế giới hiện nay, mọi người đều có tự do; không chỉ người thuê lao động, mà cả người lao động làm thuê cũng đều có tự do.

———————————

Tài liệu tham khảo:

[1] N.A.Berdyaev (2016), Triết học của tự do, Nxb Tri thức, Hà Nội.
[2] Isaiah Berlin (2005), Tất định luận và tự do lựa chọn, Nxb Tri thức, Hà Nội.
[3] Erich Fromm (2007), Trốn thoát tự do, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
[4] Rô-giê Ga-rô-đi (1962), Tự do, Nxb Sự thật, Hà Nội.
[5] V.I.Lênin (1976), Toàn tập, t.33, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva.
[6] Các Mác, Phriđrich Ăngghen (1983), Tuyển tập, gồm 6 tập, t.V, Nxb Sự thật, Hà Nội.
[7] Hoàng Phê (Chủ biên) (1998), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng.
[10] M.M.Rôdentan (Chủ biên) (1986), Từ điển triết học, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va.
[11] Vương Thị Bích Thủy (2004), Tất yếu và tự do: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[12] Chu Văn Tuấn (2016), “Quan điểm của một số nhà triết học phương Tây về tự do và pháp luật”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9.
[13] Từ điển bách khoa Việt Nam, t.4, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2005.
[14] Concise Routledge Encyclopedia of Philosophy, Routledge, London and New York, 2000.
[15] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tự_do

Theo TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Tags: ,