10 tác phẩm văn học tiêu biểu về cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại

Trong số những người đã chiến đấu ở ngoại ô Moskva, Stalingrad, những người đã đi nửa vòng châu Âu và giải phóng Berlin, hầu như không còn ai sống sót. Nhưng những cuốn sách của các nhà văn-cựu chiến binh vẫn còn đó như những nhân chứng về nỗi đau thương, mất mát và niềm vui chiến thắng. Chúng nhắc nhở về quá khứ hào hùng và một lần nữa giúp chúng ta nhớ lại những gì không được phép lãng quên.

10 tác phẩm tiêu biểu về cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại

1. “Tên anh không có trong danh sách” của Boris Vasilyev

Tiểu thuyết “Tên anh không có trong danh sách” của Boris Vasilyev  được xuất bản năm 1974, câu chuyện diễn ra vào những ngày đầu tiên của cuôc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Ngày 21/6/1941, anh lính trẻ Nikolay Pluzhnikov được điều tới pháo đài Brest. Pluzhnikov chưa kịp tới đơn vị  mình để đăng ký thì cả pháo đài đã bị đánh phủ đầu,  sau đó bộ binh Đức bắt đầu tràn ngập Brest.

Tuy cố gắng chống đỡ, đồng đội của Pluzhnikov lần lượt ngã xuống, còn bản thân anh phải ẩn nấp trong hệ thống hầm hào của pháo đài để tiếp tục chiến đấu. Sau 9 tháng kháng cự, cuối cùng Pluzhnikov cũng bị bắt. Khi các sĩ quan Đức hỏi anh về tên tuổi, cấp bậc, chức vụ, Nikolay Pluzhnikov chỉ trả lời: “Tôi, người lính Nga” và qua đời.

2. “Những người sống và những người chết” của Konstantin Simonov

Lần đầu tiên được xuất bản năm 1959, tiểu thuyết sử thi của Konstantin Simonov “Những người sống và những người chết” là một trong những cuốn sách chính của nhà văn, bao quát toàn bộ các sự kiện từ khi chiến tranh bùng nổ đến bước ngoặt của nó ở ngoại ô Moskva.

Cốt truyện của tác phẩm được hình thành từ bút ký “Một ngày nóng bỏng” viết về chiến công của trung đoàn bộ binh 388 đã tiêu diệt 39 xe tăng Đức ở vùng ngoại ô Mogilyov trong một ngày đêm. Đây là trận chiến đấu đầu tiên trong cuộc đời Simonov.

Nhiều năm sau, trong di chúc của mình, ông đề nghị rải tro cốt của ông xuống cánh đồng Buinichi, nơi lần đầu tiên hai nhân vật của tiểu thuyết “Những người sống và những người chết”, tướng Serpilin và phóng viên Sintsov gặp nhau.

3. “Bị nguyền rủa và giết hại” của Viktor Astafyev

Được sáng tác vào đầu những năm 1990, bộ tiểu thuyết “Bị nguyền rủa và giết hại” của Viktor Astafyev gồm hai phần: “Hố quỷ” và “Căn cứ điểm”. “Hố quỷ” (1992) mô tả những điều kiện sinh hoạt và tâm trạng của các tân binh khi chuẩn bị bước vào những trận chiến sắp tới. “Căn cứ điểm” (1994) kể về những chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã vượt sông Dnepr để chiến đấu với kẻ thù, giúp chúng ta nhìn thấy cái chết như vốn có – đau thương và vô nghĩa.

Tác giả viết về những nỗi kinh hoàng, lòng căm giận, sự ghê tởm – những cảm giác thật khủng khiếp, nhưng cần thiết để những gì được mô tả không bao giờ lặp lại.

4. “Tuyết bỏng” của Yury Bondarev

Tiểu thuyết “Tuyết bỏng” của Yury Bondarev được xuất bản năm 1970, câu chuyện diễn ra ở ngoại ô Stalingrad vào mùa đông năm 1942.

