Bàn về hệ giá trị truyền thống của người Việt

Người Việt hàng ngàn năm nay đã sáng tạo cho mình những giá trị văn hóa, đồng thời, lại tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa ngoại sinh, làm phong phú văn hóa Việt và văn hóa Việt Nam.

Về hệ giá trị truyền thống Việt Nam

Tác giả: Ngô Văn Lệ, Khoa Nhân học, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG – TP HCM.

Nguồn: Bài viết tham gia hội thảo “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Kỷ yếu hội thảo in thành sách “Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại”.

Trong quá trình phát triển, mỗi tộc người đều sáng tạo cho mình một nền văn hóa. Trải qua thời gian, những thành tố văn hóa của tộc người không ngừng được bổ sung, đồng thời những thành tố không còn phù hợp có thể mất đi, hoặc thay đổi trong môi trường mới. Người Việt hàng ngàn năm nay, một mặt, vừa chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, với các kẻ thù xâm lược, mặt khác, đã sáng tạo cho mình những giá trị văn hóa, đồng thời, lại tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa ngoại sinh, làm phong phú văn hóa Việt và văn hóa Việt Nam. Tất cả những giá trị văn hóa đó đã tạo nên bản sắc và sức mạnh để Việt Nam tiếp bước trên con đường phát triển, để thực hiện được mục tiêu cao quý: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà Việt Nam đang trên con đường hội nhập thì việc nghiên cứu văn hóa người Việt và văn hóa Việt Nam không chỉ giúp cho người đọc thấy được sự kế thừa và sáng tạo trong chiều dài lịch sử, mà còn thấy được những giá trị đích thực tạo nên sức mạnh cho sự phát triển hôm nay. Khi nói đến giá trị văn hóa truyền thống là nói đến những chuẩn mực văn hóa được mọi người tin tưởng, chúng xác định những cái mà con người mơ ước để hướng tới. Nó là thước đo mức độ nhân bản của xã hội và con người. Nhưng có một thực tế là, mỗi tộc người có những đặc tính giá trị văn hóa riêng của mình và chính điều này làm cho văn hóa của tộc người này khác với văn hóa của tộc người khác. Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy ở tộc người này những yếu tố văn hóa đó là chuẩn mực giá trị mỗi người trong cộng đồng đều có trách nhiệm gìn giữ, thì ở tộc người khác, những chuẩn mực đó không được chấp nhận, mặc dù họ sống kề cận nhau (thí dụ có tộc người ăn côn trùng, tộc người khác không ăn, có tộc người coi thịt chó là “quốc hồn, quốc túy”, thì tộc người khác không ăn). Có những giá trị văn hóa ở thời điểm này là chuẩn mực, là khuôn mẫu, nhưng ở giai đoạn khác, cũng chính những yếu tố văn hóa đó, lại trở nên lỗi thời, thậm chí bị phê phán (thí dụ những chuẩn mực Nho giáo trong các xã hội phong kiến phương Đông được nhà nước và các nho sỹ đề cao, nhưng cũng chính những yếu tố đó, lại không còn phù hợp trong xã hội đương đại). Mỗi tộc người tùy hoàn cảnh cụ thể mà có những đóng góp cho những giá trị văn hóa chung của nhân loại. Khi nói về những giá trị văn hóa của một quốc gia cụ thể nào đó đối với những giá trị chung, có nghĩa là chúng ta nói đến những giá trị của tộc người (Ethnie) đó, của một dân tộc (Nation-État) cụ thể vượt ra khỏi giới hạn lãnh thổ của tộc người đó (của quốc gia đó) có tầm ảnh hưởng đến những quốc gia (những tộc người) khác.

