Bàn về ngôn ngữ điện ảnh của cát

Trái với sự giàu có của đại dương, những cồn cát thách thức điện ảnh tìm ra câu chuyện riêng ẩn dưới vẻ ngoài đơn điệu, tầm thường.Bàn về ngôn ngữ điện ảnh của cát

Phim ảnh không thiếu các tác phẩm về đại dương. Dưới ống kính nhà làm phim, biển đại diện cho nhiều sắc thái. Đó có thể là nét bình yên trong thế giới thủy cung đầy màu sắc của The Little Mermaid, là nơi ẩn chứa hiểm họa nhấn chìm tàu Titanic, một vùng biển bí ẩn sống động trong Life of Pi.

Đối nghịch với vẻ trù phú của đại dương, những vùng hoang mạc với đồi cát trải dài nổi tiếng với cảnh quan buồn tẻ cùng thiên nhiên khắc nghiệt. Cát, vì thế, là yếu tố dữ dội trên màn ảnh trong phần lớn thời gian chúng được giới thiệu đến khán giả.

Đó không chỉ là sự ghét bỏ của một cựu nô lệ vùng sa mạc, mà là cảm giác chung của hầu như tất cả chúng ta về những hạt cát bé nhỏ. Hoang vu, những cồn cát chỉ là nơi dửng dưng chứng kiến con người lạc lối, bỏ mạng, ảo giác, đấu súng, sinh tồn.

The Sandman của Neil Gaiman chọn điểm nhìn là một thực thể cổ xưa hơn cả thánh thần, trong tay là túi cát quyết định giấc mơ của nhân loại. Mộng giới cũng mơ hồ và khó nắm bắt giống như những hạt cát bé nhỏ.

Tồn tại từ rất lâu nhưng với con người cát và sa mạc vẫn là những khái niệm xa xăm và tàn nhẫn. Chúng, từ lâu trở thành kẻ thù vùi dập anh hùng lẫn phản diện trong phim ảnh nói riêng và văn hóa nói chung.

Cát lún và bão cát

Trong các phim giai đoạn thập niên 70, 80, kiểu nội dung như thế này rất phổ biến: người anh hùng nở nụ cười trên môi, tự tin đi vào vùng hoang dã với chiếc roi trên tay. Thế rồi mặt đất bỗng nhiên nuốt chửng anh ta, bất chấp mọi nỗ lực bấu víu. Chỉ còn tính bằng giây là nhân vật chính sẽ chìm nghỉm dưới lớp cát.

Một cảnh trong loạt Indiana Jones.

Bất chấp sự thật rằng cát lún ngoài thực tế là hiện tượng rất hiếm gặp, nó lại trở thành một trong những nhân tố kinh điển của màn ảnh cướp mạng nhiều nhân vật. Có thể bởi hiệu ứng cát lún không tốn quá nhiều chi phí, nên chúng cứ thế xuất hiện lặp đi lặp lại trở thành motif đáng chán trên phim ảnh.

Sau này khi kỹ xảo điện ảnh phát triển và chiêu trò cát lún trở nên lỗi thời, các nhà làm phim đem đến những cơn bão cát cuồng nộ. Đó có thể là trận cuồng phong thổi tung tàn tích quá khứ trong The Mummy, cơn bão cát đẩy nhân vật của Tom Hanks vào khốn cùng trong News of the World, khiến cha xứ Paul Hill lạc vào vòng tay quỷ dữ (Midnight Mass).

Bức tường cát nhấn chìm cả thành phố trong biển cát, quật ngã quỵ khiến con người chỉ biết rạp đầu trốn chạy, cát bình thường vốn đã là kẻ khó ưa. Nhưng khi chúng tập hợp thành cơn bão, đó là yếu tố bước ngoặt cho câu chuyện.

Kinh hoàng nhất phải kể đến trận bão cát xé toạc con người trong Mad Max, vần vũ ánh chớp bao trùm lên đám đông cuồng loạn ở dưới.

Sự sống trong xứ cát

Không có nhiều tác phẩm lấy bối cảnh chính là cát. Chúng vô vị, trần tục, tầm thường. Khác với biển cả sinh động chứa đựng cả một thế giới dưới mặt nước, nếu ta đào bới mãi xuống dưới những cồn cát vẫn chỉ là cát. Những hạt tinh thể lấp lánh đơn điệu thách thức các nhà làm phim tìm ra cách khai thác mới, bên cạnh vài chiêu trò cát lún, bão cát quen thuộc.

Woman in the Dunes đến từ đạo diễn Hiroshi Teshigahara giam cầm nhân vật bằng phễu cát khổng lồ tượng trưng cho số phận. Ở đó, người đàn ông nghiên cứu côn trùng bị lừa xuống một ngôi nhà xiêu vẹo nằm dưới những cồn cát. Ở đó có một người đàn bà, quanh năm suốt tháng làm cái việc xúc cát cho dân làng bên ngoài kéo lên. Nếu cô không làm, ngôi nhà sẽ bị cát nuốt chửng.

Trên nền trắng đen của bộ phim, người ta thấy rõ cát bao phủ mọi mặt cuộc sống của hai con người: chúng phủ một lớp mỏng lên đồ ăn, cát bám vào da thịt lấp lánh khi họ làm tình, nước thấm vào cát mặn, rồi lại rơi xuống mặt cát khát bỏng.

Trong Dune, Paul Atreides cùng cha là công tước Leto Atreides theo lệnh của Hoàng đế rời quê nhà Caladan bao phủ bởi nước để đến cai trị một hành tinh sa mạc tên là Arrakis. Xây dựng từ trí tưởng tượng xuất chúng của tiểu thuyết gia Frank Herbert, Arrakis vừa là địa ngục trong vũ trụ, vừa là mỏ vàng mà nhân loại tương lai tranh đấu.

Bàn về ngôn ngữ điện ảnh của cát

Cát trong Woman in the Dunes bủa vây và nhấn chìm định danh con người. Dù cuối cùng, khán giả biết được cái tên của nhân vật chính, nhưng nó trượt qua tâm trí chúng ta cũng nhanh như cát chảy qua kẽ tay.

Tuy vậy, hành tinh cát trong Dune không khoan nhượng với bất kỳ ai. Nếu không phải là những con sandworm (sâu cát) khổng lồ đủ sức nuốt chửng cả dàn máy móc, thì hẳn là cơn bão cát khổng lồ quét qua. Ngay cả lúc bình yên nhất, sức nóng trực tiếp của mặt trời cũng đủ khiến một người mất mạng sau vài giờ.

Ấy thế mà giữa hỏa ngục con người vẫn sinh tồn ngoạn mục. Bộ tộc bản địa Fremen không chỉ đi bộ trên sa mạc, thiết kế trang phục bảo vệ mà còn tìm cách sống chung và tận dụng sức mạnh của loài sâu cát.

Không dưới hai lần nhân vật Leto của Oscar Isaac hào hứng với ý tưởng khai thác năng lượng sa mạc. Dune là câu chuyện chính trị nhưng đồng thời cũng là khát vọng chế ngự các yếu tố thiên nhiên khắc nghiệt nhất.

Theo NGỌC NHƯ / TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,