Bài học lòng dân từ sự hưng thịnh và suy vong của triều đại Tây Sơn

Triều đại Tây Sơn khi được lòng dân vào Nam ra Bắc đánh trăm trận trăm thắng. Thế nhưng, để mất lòng dân thì sụp đổ rất nhanh.

Bài học lòng dân từ sự hưng thịnh và suy vong của triều đại Tây Sơn

Lý do tiến đánh Bắc Hà

Quang Trung Nguyễn Huệ quê gốc ở làng Thái Lão, Hưng Nguyên, Nghệ An nhưng đã bốn đời định cư ở làng Kiên Mỹ, ấp Tây Sơn (nay là thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định). Trong bối cảnh đất nước bị chia cắt hơn 200 năm thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, đối với ông, Thăng Long cũng như Bắc Hà có lẽ xa vời như một đất nước khác.

Vào ngày 14/5 Bính Ngọ (1786), sau khi đánh chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Hữu Chỉnh với rất nhiều tham vọng cá nhân, đã khuyên ông nên đánh lấy Bắc Hà. Chỉnh nói: “Nay ở Bắc Hà tướng lười binh kiêu, triều đình không còn kỷ cương gì cả. Ta thừa thế mà đánh lấy, như trong sách đã nói: đánh nước yếu, chiếm nước ngu, lấy nước loạn, lấn nước suy vong; cơ và thời ấy không nên bỏ lỡ”.

Nhưng Nguyễn còn dùng dằng chưa quyết, bởi theo ông, “Bắc Hà là một nước lớn, có nhiều người tài, lời xưa nói: Con ong có nọc, há có thể khinh thường được ư?” (Hoàng Lê nhất thống chí). Nhưng rồi nhờ có sự biện luận khôn khéo của Nguyễn Hữu Chỉnh (Chỉnh vốn là cựu thần triều Lê -Trịnh, rất rõ nội tình Bắc Hà), Nguyễn Huệ quyết định đem quân ra Bắc, trong một chiến dịch thần tốc: Ngày 6/6 đến sông Vị Hoàng (nay thuộc Nam Định), ngày 26/6 đã chiếm được Thăng Long.

Hai lần tiến ra Thăng Long

Lần đầu tiên Nguyễn Huệ tiến ra Thăng Long, sĩ phu và dân chúng Bắc Hà không hiểu hành động của ông, coi đó như một hành động xâm lược. Nhân dân thì sợ hãi: “Thành ngoại, thành trung hãi kiến văn” (Trong thành, ngoài thành khi trông thấy, nghe thấy đều kinh hãi – Lê quý dật sử, Bùi Dương Lịch).

Họ tưởng rằng quân Tây Sơn vào xâm lược và tàn phá đất nước “Thiên cổ y quan thành thổ tử” (Noi áo mũ ngày xưa thành ra cỏ rác – Bùi Dương Lịch, Sđd). Vì thế nhân dân thì ngơ ngác, sợ hãi, sĩ phu thì quay lưng lại với nhà Tây Sơn, phần lớn trốn về vùng hẻo lánh, mai danh ẩn tích. Nguyễn Huệ ở lại Thăng Long gần hai tháng rồi trở về Nam, giao lại quyền bính cho vua Lê. Lần ra Bắc này, ông cưới Ngọc Hân công chúa và trở thành phò mã nhà Lê.

Lần thứ hai Nguyễn Huệ tiến ra Thăng Long vào tháng 5/1788 để diệt Vũ Văn Nhậm, lập lại trật tự ở Bắc Hà. Lần này một bộ phận trí thức thức thời đã bắt đầu hiểu được sự nghiệp chính nghĩa của nhà Tây Sơn. Cụ thể là trong chuyến ra Bắc ngắn ngủi này có nhiều trí thức, sĩ phu Bắc Hà đã tình nguyện đứng dưới cờ Tây Sơn. Tiêu biểu là các ông:

Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) đỗ Tiến sĩ năm 1775, sau này làm đến thượng thư bộ Binh, tước Tình Phái hầu.

Phan Huy Ích (1750 – 1822) đỗ Tiến sĩ năm 1775, sau này làm đến Thượng thư bộ Lễ, tước Thụy Nham hầu.

Nguyễn Thế Lịch còn có tên là Nguyễn Gia Phan (1748 – 1817) đỗ Tiến sĩ năm 1775, sau này làm đến Thượng thư bộ Lại, tước Hầu.

Ninh Tốn (1743 – ?) đỗ Tiến sĩ năm 1778, sau này làm đến Thượng thư bộ Binh, tước Hầu.

Các ông đều đứng dưới cờ Tây Sơn trong dịp này và về sau đều trở thành những đại thần trụ cột của nhà Tây Sơn. Tuy nhiên, lúc đó lòng dân vẫn chưa hướng hẳn về nhà Tây Sơn, một số cựu thần nhà Lê liên kết với một số hào mục địa phương vẫn còn tập hợp dân chúng nổi lên ở nhiều nơi, chống lại nhà Tây Sơn, mong khôi phục lại nhà Lê. Một số văn thần võ tướng, hoàng thân quốc thích nhà Lê như Lê Duy Đản, Trần Danh Án, Đinh Tích Nhưỡng, Nguyễn Viết Tuyển, Trần Quang Châu, Trương Đăng Quỹ. . . còn nổi lên ở nơi này nơi khác gây cho nhà Tây Sơn không ít khó khăn.

Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh

Từ khi Lê Chiêu Thống cầu cứu quân Thanh xâm lược nước ta, nhân dân ta thấy được vai trò nhà Lê đã hết, Lê Chiêu Thống là ông vua bán nước, rước voi giày mả tổ. Trong khoảng một tháng rưỡi trở lại cầm quyền ở Thăng Long (từ 11/11 Mậu Thân đến trước ngày mồng 5/1 Kỷ Dậu 1789), Lê Chiêu Thống chỉ chăm chú vào việc trả thù hèn hạ những người từng theo Tây Sơn trước đây, không kể đó là hoàng thân, quốc thích.

Việc trả thù, chém giết tràn lan, đến nỗi bà Thái hậu phải nổi giận kêu lên: “Ta phải trèo đèo lội suối vất vả mới xin được quân (chỉ quân Thanh) sang đây. Phỏng chừng nhà nước chịu được mấy phen ơn thù phá hoại như thế? Nếu cứ cách ấy mà làm thì trị sao được thiên hạ? Gái già này lại đến làm đứa lưu vong mất thôi”. Rồi Thái hậu gào khóc không chịu vào cung” (Hoàng Lê nhất thống chí).

Đối với nội bộ thì như thế, đối với quân Thanh thì chịu luồn cúi đê hèn, hằng ngày phải chầu chực trước dinh Tôn Sĩ Nghị xin ý kiến, chỉ thị. Đến nỗi người ta nói với nhau rằng: “Nước Nam ta từ khi có đế vương đến nay chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế” (Hoàng Lê nhất thống chí).

Chút tình cảm còn lại đối với nhà Lê đến đây đã hết. Lòng người hướng về Tây Sơn, về Quang Trung Nguyễn Huệ. Chính vì thế mà trên đường từ Phú Xuân ra Thăng Long, quân ta đi đến đâu nhân dân ta lại nô nức lên đường tòng quân. Hàng chục vạn quân Tây Sơn đã được bổ sung như thế.

Ở Thăng Long, ngay phía bên này là Khương Thượng – Chùa Bộc sào huyệt của quân Thanh thì phía bên kia sông Tô, ngay cạnh Cống Mộc, làng Nhân Mục là nơi ẩn giấu quân ta từ trước 30 Tết mà giặc không hề hay biết.

Đó chính là đội quân tiên phong của Đô đốc Long bí mật ém sát từ trước để điều tra tình hình địch. Để rồi đêm mồng 4 rạng mồng 5 Tết Kỷ Dậu, ta bất ngờ tập kích vào Khương Thượng – Đống Đa, làm cho địch hoang mang bối rối tưởng như quân ta “tướng từ trên trời xuống, quân từ dưới đất chui lên” (từ dùng của tướng giặc).

Trận địa rồng lửa của nhân dân ta từ các làng xung quanh: Khương Thượng, Thịnh Quang, Nam Đồng cùng khép chặt vòng vây trợ chiến, làm cho quân Thanh ở đây hoàn toàn tan rã. Tướng giặc Sầm Nghi Đống không kịp tẩu thoát, phải thắt cổ tự tử.

Trận tập kích bất ngờ, táo bạo vào Khương Thượng – Đống Đa là một mũi dao nhọn, thọc sâu vào nách địch, làm cho chúng choáng váng, mất tinh thần, tạo điều kiện cho hướng chính Quang Trung đập tan tập đoàn mạnh nhất của địch cố thủ ở Ngọc Hồi, mở toang cánh cửa vào Thăng Long. Trưa mồng 5/1 Kỷ Dậu, đạo quân chiến thắng đã rầm rộ tiến vào kinh đô, trong niềm hân hoan phấn khởi chào đón của trăm họ. Một nhà thơ đương thời đã kịp ghi lại cảnh hào hùng có một không hai trong lịch sử này:

Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến
Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh
Mây tạnh, mù tan, trời lại sáng
Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
Chen vai thích cánh cùng nhau nói:
Cố đô vẫn thuộc núi sông ta.

(Ngô Ngọc Du – Long thành quang phục kỷ thực)
Nhà Tây Sơn và bài học lòng dân

Vua Quang Trung và triều đại Tây Sơn đã trải qua một thời gian dài mới thu phục được lòng dân. Và sau khi đã được lòng dân thì dù vào Nam ra Bắc trăm trận trăm thắng. Thế nhưng, để mất lòng dân cũng rất nhanh. Chỉ 10 năm sau khi Quang Trung mất, triều đình Quang Toản vua thì hèn kém, các đại thần thì gây bè kéo cánh, tàn hại lẫn nhau, lòng dân lìa tan.

Chúa Nguyễn Ánh sau khi tập kích chiếm được kinh đô Phú Xuân (5/1801), mùa xuân Nhâm Tuất (1802) bắt đầu vượt sông Gianh, chiếm châu Bố Chánh (Quảng Bình). Quân Tây Sơn tan vỡ, chạy về doanh Hà Trung (nay là Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ngày 25/8 Nhâm Tuất (1802) quân Nguyễn đổ bộ lên Đan Nhai (Cửa Hội) đánh chiếm được Nghệ An. Tháng 6, đánh chiếm được Thanh Hóa. Ngày 18/6 tiến ra Thăng Long. Quang Toản bỏ thành chạy về phía Bắc, bị thổ hào địa phương bắt được, giao cho quân Nguyễn đóng cũi giải về Phú Xuân. Triều đại Tây Sơn bị dẹp tan. Một kết cục thật chóng vánh.

Như vậy, tính từ khi đánh được Nghệ An, chỉ 20 ngày, quân Nguyễn đã chiếm được Thăng Long, chinh phục được hoàn toàn Bắc Hà. Đây cũng có thể được coi là cuộc tiến công thần tốc. Chung quy lại, chỉ vì triều đình Quang Toản để mất lòng dân. Cho nên, người xưa nói: “Mất lòng dân là mất tất cả”.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,