Chủ đề của bài viết là về hệ giá trị truyền thống Việt Nam, vì vậy chúng tôi bắt đầu từ khái niệm, mà ở đây là khái niệm truyền thống. Chúng tôi không đi tìm ngữ nghĩa của từ này, mà chỉ lưu ý đến thời gian của xã hội truyền thống. Đối với Việt Nam, xã hội truyền thống được hiểu là xã hội tiền công nghiệp, tức là xã hội chưa bị ảnh hưởng và tác động của chủ nghĩa tư bản. Nếu giới hạn như vậy, xã hội truyền thống Việt Nam được minh định thời gian trước khi Pháp xâm lược (trước năm 1858). Tuy nhiên, trong thực tế khi nghiên cứu xã hội truyền thống Việt Nam, phần lớn được xác định là trước năm 1945. Mặc dù, xác định như vậy, nhưng chúng tôi cũng nhấn mạnh là sự xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp từ cuối những năm 50 của thế kỷ XIX đến năm 1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đã có những ảnh hưởng và tác động đến đời sống mọi mặt (làm thay đổi, có thể không nhiều) của xã hội truyền thống Việt Nam. Khi đã xác định xã hội truyền thống Việt Nam là giai đoạn trước năm 1945, chúng tôi thấy: thứ nhất, xã hội truyền thống Việt Nam là xã hội mà nền sản xuất nông nghiệp lúa nước là chủ đạo, chi phối các hoạt động khác của người nông dân; thứ hai, là một xã hội nông nghiệp, nên các quan hệ xã hội diễn ra ở nông thôn trong mối quan hệ họ hàng (quan hệ huyết thống) và quan hệ láng giềng (cộng đồng làng). Một khi đã xác định được mốc thời gian như vậy, chúng ta sẽ thấy, chủ thể của các giá trị văn hóa truyền thống là người nông dân. Mặt khác, hiển nhiên môi trường hình thành và nuôi dưỡng các giá trị truyền thống đó là nông thôn Việt Nam (mà ở đây là làng xã Việt Nam). Trong tiến trình lịch sử của các xã hội tiền công nghiệp, thì người nông dân bao giờ cũng là lực lượng chủ yếu không chỉ trong hoạt động kinh tế, mà cả ở trong đời sống xã hội. Và chính họ chứ không ai khác, là lực lượng chủ yếu sáng tạo ra những giá trị văn hóa vật thể (văn hóa vật chất) và văn hóa phi vật thể (văn hóa tinh thần). Trong mọi hoạt động của xã hội từ sản xuất nông nghiệp như khai hoang lập làng, quá trình mở mang bờ cõi, mở rộng lãnh thổ, xác lập chủ quyền và thực thi chủ quyền trong vùng đất mới phương Nam của Tổ quốc có vai trò to lớn của người nông dân. Người nông dân cũng có vai trò to lớn trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước. Vào các giai đoạn lịch sử trước đây, chưa có những khái niệm mang tính học thuật như ngày nay (thí dụ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn…), nhưng những biểu hiện hành động của người dân (người nông dân) đã thể hiện tinh thần đó. Một trong những yếu tố làm nên sức mạnh chiến thắng thiên tai, chiến thắng giặc ngoại xâm là tinh thần cộng đồng của người nông dân. Chính sức mạnh cộng đồng đã làm nên những chiến công vang lừng trong chống thiên tai khắc nghiệt và chống giặc ngoại xâm. Chẳng hạn, nếu không có sức mạnh của cộng đồng, của một tinh thần quật khởi, thì nước Việt không thể giành được độc lập, sau khi đã trải qua một ngàn năm Bắc thuộc. Ít có dân tộc nào trên thế giới trải qua một thời kỳ bị đô hộ dài hàng ngàn năm, mà khi giành lại độc lập, vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của mình, có khả năng tiếp thu có chọn lọc văn hóa của kẻ xâm lược, dân tộc hóa (bản địa hóa) cho phù hợp với những giá trị văn hóa của mình, đủ sức đánh bại kẻ thù xâm lược. Sức mạnh cộng đồng đó được hình thành và tạo lập từ sức mạnh cá nhân. Nhưng cá nhân mỗi người lại không đủ sức chống thiên tai, địch họa. Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao (Ca dao). Chỉ có sức mạnh của cộng đồng mới nhân lên sức mạnh cá nhân và tạo nên sức mạnh tổng hợp để dựng nước và giữ nước. Trong mối quan hệ cộng đồng ở nông thôn Việt Nam trước đây, quan trọng nhất là quan hệ dòng họ (quan hệ huyết thống) và quan hệ láng giềng (quan hệ làng xã). Chính từ các mối quan hệ đó tạo nên mối liên kết bền vững GIA ĐÌNH-LÀNG-NƯỚC – một mối liên hệ rất Việt Nam.

