10 nguyên tắc vàng trong quản trị tài chính cá nhân

Những nhà đầu tư cá nhân thường không có thời gian cũng như kỹ năng để theo dõi các bước ngoặt lớn về tài chính, về thị trường chứng khoán… hay hiểu rõ những chỉ số tài chính, các chính sách tiền tệ của chính phủ, cũng như động thái của các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Sau đây, xin đưa ra 10 nguyên tắc cơ bản về quản trị tài chính cá nhân để bạn có thể bảo tồn vốn và đầu tư hiệu quả.

10 nguyên tắc vàng trong quản trị tài chính cá nhân

1. Nhất quán trong các kế hoạch chi tiêu

Một trong những nguyên tắc đầu tiên của việc quản trị tài chính cá nhân là bạn phải nhất quán và có kỷ luật. Khi lên danh mục vốn đầu tư bao gồm: những cổ phiếu; trái phiếu; cổ phần trong những quỹ đầu tư hoặc những khoản tiền gửi ngân hàng, bạn cần giữ vững tỷ lệ tương quan giữa chúng. Không vì bất cứ một sự dao động ngắn hạn nào của thị trường, sự xuất hiện một ‎ý tưởng đầu tư mới hay những cổ phiếu mới xuất hiện mà bạn lại thay đổi phương pháp đã được xác lập. Ngoài ra, bạn cần định kỳ “đổ” thêm tiền vào danh mục đầu tư của bạn. Điều này có thể không dễ dàng, nhất là khi thị trường tại thời điểm đó không tăng trưởng, bạn không nhìn thấy vốn đầu tư tăng lên và không nhận được sự thỏa mãn tức thời. Nhưng việc định kỳ tăng vốn đầu tư sẽ triệt tiêu hóa sự dao động của thị trường.

2. Suy nghĩ trước khi ra quyết định tiêu tiền

Rất nhiều người tham hàng rẻ nên mua vượt quá mức cần thiết. Như vậy, hàng hóa vừa không tươi, vừa lãng phí. Tìm kiếm hàng rẻ, mua với lượng thích hợp mới là người tiêu dùng thông minh.

Hạnh phúc không thể mua được bằng tiền, nhưng nhiều người cứ “cố đấm ăn xôi” cuối cùng trở thành “tù chung thân” của những món nợ. Chắc hẳn bạn đã gặp phải tình huống như sau: bạn nhìn thấy một đồ vật gì đó trong cửa hàng và thấy rằng vật này rất cần cho mình nên bỏ tiền ra mua, nhưng sau đó một tuần hay một tháng bạn không còn nhớ gì đến chúng nữa. Ham muốn có được những đồ vật mà mình thích, nhưng không thực sự cần thiết là một thói quen “có hại cho túi tiền” của bạn. Vậy bài học ở đây là gì? Nếu bạn muốn tìm kiếm hạnh phúc, thì chắc chắn không thể tìm thấy trong các Trung tâm thương mại.

3. Đừng bao giờ quên gia đình

Gia đình đồng thời là một khoản vốn và một khoản nợ quan trọng của bạn. Nếu như bố mẹ bạn (hoặc con cái bạn) đang gặp khó khăn về tài chính, thì hiển nhiên bạn phải giúp đỡ họ và ngược lại. Bạn không bao giờ được quên điều này. (Con cái không những là người thừa kế tài sản sau khi bạn mất đi mà chúng còn thừa kế cả những thói quen về tài chính của bạn. Hãy dạy chúng có những quan niệm đúng đắn về tiền bạc). Khi sử dụng tiền bạc, bạn đừng bao giờ quên những hậu quả của những hành động mà nó có thể gây ra cho gia đình mình.

4. Tối thiểu chi phí tài chính

Bạn đừng bao giờ quên rằng, sự thành công trong đầu tư của bạn bao giờ cũng phải san sẻ với hai người nữa đó là những người môi giới và phòng thuế. Nếu không muốn chia lợi nhuận thu được ra làm ba phần, bạn cần nghĩ cách hạn chế các chi phí đầu tư và trả thuế ở mức thấp nhất trong chừng mực có thể.

5. Có sự tham khảo trước khi hành động

Phần lớn những nhà đầu tư nghiệp dư đều không có thời gian, hứng thú, kiến thức và cuối cùng là sự nhẫn nại để thực hiện các phi vụ đầu tư độc lập một cách thành công. Thậm chí, ngay cả khi bạn đầu tư thành công và thu được lợi nhuận, điều này hoàn toàn không có nghĩa là bạn đã biến thành một người có uy tín trong lĩnh vực tài chính. Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ của các nhà môi giới hay tư vấn tài chính cũng chưa chắc đã đảm bảo sự thành công cho những quyết định đầu tư của bạn. Rất nhiều chuyên gia đòi hỏi giá cả dịch vụ rất cao. Bản thân bạn với một cái bằng về tài chính thì chưa đủ hiểu biết cũng như kinh nghiệm để hiểu được rắc rối của thị trường tài chính. Chính vì vậy, khi lựa chọn một nhà tư vấn tài chính, bạn phải đặc biệt cẩn trọng.

