5 chỉ số sức khỏe cần kiểm tra thường xuyên

Huyết áp, cân nặng, vòng bụng, đường máu, mỡ máu là các chỉ số mỗi người cần kiểm tra thường xuyên để tránh nguy cơ mắc bệnh nặng.

5 chỉ số sức khỏe cần kiểm tra thường xuyên

Với mọi người, dù đang ốm đau hay khỏe mạnh, bác sĩ đều khuyên nên kiểm tra 5 chỉ số dưới đây định kỳ.

1. Huyết áp

Mọi thành viên trong gia đình chúng ta đều nên tạo thói quen đo huyết áp định kỳ một vài tháng một lần nhé! Vì bệnh cao huyết áp có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong tương lai và đang có xu hướng trẻ hóa.

Với người đã được chẩn đoán cao huyết áp, thói quen đo huyết áp đều đặn mỗi ngày rồi ghi lại giúp hỗ trợ bệnh nhân cũng như bác sĩ trong việc kiểm soát huyết áp, thay đổi thói quen, lối sống và điều chỉnh thuốc men hợp lý.

Ngoài ra, đo huyết áp tại nhà giúp bác sĩ chẩn đoán phân biệt giữa bệnh cao huyết áp với tình trạng tăng huyết áp do hội chứng áo choàng trắng (là tình trạng huyết áp chỉ tăng khi đo ở các cơ sở y tế do tâm lý lo lắng, sợ thầy thuốc và bệnh viện).

2. Cân nặng

Cân nặng phản ánh rất nhiều tình trạng sức khỏe nói chung của chúng ta. Ở tuổi trưởng thành, khi cân nặng chúng ta thay đổi, đồng nghĩa với việc đang có sự thay đổi về thể chất và cả chuyển hóa trong cơ thể.

Khi cân nặng tăng quá nhanh, chúng ta cần lưu ý lại chế độ dinh dưỡng và thói quen vận động thể dục, thể thao. Khi cân nặng giảm bất thường, chúng ta cần lưu tâm đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, trong đó những bệnh lý như tiểu đường, ung thư… thường làm cơ thể sụt giảm cân nặng rất nhanh trong một thời gian ngắn.

3. Vòng bụng

Khi cơ thể chúng ta có chỉ số khối cơ thể BMI bình thường thì việc kiểm tra vòng bụng cũng rất quan trọng vì nhiều người bị béo bụng, đồng nghĩa với khả năng cao cơ thể đang quá nhiều mỡ nội tạng (một loại mỡ rất không tốt cho cơ thể chúng ta, đặc biệt chúng liên quan mật thiết đến các biến cố tim mạch như cao huyết áp, đột quỵ, phồng lóc động mạch chủ và cả tiểu đường).

Vòng eo nên duy trì dưới 94 cm (37 inches) ở nam giới và dưới 80 cm (31.5 inches) ở nữ giới, mọi người nhé!

Cách đo vòng eo đúng: Chúng ta chọn điểm giữa đường nối giữa điểm thấp nhất xương sườn số 12 (xương sườn cuối) và mào chậu cùng bên, rồi lấy thước dây đo vòng bụng qua vị trí này ở thì cuối thì thở ra, lưu ý không để dây quá lỏng hay quá chặt, không xoắn vặn và không đo sau ăn no hay đang mang bầu.

4. Đường máu

Hiện nay, khoảng 50% các trường hợp bị tiểu đường mà không hề hay biết do với bệnh lý này, thường xuất hiện và phát triển âm thầm. Đó là lý do vì sao chúng ta nên tạo thói quen đi kiểm tra đường máu 6 tháng một lần.

Hơn nữa, nếu chúng ta phát hiện được những rối loạn đường máu sớm thì hoàn toàn có thể thay đổi được nó dựa vào lối sống, ăn uống và tập luyện thể dục, thể thao cũng như tránh được những biến chứng nguy hiểm nếu để bệnh tiểu đường tiến triển một thời gian rồi mới phát hiện ra.

5. Mỡ máu

Mỡ máu cao là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid rất thường gặp hiện nay và cũng là nguyên nhân gốc rễ của nhiều những biến cố sức khỏe nghiêm trọng như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não…

Xét nghiệm mỡ máu là một thông số rất quan trọng giúp người thầy thuốc định hướng được nguy cơ bệnh tật cũng như đưa ra những lời khuyên về dinh dưỡng, lối sống giúp chúng ta có một cơ thể khỏe mạnh.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: