5 dấu hiệu rõ rệt nhất của thực trạng biến đổi khí hậu

Những dấu hiệu về biến đổi khí hậu là lời cảnh báo từ Trái đất về ảnh hưởng của chúng tới đời sống hàng ngày. Chúng ta biết rằng, việc biến đổi khí hậu đã, đang ảnh hưởng đến các hệ sinh thái trên Trái đất và tác động trực tiếp đời sống hàng ngày của con người. Cùng điểm lại những dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra.

5 dấu hiệu rõ rệt nhất của thực trạng biến đổi khí hậu

1. Thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt

Sự biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho các hiện tượng thời tiết biến chuyển theo chiều hướng cực đoan, khắc nghiệt hơn trước.

Khắp các châu lục trên thế giới đang phải đối mặt, chống chọi với các hiện tượng thời tiết cực đoan: lũ lụt, khô hạn, nắng nóng, bão tuyết…

Dự báo của IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu) chỉ ra, thế giới sẽ còn phải đón nhận những mùa mưa dữ dội hơn vào mùa hè, bão tuyết khủng khiếp hơn vào mùa đông, khô hạn sẽ khắc nghiệt hơn, nắng nóng cũng khốc liệt hơn.

Các dự báo và thống kê cho thấy, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tăng về cường độ và mức độ trong thời gian tới nếu chúng ta còn tiếp tục hủy hoại hành tinh xanh như bây giờ.

2. Mực nước biển tăng cao, nước biển đang dần ấm lên

Sự nóng lên của toàn cầu không chỉ ảnh hưởng tới bề mặt của biển mà còn ảnh hưởng tới những khu vực sâu hơn dưới mặt biển. Theo đó, ở vùng biển sâu hơn 700m, thậm chí là nơi sâu nhất của đại dương, nhiệt độ nước đang ấm dần lên.

Mực nước biển dâng với tốc độ trung bình là 1,8 mm/năm trong thế kỷ qua. Sử dụng vệ tinh đo độ cao để xác định mực nước biển, các nhà khoa học cho biết, từ năm 1993 – 2000, mực nước biển đã dâng vào khoảng 2,9 – 3,4 ± 0,4 – 0,6 mm/năm, chủ yếu do hậu quả của sự giãn nở nhiệt, nóng lên và tan chảy của các tảng băng.

Nhiệt độ gia tăng làm nước giãn nở, đồng thời làm tan chảy các sông băng, núi băng và băng lục địa khiến lượng nước bổ sung vào đại dương tăng lên.

Các nhà khoa học cảnh báo, nếu khuynh hướng gia tăng này vẫn tiếp diễn, mức nước tăng trong thế kỷ XXI có thể lên đến là 28-34cm, một số các hòn đảo hay vùng đất thấp có thể bị nhấn chìm hoàn toàn.

3. Hiện tượng băng tan ở hai cực và Greenland

Qua nghiên cứu thực nghiệm, vùng biển Bắc Cực nóng lên nhanh gấp 2 lần mức nóng trung bình trên toàn cầu, diện tích của biển Bắc Cực được bao phủ bởi băng trong mỗi mùa hè đang dần thu hẹp lại.

Theo trung tâm Dữ liệu Băng tuyết quốc gia Hoa Kỳ, tính đến ngày 16/9/2012, diện tích băng ở Bắc Cực chỉ còn 3,4 triệu km vuông. Nói cách khác, băng biển Bắc Cực đã bị mất 80% khối lượng của nó ở thời điểm hiện tại.

Năm 1995, tảng băng Larsen A trên bán đảo Nam Cực sụp đổ và bắt đầu tan chảy, những năm sau đó, các tảng băng lớn ở đây cũng sụp đổ theo, dần biến mất.

Cùng với đó, nhiệt độ phía Nam bán cầu tăng khoảng 2,8 độ C đã khiến cho băng mùa hè ở đây tan chảy nhanh gấp 10 lần với 600 năm trước. Điều này đã chứng minh rằng, mức độ tan băng ở bán đảo Nam Cực đặc biệt nhạy cảm với sự gia tăng nhiệt độ trong thế kỷ XX.

