Ẩn số lịch sử về chuyện lên ngôi của vua Lê Đại Hành

Việc nhà Tiền Lê lên thay nhà Đinh, chuyện lên ngôi của vua Lê Đại Hành đến nay vẫn ẩn chứa những bí mật chưa thể giải đáp.

Ẩn số lịch sử về chuyện lên ngôi của vua Lê Đại Hành

Mộ vua Lê Đại Hành ở Cố đô Hoa Lư.

Bí ẩn về việc Lê Hoàn được nhường ngôi

Triều đại này thay thế triều đại kia trị vì đất nước là chuyện thường thấy trong lịch sử Việt Nam trung đại. Tuy nhiên, nếu như sự chuyển tiếp từ triều Tiền Lê sang triều Lý, từ Lý sang Trần, từ Trần sang Hồ, từ Lê sơ sang Mạc… đều được sử sách lí giải thỏa đáng thì việc nhà Tiền Lê lên thay nhà Đinh lại vẫn ẩn chứa những bí mật đến nay chưa thể giải đáp.

Lần trong sử sách, nhà Tiền Lê được thành lập vào tháng 7/980 với người mở đầu là Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn, 941-1005). Lê Hoàn người Thanh Hóa, xuất thân là thuộc tướng của Đinh Liễn (con trai Đinh Bộ Lĩnh tức Đinh Tiên Hoàng về sau).

Lê Hoàn đã sát cánh chiến đấu bên cạnh cha con họ Đinh trong công cuộc đánh dẹp các sứ quân, khôi phục quốc gia thống nhất. Sau cuộc bình loạn an dân, mùa xuân năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế. Với những công lao đạt được, Lê Hoàn được phong chức Thập Đạo Tướng Quân là chức tổng chỉ huy quân đội cả nước. Tháng 10/979, Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết hại.

Có những cơ sở để nghi ngờ Hoàng Hậu Dương Vân Nga và Lê Hoàn là chủ mưu giết vua đoạt quyền thông qua bàn tay Đỗ Thích. Sau đó, con trai Dương hậu là Đinh Toàn mới 6 tuổi được đưa lên ngôi. Dương hậu trở thành Thái Hậu nhiếp chính, còn Lê Hoàn làm Phó Vương phụ chính giúp rập ấu chúa.

Cái chết bất ngờ của vua Đinh và việc Lê Hoàn trở thành Phó Vương đã kéo theo những biến cố chính trị, quân sự dồn dập ngay sau đó.

Là Phó Vương phụ chính, Lê Hoàn chắc hẳn đã có những hành động chuyên quyền khiến các đại thần là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp không thể chịu được. Họ đã liên thủ khởi binh để lật đổ Lê Hoàn và trả lại quyền lực cho vua Đinh. Nhưng ba người quân ít sức yếu, sau vài trận giao tranh đã bị Lê Hoàn đánh bại. Cả ba đều bị giết chết. Sau khi họ chết, những người dám phản đối Lê Hoàn kể như không còn ai.

Sau đó, triều Đinh lại nhận tin dữ. Phò Mã Ngô Nhật Khánh lợi dụng đất nước rối loạn, đã chạy sang Chiêm Thành xin vua Chiêm giúp hắn về nước cướp ngôi. Vua Chiêm đồng ý và cùng Ngô Nhật Khánh đem thủy binh tiến sang Đại Cồ Việt. May mà bão biển nổi lên kịp thời, nhấn chìm Ngô Nhật Khánh và tham vọng xâm lăng của vua Chiêm, giúp triều đình Đinh Toàn tránh được một cuộc chiến tranh đến từ phía Nam.

Sau hai sự việc trên, Thái Hậu Dương Vân Nga hoàn toàn dựa vào Lê Hoàn để ổn định tình hình mọi mặt của đất nước. Lê Hoàn nắm binh quyền lại ở địa vị trị nước thay vua, tất nhiên uy quyền ngày càng lớn, phe cánh ngày càng đông. Mẹ con Dương Vân Nga theo đó càng ngày càng bị cô lập, không tìm đâu ra người có thể tin cẩn nữa.

Tình cảnh bi đát của mẹ con Dương Vân Nga không cánh mà bay, truyền đến tận tai Hoàng Đế nhà Tống bên Trung Hoa. Sử nhà Tống ghi nhận, Lê Hoàn “dời Đinh Toàn ra nhà khác, cấm cố cả nhà họ Đinh” (Theo Tống sử, quyển 438). Tin ấy cùng lời tâu xin đánh chiếm Đại Cồ Việt của một viên quan là Hầu Nhân Bảo đã khiến Hoàng Đế nhà Tống quyết tâm xua quân xâm lược nước ta.

Giữa năm 980, tin báo quân Tống sắp kéo sang như gió mưa ào ạt đưa đến kinh đô Hoa Lư. Tháng 7 năm ấy, Lê Hoàn thay mặt Thái Hậu họ Dương phong tướng dưới quyền là Phạm Cự Lạng (em trai của Phạm Hạp) làm Đại Tướng Quân và sai Phạm Cự Lạng dẫn quân lên miền Lạng Châu (Lạng Sơn ngày nay) để chuẩn bị kháng địch. Phạm Cự Lạng đi nửa đường thì quay lại, kéo quân thẳng về kinh thành. Đến nơi, Phạm Cự Lạng cùng các thuộc tướng, mình mặc áo giáp tay cầm vũ khí, đi thẳng vào Hoàng Cung. Giữa đông đảo bá quan, Phạm Cự Lạng lớn tiếng nói:

“Thưởng người có công, giết kẻ không theo mệnh lệnh là kỉ luật hành quân. Nay chúa thượng trẻ thơ, chúng ta dù hết sức liều chết chống kẻ địch bên ngoài, may lập được chút công thì ai biết cho. Chi bằng trước hãy tôn Thập Đạo Tướng Quân làm Thiên Tử, rồi sau sẽ đem quân đi đánh thì hơn” (Đại Việt sử kí toàn thư, Kỉ nhà Đinh).

Phạm Cự Lạng vừa dứt lời thì quân lính bên ngoài đã hò reo tán thành vang dội.

Tình thế quả là nguy ngập đối với Dương Vân Nga và Đinh Toàn. Nếu Dương Vân Nga không chấp thuận ý kiến của các tướng, rất có thể sẽ nổ ra một cuộc chính biến và tính mạng của mẹ con bà sẽ muôn phần nguy hiểm. Liệu thế không thể làm gì hơn, trước áp lực của quân đội, Dương Vân Nga buộc lòng lấy áo Long Cổn (áo của vua có thêu hình rồng) khoác lên cho Lê Hoàn và mời Lê Hoàn lên ngôi báu. Lê Hoàn không chối từ mà nhận ngay. Nhà Đinh chấm dứt và nhà Tiền Lê được dựng lên kể từ đó.

Chuyện Dương Vân Nga bị quân đội bức hiếp phải trao ngai vàng cho Lê Hoàn là điều đã rõ ràng trong sử sách. Có điều, việc Phạm Cự Lạng dám qua mặt bề trên là Lê Hoàn mà xông thẳng vào Hoàng Cung và thái độ thản nhiên tiếp nhận ngôi vua của Lê Hoàn khiến chúng ta không khỏi nghi ngờ. Hai việc ấy là ngẫu nhiên hay được sắp đặt từ trước?

Sách Đại Việt sử kí toàn thư cho biết một thông tin: Năm 988, “Thái Sư Hồng Hiến chết. Hiến là người Bắc triều, thông hiểu kinh sử, thường theo vua (chỉ Lê Hoàn – người dẫn) đi đánh dẹp làm quân sư; rồi khuyên vua lên ngôi, mưu bàn việc nước có công to, vua tin dùng như tâm phúc, đến đây chết”. Phải chăng việc “khuyên vua lên ngôi” của Hồng Hiến chỉ là hình thức bề ngoài, nhằm hợp thức hóa âm mưu cướp ngôi nhà Đinh nhân khi đất nước có họa ngoại xâm? Và Phạm Cự Lạng đã theo đúng kế hoạch mà hành động, tạo nên hình ảnh Lê Hoàn được quân sĩ tôn phò? Rất tiếc là những tư liệu hiện còn không cho phép trả lời thỏa đáng những nghi vấn ấy.

Tương tự như nghi án ai giết vua Đinh, sự chuyển giao quyền lực từ triều Đinh sang triều Tiền Lê vẫn còn chứa đựng những bí ẩn đến nay chưa thể khám phá.

Vì sao vua Lê Đại Hành lập Dương Vân Nga làm Hoàng Hậu?

Trong sử Việt, Dương Vân Nga là người duy nhất hai lần làm Hoàng Hậu, mà lại là Hoàng Hậu của hai vương triều kế tiếp nhau (triều Đinh và Tiền Lê). Vua Đinh Tiên Hoàng lập Dương Vân Nga làm hậu ngoài những toan tính chính trị còn bởi vì vẻ đẹp của bà. Nhưng trong lần thứ hai làm Hoàng Hậu, Dương Vân Nga dù đã có con và không còn thanh xuân nữa mà vẫn được Lê Đại Hành sách lập. Điều gì dẫn vua Lê Đại Hành đến quyết định trên?