Trong đời sống xã hội có nhiều mối quan hệ, nhưng quan hệ huyết thống là một trong những biểu hiện của tính cộng đồng của làng Việt. Quan hệ dòng họ – quan hệ huyết thống – xuất hiện rất sớm và ở hầu hết các tộc ngườl trên thế giới. Ở buổi bình minh của lịch sử nhân loại con người không thể sống cô độc, mà phải dựa vào nhau. Do đó, mối quan hệ huyết thống xuất hiện trước khi xuất hiện các mối quan hệ xã hội khác. Quan hệ đó là quan hệ giữa người và người dựa trên huyết thống, là sản phẩm thừa hưởng từ tự nhiên. Nhưng do các yếu tố khách quan và chủ quan tác động vào tiến trình lịch sử của các tộc người hết sức khác nhau, nên ngày nay quan hệ dòng họ ở các tộc người cũng khác nhau. Ở một số tộc người quan hệ thân tộc được tính theo dòng mẹ (theo mẫu hệ); ở đây vai trò của người phụ nữ trong xã hội, cũng như trong gia đình, được đề cao. Người phụ nữ là người chủ động trong hôn nhân, trong việc điều hành gia đình, nuôi con, thừa kế tài sản. Ngay cả khi người chồng qua đời cũng không được chôn cất ở phía bên vợ mà phải đưa về chôn cất tại nghĩa địa của dòng họ mẹ. Ở Việt Nam, chế độ mẫu hệ tồn lại khá đậm nét ở các tộc người thuộc ngữ hệ Nam Đảo. Ở một số tộc người, quan hệ dòng họ không thể hiện một cách rõ ràng là theo dòng cha (phụ hệ) hay dòng mẹ (mẫu hệ). Trong dân tộc học, những tộc người này được gọi là những tộc người song hệ ở giai đoạn chuyển tiếp từ mẫu hệ lên phụ hệ (trường hợp người Khmer Nam Bộ).

Ở người Việt, chế độ phụ hệ đã được xác lập từ lâu. Quá trình chuyển hóa từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ ở các tộc người cũng hết sức khác nhau. Đến thời đại đồ đồng, thậm chí đến thời đại đồ sắt, tức là thời kỳ đầu của sự hình thành Nhà nước Văn Lang và Âu Lạc, chế độ mẫu hệ vẫn còn chưa mất hết sức sống. Cho đến hơn một ngàn năm Bắc Thuộc, văn minh Trung Hoa có điều kiện du nhập vào xã hội Việt Nam. Nho giáo xác định được chỗ đứng trong nhân dân Việt. Tuy nhiên, nếu quan sát những quan hệ trong xã hội và gia đình, nhất là trong các hội làng, ta vẫn thấy vai trò khá rõ nét của phụ nữ và những yếu tố của chế độ mẫu hệ. Tuy đề cao nguyên tắc “nam nữ thụ thụ bất thân”, nhưng lại “có nam, có nữ mới nên xuân”. Ở người Việt trước đây vẫn có tục ở rể. Trong đời sống hàng ngày, người phụ nữ cũng ít bị hạn chế trong sinh hoạt kinh tế xã hội, thậm chí trong sinh hoạt chính trị. Họ không được ra đình để họp, nhưng những lễ vật tế thần lại do một tay người phụ nữ đảm nhận. Trong cuộc sống xã hội, người phụ nữ đảm nhiệm việc cấy, gặt, sàng sẩy, tham gia nhiều nghề thủ công, buôn bán ở các chợ làng, đảm nhiệm việc hậu phương, thậm chí “giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”. Số lượng các nữ thần khá đông. Còn trong cuộc sống gia đình, phụ nữ là người quán xuyến mọi công việc, từ nuôi con, lo cái ăn, cái mặc. Có lẽ không thể phủ nhận được vai trò và vị trí của người phụ nữ trong gia đình, nên mới có câu “lệnh ông không bằng cồng bà”. Ở một đất nước mà Nho giáo đã thấm vào từng khía cạnh của đời sống của gia đình, xã hội, nhưng trong những điều luật cụ thể cũng nêu lên quyền như nhau của vợ chồng với tài sản cùng làm ra (Luật Hồng Đức). Việc phân chia tài sản cũng được phân định rõ ràng, ngoài phần dành cho hương hỏa, những gì còn lại, không phân biệt con trai hay con gái, đều được nhận phần và các phần được chia đều nhau hoặc có chênh lệch không đáng kể. Về nguyên tắc, ruộng hương hỏa do người trưởng nam nhận để lo hương khói cho người quá cố. Nhưng trong những trường hợp không có con trai thì người con gái trưởng nhận phần hương hỏa. Họ của người Việt đã xác lập theo dòng cha, nhưng tàn dư của chế độ mẫu hệ vẫn còn được bảo lưu.