Dải băng lớn thứ hai trên thế giới sau Nam Cực – Greenland cũng đang dần biến mất với tốc độ “chóng mặt”. Ba vệ tinh của NASA phát hiện ra, gần như toàn bộ sông băng lớn của Greenland đột ngột tan chảy trong tháng 7/2012. Ngay cả trạm Summit – nơi lạnh nhất và cao nhất trên đảo Greenland cũng bắt đầu tan chảy.

Theo chuyên gia của NASA, hiện tượng băng tan chảy diện rộng tại Greenland là do có một luồng khí ấm tràn qua đảo. Họ cũng cho biết, tổng diện tích của những vùng băng tan chảy tăng từ 40% – 97% chỉ trong 4 ngày.

Mới đây, các nhà khoa học cũng đã đưa ra hình ảnh và video về băng giá 1.600 năm tuổi tan chảy chỉ trong vòng 25 năm.

4. Nền nhiệt độ liên tục thay đổi

Cho dù được đo từ đất liền hay từ vệ tinh, chúng ta không thể phủ nhận một sự thật rằng, nhiệt độ toàn cầu đang gia tăng. Cơ quan kiểm soát khí hậu thuộc Trung tâm Dữ liệu Khí hậu Quốc gia Mỹ cho biết, thập niên 80 của thế kỷ trước là thập kỷ nóng nhất tính đến thời điểm đó.

Tuy nhiên, nhiệt độ trung bình mỗi năm của thập niên 90 lại cao hơn nhiệt độ trung bình của thập niên 80. Bước sang thế kỷ XXI, mỗi một năm qua đi, nhiệt độ trung bình lại cao hơn.

Theo thống kê, 10 năm đầu của thế kỷ XXI đánh dấu sự gia tăng nhiệt độ lớn với sức nóng kỷ lục của Trái đất. Nhiệt độ trung bình toàn cầu tính trên mặt đất và mặt biển đã tăng khoảng 0,74 độ C trong thế kỷ qua.

Những nhà khoa học thuộc trường ĐH tiểu bang Oregon và ĐH Harvard (Mỹ) đã khảo sát dữ liệu từ 73 mẫu băng, đá trầm tích tại các trung tâm theo dõi trên khắp thế giới. Họ muốn tái lập một lịch sử nhiệt độ trên khắp hành tinh kể từ thời điểm chấm dứt kỷ nguyên băng hà cuối cùng.

Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận rằng, nhiệt độ Trái đất tăng cao nhất trong 11.000 năm qua và có thể còn tăng thêm 5 độ nữa trong 100 năm tới.

5. Nồng độ carbon dioxide trong khí quyển đang tăng lên

Bằng cách phân tích các bong bóng khí trong băng ở Nam Cực và Greenland, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận rằng, 650.000 năm qua, nồng độ khí carbon dioxide (CO2) dao động từ 180 – 300ppm (đơn vị đo lường để diễn đạt nồng độ theo khối lượng, tính theo phần triệu).

Trước khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra (giữa thế kỷ XVIII), nồng độ CO2 đo được ở mức cân bằng khoảng 280ppm. Tuy nhiên, con số này đã tăng nhanh không ngừng qua các năm sau đó và hiện tại nó đang tiến sát tới mốc 400ppm.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE), từ nay đến năm 2050, việc thải khí CO2 sẽ tăng 130%, lên đến 900ppm, cao gấp đôi hàm lượng mà ta không được phép vượt quá.

Việc phân tích các đồng vị của carbon trong khí quyển cho thấy sự gia tăng CO2 trong khí quyển là kết quả của việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và đốt rừng, chứ không phải là kết quả của quá trình tự nhiên.

Carbon dioxide là khí nhà kính, làm tăng tính hiệu ứng nhà kính của khí quyển và do đó dẫn đến sự nóng lên của Trái đất.

Theo BIENDOIKHIHAU.GOV.VN

Tags: