Bàn về cây gạo trong văn hóa tâm linh Việt Nam

Có nhẽ chỉ cây gạo, hoa gạo mới cho ta cảm giác cụ thể về cái ĐẸP và vẻ THIÊNG. Và tôi nhớ đến câu nói ở cửa miệng người già: “Thần cây đa, ma cây gạo”.

Bàn về cây gạo trong văn hóa tâm linh Việt Nam

Một sáng đầu hè râm mát, mấy anh em chúng tôi đến thăm chùa Bút Tháp nơi có pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhân đã từng làm ngẩn ngơ nhiều khách quốc tế. Đang chăm chú ngắm gác chuông khối vuông vức hai tầng tám mái với cả hệ thống đầu đao cong cong vênh lên, đăm đắm chiêm ngưỡng đoá sen khổng lồ lúc nở gợi mở nơi đất Phật thanh tịnh, bỗng có tiếng “bụp” của một vật nhẹ rơi, tôi như sực tỉnh trở về với thực tại; anh bạn cùng đi bảo:

Hoa gạo rơi đấy, nó kia kìa. Tôi đã được xem nhiều hoa, kể cả lúc nó rụng, dù rã ra từng cánh hay rơi cả bông, nó đều buông nhè nhẹ, thậm chí còn là là bay để rồi đậu khẽ xuống đất, không để ý thì chẳng ai hay. Vậy mà hoa gạo rụng lại gây sự chú ý ngay.

Tôi nhặt bông gạo cầm trên tay, nó to bằng búp sen này. Anh bạn tôi khi nhìn nó rơi, thấy vạch một đường sáng từ trên nền trời cao xuống đất, khá nhanh, như sao đổi ngôi. Tôi bỗng ngước nhìn lên ngọn cây, sừng sững chừng 15-20m, lấm tấm nơi đầu cành những bông hoa sáng đỏ như bầu trời sao, cũng từng tầng từng lớp. Phải chăng đó là chốn hư không, nơi siêu thoát của các linh hồn? Anh bạn tôi lại bảo đây là không gian thiêng, vậy cây gạo là bát hương khổng lồ đấy, mỗi bông hoa là đầu một nén hương đang cháy.

Ý nghĩ nào cũng hay hay, tôi trở lại ngắm bông gạo trên tay và giật mình nhận ra nó chính là bát hương nhỏ xinh. Này nhé, đài sen năm cánh cứng dày xoè dựng đứng, lại bóng láng như tráng men da lươn, từ đó lại xoè ra năm cánh đỏ như những tai bát hương, bên trong dựng đứng năm bó nhị vây quanh một bó ở giữa cứ như những bó tăm hương.

Có nhẽ chỉ cây gạo, hoa gạo mới cho ta cảm giác cụ thể về cái ĐẸP và vẻ THIÊNG. Và tôi nhớ đến câu nói ở cửa miệng người già: “Thần cây đa, ma cây gạo”. Người già đi dự lễ tang bảo là đi đám ma, đi đưa ma; và khi nói đến sinh thời của người đã mất thì bảo là hồi mồ ma. Vậy ma là chỉ người khuất núi, chẳng thế mà người miền núi thờ ma tổ tiên. Thế thì “ma cây gạo” hẳn là chỗ nương tựa của người thân ở thế giới bên kia – nhất là các cô hồn. Hẳn thế nên nhiều người thường thắp hương ở gốc những cây gạo già.

Đơn sơ thế thôi, nhưng nhân đạo biết bao! Chăm sóc quá khứ thì hiện tại sẽ được tương lai nâng niu. Không như gốc đa thờ thần phải xây miếu. Và tôi chợt nuối tiếc cây gạo đại thụ phải mấy trăm tuổi ở góc sau Văn Miếu Hà Nội cứ đầu hè lại thắp sáng một mảng trời, và xa xưa trên cành cao thường thu hút quạ về đậu và làm tổ, vì thế người Pháp viết về Văn Miếu gọi đó là “ngôi đền quạ” (Le temple des corbeaux). Người xưa giải thích quạ là kim ô, là thiên sứ báo trước điềm trời. Cây gạo lá thưa, nhiều chim đậu hót, nhưng không kín đáo nên chỉ có quạ làm tổ thôi, và như thế cây gạo mang tư cách là cây vũ trụ. Cũng chính vì thế mà trong lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, khi dựng đàn lễ, người ta chôn chắc bốn cột liên kết với nhau thành hình vuông, trong mỗi cột lồng một cây tua, ở giữa chôn cây nêu và bao giờ cũng phải trồng một cành gạo thẳng to bằng cổ tay, sau đó buộc trâu vào cây nêu và tiến hành các nghi lễ đâm trâu; một thầy cúng đọc lầm rầm những lời cầu giàng phù hộ, và người ta tin rằng những lời thiêng đó sẽ theo hồn trâu leo qua cây gạo là trục vũ trụ lên tầng trên. Thế mà vài mươi năm trước, vì hương hoa của thập phương ngày đêm không ngớt mà cây gạo ở Văn Miếu Hà Nội bị chặt oan! Nội thành Hà Nội còn hai cây gạo ở bờ hồ Hoàn Kiếm, thì cây gạo ở trước đền Ngọc Sơn ốm o rồi chết. Tuy không cứu được nó, nhưng để cây gạo ở trước “Nhà đèn” không phải lẻ loi, công ty Công viên và cây xanh Hà Nội đã mang một cây gạo nhỏ từ Hà Tây về trồng thế chỗ. Dù sao hiện nay những người Hà Nội biết đến cây gạo bờ hồ, cứ phải ra các đền chùa ở ngoại thành và các tỉnh lân cận mới được chiêm ngưỡng nó và chiêm nghiệm tâm linh dân tộc!