Sự phát triển ngày càng tăng của dân cư đã dẫn đến tình trạng sống xen kẽ giữa các thành viên của các dòng họ khác nhau trong một địa vực cư trú. Tuy nhiên, trong một khu vực cư trú nhất định, thông thường cũng có một hay hai dòng họ chiếm ưu thế. Quan hệ mới xuất hiện – quan hệ làng xã. Quan hệ làng xã là quan hệ giữa người với người dựa trên mối quan hệ láng giềng. Quan hệ láng giềng xuất hiện muộn hơn so với quan hệ thân tộc, do sự gia tăng tính xen kẽ của cư dân và sự di chuyển địa bàn cư trú. Quan hệ dòng họ mất dần đi cơ sở kinh tế của sự tồn tại. Cấu trúc gia đình, thân tộc, do đó, cũng có những biến đổi nhất định. Tuy nhiên, những nét chủ yếu của quan hệ thân tộc vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Cũng theo chế độ phụ quyền, người phụ nữ khi đi lấy chồng phụ thuộc vào gia đình chồng. Tài sản trong gia đình (dù nhiều hay ít) đều thuộc về người chồng, không là của con cũng là của họ hàng nhà chồng. Người phụ nữ một nắng hai sương làm ra, nhưng một khi li dị hoặc tái giá thường chỉ được phép ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng, không được mang theo con và của cải. Ngày nay, nam nữ bình đẳng vấn đề thừa kế tài sản và nuôi dạy con sau ly dị đã được luật pháp Việt Nam quy định [Luật Hôn nhân và gia đình, 2000]. Tuy nhiên, cũng xảy ra không ít những trường hợp tranh chấp.

Mặc dù “làng Việt cổ truyền ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ là một đơn vị dân cư được tập hợp chủ yếu theo quan hệ láng giềng” [Nguyễn Từ Chi 1996: 190] nhưng quan hệ dòng họ vẫn có vai trò trong đời sống của người nông dân Việt Bắc Bộ. Quan hệ dòng họ của người Việt Nam Bộ đã xuất hiện ngay từ ban đầu, ngay trong từng nhóm di dân đến khai phá vùng đất mới đầy rẫy những khó khăn khắc nghiệt. Quan hệ dòng họ đó vẫn có giữa các thành viên của một dòng họ tại quê hương bản quán của họ ở một vùng nào đó ở miền Bắc hay miền Trung, sau vì một lý do nào đó họ phải rời bỏ quê hương để vào vùng đất mới. Trong môi trường mới, mối quan hệ dòng họ tiếp tục được duy trì. Xác định rạch ròi bên nội, bên ngoại là thể hiện rõ chế độ ngoại hôn. Cho dù đã có những biến động lịch sử, sinh sống xa cái nôi văn minh Việt và ảnh hưởng của Nho giáo cũng rất nhạt nhòa, nhưng người Việt Nam Bộ vẫn giữ được những nét văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức.