Lê Đại Hành vừa lên ngôi đã phải đương đầu với cuộc xâm lăng của nhà Tống. Với tài chỉ huy của ông và tinh thần đoàn kết chống giặc của quân dân Đại Cồ Việt, đầu năm 981, quân xâm lược Tống bị quét sạch khỏi bờ cõi. Khi tình hình đã yên ổn, năm 982, Lê Đại Hành quyết định lập Hoàng Hậu. Về việc này, sử cũ chép:

“Nhâm Ngọ (982)…, lập Hoàng Thái Hậu nhà Đinh là Dương Thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Hậu là vợ của Tiên Hoàng, mẹ sinh của Vệ Vương Toàn. Khi vua lấy được nước, đem vào trong cung, đến đây lập làm Hoàng Hậu, cùng với Phụng Càn Chí Lí Hoàng Hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng Hậu, Trịnh Quốc Hoàng Hậu, Phạm Hoàng Hậu làm năm Hoàng Hậu” (Đại Việt sử kí toàn thư, Kỉ nhà Tiền Lê).

Như vậy, Dương Vân Nga đã được Lê Hoàn đối xử theo một cách khác thường: lấy làm vợ. Đây là điều kì lạ vì vua Lê Đại Hành chọn ai không chọn lại đi chọn người đã có chồng có con, mà lại là Thái Hậu của triều trước, người đã giao ngai vàng cho ông. Nếu nói rằng đó là vì động cơ chính trị thì rất khiên cưỡng. Lúc ấy, vua Lê Đại Hành đã có trong tay tất cả, được quân đội ủng hộ, lại có uy danh vang dội sau khi đánh thắng quân Tống. Họ Đinh thì chỉ còn Đinh Toàn thơ dại, không có khả năng gây hại cho ông.

Sử sách không chép rõ nhưng hé lộ cho chúng ta một thông tin. Khi tóm lược về sự nghiệp của Lê Đại Hành, sách Đại Việt sử kí toàn thư có một câu rằng: “Vua nhân gian dâm trong cung mà lấy được nước” (Đại Việt sử kí toàn thư, Kỉ nhà Tiền Lê). Những câu chữ ngắn gọn ấy cho biết, Lê Đại Hành và Dương Vân Nga đã “quan hệ bất chính” với nhau trước khi Lê Đại Hành lên ngôi. Chuyện tư tình giữa họ ắt hẳn xảy ra trong thời gian Lê Đại Hành làm Phó Vương.

Nhưng không rõ Dương Vân Nga bị cưỡng ép hay thật lòng ưng thuận. Dầu sao, đó cũng được cho là nguyên do để sau này Lê Đại Hành quyết định lập Dương Vân Nga làm Hoàng Hậu. Quyết định ấy chính là biện pháp hợp pháp hóa mối quan hệ giữa hai người, để Lê Đại Hành có thể công khai tiếp tục chung sống với Dương Vân Nga.

Việc Dương Vân Nga lần thứ hai làm Hoàng Hậu như vậy là chủ yếu xuất phát từ ham muốn cá nhân của Lê Đại Hành. Lúc bấy giờ Dương Vân Nga không còn trẻ nữa nhưng chắc hẳn vẫn rất cuốn hút nên đã khiến Lê Đại Hành không màng đến luân thường và những điều tiếng để lập bà làm Hoàng Hậu nhằm thỏa sức gần gũi bên bà. Những chuyện như thế không phải là hiếm gặp trong lịch sử Đông Tây kim cổ.

Chuyện Dương Vân Nga mời Lê Đại Hành lên ngôi và rồi trở thành Hoàng Hậu nhà Tiền Lê đã lưu truyền trong dân gian, là cơ sở nảy sinh của bản diễn ca lục bát “Hoàn vương ca tích”. Theo bản ca tích này, Lê Đại Hành và Dương Vân Nga vốn có tình ý với nhau trước khi Dương Vân Nga là Hoàng Hậu nhà Đinh.

Sau khi Dương Vân Nga vào cung, hai người vẫn thường xuyên gặp gỡ và “quan hệ tư tình” với nhau. Đinh Toàn là kết quả của mối tình vụng trộm ấy. Đó là cơ sở để sau này Lê Đại Hành phong Dương Vân Nga làm Hoàng Hậu và không giết chết Đinh Toàn. Nội dung của bản diễn ca rất không hợp lí, bởi từ năm 970 đến năm 979, Lê Đại Hành dẫu có mặt ở kinh đô nhưng khó có thể gặp gỡ riêng tư với Dương Vân Nga mà tránh được con mắt dò xét của Đinh Tiên Hoàng cùng các đại thần khác. Bản diễn ca trên, do vậy, chỉ là do người thời sau đồn đoán và sáng tác mà thôi.

Dương Vân Nga đội chiếc mũ Hoàng Hậu lần thứ hai được 18 năm thì qua đời (năm 1000). Truyền thuyết kể rằng khi chung sống với Lê Đại Hành, bà đã sinh được một Công Chúa là Lê Phất Ngân, người sau là Hoàng Hậu của Hoàng Đế Lý Thái Tổ, người lập ra triều Lý thay thế triều Tiền Lê trong lịch sử.

Theo NGUYỄN THANH TUYỀN / KIẾN THỨC

Tags: , ,