“Tuyết bỏng” viết về con người, về cuộc chiến, về tình yêu, về sự sống và cái chết trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Tác phẩm như một bức tranh được vẽ ngay tại chiến trường: thử thách, khó khăn, đau đớn, yêu thương, thù hận và không thể thiếu sự mất mát.

Các nhân vật: trung úy Kuznetsov, trung úy Drozdovsky, nữ y tá Zoya Yelagina, tướng Bessonov… đều có những quyết định và hành động khó khăn chỉ trong một ngày ngắn ngủi của cuộc chiến tàn khốc. Họ không những phải chiến đấu chống quân Đức mà còn phải chống chọi lại cái lạnh, cái đói, và những xung đột tình cảm. Chiến tranh dù ác liệt đến đâu cũng không ngăn được những biểu hiện của tình yêu. Cái chết của Zoya cũng là một sự thật của bức tranh cuộc chiến, một sự thật đẫm máu và nước mắt.

5. “Sotnikov” của  Vasil Bykov

Truyện vừa “Sotnikov” của Vasil Bykov lần đầu tiên được công bố trên tạp chí “Thế giới mới” năm 1970. Các nhân vật chính – hai chiến sĩ du kích  Sotnikov và Rybak trong tác phẩm phải đối mặt với một lựa chọn đầy khó khăn: phản bội và sống sót, hoặc hy sinh như những con người trung thực. Họ không những chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà còn giải quyết những tình huống đạo đức khó khăn. Tác giả quan tâm không những vấn đề sống sót hay chiến thắng mà còn cả vấn đề hành động của con người trong những điều kiện phi nhân.

Ở đây, Bykov không vội vã đưa ra những câu trả lời dứt khoát. Thế nhưng, trong bộ phim “Lên cao” của đạo diễn Larisa Shepitko, dựa theo truyện vừa nói trên, vấn đề được đặt ra rõ ràng hơn: trong phim xuất hiện các mô típ kinh thánh, Sotnikov (do Boris Plotnikov đóng) giống như một vị thánh, còn Rybak (Vladimir Gostyukhin) biến thành Giuda thực sự.

6. “Trong chiến hào Stalingrad” của Viktor Nekrasov

Lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí “Ngọn cờ” vào năm 1946, truyện vừa “Trong chiến hào Stalingrad” của Viktor Nekrasov là cuốn sách đầu tiên nói lên “sự thật chiến hào” đích thực. Vì thế, ngay lập tức nó được độc giả mến mộ, đồng thời bị các nhà phê bình chỉ trích gay gắt. Nhà văn bị buộc tội “coi thường chiến công của nhân dân” cho tới khi câu chuyện về trung úy Kerzhentsev bất ngờ được trao tặng giải thưởng Stalin.

Chẳng bao lâu, dựa trên mô típ của truyện vừa này, đạo diễn Aleksandr Ivanov đã làm bộ phim “Những người lính” với sự tham gia của diễn viên trẻ Smoktunovsky (nhân tiện xin nói, chính Nekrasov đóng vai tù binh Đức). Nhìn chung, đây là một bộ phim thành công, tuy nhiên vì lý do chính trị nó đã bị cấm phát hành, mặc dù đoạt giải thưởng của Liên hoan phim toàn quốc và không bị Stalin nhắc nhở.

7. “Cuộc đời và số phận” của Vasily Grossman

Bắt đầu sự nghiệp văn học trước chiến tranh, trong những năm chiến tranh, Vasily Grossman làm phóng viên mặt trận. Bộ tiểu thuyết sử thi “Cuộc đời và số phận” của ông gồm hai tập, được viết trong những năm 1950-1959.