Như vậy có thể thấy, trong xã hội truyền thống của người Việt mối quan hệ huyết tộc đã là sợi dây kết nối những thành viên của một dòng họ lại với nhau bằng hoạt động có liên quan việc thờ cúng tổ tiên (mà có nhà nghiên cứu gọi là đạo thờ cúng tổ tiên, như những tôn giáo khác), là mối quan hệ ruột thịt, quan hệ huyết thống, là việc lấy tên dòng họ đặt tên làng, nơi một cộng đồng cư trú, tạo nên sự cộng cảm “một giọt máu đào, hơn ao nước lã”, “máu chảy ruột mềm”, “một người làm quan, cả họ được nhờ’, ”bao giờ ngàn Rúm hết cây, sông Lam hết nước, họ này hết quan”. Rồi mối liên kết giữa những người khác họ, thông qua hôn nhân, tạo nên mối quan hệ liên làng (cả trong chống thiên nhiên khắc nghiệt, thí dụ như lũ lụt, không chỉ ảnh hưởng một làng, mà nhiều làng). Trong đời sống cộng đồng không có tuyên ngôn về một thứ chủ nghĩa nào, nhưng nó lại thể hiện đầy đủ tính nhân văn, mỗi thành viên dòng họ sống vì cộng đồng, sống sao cho không làm hổ danh dòng họ. Từ quan hệ dòng họ của người Việt suy nghĩ về chủ nghĩa nhân văn truyền thống cũng như hệ giá trị truyền thống, những nhân tố đã tạo nên sức mạnh để đất nước có thể vượt qua những thử thách, tồn tại và phát triển như hôm nay.

Ở đồng bằng Bắc Bộ, làng cũng có thể do một cá nhân tự khai hoang lập nên. Dân cư của một làng phát triển từ sự tăng lên các thành viên của một dòng họ. Để ghi nhận sự phát triển của các làng đó, người ta lấy tên họ đặt cho tên làng (có tới 192 làng mang tên một dòng họ hay hai dòng họ). Trải qua những biến cố lịch sử, tên làng không thay đổi, tồn tại cho đến ngày nay. Ở Thái Bình còn nhiều làng mang tên Nôm như làng Mét, làng Cọi, làng Đác, làng Lụ. Có lẽ sang thời kỳ độc lập khi hình thành bộ máy quản lý từ trung ương đến các địa phương, và nhất là khi chữ Hán đã có vai trò trong đời sống thì những làng mang tên chữ có yếu tố Hán – Việt mới ra đời. Mỗi làng mang tên chữ là những từ hoàn toàn có tính chất văn học biểu tượng của điềm lành. Vùng quê nào thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cũng đều có tình hình như vậy [Phạm Minh Đức 2006]. Các tên gọi của các làng theo chữ Hán – Việt được dùng trong hành chính, còn trong dân gian các cư dân của các làng xung quanh vẫn gọi tên làng theo cách gọi cũ.