Lại nhớ người Ba Na có tục chị em nào ngoại tình thì bị buôn làng trói vào cây gạo và đánh trăm roi. Hình phạt này không chỉ để gai gạo cùng với đòn roi hành hạ thân xác mà còn là toà án tinh thần cáo với ma và Giàng.

Gốc gạo có nhiều vấu to nổi khối và do đó có nhiều hốc, người xưa quan niệm đó là nơi hồn ma trú ngụ, thân gạo thẳng lại có gai được xem là những nấc thang để hồn ma trèo lên các tầng cao mà hòa nhập vào vũ trụ. Cây gạo đôi khi trồng ở ven đê, ven lộ vừa để người sống mở quán hàng nước, vừa để cô hồn bơ vơ có chỗ nương tựa. Nhưng gạo thường được trồng ở sân bãi của đền chùa, tức những không gian thiêng, ngoài những ý nghĩa đã nêu, còn để các hồn ma được nương bóng Thần, Phật mà mong siêu thoát.

Cây gạo lá thưa ít bóng mát, gỗ gạo nhẹ xốp không tiện để đóng đồ dùng, có nghĩa giá trị thực dụng – kinh tế không đáng kể. Nhưng các làng quê đều rất quan tâm đến việc trồng cây gạo để góp phần vào diện mạo văn hóa làng mình. Trong tư duy liên tưởng của người Việt, tên cây gạo còn gợi đời sống cơm no, và quả gạo khi nở bung ra những túm bông trắng có thể thu gom làm chăn gối, nhưng cơ bản là gợi áo ấm, “cơm no, áo ấm” là “hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ” của người nông dân, vậy mà bao đời chỉ là hoài vọng, đến nay mới thành hiện thực. Vì quả gạo nở ra bông, nên cây gạo có tên Hán Việt là miên thụ (cây bông), và Tây Nguyên gọi là cây pơ-lang. “Hoa mộc miên”, “hoa pơlang” đã được các nhạc sĩ thổi hồn thành những bài ca đắm say, da diết, tung bay…

Đi sâu vào tư liệu dân tộc học và móc nối suy tư, chúng ta có các cảm nhận trên. Dù sao vẫn là chủ quan. Nhưng sử cũ đã ghi rất rõ cả nghìn năm trước dân tộc ta coi cây gạo là cây thiêng, cây vũ trụ, là thiên sứ mang thông điệp của Trời báo điềm lành cho dân cho nước: Đầu thế kỷ 10, Cao Biền cắt yểm long mạch nước ta, thì năm 936 thiều sư La Quý An đã trồng cây gạo ở chùa Minh Châu đất Cổ Phát (còn gọi Diên Uẩn) để trấn trị lại, và đọc kệ nói rõ khi nào cây gạo có hình rồng leo thì đến ngày Thổ (tức Mão – thỏ, mèo) tháng Thử (tức Tý = chuột) năm Kê (tức Dậu = gà) sẽ có vua sáng lập ra vương triều nhà Lý. Đầu thế kỷ 11 quả nhiên cây gạo đó bị sét đánh để vết lại như hình rồng leo và cũng là bài sấm thi khẳng lại chuyện xưa. Sau đó quả nhiên vào mùng 2 tháng Tý (tháng 1 tức tháng thứ 11 âm lịch) năm Kỷ Dậu (1009), Lý Công Uẩn (Ông họ Lý người làng Diên Uẩn) lên ngôi hoàng đế, lập vương triều Lý, mở ra kỷ nguyên Đại Việt rạng rỡ. Vì làng Diên Uẩn có cây gạo bị sét đánh nên đổi tên là Đình Sấm, là Dương Lôi (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh), hiện còn đền thờ bà Phạm Thị Ngà là thân mẫu vua Lý Thái Tổ và đình có đủ ngai, sắc thờ tám vua nhà Lý (Lý Bát Đế), hàng năm vẫn mở hội kỷ niệm ngày sinh Lý Công Uẩn (12 tháng 2 âm lịch).

Theo CÂY CẢNH THĂNG LONG

Tags: , ,