Bàn về tính nhẫn nại của người Trung Quốc

Người Trung Quốc rất nhẫn nại, họ đã từng nén nhịn trước sự cai trị hà khắc của nhiều triều đại phong kiến kiến và cũng rất giỏi chịu đựng trước những thảm cảnh của quốc gia, dân tộc, trước những giai đoạn chiến tranh hỗn loạn. Có thể nói tính nhẫn nại của người Trung Quốc quả là có một không hai.

Bàn về tính nhẫn nại của người Trung Quốc

Với phương ngôn sống: “tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu” (có nghĩa là: nếu không nhẫn nại ở điểm nhỏ thì sẽ làm hỏng việc lớn), người Trung Quốc đưa tính nhẫn nhục vào trong nhiều giáo lý cơ bản, ví dụ Nho giáo, để giáo dục con người. Trong nhiều giáo lý, người Trung Quốc coi những đau khổ là một phần tất yếu của tự nhiên, là ý trời và cho rằng nên nhẫn nhịn chịu đựng mà không cần có sự phản kháng.

Nếu so sánh khả năng nhẫn nại của Người Trung Quốc với các dân tộc khác, ví dụ người phương Tây, thì có thể thấy rằng khả năng nhẫn nại chịu đựng này của người Trung Quốc vượt hẳn người phương Tây. Trong một hoàn cảnh bị áp bức tương tự như nhau thì người Trung Quốc vẫn nhẫn nhịn, còn người phương Tây có thể sẽ không chịu ngồi yên mà sẽ đứng lên làm các cuộc cách mạng để thay đổi tình thể.

Phong tục sống chung trong một đại gia đình thì đây quả là môi trường tốt để người Trung Quốc tiếp tục rèn luyện đức tính nhẫn nại. Trong đại gia đình của Người Trung Quốc có đủ mối quan hệ: cha con, mẹ con, ông bà, chị dâu em chồng, mẹ chồng nàng dâu, chị em dâu, anh em bà con … và như vậy những sinh hoạt cá nhân, những tư tưởng cá nhân chắc chắn bị hạn hẹp, những mâu thuẫn gia đình luôn sẵn sàng bùng phát. Vì vậy, để sống yên ổn, con người không thể không nhẫn nhịn. Chế độ gia tộc còn tồn tại, các đại gia đình vẫn xuất hiện ở đâu đó thì mỗi con người chưa thể trở thành một cá thể độc lập mà con người còn buộc phải nhẫn nại để tồn tại.

Trong quan niệm chung người Trung Quốc vẫn coi nhẫn nại là một thứ đức hạnh tối cao và họ cho rằng sẽ sống tốt, yên ổn nhờ vào đức tính này. Nhẫn nại là một tiêu chí đánh giá khả năng của con người Trung Quốc.

Theo sự đánh giá của các nhà Trung Quốc học thì nhẫn nại là một tính cách rất quan trọng của người Trung Quốc. Tính nhẫn nại thể hiện tính cách của người Trung Quốc điển hình và có thể xem đây là biểu tượng của Văn hóa Trung Quốc trong ứng xử với môi trường xã hội.

Xem xét tính cách này ở 3 mặt: Chủ thể – Không gian và Thời gian.

1. Chủ thể:

Tính nhẫn nại được nảy sinh trong quá trình sống của một dân tộc. Hầu hết các dân tộc Trung Quốc (trước khi thống nhất đất nước) đều trải qua quá trình dài đi tìm một cuộc sống phù hợp, do phải cạnh tranh để sinh tồn, chen chúc để lấy chỗ ở …

Chính vì lý do này hầu hết các dân tộc Trung Quốc đều hình thành tính cách nhẫn nại đề sinh tồn.

2. Không gian:

Trong lịch sử hình thành Trung Quốc, các dân tộc mạnh mẽ ở phía Bắc tiến hành xâm chiếm xuống phía Nam để tìm các vùng đất mới màu mỡ, trù phú hơn.

Tuy nhiên, các vùng lãnh thổ phía Bắc lại chịu sự tấn công của người Mông Cổ, người Turk.

Chính vì vậy, tính nhẫn nại không chỉ thể hiện ở các dân tộc phía Nam và còn phổ biến ở cả các dân tộc phía Bắc.

3. Thời gian:

Tính nhẫn nại được hình thành qua suốt chiều dài lịch sử của Trung Quốc và vẫn được duy trì cho đến ngày nay (hiện nay, mặc dù đạt được những thành tựu vượt bậc trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc – nước đông dân nhất thế giới – vẫn được xếp vào nhóm nước đang phá triển và khoảng cách giàu nghèo vẫn chưa được thu hẹp đáng kể, đời sống phần đông dân nghèo vẫn rất khó khăn. Và người dân Trung Quốc vẫn duy trì đức tính nhẫn nại này trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày).

Nhìn chung, người Trung Quốc rất lấy làm tự hào về đức tính nhẫn nại của mình, vì vậy họ cho rằng tính nhẫn nại là điều chẳng có gì phải nghi ngờ, phê bình, bài bác. Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải như vậy, trong tính nhẫn nại vẫn có rất nhiều điểm cần đưa ra để phán xét, phê bình, bởi từ tính nhẫn nại này đã sản sinh ra một số nhược điểm khác, ví dụ: cam chịu, thụ động, ngại thay đổi và không dám quyết tâm đấu tranh cho công bằng, lẽ phải, cho sự phát triển của chính mình và xã hội.

Theo STUDYINCHINA.VN

Tags: , , ,