Anton Pavlovich Chekhov: Thiên tài truyện ngắn của nền văn học Nga

Về mặt nghệ thuật truyện ngắn của Chekhov có chiều sâu tâm lý rất lớn, lột tả tinh tế nội tâm các nhân vật đặc trưng của tầng lớp Nga vào thế kỷ 19 nhất là thành phần thị dân, trí thức trung lưu.

Anton Pavlovich Chekhov: Thiên tài truyện ngắn của nền văn học Nga

Đôi nét về Chekhov

Chekhov tên đầy đủ là Anton Pavlovich Chekhov, ông sinh ngày 29/1/1860, tại Taganrog, miền Nam nước Nga trong một gia đình lao động buôn bán nhỏ, đông con.

Bố của nhà văn – Paven Egorovich Chekhov là một người sùng đạo, là một thương nhân bán dạo, có một quầy hàng xén nhỏ nhưng sau này bị phá sản. Mẹ của nhà văn – Evgenya Yakovleva Tsekhova là một người mồ côi và có cuộc sống cơ cực từ nhỏ, bà là một người phụ nữ đáng thương, bà cần mẫn, yêu nghệ thuật và giáo dục cho các con tình yêu thiên nhiên, lòng thương và quý trọng đối với những người nghèo khổ. Bố mẹ ông làm việc vất vả để nuôi bảy người con, ông là con thứ ba trong gia đình.

Ông là người chịu nhiều khó khăn trong cuộc sống. Năm 16 tuổi ông đã phải chống chọi với đám nợ của gia đình sau khi cha ông phá sản. Ông phải cật lực đi làm để nuôi bản thân và cố gắng học trung học. Gia đình ông rơi vào cảnh lầm than từ khi sụp đổ cơ nghiệp, anh em phân tán, cũng chính hoàn cảnh đó đã ảnh hưởng ít nhiều đên việc học, việc yêu đương và những sáng tác của ông.

Năm 1879 Chekhov vào học khoa y, Đại học tổng hợp Moskva. Năm 1884 tốt nghiệp đại học, ra làm nghề bác sĩ và viết văn. Chekhov viết truyện ngắn từ năm 1880 và liên tục cho đến cuối đời.

Năm 1884, ông tốt nghiệp y khoa và sau đó làm việc tại Moskva. Đây là dịp ông có thể hiểu sâu hơn về đời sống nhân dân. Ông tham gia chữa bệnh về thể xác lẫn tinh thần cho nhân dân bằng con đường viết báo và văn chương do chứng kiến nhiều cảnh sống cơ cực của nhân dân để nói lên một xã hội tha hóa, đày ải người dân, từ đó ông đặt nặng cảm nghĩ về đất nước và con người.

Ông là người lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên, có tài quan sát bẩm sinh cùng với sự hóm hỉnh, thông minh thiên phú, Chekhov giỏi nắm bắt những nét hài hước trong hành động và tính cách của con người. Ông là người đại diện cho trào lưu văn học hiện thực của Nga với nhiều sáng tác trên nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch.

Ở thời kỳ đầu ông viết truyện cho nhiều tờ báo châm biếm, ký nhiều bút danh khác nhau. Giai đoạn này có nhiều truyện đặc sắc như: Con kỳ nhông, Anh béo và anh gầy, Mặt nạ… Giai đoạn chín muồi của tài năng, Chekhov viết những truyện có độ dài hàng chục trang và có giá trị lớn: Thảo nguyên, Câu chuyện buồn tẻ, Phòng số 6, Người trong bao… Chekhov đạt đến những tiêu chuẩn lý tưởng của truyện ngắn: hình thức giản dị, ngắn gọn; nội dung phong phú; ngôn ngữ đẹp và chính xác; tính hài hước, châm biếm mà vẫn đượm chất trữ tình…

Trong khoảng thời gian từ năm 1886 – 1888 là thời kì Chekhov chuyển từ truyện ngắn khôi hài sang truyện ngắn dài hơn và chủ đề nghiêm túc rõ ràng hơn trước.

Ngoài truyện ngắn Chekhov còn là một nhà viết kịch tài năng có nhiều đóng góp vào việc cách tân thể loại kịch. Trong các tác phẩm kịch nghệ, Chekhov muốn truyền đạt những bối cảnh của đời thường, thoát ra khỏi khuôn sáo truyền thống của mô-típ và cách diễn đạt kịch tính. Các vở kịch của ông thoát khỏi khuôn sáo là chủ yếu tập trung vào nhân vật chính.