6. Thực hiện nguyên tắc “Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”

Khi nói về sự cần thiết phải đa dạng hóa danh mục đầu tư, các chuyên gia tài chính thường dựa trên luận điểm rằng đây là phương pháp cần thiết để giảm sự mạo hiểm: nếu một hướng đầu tư nào đó của bạn đang trong chiều hướng lỗ thì có thể hướng khác vẫn đem lại lợi nhuận cho bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ‎ý rằng khi xảy ra những cuộc khủng hoảng tài chính lớn thì sự đa dạng cũng không có‎ ý nghĩa nhiều lắm. Hoặc trong những thị trường khác nhau thì độ dao động và mức độ thu nhập trong năm cũng khác nhau, ví dụ thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng chậm hơn thị trường ở những nước phát triển, nhưng độ dao động của nó cũng thấp hơn hẳn. Trái phiếu không bao giờ giảm giá nhanh chóng như cổ phiếu.

7. Đừng quên lạm phát

Thậm chí, ngay cả khi mọi việc xung quanh vẫn đang diễn ra tốt đẹp, tiền tiết kiệm và các khoản đầu tư của bạn vẫn đang sinh sôi nảy nở, thì bạn vẫn đang mất một số tiền nhất định hàng năm vì lạm phát. Chính vì vậy, bạn không nên quá chú ‎ý tới con số lãi trên giấy tờ mà nên đánh giá nó trong sự tương đối – tức là % thu nhập của bạn không được phép thấp hơn % lạm phát.

8. Không có một lĩnh vực đầu tư nào tốt nhất

Một lĩnh vực tốt hay xấu lệ thuộc vào sở trường của mỗi cá nhân. Muốn đầu tư vào lĩnh vực nào, yêu cầu lĩnh vực đó phải có nhu cầu và độ tuổi của cầu. Bên cạnh đó, yếu tố thứ ba phải có độ mạo hiểm (Lưu ý: độ mạo hiểm phải trong tầm kiểm soát của mình). Nguyên tắc thứ tư là có lợi thế bản thân. Hội tụ đầy đủ 4 yếu tố trên khi đó bạn có một ý tưởng tốt để đầu tư vào lĩnh vực sở trường.

9. Đảm bảo tính thanh khoản cao

Tính thanh khoản chỉ mức độ mà một tài sản bất kỳ có thể được mua hoặc bán trên thị trường mà không làm ảnh hưởng đến giá thị trường của tài sản đó. Ví dụ: chứng khoán hay các khoản nợ, khoản phải thu… có khả năng đổi thành tiền mặt dễ dàng, thuận tiện cho việc thanh toán hay chi tiêu. Một tài sản có tính thanh khoản cao thường được đặc trưng bởi số lượng giao dịch lớn. Trong kế toán, tài sản lưu động được chia làm năm loại và được sắp xếp theo tính thanh khoản từ cao đến thấp như sau: tiền mặt, đầu tư ngắn hạn, khoản phải thu, ứng trước ngắn hạn, và hàng tồn kho.

Như vậy, tiền mặt có tính thanh khoản cao nhất, luôn luôn dùng được trực tiếp để thanh toán, lưu thông, tích trữ. Còn hàng tồn kho có tính thanh khoản thấp nhất vì phải trải qua giai đoạn phân phối và tiêu thụ chuyển thành khoản phải thu, rồi từ khoản phải thu sau một thời gian mới chuyển thành tiền mặt.

10. Chúng ta chính là thị trường

Ai trong chúng ta cũng muốn kiếm được lợi nhiều nhất từ thị trường. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều đó, vì thị trường chính là chúng ta, vậy nên nếu trong chúng ta có kẻ thắng, thì tức là sẽ có người thua.

Thông thường, mọi người chỉ muốn kết thúc một phi vụ giao dịch khi nhận được lợi nhuận cao nhất có thể. Ví dụ như bạn đánh giá giá trị ngôi nhà của mình là một triệu USD. Bởi vì người hàng xóm của bạn đã bán nhà của họ với giá một triệu USD vào năm ngoái. Vì vậy, sau khi thông báo bán nhà suốt cả ba tháng mà họ vẫn không tìm được người mua. Một l‎ý do đơn giảnlà giá trị ngôi nhà của họ vào thời điểm hiện tại chỉ là 800.000 USD.

Hơn nữa, nếu tính đến những chi phí phải trả cho những nhà môi giới, thuế, sửa chữa theo yêu cầu nào đó của người mua… thì bạn không thể thu được con số cao nhất mà bạn chỉ có thể nhìn thấy trong các bản báo cáo hoặc phân tích tài chính.

Chúng ta là thị trường của chính mình. Hiểu rõ điều này, bạn sẽ quản lý tiền hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, cần nắm vững quy luật phát triển của từng lĩnh vực tài chính mà bạn đầu tư để tái cấu trúc.

Theo TÀI CHÍNH GIA ĐÌNH

Tags: