Bàn về ‘Con ông cháu cha’ và hội chứng ‘gia phả’ của người Việt

Với những bậc phụ huynh có tự trọng, con cái họ sẽ được nuôi dạy để tự đứng bằng đôi chân của mình, chứ không phải dựa vào ảnh hưởng hay tiền bạc của cha mẹ.

Bàn về COCC và hội chứng ‘gia phả’ của người Việt

Tôi họ Phạm, search google từ khóa “Phạm gia” thì top đầu là 3 ông doanh nghiệp: một ông buôn phụ tùng ô tô, một ông máy in, và một ông bán bao bì. Nhưng nếu với từ khóa ấy, mà tìm hình ảnh trên google, thì kết quả sẽ khác bởi đây là người nổi tiếng hồi đương chức thường xuyên xuất hiện trên báo đài, nên nhiều người biết.

Bởi vậy, hồi tôi còn bé thì không sao, sau này lớn lên một chút, nhiều lần giới thiệu tên là người ta hỏi khẽ: Có họ hàng gì với ông… không?

Tôi chỉ là “tốt đen” lại còn bằng giấy mà đã thế, con ông cháu cha xịn, không hiểu còn đến mức nào? ‘Con ông cháu cha’ – đó là một thuật ngữ chưa cũ, thay thế cho các thuật ngữ cũ như ‘con dòng cháu giống’ hay ‘con nhà dòng dõi’.

Sau này, cụm từ “con ông cháu cha” được vắn tắt thành COCC.

Hồi đại học, khóa tôi chia làm 3 lớp. Đại khái hiểu ngầm là: Lớp COCC; Lớp con em trong ngành; và lớp Chả hiểu sao chúng nó vào được đây (dĩ nhiên là tôi thuộc cái lớp này).

Cái việc chia ấy đương nhiên nó đi với những ‘chế độ’ khác nhau, không đến mức quá bất công, nhưng dĩ nhiên không thể nói là bình đẳng. Lớp COCC nhiều con quan chức cấp Bộ, cấp tỉnh, đi học cũng “điều kiện” lắm. Nhưng hầu hết chúng tôi chơi với nhau tôn trọng chan hòa.

Chỉ duy nhất có một lần, tôi sang lớp bạn chơi, chả nhớ đùa giỡn thế nào, một ông hất hàm: “Ê thằng kia, ai cho mày sang đây?”. Thế là nổi xung lên, tí nữa thì đánh nhau. Sau này nhớ lại thấy nông nổi trẻ con, nhưng cũng chạnh buồn.

Tất nhiên, đi học là thế, còn ra đời, sự COCC phát huy tác dụng, mỗi bạn bè mỗi con đường và mức độ thăng tiến khác nhau.

Ở một đất nước như Việt Nam, nơi mà chữ “thủ trưởng” vẫn được dùng rất khúm núm, thì quyền lực hành chính vẫn là giấc mơ nhiều người hướng tới.

Có ai đó nói rằng, thành tựu lớn nhất của thời bao cấp là tạo ra một thế hệ công chức không sống bằng lương. Đến tận bây giờ, người ta vẫn chạy toát mồ hôi để vào biên chế (giá “chạy suất biên chế” tùy nơi và tùy việc, nhưng “rẻ” thì cũng trăm triệu).

Nếu tính theo bậc lương, sẽ chẳng ai hiểu nỗ lực biên chế để làm gì, nếu không phải để có chút quyền lực hành chính. Có quyền, thì sẽ có tiền, nhiều hơn lương nhiều.

Cho nên, chữ COCC – con ông cháu cha, mặc định được dùng cho các thiếu gia của “quan” ở nhà nước. Và sự nâng đỡ của cha chú họ, không gì khác là đẩy họ lên thang bậc cao của bộ máy hành chính, tới những vị trí quyền lực, kiếm được nhiều tiền.

Con nhà kinh doanh, thì thiên hạ gọi là thiếu gia thôi (ví như Cường “đô la” nổi tiếng phương Nam vì gia đình giàu có, nhưng không ai gọi anh ấy là con ông cháu cha cả).

Những ngày qua, xã hội ngã ngửa khi biết một thanh niên chưa tới 30 tuổi đầu đã kịp kinh qua dăm bảy vị trí quản lý cấp tổng công ty, thậm chí cấp Bộ. Khi làm sếp ở “tổng”, doanh nghiệp bị lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Một lần nữa, chuyện “con ông cháu cha”, chuyện “gia đình trị” lại nóng, lại trở thành cụm từ căm phẫn, thậm chí là khinh miệt. Nhưng, sự thực đó không phải là căn bệnh hiếm gặp.

Chúng ta vận dụng quan hệ kiểu gia đình bất kỳ lúc nào chúng ta gặp khó khăn với bộ máy hành chính. Rút điện thoại ra gọi cho “ông anh” khi bị CSGT giữ lại. Xưng là cháu “ông chú, bà cô” bên này bên kia khi đi làm thủ tục hành chính ở phường.

Nhận là “em anh này chị khác” khi đi xin học cho con. Có không? Có! Tất cả chúng ta đều cố gắng vặn vẹo ra một quan hệ gia đình nào đấy để được ưu tiên.

Đó là tâm lý gia đình gia tộc, tâm lý nhờ vả luồn lách, bất tuân quy định. Cơ chế tạo ra sự bất công. Nhưng tâm lý cơ hội mới là mảnh đất để sự bất công cơ chế tồn tại dai dẳng.

Không ai chọn được nơi mình sinh ra. Hiểu rộng ra, đó là Tổ quốc, còn hiểu theo diện hẹp thì đó là cha là mẹ, là gia đình.

Có lỗi gì đâu nếu ai đó sinh ra trong một gia đình quyền lực. Với những bậc phụ huynh có tự trọng, con cái họ sẽ được nuôi dạy để tự đứng bằng đôi chân của mình, chứ không phải dựa vào ảnh hưởng hay tiền bạc của cha mẹ.

Tự trọng và tự lực – đó mới là nền tảng vững bền. Nhìn vào bộ máy hành chính và cán bộ cấp cao hiện nay, không ít cái tên là con của những chính khách, những tướng lĩnh nổi tiếng tài ba. Và phần nhiều trong số họ hoàn toàn xứng đáng với thanh danh của cha anh mình.

Và câu chuyện COCC, suy cho cùng vẫn là câu chuyện của lòng Tự trọng và Thực lực mà thôi.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE (2016)

Tags: ,