Tác phẩm của Chekhov thể hiện đầy đủ tính cách dân tộc Nga – mềm dẻo và tế nhị, thân mật và chân tình, không điệu bộ, kiểu cách hay thói giả nhân giả nghĩa. Tình yêu đối với con người, lòng trắc ẩn trước nỗi đau khổ, lòng thương đối với những người khuyết tật của Chekhov luôn luôn mới mẻ và mãi mãi rung động lòng người.

Chekhov là một nhà văn và đồng thời ông cũng là một bác sĩ nên trong tác phẩm của ông xuất hiện không ít những nhân vật bị bệnh tâm thần như Phòng số 6 hay Tu sĩ mặc đồ đen đều nhắc đến những con người có chứng bệnh hoang tưởng.

Năm 1890, Chekhov đi Sakhalin, chốn tận cùng Sibir, hòn đảo mà Nga hoàng dùng làm nơi đày ải tù nhân. Thực tiễn nghiệt ngã không thể tưởng tượng nổi ở chốn địa ngục trần gian đã làm cho Chekhov có cái nhìn nghiêm khắc hơn, thái độ phê phán quyết liệt hơn đối với thực tại và càng nặng trĩu tấm lòng thương yêu nhân dân, thương yêu những nạn nhân của chế độ Nga hoàng. Nhiều đề tài, nhân vật được thai nghén cho những truyện mà Chekhov sẽ viết về sau.

Chekhov bị bệnh lao, vào năm 1897 phải dời đến sinh ống tại vùng ấm áp Yalta, nằm kề biển Đen. Năm 1941, ông kết hôn với nữa diễn viên Olga Leonardovna Knipper. Trong thời gian này, sức khỏe của ông đi xuống dần. Ông qua đời năm 1904 ở khu nghỉ mát Badenweiler tại Đức.

Sự nghiệp sáng tác văn học

Ông là một người có số lượng sáng tác đồ sộ gồm 500 truyện ngắn và truyện vừa. Ông được xem là nhà văn hiện thực tiêu biểu của Nga vào thế kỷ 19.

Những tác phẩm tiêu biểu của ông như: Người trong bao, Anh béo và anh gầy, Con kì nhông, Chim hải âu, Ba chị em, Vườn anh đào…

Ông được xem là nhà văn có nhiều bút danh nhất với tổng cộng hơn 50 bút danh và nổi tiếng nhất là bút danh “Antosha Chekhonte”.

Theo nhà nghiên cứu Trudacos thì sáng tác của Chekhov chia làm 3 giai đoạn gắn với đặc điểm sáng tác của ông: giai đoạn đầu (1880 – 1887) gắn với lối viết trần thuật chủ quan; giai đoạn hai (1888 – 1894) gắn với trần thuật khách quan; giai đoạn thứ ba (1895 – 1904) là sự kết hợp hài hoà trần thuật chủ quan và khách quan.

Về mặt nghệ thuật truyện ngắn của Chekhov có chiều sâu tâm lý rất lớn, lột tả tinh tế nội tâm các nhân vật đặc trưng của tầng lớp Nga vào thế kỷ 19 nhất là thành phần thị dân, trí thức trung lưu. Ngôn ngữ của ông rất tinh tế đã nâng tiếng Nga lên tầm hiện đại. Ông là nhà văn có ảnh hưởng rất lớn đến văn học và văn hóa Nga cũng như văn học thế giới.

Chekhov được xem là nhà văn đã nâng truyện ngắn lên tầm cao mới ở Nga và sau này là ở thế giới. Ông là người có cách viết chân thật, gần gũi. Ông chú trọng đến việc miêu tả nội tâm nhân vật một cách gián tiếp thay vì miêu tả trực tiếp. Những truyện ngắn của ông thường có kết thúc mở để người đọc tự chiêm nghiệm và rút ra những bài học cho bản thân mình.

Ông là nhà văn được viện hàn lâm Nga tặng giải Puskin với tập truyện ngắn Trong bóng hoàng hôn.

Theo IVIVI

Tags: , , ,