13 dấu hiệu sai lầm trong nuôi dạy con của kiểu cha mẹ ‘độc hại’

Hầu hết phụ huynh nỗ lực để nuôi dạy con tốt. Nhưng nhiều người trong số họ vẫn phạm phải sai lầm, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.

13 dấu hiệu sai lầm trong nuôi dạy con của cha mẹ

Nhiều phụ huynh nuôi dạy con theo phương châm “yêu cho roi cho vọt”. Họ tin tưởng nghiêm khắc là cách giáo dục con trưởng thành, tự lập. Tuy nhiên, không ít người trưởng thành, thất bại trong cuộc sống vì hồi nhỏ, họ không được cha mẹ tạo cảm giác an toàn và tin tưởng.

Cha mẹ phê bình con cái không phải điều hiếm gặp. Sự phê bình hợp lý giúp trẻ nhận ra sai lầm và rèn tính nết. Tuy nhiên, những người thường xuyên chê bai, chỉ trích con lại khiến trẻ tự ti và hình thành thói quen chỉ trích người khác.

Cha mẹ độc hại thường biến con cái thành vật phụ thuộc khi luôn yêu cầu trẻ chú ý đến họ. Thay vì tạo gắn kết giữa 2 thế hệ, đòi hỏi vô lý này hình thành nên mối quan hệ ký sinh, làm trẻ mất thời gian và năng lượng. Phụ huynh cần cho con đủ không gian để phát triển và không yêu cầu trẻ tương tác liên tục với họ.

Nhiều cha mẹ thường xuyên buông lời đùa cợt độc hại với con. Họ lấy chiều cao, cân nặng của trẻ ra làm trò đùa, khiến trẻ cảm thấy bản thân tồi tệ. Nếu quan tâm đến con cái, muốn con giải quyết vấn đề, họ nên nói chuyện tử tế, chân thành thay vì bông đùa ác ý về khuyết điểm của con.

Phụ huynh độc hại khiến con tự biện minh cho sai lầm khủng khiếp của họ. Họ có thể xoay chuyển mọi tình thế để phù hợp nhu cầu của họ. Điều này khiến trẻ rơi vào 2 lựa chọn – chấp nhận cha mẹ sai hoặc nhận mọi lỗi lầm về mình. Trong hầu hết trường hợp, trẻ em, thậm chí người trưởng thành, chọn phương án 2.

Một số cha mẹ không cho con thể hiện cảm xúc tiêu cực. Đương nhiên, việc cho trẻ nhìn thấy mặt tích cực của vấn đề là tốt. Tuy nhiên, phụ huynh không nên vì thế mà gạt bỏ hoàn toàn cảm xúc tiêu cực của con. Điều này khiến trẻ không biết cách thể hiện cảm xúc của bản thân, dẫn đến trầm cảm và khó xử lý vấn đề cảm xúc khi trưởng thành.

Một số phụ huynh giữ thói quen dọa nạt con. Những đứa trẻ được yêu thương, hỗ trợ và kết nối sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi trưởng thành. Kỷ luật cho con là cần thiết song cha mẹ không nên dọa nạt, khiến con sợ hãi và tổn thương tâm hồn.

Nhiều cha mẹ tin rằng cảm xúc của họ cần được đặt lên hàng đầu trong gia đình. Tư tưởng cổ hủ này không nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực. Phụ huynh thường chịu trách nhiệm quyết định trong nhà, từ bữa tối ăn gì đến kế hoạch nghỉ lễ nhưng họ cần phải quan tâm đến cảm xúc của trẻ. Phụ huynh độc hại thường buộc con kìm nén cảm xúc để người lớn dễ chịu.

Cùng con thực hiện mục tiêu của con tưởng chừng là sự hỗ trợ tốt cho trẻ. Nhưng thực tế, nhiều cha mẹ sốt sắng đến mức làm thay mọi việc để con hoàn thành mục tiêu. Điều này khiến trẻ khó tự lập và dễ sa sút trong cuộc sống sau này.

Cha mẹ độc hại còn sử dụng cảm giác tội lỗi và tiền bạc để thao túng trẻ. Thậm chí khi con trưởng thành, họ vẫn dùng 2 yếu tố này để kiểm soát con. Họ tặng con món quà đắt tiền rồi chờ đợi được đáp lại. Nếu con không làm như họ mong muốn, những bậc phụ huynh này sẽ khiến con cảm thấy ăn năn, áy náy.

Phụ huynh độc hại còn chọn cách im lặng để ứng phó với con. Nếu đang quá tức giận, không thể giữ bình tĩnh để nói chuyện, cha mẹ vẫn nên nói với con, đề nghị tạm dừng tranh luận thay vì đột nhiên im lặng rồi phớt lờ con.

Cha mẹ có thể biện minh cho việc theo dõi sát sao con, thậm chí rình mò trong một số tình huống để đảm bảo an toàn cho con. Nhưng nếu bỏ qua những ranh giới cần thiết như tự tiện vào phòng con mà không gõ cửa, họ trở thành phụ huynh độc hại. Điều này khiến khi lớn lên, con khó nhận ra và hiểu biết đâu là ranh giới cần thiết giữa người với người.

Phụ huynh độc hại còn bắt con chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của cha mẹ. Nhiều người suốt ngày nhắc mãi với con việc họ đã hy sinh như thế nào vì con. Nhưng thực tế, không đứa trẻ nào phải gánh vác trách nhiệm về hạnh phúc hay bất hạnh của người lớn.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,