Do điều kiện địa lý tự nhiên, do vị trí tọa lạc của làng Việt, do quy mô của các làng rất khác nhau nên hình thái cư trú cũng hết sức khác nhau. Trần Từ nêu lên bốn hình thái cư trú của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ [Nguyễn Từ Chi 1996: 254-260]. Trong cuốn Văn minh Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên [2005: 254-260] phân biệt các làng theo hình thể cư trú của cư dân, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện địa lý tự nhiên tại các vùng định cư. Toan Ánh nêu tên các loại làng như làng theo chiều dài, làng nằm rải rác, làng tựa ven đồi [Toan Ánh 1992: 32-34], và nhận diện những nét chung nhất của làng Việt Bắc Bộ. Trong công trình Tìm hiểu làng Việt, Diệp Đình Hoa nêu lên ba hình thái bố trí làng, đó là bố trí theo lối co cụm, từng khối, hoặc dọc theo ven sông hay ở men theo hai bờ sông, và kết luận: “Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ loại tổ chức theo lối co cụm rất phổ biến. Và cách tổ chức này có liên quan đến hệ thống phòng ngự của làng, đến trình độ thâm canh tăng năng suất, đến việc điều khiển môi trường trong trạng thái cân bằng của thế độc canh cây lúa. Con người cố tạo ra cho mình một tâm lý yên ổn, trong khu vực vườn nhà, sau lũy tre làng” [Diệp Đình Hoa (cb) 1990: 20-21]. Chính cách tổ chức làng như vậy đã tạo nên những ốc đảo, khu vực không gian cư trú của mỗi làng, cùng với việc trở thành làng, hoạt động kinh tế đã hình thành nên sự khác biệt văn hóa làng tại đồng bằng Bắc Bộ.

Các tổ chức quan phương (hay bộ máy quản lý làng) do Nhà nước trung ương tập quyền áp đặt lên các làng, theo những quy định chung. Và bộ máy tổ chức này về cơ bản có sự thống nhất của toàn bộ vùng đồng bằng Bắc Bộ xét trên phương diện tổ chức cũng như chức năng nhiệm vụ. Thông qua các tổ chức quan phương Nhà nước thể hiện quyền lực đến các công dân của mình trong việc thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Tổ chức phi quan phương không nằm trong hệ thống của bộ máy hành chính, nó ẩn tàng trong các làng Việt và vận hành theo những nét rất riêng của từng loại tổ chức. Hoạt động của các tổ chức phi quan phương tạo nên sự kết dính giữa các thành viên trong tổ chức của mình. Các tổ chức phi quan phương ở làng Việt Bắc Bộ trong bối cảnh hiện nay vẫn thể hiện rõ vai trò của mình trong đời sống thường nhật của người nông dân.

Trong bối cảnh chung của làng Việt Bắc Bộ với sự tồn tại song hành của các tổ chức quan phương và phi quan phương giữ vai trò quan trọng để điều hòa chung làm cho các làng Việt Bắc Bộ dù phức tạp, vẫn là một tế bào xã hội vận hành như một đơn vị thống nhất là hương ước. Hầu hết các làng Việt Bắc Bộ đều có hương ước. Làng nào có hương ước ấy, tùy truyền thống của từng làng mà hương ước đề cập đến những vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, nội dung của hương ước của các làng lại có nội dung tương đối giống nhau. Vì hương ước không phải là bộ luật chung cho các làng, nên hình thức thể hiện những vấn đề cần đề cập tới của từng làng cũng khác nhau. Và “dù không phải là bộ luật hoàn chỉnh, hương ước với những điều quy định về một số nét sinh hoạt riêng biệt của làng xã, vẫn đóng vai trò một cương lĩnh. Có thể còn khá chung chung, nhưng dù sao vẫn đáng được xem là một cương lĩnh về nếp sống hàng ngày của làng xã, mà mọi cá nhân, mọi tổ chức, trong làng, trong xã phải tuân thủ” [Nguyễn Từ Chi 1996: 236-237]. Các hương ước của từng làng tác động trực tiếp đến các thành viên của làng. Các thành viên trong làng dù thuộc tổ chức phi quan phương nào cũng đều có trách nhiệm thực hiện hương ước. Mỗi thành viên trong làng với trách nhiệm của mình đối với làng, đối với một tổ chức nào đó mà họ là một thành viên, vì danh dự của làng, của gia đình và của chính cá nhân mà tuân thủ tự giác, thực hiện những điều đã được ghi trong hương ước. Tại các làng Việt Bắc Bộ đất đai có hạn, các quan hệ dòng họ ràng buộc, những quy định của hương ước đã làm cho người nông dân Việt không năng động, khó có thể vượt qua sự thụ động.

