Ba điều hoang tưởng của con người trong nhận thức về thiên nhiên

Chúng ta “chinh phục” thiên nhiên? Chúng ta “cứu lấy” thiên nhiên? Chúng ta “mua” thiên nhiên?

Ba điều hoang tưởng của con người trong nhận thức về thiên nhiên

1. Chúng ta “chinh phục” thiên nhiên?

Từ lúc bé cho đến tận bây giờ, rất nhiều lúc tôi được nghe ai đó nói “con người đã/đang/sẽ chinh phục thiên nhiên”. Từ “chinh phục” chỉ việc khiến cho ai đó phải tuân theo ý muốn của bản thân bằng cách sử dụng vũ lực. Nếu với nghĩa như vậy, thì câu nói “con người chinh phục thiên nhiên” chỉ đúng một nửa, đó là chúng ta đang hàng ngày sử dụng vũ lực với thiên nhiên. Còn nếu ai đó nói rằng chúng ta khiến cho thiên nhiên tuân theo ý mình, thì đó là một vọng tưởng to đoành và tai hại.

Chúng ta “chinh phục” thiên nhiên, vậy tại sao chúng ta phải xây nhà xây cửa, may áo đan khăn để bảo vệ bản thân khỏi thiên nhiên? Tại sao mỗi khi thiên nhiên nổi cơn thịnh nộ thì chúng ta tan cửa nát nhà, hàng trăm hàng nghìn đồng loại của chúng ta bỏ mạng? Tại sao chúng ta không thể “ra lệnh” được cho thiên nhiên đừng động đất, đừng bão lũ? Vì con người vẫn còn quá nhỏ bé trước thiên nhiên. Nếu chúng ta có thấy những cái chúng ta làm là “vĩ đại”, là “kỳ tích”, thì cũng chỉ là vì tầm nhìn của chúng ta quá hạn hẹp, giống như một đứa trẻ sướng rơn khi mới biết đi biết đọc vậy. Thiên nhiên không “sợ” chúng ta, mà chính chúng ta mới phải sợ hãi trước thiên nhiên trong nhiều nhiều năm nữa.

Trên thực tế, chúng ta chưa bao giờ thoát ra khỏi được bàn tay của thiên nhiên. Chúng ta đắp đập ngăn sông, tạo ra xe cộ máy móc, phát triển khoa học kỹ thuật, đều là dựa vào việc tìm hiểu và tuân theo các quy luật của thiên nhiên. Chúng ta không thể “ra lệnh” cho ô tô tự chạy, hay máy bay tự bay. Chúng ta không “cải tạo thiên nhiên”, mà chúng ta cải tạo chính chúng ta, uốn nắn hành vi của chúng ta cho phù hợp với thiên nhiên, để sống sót và thu lợi từ thiên nhiên. Trước thiên nhiên, chúng ta chưa bao giờ “sáng tạo” ra một cái gì mới mẻ cả, mà chỉ khám phá và tận dụng những cái do thiên nhiên tạo sẵn. Giống như người lái đò sông Đà tự do giữa dòng nước hùng vĩ là vì nắm được quy luật của con sông, tự do của con người không nằm ở việc chống lại và đứng trên thiên nhiên, mà phụ thuộc vào việc chúng ta hiểu rõ và hòa mình theo thiên nhiên.

2. Chúng ta “cứu lấy” thiên nhiên?

Trong khoảng hơn hai thập kỷ trở lại đây, vấn đề tàn phá thiên nhiên bắt đầu được bàn đến nhiều hơn. Con người bắt đầu ý thức được ảnh hưởng tiêu cực của những việc làm của mình lên thiên nhiên xung quanh: các loài động vật bị đe dọa rồi biến mất, khí hậu thay đổi, môi trường ô nhiễm,… Chúng ta bắt đầu nói đến việc phải “bảo vệ” thiên nhiên, phải “cứu lấy” thiên nhiên. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử hàng triệu triệu năm của Trái Đất, thì thiên nhiên đã trải qua những thời kỳ còn khắc nghiệt hơn nhiều: từ thời kỳ hỗn mang, đến kỷ băng hà, rồi va chạm thiên thạch. Qua bao nhiêu thăng trầm, thiên nhiên vẫn tồn tại, hay nói đúng hơn toàn bộ những cái đó chính là thiên nhiên. Thiên nhiên không cần chúng ta cứu rỗi, vì không có chúng ta thiên nhiên vẫn tồn tại và phát triển.

Cái chúng ta muốn cứu không phải là bản thân thiên nhiên, mà là những thứ chúng ta đang được thiên nhiên ban phát hàng ngày: năng lượng, nhiệt độ, không khí, hệ động thực vật,… Chúng ta muốn giữ lại những gì của thiên nhiên hiện tại, vì nếu không có những cái đó thì chúng ta sẽ không thể sống được. Cái chúng ta muốn cứu và cần phải cứu chính là bản thân cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không phải những người anh hùng cưỡi bạch mã đến giải cứu thiên nhiên, mà chỉ như một đứa trẻ đang phải cố gắng ngoan ngoãn hơn vì sợ bị mẹ thiên nhiên tước mất đồ chơi hay thậm chí là bỏ đói.

3. Chúng ta “mua” thiên nhiên?

Có vài lần tôi nghe được những câu biện luận kiểu “tôi trả tiền thì tôi được dùng” cho việc lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Có thực là chúng ta “mua” được tài nguyên từ thiên nhiên không? Việc “mua bán” của con người hàm chứa trong nó sự trao đổi quyền sở hữu đối với một cái gì đó. Nhưng bản thân quyền sở hữu là một khái niệm do con người tự tạo ra, và chỉ có ý nghĩa chừng nào xã hội con người còn có trật tự. Chúng ta trả tiền cho nhau để trao đổi một thứ chúng ta tự nghĩ ra. Giá tiền của tài nguyên thể hiện giá trị của công sức thu lượm chế biến và một số tính chất nào đó của tài nguyên trong mắt con người, chứ không phải giá trị của bản thân tài nguyên. Tài nguyên có giá tiền rẻ không có nghĩa là có giá trị thấp, và càng không có nghĩa là chúng ta dùng bao nhiêu cũng được.

Theo NGUYENHUUBAOTRUNG.INFO

Tags: ,