So với tập 1 “Vì chính nghĩa”, được viết theo tinh thần của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, tập 2 “Cuộc đời và số phận” là bản anh hùng ca hoành tráng mang tính thời đại, được các nhà phê bình coi như một “Chiến tranh và hòa bình” của thế kỷ 20. Grossman sáng tác bộ tiểu thuyết này vào cuối thập niên 50, nhưng cuốn sách chỉ được ra mắt độc giả Nga mùa xuân năm 1988 trong bốn số đầu của tạp chí “Tháng Mười”. Ngay sau khi được công bố, các nhà phê bình văn học và độc giả Liên Xô đã nhất trí coi “Cuộc đời và số phận” là một tác phẩm được liệt vào hàng mẫu mực, đỉnh cao của văn xuôi Xô viết.

8. “Trung úy của tôi” của Daniil Granin

“Trung úy của tôi” là cuốn tiểu thuyết về cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Daniil Granin, được công bố năm 2011. Trong  tác phẩm này, chiến tranh không chỉ là một sự kiện lịch sử khủng khiếp mà còn là một trạng thái ý thức. Bạn đọc được biết về cuộc sống chiến hào của những người lính ở ngoại ô Leningrad, về tất cả những thử thách sau chiến tranh của thành phố bên bờ sông Neva từ một trung úy trẻ và từ một ông già nhớ lại quá khứ của mình.

Rõ ràng đây là hai con người hoàn toàn khác nhau, họ nhìn cuộc sống khác nhau. Một người – vô tư và lãng mạn – quen chiến đấu mà không cần bàn luận. Người kia đầy sáng suốt và hiểu giá trị của cuộc sống, không còn nhìn thấy người Đức nào cũng là kẻ thù và bắt đầu đào bới tận gốc rễ của những gì đang xảy ra. Có lẽ, tác giả viết cuốn sách này để bằng cách nào đó hòa giải hai con người này với nhau.

9. “Khoảnh khắc của sự thật” của Vladimir Bogomolov

Được xuất bản năm 1974, “Khoảnh khắc của sự thật” (“Tháng tám năm bốn tư”) viết về một trong những đề tài quân sự bị cấm – hoạt động của cơ quan đặc nhiệm phản gián khét tiếng SMERSH chuyên tìm kiếm, tiêu diệt và tuyển mộ các đặc vụ của kẻ thù và các phần tử chống Liên Xô.

“Khoảnh khắc của sự thật” đã được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ.  Trong tác phẩm này, tác giả sử dụng biệt ngữ chuyên môn của các chiến sĩ tình báo, các sự kiện có thật và tài liệu thực tế: chỉ thay đổi họ, tên của các sĩ quan, tên của các khu dân cư và xóa các thông tin chính thức. Các sĩ quan trong nhóm của đại úy Alyokhin kể về bản thân và về việc trong một thời gian rất ngắn họ đã truy tìm các điệp viên Đức Quốc xã trên lãnh thổ nước Belarus vừa mới giải phóng và khai thác được “khoảnh khắc của sự thật”.

10. “Chết ở ngoại ô Moskva” của Konstantin Vorobyov

Truyện vừa “Chết ở ngoại ô Moskva” của Konstantin Vorobyov lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí “Thế giới mới” năm 1963 nhờ những nỗ lực của tổng biên tập Aleksandr Tvardovky. Tác phẩm được xuất bản với rất nhiều chỉnh sửa của kiểm duyệt, và bị nhà phê bình Nikolay Lesyuchevsky gọi là “vu khống”. Câu chuyện kể về 240 đồng đội trẻ của Alexey Yastrebov đang cố gắng đứng vững trong một trận chiến không cân sức ở làng Lotoshino, ngoại ô Mosskva. Chống lại họ, những chiến sĩ chỉ được trang bị súng trường tự động, lựu đạn và cocktail Molotov là một lực lượng lớn gồm các xạ thủ súng máy, súng cối, máy bay ném bom và xe tăng của Đức.

Theo TRẦN HẬU / VĂN NGHỆ CÔNG AN 

Tags: , , ,