Sự phát triển kinh tế hàng hóa ở Nam Bộ kích thích giao lưu quốc tế làm cho hoạt động của làng Việt Nam Bộ năng động hơn so với làng Việt Bắc Bộ. Làng Việt Nam Bộ ở giai đoạn đầu của quá trình làng là liên hiệp của những nông dân tự do trong công cộc khai phá, chinh phục những vùng đất hoang rậm. Nếu so sánh sự khác biệt giữa làng Việt Bắc Bộ và làng Việt Nam Bộ, tuy có những khác biệt, nhưng xét về chiều sâu, lại có sự giống nhau. Bằng sinh hoạt cộng đồng và giao tiếp cộng đồng (nhất là các làng Việt Bắc Bộ, nơi tồn tại những phương ngữ, như là những dấu hiệu phân biệt giữa làng này với làng khác (chém cha không bằng pha tiếng theo cách nghĩ của người dân), trong nội bộ cộng đồng, làng nổi lên như một chủ thể tập thể, người đứng ra tổ chức mọi hoạt động cộng đồng cho mọi người dân trong làng, người duy trì và gìn giữ cho mọi sinh hoạt được tiếp nối. Tất cả những hoạt động đó của làng đã dẫn tới sự hình thành một tâm lý làng. Một phạm vi giao tiếp với những nét văn hóa được thể hiện qua thổ ngữ, qua phong tục tập quán, làm cho làng nọ khác biệt với làng kia, hình thành nên những “ốc đảo”, như cách nói của nhà nghiên cứu Trần Từ. Mặt khác, các làng Việt, nhất là các làng Viêt Bắc Bộ tồn tại chế độ công điền công thổ, các tổ chức phi quan phương (phường hội, giáp… ) có các cơ sở tín ngưỡng (như miếu, chùa… ), có chợ làng. Điều này cho thấy, tuy giới hạn trong một không gian nhất định, nhưng với cơ chế và những tổ chức như thế có thể đáp ứng các nhu cầu đời sống mọi mặt của người dân. Cùng với sự tồn tại hương ước, tính chất nửa tự trị của làng là rất rõ. Trong bối cảnh như vậy, giữa một bên là hoạt động và một bên là nhu cầu là dễ nhận thấy với một mức độ thấp, không tạo nên đột phá trong phát triển, dẫn tới trạng thái trì trệ, bình lặng của nông thôn Việt Nam. Làng, nhất là làng Việt Bắc Bộ, không chỉ thể hiện vai trò của mình trong hoạt động cộng đồng, mà còn là người điều chỉnh hành vi của những thành viên trong làng. Bởi vì, làng nào cũng có hương ước – bộ luật của làng. Nó phản ánh một thực tế là tính nửa tự trị của làng trong hoạt động quản lý mọi mặt đời sống của người dân (từ kinh tế, đạo đức, hành vi… ), từ đây càng làm sâu sắc sự khác biệt giữa các làng với nhau. Với một cơ chế vận hành như vậy, làng chi phối tất cả các quan hệ xã hội (trong phạm vi làng, với làng khác, thậm chí với nhà nước, với thần linh). Và đương nhiên làng trở thành người đại diện cho các thành viên trong làng – những người do làng quản lý – quan hệ với cấp trên, với các làng lân cận và với cả thần linh. Nét nổi trội trong hoạt động của làng Việt là tính dân chủ làng xã.

