‘Ai chẳng muốn hoà bình, có ai thích chiến tranh đâu’

Kể cả những người phải cầm súng, họ cũng sợ chiến tranh.

‘Ai chẳng muốn hoà bình, có ai thích chiến tranh đâu’

Ở trước cổng chợ Tân Phước, có một người đàn ông chạy xe ôm hay đứng đó vào các buổi chiều hàng ngày. Ông trầm lặng và chủ yếu chạy mối quen: thậm chí những tiểu thương và đồng nghiệp chạy xe quanh khu vực đường Âu Cơ cũng chẳng biết ông.

Nhưng đó là một số phận đặc biệt. Người đàn ông đó, trong đời, đã khoác lên mình hai màu áo lính của hai chế độ. Chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Đức đã bị bắt đi quân dịch và trở thành lính Việt Nam Cộng Hoà từ cuối năm 1974 đến khi chiến tranh kết thúc. Đúng bốn năm sau khi cởi áo lính, tới năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, chàng trai lại lên đường nhập ngũ, lần này để trở thành bộ đội, sang Campuchia chiến đấu.

Lịch sử không chứng kiến nhiều số phận như thế. Bản thân ông Đức cũng chỉ biết có ba người từng là “đồng đội” của mình trong cả hai chế độ, nhưng đều đã qua đời.

Chúng tôi ngồi cà phê trong một hẻm nhỏ ở Bình Thới, tôi hỏi ông vu vơ rằng giữa khẩu M16 và AK47, thì khẩu nào hay hơn. M16 là súng của Mỹ, được trang bị cho lính Việt Nam Cộng Hòa; còn AK47 là súng của bộ đội. Đời ông đã cầm cả hai khẩu. Ông cười cười, nói mỗi khẩu có mặt lợi mặt hại riêng. Nhưng ông không thích cầm khẩu nào cả. “Ai chẳng muốn hoà bình”.

Ông Đức – một thành viên của Biệt động quân – đã từ chối chiến đấu trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Ông chưa đụng trận một lần nào, chưa bắn một viên đạn M16 trên chiến trường. Ông bảo, bộ đội tiến vào Sài Gòn thì cũng hoang mang, nhưng mừng nhiều hơn, dù có phải lên trình diện, thì bây giờ được đi làm nuôi gia đình, không còn chiến tranh nữa. Nhà của chàng trai 18 tuổi ngày ấy có bà mẹ già với 6 đứa em nhỏ. Đi học tập cải tạo về, ông đạp xích lô nuôi các em.

Tôi lại hỏi ông rằng giữa hai lần cầm súng ấy thì điều khác nhau là gì. Ông bảo lần đầu tiên là cầm súng bảo vệ chế độ – một cái chế độ cũng chẳng biết có phải của mình hay không. Lần thứ hai, là bảo vệ lợi ích dân tộc, trước sự hoành hành của Khmer Đỏ và chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh. Hai cái này khác nhau.

Ông cho tôi xem những bức ảnh chụp ở chiến trường Campuchia hồi năm 1979. Những bức ảnh thời chiến quen thuộc, những người lính đứng cạnh nhau trên cánh đồng, bên cạnh là một khẩu cối 84 ly, nụ cười trên môi, tay khoác vai nhau. Không ai có thể biết được rằng một người trong bức ảnh ấy từng ở “bên kia chiến tuyến”. Họ chỉ đơn giản là những người Việt Nam đang cùng bảo vệ lợi ích của người Việt Nam.

Nói thì đơn giản thế, nhưng đồng đội của ông Đức kể rằng sau khi giải ngũ năm 1983, ông Đức cũng chẳng xuất hiện ở những buổi họp mặt. Bản thân tôi, khi nghe có một nhân vật như thế, bay từ Hà Nội vào, rồi nhờ đồng đội cũ kết nối mấy ngày, lùng sục quanh cổng chợ Tân Phước, mà ông vẫn tránh. Cuối cùng, tôi phải đến tận nhà. Vẫn có một sự mặc cảm nào đó từ người lính này.

Nhưng rồi trò chuyện một buổi, ông Đức cũng mở lòng. Tôi gọi đồng nghiệp đem camera đến, ông đồng ý nói chuyện trước máy hình. Ông bắt đầu lục tủ tìm những tấm huân chương, bằng khen được nhận thời chiến đấu ở Campuchia. Vẫn là sự tự hào của người đã chiến đấu vì dân tộc.

Người đàn ông đã bước qua hai cuộc chiến bây giờ chạy xe ôm, nuôi ba đứa con đi học. Thằng lớn đã tốt nghiệp đại học, thằng nhỏ đang học đại học Y, ông Đức giờ là một người bình thường đến mức tàng hình, bạn có thể (như tôi) sẽ không thể hỏi thăm được ông ở cổng chợ Tân Phước.

Bạn sẽ ngẫu nhiên gặp người đàn ông đặc biệt ấy trên đường phố Quận 11, và có thể, bạn sẽ nhìn xuyên qua ông ta. Ở người đàn ông ấy, bạn sẽ thấy một khát khao được sống một cuộc sống bình thường. Không AK47, không M16, vì “ai chẳng muốn hoà bình, có ai thích chiến tranh đâu”.

Theo ĐỨC HOÀNG / VNEXPRESS (2016)

Tags: , , ,