Bài học bảo vệ môi trường từ người Nhật

Một trong những điều may mắn của cuộc đời tôi là được công tác trong môi trường làm việc của người Nhật Bản. Họ trực tiếp giảng dạy tôi về phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và ý thức bảo vệ môi trường từ hành động nhỏ nhất.

Từ lần đầu tiên gặp gỡ, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy mấy bác trong đoàn công tác của Hiệp hội thời tiết Nhật Bản ai cũng mang theo một ba lô hoặc túi xách bằng giấy. Đến nơi làm việc, tôi mới vỡ lẽ ba lô của họ có cả ngăn chứa rác. Họ còn tỉ mẩn phân loại giấy loại bỏ, chai nhựa, vỏ lon nước ngọt đã bị đập bẹp vào từng thùng rác khác nhau.

Cô phiên dịch Hoài Thu, có thời gian du học ở Nhật gần 10 năm, giải thích, ở bên đấy, sáng nào, mấy bác này đi làm việc cũng kiêm luôn nhiệm vụ mang rác của gia đình đến nơi thu gom theo đúng lịch. Thấy tôi sửng sốt, cô phiên dịch cho biết thêm, ở mình nói đến rác thì ai cũng sợ vì nó mất vệ sinh nhưng tại Nhật, nhà máy xử lý rác thải được quy hoạch và xây dựng đẹp, y như một khu nghỉ dưỡng cao cấp, tấp nập khách thăm quan. Thậm chí, nhiều nơi còn thiết kế cả hồ bơi nước nóng để tiết kiệm nhiệt năng sản sinh ra khi thiêu hủy rác.

Buổi chiều, mọi người trong đoàn cùng nhau đi ăn tối tại một quán chuyên bán đồ hải sản nằm bên bờ biển. Bác Meguro xắn cao quần, đi sát mép nước dùng tay vớt nhanh những bị nilon đang dập dờn theo sóng nước xô bờ. Đến khi chọn chỗ đặt bàn ăn, họ thích ở ngoài trời và trên nền cát. Dẫu rằng, đã luôn tâm niệm câu tục ngữ: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng “quê” với mấy người bạn mới khi thấy họ xếp ngay ngắn những vỏ sò, ốc vào đĩa, còn mình tự nhiên như thường ngày, thả luôn mọi thứ không ăn được xuống nền cát.

Trí tò mò của tôi bị kích thích cao độ, khi thấy bác Shimada đi ra một góc riêng, lấy từ trong túi quần một chiếc ví rất đẹp, châm thuốc lá hút và gạt tàn thuốc vào đó. Khi điếu thuốc cháy hết, bác bỏ nốt cái đầu lọc thuốc vào ví và cất lại túi quần. Tôi lân la hỏi về tập quán hút thuốc lá của người Nhật, bác Shimada cười cởi mở, chia sẻ nghiện thuốc lá là một thói quen không tốt, tốn nhiều tiền vì thuế nhập khẩu đánh vào loại hàng này ở Nhật rất cao. Khi sử dụng nó, bạn lại phải tuân thủ những quy tắc cầu kỳ, nếu không sẽ bị phạt nặng.

Lúc làm việc ca tối, giờ nghỉ giải lao, bác Maki luôn tay phân loại, gập cất mấy phụ kiện bảo quản thiết bị máy khí tượng cao không: giấy bạc, nilon, thuốc chống ẩm…, đã loại đi sau khi sử dụng máy. Cô phiên dịch Hoài Thu, cũng không để tay nghỉ ngơi với việc gấp túi đựng đồ ăn theo một quy trình. Kết quả là từ một túi nilon to đùng trở thành một hình tam giác nhỏ như cái kẹo. Hoài Thu nói: “Em đang bắt chước những người phụ nữ nội trợ ở bên Nhật. Họ rất tiết kiệm và tránh xả rác. Chỉ cần nhìn vào cạnh của tam giác là họ có thể biết được kích thước của túi tái sử dụng”.

Mọi người còn kể rằng, ở Nhật, họ không có thái độ e ngại khi sử dụng lại đồ cũ, hàng tái chế. Bên đó còn có những cửa hàng chuyên thu mua đồ dùng có thể tái sử dụng. Sau khi trải qua quá trình tẩy rửa, chỉnh sửa, các vật dụng được phục hồi gần như mới và bày bán cho mọi người có nhu cầu. Vật dụng gia đình dạng này rẻ hơn, hấp dẫn số đông khách hàng. Thậm chí, những khi hàng có ít, người mua nhiều, họ còn phải tổ chức bắt thăm lựa chọn khách may mắn được sở hữu món đồ tái chế.

Sau một năm quen biết và làm việc cùng với những người bạn Nhật, tôi đã học tập được bài học bổ ích về cách bảo vệ môi trường. Trên cơ sở những kiến thức và kỹ năng đã tích lũy, tôi luôn tình nguyện trở thành cộng tác viên truyền thông về lĩnh vực này. Với tôi, đồng nghiệp đến từ xứ sở mặt trời mọc là những người thầy môi trường tuyệt vời.

Theo ĐẶNG THANH BÌNH / VNEXPRESS

Tags: ,