Trong tiến trình phát triển cùng với những biến cố của lịch sử, sự tác động của các yếu tố bên ngoài làm cho làng Việt có những đổi thay. Trong lòng các làng Việt tuy vẫn tồn tại hai bộ phận chủ yếu của là dân làng và bộ máy quản trị làng, nhưng ngày một phân hóa sâu sắc. Tính nhị nguyên của làng thể hiện trên hai khía cạnh: cá nhân và cộng đồng. Chế độ sở hữu công cộng về đất đai và những quan hệ xã hội sản sinh từ chế độ sở hữu đó đã đảm bảo cho làng một cơ sở vững chắc. Tính nhị nguyên của làng để lại dấu ấn trong mô hình ứng xử của cá nhân trong quan hệ xã hội. Theo GS. Nguyễn Hồng Phong thì “làng Việt không phải là làng thị tộc, chỉ có cái chung, mà mỗi cá nhân hòa tan trong đó. Làng Việt cũng không phải làng Pháp bao gồm những “công dân ngẫu nhiên của làng xã”. Làng Việt có cái chung: đó là ruộng đất, là lãnh thổ làng với lũy tre bao bọc với việc bảo vệ chống cướp, hay chống thiên tai (lụt thì lụt cả làng) và công việc của tập thể và hàng loạt các nghĩa vụ phục vụ làng xã, cộng đồng”. Và cũng theo GS. Nguyễn Hồng Phong, bên cạnh cái chung, còn có cái riêng: “Đó là phần ruộng khẩu phần được chia mà cá nhân làm chủ và ra sức khai thác giữa hai kỳ phân chia lại, đó là cái bờ ruộng có thể được làm rộng ra là nước có thể tháo riêng cho vào ruộng hoặc để bắt cá, đó là lũy tre quanh làng có thể kiếm củi, kiếm măng ăn. Và cái riêng đó là sự nỗ lực của cá nhân nhờ có học vị, chức tước, phẩm hàm hay tài sản để có thể leo lên các thang bậc cao trong làng”. Cũng theo tác giả, “cái riêng còn là ở sự đề cao cá nhân trong sự phô trương của cải qua việc trao tặng (cúng tiền của vào việc đình, chùa, xây công trình công cộng). Hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng như đám ma, đám cưới, đám giỗ, khao vọng, người ta ganh đua nhau để cá nhân nổi lên và được tập thể tuyên dương, cổ súy, công nhận [Nguyễn Hồng Phong 1998: 132-133]. Trong phần kết luận, GS. Nguyễn Hồng Phong viết: “Phải chăng tính nhị nguyên của làng xã đã tạo nên tính hai mặt của tính cách con người tiểu nông Việt Nam… vừa vị tha, có tinh thần cộng đồng, đoàn kết tương trợ, đồng thời lại hay kèn cựa, hiếu danh, tư lợi [Nguyễn Hồng Phong 1998: 133].

Như vậy, có thể thấy làng Việt (gồm một hay nhiều dòng họ cùng cư trú) không hề nói về một chủ thuyết nào, nhưng làng Việt đã thể hiện tính nhân bản tạo nên một sức sống mãnh liệt. Làng Việt Nam sẽ tồn tại và sẽ biến đổi cùng với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Làng vẫn là một thực thể tất yếu có vai trò và vị trí trong sự phát triển chung của đất nước. Tuy làng (thôn, ấp… ) không phải là một cấp trong hệ thống tổ chức Nhà nước, nhưng lại là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư, là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi nhằm giải quyết các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư. Đồng thời làng còn là nơi bảo đảm đoàn kết giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới, giúp nhau trong sản xuất và đời sống. Và cũng chính địa bàn làng là nơi giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp và thuần phong mỹ tục của cộng đồng nhằm xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

————————-

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

1. Diệp Đình Hoa (cb) 1990: Tìm hiểu làng Việt, NXB KHXH,
2. Luật Hôn nhân và gia đình, 2000 (số 22/2000/QH10 ngày 9-6-2000).
3. Nguyễn Hồng Phong 1998: Văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại. – H.: NXB Văn hóa – Thông tin.
4. Nguyễn Từ Chi 1996: Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người. – H.: NXB Văn hóa – Thông tin.
5. Nguyễn Văn Huyên 2005: Văn minh Việt Nam. – H.: NXB Hội Nhà văn.
6. Phạm Minh Đức 2006: Những làng văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc ở Thái Bình. – H.: NXB Văn hóa – thông tin.
7. Toan Ánh 1992: Nếp cũ, làng xóm Việt Nam. – NXB TP.HCM.

Theo VĂN HÓA HỌC

Tags: ,